Home Tin Tức Thời Sự Nạn buôn người lên đến mức báo động trên toàn thế giới

Nạn buôn người lên đến mức báo động trên toàn thế giới PDF Print E-mail
Thứ Sáu, 13 Tháng 11 Năm 2009 18:00

Nạn buôn bán người được xem là nô lệ thời đại mới.


VOA, 13/11/2009

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính mỗi năm có tới 800,000 nạn nhân của nạn buôn bán người vượt qua các biên giới quốc tế. Hoa Kỳ thường là một điểm đến cho nhiều người trong số các nạn nhân này, và đây là nơi họ bị giam giữ trong tình trạng mà nhiều nhà hoạt động nhân quyền coi là nô lệ thời đại mới. Một số nhà hoạt động này đã tham gia Hiệp Ước Nhân Quyền ở Dayton, Ohio, một hội nghị trong 2 ngày nhằm giúp nâng cao nhận thức về những vấn đề mà các nạn nhân phải đối phó. Hội nghị diễn ra trong tuần này vào lúc các cơ quan công lực Hoa Kỳ đang xúc tiến một chiến dịch toàn quốc nhằm trấn át nạn buôn bán người. Thông tín viên VOA Kane Farabaugh ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của những tay trung gian thường đến các vùng nông thôn hứa hẹn công ăn việc làm tốt đẹp
Bà Sharla Musabih đã chứng kiến Tiểu vương quốc Dubai chuyển biến từ một thị trấn nhỏ thành một trong những thành phố lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất ở vùng Trung Đông.

Sự tăng trưởng của Dubai đã khiến thành phố này trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những người ở các vùng nghèo khó hơn đi tìm việc làm. Theo bà Musabih, Dubai còn hấp dẫn cả những tay tội phạm đi tìm nạn nhân trong các băng đảng buôn bán người.

Bà Musabih nói: “Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của những tay trung gian thường đến các vùng nông thôn hứa hẹn công ăn việc làm tốt đẹp.”
Nhưng theo bà Musabih, những công ăn việc làm tốt đẹp ấy thường đẩy các phụ nữ này tới chỗ làm lao động cưỡng bức và mại dâm.

Bà Musabih đã từng đứng đầu một nỗ lực đôi khi rất đơn độc nhằm giúp tranh đấu cho quyền lợi của các nạn nhân buôn bán người ở Dubai. Công việc của bà đã trở nên ngày càng khó khăn vào lúc dân số Dubai tăng lên. Công tác của bà mới đây đã thu hút sự chú ý một cách khó chịu ở Dubai và hiện bà đang sống ở Hoa Kỳ.

Bà Musabih nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã lên tiếng rất lớn cho các nạn nhân. Chủ yếu tôi phơi bầy những điều đang xảy ra. Dường như tôi đã gây sự chú ý quá mức và rồi bị các cơ quan truyền thông bôi nhọ.”

Đây là một vài kinh nghiệm mà bà Musabih đã chia sẻ với các cơ quan xã hội và công lực tề tựu tại trường đại học Dayton ở Ohio để tham dự Hội nghị về Buôn bán Người. Giám đốc Chương trình Nhân quyền của trường đại học này, ông Mark Ensalaco cho biết một trong những mục tiêu của hội nghị là rọi một tia sáng vào một vấn đề ngày càng trầm trọng ở Hoa Kỳ.

Ông Ensalaco cho biết: “Sẽ là một khái niệm hết sức sai lầm về phía người Mỹ nếu họ nghĩ rằng tội buôn bán người hay nô lệ thời đại mới này chỉ có ở thế giới thứ ba. Nạn này xảy ra ở mọi nơi, và ngay cả ở Hoa Kỳ này nữa.”

Nạn buôn bán người được xem là nô lệ thời đại mới.

Dự án Polaris, một trong những tổ chức chống buôn người lớn nhất ở Hoa Kỳ, ước tính hàng năm có tới 17,500 người mang quốc tịch nước ngoài bị đưa lậu vào Hoa Kỳ. Tổ chức cũng ước tính có tới 244,000 thanh thiếu niên Mỹ có thể bị lợi dụng khai thác.
Để chống lại vấn đề ngày càng nghiêm trọng này, ông Ensalaco cho biết hồi cuối tháng 10 Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, tức FBI, đã phát động một chiến dịch trấn át nạn buôn bán người trên toàn quốc.

Ông Ensalaco nói: “Họ đã bắt giữ mấy chục tay ma cô và phóng thích hơn 50 người bị ép làm nô lệ tình dục. Trong số này có nhiều trẻ em ở Ohio, nhỏ nhất mới có 10 tuổi.”

Ông Ensalaco nói rằng những vụ bắt giữ mới đây nhấn mạnh hơn đến thực tế là nạn buôn bán người không phải chỉ là một vấn đề quốc tế, mà còn là một vấn đề địa phươngtác động đến mọi cộng đồng ở Hoa Kỳ. Ông Ensalaco tỏ ý hy vọng hội nghị này sẽ mở đầu cho nhiều cuộc họp khác giúp giáo dục công chúng cũng như các cơ quan công lực là cần phải đạt được mục tiêu chấm dứt nạn buôn bán người.