Home Tin Tức Thời Sự Obama tìm cách trấn an đồng minh châu Á

Obama tìm cách trấn an đồng minh châu Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Kim Ghattas /BBC News, Washington   
Thứ Năm, 12 Tháng 11 Năm 2009 16:46

Dường như bất cứ thứ gì Tổng thống Barack Obama làm cũng đều có yếu tố “đầu tiên”.

Ông Obama sẽ họp với các lãnh đạo khối Asean

Lãnh đạo da đen đầu tiên của Hoa Kỳ cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên từng có thời thơ ấu ở châu Á, hay như các quan chức Mỹ nói, là Tổng thống đầu tiên có “xu hướng châu Á Thái Bình Dương”.

Ông Obama sẽ tìm cách tận dụng điều này trong chuyến thăm kéo dài một tuần tới khu vực.

Ông muốn xây dựng và cải thiện mối quan hệ tối quan trọng với các đồng minh và đối thủ trên toàn vùng Thái Bình Dương.

Ông sẽ xử lý một loạt vấn đề rộng lớn - một số trong đó là hết sức khó khăn, như mậu dịch toàn cầu, tiền tệ của Trung Quốc và nợ của Hoa Kỳ, cũng như việc làm thế nào để xử lý với những nước như Bắc Hàn và Miến Điện. Đó là chưa kể vấn đề thay đổi khí hậu.

Ông cũng sẽ là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối các quốc gia Đông Nam Á, Asean, tại Singapore.

Quan hệ

Theo Ben Rhodes, một cố vấn cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia, đây là một chỉ dấu rõ ràng về “cam kết mạnh mẽ của Tổng thống để làm việc một cách toàn diện với các đối tác châu Á”.

Nói với các phóng viên tại một buổi họp, ông Rhodes nói: “Ông ấy hiểu rằng tương lai thịnh vượng và an ninh của chúng ta gắn chặt với phần này của thế giới”.


Các công ty sản xuất đồ chơi đã tận dụng chuyến thăm của ông Obama

Trong khi tương lai của Mỹ có thể gắn với châu Á, theo nhiều cách, nó cũng phụ thuộc vào mối quan hệ này nữa - đặc biệt khi nói tới các vấn đề thương mại hay các mục tiêu chính sách ngoại giao. Đó là lý do tại sao có rất nhiều thứ được gắn với chuyến thăm này của ông Obama.

Khu vực châu Á mua khoảng 25% hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. 1.6 triệu công việc tại Mỹ phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu này.

Vào thời buổi khủng hoảng kinh tế, điều này là đặc biệt quan trọng.

Phó cố vấn an ninh quốc gia về các vấn đề kinh tế quốc tế, Michael Froman, nói Hoa kỳ muốn đảm bảo rằng các quốc gia tại châu Á “theo đuổi chính sách tăng trưởng cân bằng, mở cửa nền kinh tế, cho phép chúng tôi mở rộng xuất khẩu tới khu vực và tạo thêm nhiều công việc tại Mỹ liên quan tới hàng xuất khẩu tới khu vực này”.

Khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 7% vào năm tới.

Chuyến thăm của ông Obama sẽ bao gồm các chặng dừng chân tại Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc, nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng là Washington vẫn là một cường quốc có nhiều ảnh hưởng tại khu vực.

Chuyến thăm cũng là để trấn an các đồng minh của Mỹ đang sợ quyền lực lãnh đạo gia tăng của Trung Quốc.

Trò chơi quyền lực

Một trong các thông điệp mà Tổng thống sẽ gửi đi trong chuyến thăm lần này là chúng tôi là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ có mặt tại đây về lâu về dài
Jeffrey Bader, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ

Một quan chức cao cấp của Mỹ gần đây nói “người Trung Quốc ở khắp mọi nơi, công nhân TQ ở khắp mọi nơi, từ Ấn Độ tới Miến Điện tới Iran”. Ông này nói thêm rằng Hoa Kỳ đang theo dõi việc Trung Quốc lên nắm kinh tế tai một số khu vực trên thế giới.

Jeffrey Bader, người phụ trách chính sách châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia, nói: “Tôi nghĩ quan điểm chung tại khu vực là ảnh hưởng của Mỹ đang đi xuống trong khi TQ lại đang đi lên”.

“Một trong các thông điệp mà Tổng thống sẽ gửi đi trong chuyến thăm lần này là chúng tôi là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ có mặt tại đây về lâu về dài”.

Ông Bader tỏ ra thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên khi thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ với Bắc Kinh. Sau khi liệt kê những vấn đề trong nghị trình, ông thừa nhận rằng không vấn đề nào mà Hoa Kỳ có thể thành công “nếu không có sự hợp tác của TQ”.

Lãnh đạo TQ có khả năng sẽ tận dụng tuyên bố này và sức mạnh mà tuyên bố đó mang lại.

Ông Bader nói thêm rằng chính quyền Obama không coi mối quan hệ này là “người thắng kẻ thua, mà là quan hệ theo đó chúng tôi chắc chắn sẽ có những khác biệt, và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tối đa hóa những lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác, vì các thách thức toàn cầu đơn giản sẽ không thể đáp ứng nổi nếu chúng tôi không hợp tác”.

‘Trấn an chiến lược’

Sơ đồ các nơi ông Obama sẽ dừng chân

Đây là lối tiếp cận ngoại giao mang tính thực tiễn mà chính quyền Obama đã áp dụng với rất nhiều đối thủ và kẻ thù, nhưng nó cần phải mang lại kết quả. Những người chỉ trích thì nói Tổng thống Mỹ tỏ ra quá nhân nhượng, cho dù đó là Nga hay Trung Quốc.

Robert Kagan từ Quỹ nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie viết cho tờ Washington Post rằng: “Được gọi là ‘trấn an chiến lược’, chính sách nhắm tới việc thuyết phục Trung Quốc rằng Hoa Kỳ không có ý định kiềm chế một cường quốc đang lên.

“Chúng ta vẫn phải đợi xem chi tiết, nhưng giống như việc “bấm nút lại” quan hệ với Nga, điều này chắc sẽ khiến cho các đồng minh của Mỹ quan ngại”.

Đối nghịch lại với quan điểm của chính quyền Mỹ về quan hệ với TQ, ông Kagan viết rằng “đối với Trung Quốc - những người thực sự theo chủ nghĩa thực dụng - thì cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ tại Đông Á chính là cuộc chơi kẻ thắng người thua”.

Giới học giả đã mất nhiều thời gian thảo luận về ý nghĩa của cụm từ “trấn an chiến lược”. Những người chỉ trích nói cụm từ này nghe có vẻ giống như sự nhân nhượng, trong khi những người ủng hộ đòi Bắc Kinh cũng phải đưa ra một số trấn an nhất định.