Việt Nam không tránh khỏi tác động tiêu cực của hàng TQ |
Tác Giả: Việt Hà phóng viên RFA |
Thứ Năm, 12 Tháng 11 Năm 2009 15:27 |
Hàng Trung quốc nhiễm hoá chất độc hại lâu nay đã trở thành đề tài quen thuộc trên báo chí không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, đề tài này cứ lặp đi lặp lại khiến người tiêu dùng lo lắng Nhưng có một thực tế là cứ sau một thời gian thì dường như vấn đề này lại chìm đi và người tiêu dùng Việt Nam dù ít, dù nhiều vẫn tiếp tục mua hàng Trung Quốc, Trung Quốc được coi là nước xuất khẩu lớn của thế giới. Hàng Trung Quốc xuất đi nhiều nước từ Mỹ, châu Âu đến châu Á. AFP photo dùng hàng Trung Quốc. Vậy người Việt Nam thực sự nghĩ gì về hàng Trung Quốc và liệu họ có tránh được việc mua và dùng hàng Trung Quốc hay không? Việt Hà tìm hiểu và tường trình. Sản phẩm của TQ hiện diện trên tòan thế giới Trung Quốc được coi là nước xuất khẩu lớn của thế giới. Hàng Trung Quốc xuất đi nhiều nước từ Mỹ, châu Âu đến châu Á. Nhưng thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới liên tục phát hiện các sản phẩm Trung Quốc nhiễm các chất độc hại, gây hoang mang cho người tiêu dùng khắp nơi. Là nước có đường biên giới chung với Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu từ Trung quốc rất nhiều mặt hàng từ thực phẩm như hoa quả, bánh kẹo, đến các hàng tiêu dùng hàng ngày, hàng điện tử, điện lạnh, thậm chí cả thuốc chữa bệnh, vân vân. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2008 đạt khoảng 20 tỷ đô la. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu 15,6 tỷ đô la, chiếm đến 75% giá trị kim ngạch thương mại giữa hai nước. Chính vì vậy, Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực do hàng Trung Quốc gây nên. Trước những thông tin bất lợi về các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, người tiêu dùng Việt Nam hết sức lo lắng, và thực tế là có rất nhiều người tẩy chay hàng Trung Quốc, hay nói như nhiều người là di ứng với hàng Trung quốc. Chị Nguyễn Thị Hằng, một người dân ở Hà nội nhận xét về hàng hoá Trung Quốc như sau: Nguyễn Thị Hằng : Em ít dùng đồ Tàu, nói chung em có mặc cảm với đồ tàu vì chất lượng của nó. Người Tàu hay sản xuất những cái đáng ngờ quá. Thực phẩm thì con nhà em không ăn lâu lắm rồi, đồ Tàu là em ‘dị ứng’. Em hạn chế tối đa. Thực tế mà nói, đây không phải là lần đầu tiên, người tiêu dùng Việt Nam nghe về những mặt trái của hàng hoá Trung Quốc. Nhưng dường như những đợt tẩy chay hàng Trung Quốc đến với người Việt Nam cũng như những cơn sốt đến rồi lại đi, bởi vì rất khó để không mua và dùng hàng Trung Quốc. Trước hết, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, từ thành thị đến nông thôn. Chị Thi Đoan, một tiểu thương ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Thi Đoan : hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, khắp mọi nơi, chợ Tân Bình, An đông, hoặc là chợ Lớn, tất tần tật là hàng Trung Quốc hết, đồ chơi trẻ con, vải vóc, quần áo thời, trang, kể cả mỹ phẩm. Cám dỗ của hàng TQ khó mà tránh Đó là về mặt chiếm lĩnh thị trường. Còn về mặt mẫu và mã giá cả, thì hàng Trung Quốc từ lâu đã lôi kéo được người tiêu dùng Việt Nam. Chị Thi Đoan cho biết thêm Thi Đoan : Họ cũng biết là hàng Trung Quốc không có chất lượng. Họ biết như vậy nhưng mà giá cả, mẫu mã bắt mắt làm người ta vẫn xài vì nó hợp với túi tiền, hợp với thị hiếu người ta. Mặc dù có một số người cũng muốn tẩy chay nhưng hình như họ không tẩy chay được vì so với giá hàng Việt nam thì hàng Trung quốc đẹp. Chất lượng nhiều khi không bằng hàng Việt Nam mình nhưng họ vẫn cứ xài do thị hiếu nữa. Thêm nữa, có nhiều mặt hàng, người tiêu dùng muốn mua do Việt Nam sản xuất thì lại không có và vì thế họ bắt buộc phải mua hàng Trung Quốc, dù không muốn. Chị Thu Huyền, một người dân ở Hà Nội cho biết. Thu Huyền : Em nghĩ là không thể tránh được. Buộc phải dùng, vì không còn sự lựa chọn nào khác. Vì hàng Tàu quá phổ dụng. Ví dụ em cố gắng hết sức, nhưng ví dụ em mua đồ chơi cho con em thì chỉ có đồ Tàu thôi, không có cách nào khác cả. Hàng Việt Nam có đâu mà mua, một cái phao đi bơi cho trẻ con muốn mua của Việt Nam cũng không có, chỉ có phao Tàu thôi. Có người cầu kỳ, gửi mua hàng từ châu Âu, Nhật hay Mỹ về, nhưng thực tế là phần lớn các mặt hàng ở các nước đó cũng được gia công từ Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế, mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Việc mở cửa thị trường cho các hàng hoá từ Trung quốc là điều không tránh khỏi. Đây cũng chính là điều mà cựu Bộ trưởng thương mại, ông Lê Văn Triết đã có dịp nói với đài Á Châu Tự do. Lê Văn Triết : khi mình chấp nhận gia nhập WTO thì mình chấp nhận mở cửa thị trường, đồng thời mình chấp nhận để người ta được buôn bán hàng hoá ở Việt Nam. Cái cơ bản của vấn đề là phải đi từ chiến lược của đất nước. Đây phải từ tầm cao để có định hướng, hàng gì mình khuyến khích để cho dân có thể sản xuất với giá rẻ, đông thời có giá có thể cạnh tranh trên thị trường. Còn hàng gì, biện pháp gì để mình xiết chặt thị trường. Bây giờ có những cái hàng rào mà người ta không phải dùng phương pháp cấm đoán. Ngay cả các nước gia nhập WTO cũng vậy. Rõ ràng là việc cấm nhập hàng Trung Quốc hay không dùng hàng Trung Quốc là điều gần như không thể đối với người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề đặt ra là ở chỗ chính phủ Việt Nam phải có những biện pháp thích hợp để khuyến khích sản xuất trong nước đáp ứng tiêu dùng của người dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hoá nhập khẩu không những từ Trung Quốc mà còn từ các nước khác.
|