Home Tin Tức Thời Sự Bắc Kinh đang ráo riết tăng cường quân sự

Bắc Kinh đang ráo riết tăng cường quân sự PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Quang, phóng viên đài RFA   
Chúa Nhật, 08 Tháng 11 Năm 2009 23:11

Giữa lúc TQ thường xuyên hô hào sống chung hòa bình, không có tham vọng bành trường, bá quyền...

thì ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ráo riết tăng cường quân sự khiến Hoa Kỳ và nhiều nước trong khu vực hết sức lo ngại.

Quân đội Trung Quốc diễn hành tại Quảng trường Thiên An Môn
hôm 1-10-2009, trong lễ kỷ niệm 60 năm quốc khánh.

Hôm 26 tháng rồi, lên tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ, tướng Từ Tài Hậu, biện minh cho việc Bắc Kinh ráo riết hiện đại hóa quân đội, kể cả việc phát triển những loại võ khí tối tân có khả năng đe dọa lực lượng Hoa Kỳ đóng tại Thái Bình Dương.

Không nuôi tham vọng?

Tướng Từ Tài Hậu nhất mực cho rằng Hoa Lục không nuôi tham vọng bành trướng, không bao giờ tìm kiếm bá quyền, mở rộng quân đội hay chạy đua võ khí, mà, theo ông, Bắc Kinh chỉ muốn có mối hợp tác quốc tế, quyết tâm góp phần phát triển hòa bình và không muốn cũng như không thể thách thức hay đe dọa bất kỳ nước nào khác.

Phó Chủ tịch Quân Ủy Từ Tài Hậu nhân tiện cũng biện hộ về việc Hoa Lục gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, giải thích rằng mức chi tiêu quốc phòng của TQ chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu về an ninh quốc gia, và hãy còn quá thấp về mặt con số cũng như về mặt tỷ lệ tổng sản lượng nội địa. Cụ thể là, theo giải thích của tướng Từ Tài Hậu, trong khi mức chi cho quốc phòng của Mỹ chiếm 4,8% tổng sản lượng quốc gia thì con số này của TQ chỉ có 1,4% mà thôi.

Tướng lãnh họ Từ cũng mô tả quân đội giải phóng nhân dân TQ hiện chủ yếu nhắm tới việc bảo vệ sự phát triển kinh tế của Hoa Lục cũng như chống lại các phần tử ly khai và cực đoan.

Nhưng khi được hỏi về chuyện Bắc Kinh phát triển phi đạn được thiết kế cho phù hợp với các mục tiêu nhắm tới là những chiến hạm Hoa Kỳ tại TBD, tướng Từ Tài Hậu cho rằng những nghi ngại của Phương Tây về ý định của TQ là vô căn cứ.

Phát biểu vừa rồi của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ tiêu biểu cho những lời trấn an, cam kết tốt đẹp thường xuyên của giới lãnh đạo Trung Nam Hải đối với thế giới nói chung, và trong khu vực nói riêng, mặc dù hành động thực sự của Hoa Lục, nhất là đối với xứ đàn em CS phương Nam là VN, hầu như hoàn toàn tương phản.
Đe dọa và thuyết phục

Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ, nhận xét:

“Trung Quốc từ xưa đã có chính sách vừa đánh vừa đàm, tức là khi cương khi nhu. Thành ra lời nói của một ông Quân Ủy cao cấp đấy, nhưng liệu nói trung thực hay ngôn ngữ của ông ta chỉ ngoại giao mà thôi. Điều đó ta hãy nhìn những gì họ làm, chứ đừng nghe những gì họ nói. Tại vùng gọi là Nam Hải, tại sao họ đối địch với tàu của Mỹ chỉ đi dò xét lòng biển, mà họ nghênh như vậy để rồi nói rằng vùng đặc quyền kinh tế của họ thì nước khác không được vô. Nhưng điều này trái với luật quốc tế bởi vì đặc quyền kinh tế là để khai thác cá với các tài nguyên thôi. Còn đó chỉ là khu vực đại dương mà các nước khác có thể hành hải ở đó được. Rồi việc họ lập căn cứ tàu ngầm ở Hải Nam, tăng ngân sách quốc phòng rất nhiều trong những năm gần đây, rồi muốn nói song phương với các nước khác về vấn đề biển Nam Hải, không bằng lòng cho các nước này đặt vấn đề tập thể trong hội nghị ASEAN vừa rồi, làm cho các nước ĐNÁ đáng lẽ ra phải đặt vấn đề biển Đông trong chương trình nghị sự chung, nhưng TQ dọa nói rằng vấn đề đó phải nói chuyên tay đôi với từng nước. Như vậy là TQ muốn đánh tỉa. Những hành động đó của TQ ta nên quan sát, chứ không thể tin vào lời.”

