Hội nghị mới nhất diễn ra hôm thứ Ba 10/11 tại Hà Nội. | Tàu hải quân Việt Nam |
Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản đã mở các hội nghị về tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc quý 4/2009 tại một số địa phương.
Hội nghị mới nhất diễn ra hôm thứ Ba 10/11 tại Hà Nội.
Trước đó, hôm 21/10 một hội nghị tương tự được tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Điều này cho thấy đang có các nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, cho dù thông tin về chủ đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn hạn chế.
Giới bình luận nhận xét chính quyền Việt Nam đang phải đi nước cờ thận trọng: một mặt không làm các nước có cùng tranh chấp lãnh hải, nhất là Trung Quốc, bất bình; mặt khác khơi gợi lòng yêu nước của người dân và tận dụng hỗ trợ của dư luận trong việc bảo vệ quyền lợi ngoài khơi.
Tháng 11 này, Việt Nam cũng sẽ tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về Biển Đông trong nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển.
Báo chí Việt Nam cho hay, tại các hội nghị của ban Tuyên giáo Trung ương, người tham dự đã nghe các báo cáo " về tình hình biển Đông; về công tác tuyên truyền biển, đảo; tình hình phân giới, cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng".
Việc Việt Nam và Trung Quốc tuần vừa rồi hoàn thành việc cắm ba cột mốc cuối cùng trên đất liền tại khu vực tranh cãi cửa sông Bắc Luân đã được ca ngợi như "điểm sáng" trong công tác phân giới cắm mốc.
Hai nước sẽ ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền và các hiệp định đi kèm vào cuối năm nay.
Bảo vệ chủ quyền biển
G̀ân đây, chủ đề biển đảo đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt sau các vụ ngư dân Việt Nam bị hạn chế hoạt động và ngược đãi khi hành nghề tại ngư trường mà Việt Nam coi là truyền thống của mình.
Quốc hội Việt Nam hiện đang họp tại Hà Nội theo kế hoạch sẽ thông qua Luật về Dân quân Tự vệ, trong đó có điểm nói về phát triển lực lượng dân quân, tự vệ biển, "làm nòng cốt bảo vệ người dân trên biển".
Trong nghị trình chuyến thăm (Malaysia của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào), lãnh đạo hai nước sẽ đề cập tới tranh chấp Biển Đông và ranh giới thềm lục địa. Các nhà quan sát nói đây là bước tiếp theo trong nỗ lực song phương hóa vấn đề Biển Đông của Trung Quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Lê Quang Bình, được báo chí trích lời nói theo đề cương, "dân quân biển được tổ chức ở các xã ven biển, các xã đảo; còn tự vệ biển được tổ chức ở các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế hoạt động trên biển như các hợp tác xã đánh cá, đơn vị vận tải trên biển".
Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến phản biện về việc trang bị vũ khí cho dân quân biển, cho đây là hành động "nguy hiểm" đối với tính mạng của ngư dân.
Một số tướng của Việt Nam nay nói với các phóng viên rằng họ chủ trương không tổ chức trang thiết bị vũ khí chiến đấu cho dân quân tự vệ biển trong thời bình, và việc này chỉ có thể xảy ra khi có chiến tranh.
Sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, trong đó tăng thêm số tiền chi cho Chương trình Biển Đông và hải đảo 38 tỷ đồng.
Hiện chưa rõ số tiền này sẽ được chi tiêu vào những khoản gì.
Việt Nam vẫn chủ trương giải quyết bất đồng tại Biển Đông thông qua "giải pháp chính trị, đàm phán hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982".
Tuy nhiên nỗ lực của các quốc gia liên quan trong việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xừ chi tiết tiếp theo Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông đã ký năm 2002 đang gặp khó khăn, một phần vì thái độ của Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc hiện đang thăm Malaysia, chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc trong 15 năm nay.
Trong nghị trình chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ đề cập tới tranh chấp Biển Đông và ranh giới thềm lục địa. Các nhà quan sát nói đây là bước tiếp theo trong nỗ lực song phương hóa vấn đề Biển Đông của Trung Quốc.
Hồi tháng Năm, Việt Nam và Malaysia đã nộp báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông, mà Trung Quốc đã nhanh chóng phản đối.
|