Tạp chí The Economist hôm 22 tháng rồi có bài tựa đề tạm hiểu là “Trung Quốc đang tăng cường võ khí xem chừng như nhiều hơn cần thiết”, qua đó lưu ý rằng những gì TQ đang ra sức thực hiện là tìm một sự phối hợp về sức mạnh quân sự với ảnh hưởng văn hóa và kinh tế - bằng phương cách thuyết phục lẫn đe dọa võ lực – để bảo đảm vị thế của Hoa Lục trên bình diện thế giới.

Vẫn theo bài báo, việc Bắc Kinh phô trương sức mạnh quân sự cùng quyền lực độc đoán hồi đầu tháng 10 vừa rồi, nhân ngày Quốc Khánh của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, là một thí dụ mới nhất cho thấy cách tính toán của TQ có thể bị phản tác dụng. Và cuộc duyệt binh bao gồm hàng ngàn binh sĩ qua trung tâm thủ đô Bắc Kinh, cùng sự phô trương võ khí chiến cụ, mà bài báo cho là chủ yếu nhằm đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh Đài Loan, gợi lại hình ảnh của thời chiến tranh lạnh, trong bối cảnh nhà cầm quyền Hoa Lục mạnh mẽ đàn áp những nhà bất đồng chính kiến trong nước.

Bài báo đề cập tới quan ngại của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ rằng TQ đang đạt đến khả năng quân sự nhiều hơn cần thiết cho việc ứng phó với một cuộc chiến có thể xảy ra liên quan vấn đề Đài Loan. Hoa Lục bắt đầu tăng cường quân sự hồi cuối thập niên 90 và hiện không có dấu hiệu giảm bớt hoạt động này – tiến trình mà bài báo nhận xét là khiến một ngày nào đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng họ có thể thắng bất kỳ cuộc chiến nào, dù là vấn đề Đài Loan hay những hải đảo thưa thớt dân cư nhất mà Hoa Lục tranh chấp chủ quyền.

Theo Bộ Quốc Phòng Mỹ thì TQ hiện có kế hoạch phi đạn quy mô nhất thế giới, đang phát triển phi đạn đạn đạo tầm ngắn có khả năng phóng xa khỏi Đài Loan, tới những mục tiêu ở TBD khiến đe dọa hải quân Hoa Kỳ giữa lúc loại phi đạn này cũng đang được bố trí nhắm tới đảo Guam của Mỹ và xứ Phù Tang. Một cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa kỳ, ông Dennis Wilder, cảnh báo rằng TQ thủ đắc hàng chục phi đạn nguyên tử đặt trên đất liền có khả năng phóng tới một số hay thậm chí bất kỳ nơi nào tại lãnh thổ Hoa Kỳ, và người ta tin là Bắc Kinh sẽ sớm bố trí loại phi đạn ấy trên tàu ngầm.

Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, hồi đầu tháng Năm năm nay, có bài tựa đề tạm hiểu là “Sự giảm sút quyền lực của Hoa Kỳ tại Á Châu”, với đọan viết rằng “...TQ đang tăng cường quân sự toàn diện. Hạm đội tàu ngầm của Hoa Lục gia tăng nhanh hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Bắc Kinh hiện thủ đắc một kho quy mô hỏa tiễn quy ước và đạn đạo nguy hiểm, và đã công bố những kế hoạch bố trí hàng không mẫu hạm...cũng như đang trên đà đạt đến số chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm nhiều nhất trong khu vực”.

Vẫn theo bài báo thì “TQ đã làm thay đổi thế tương quan quân sự tại vùng Á Châu-TBD, gây ngạc nhiên đáng kể cho những nước đồng minh và thân hữu của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và cả Ấn Độ”.