Tên chính thức của cuộc họp lần này là “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất.”
Hội nghị sẽ được nghe giải trình về công tác đàm phán biên giới trên bộ và đất liền.
Chiều thứ Bảy 21/11 các đại biểu sẽ nghe Ủy ban Biên giới Quốc gia ‘trình bày’ về vấn đề biên giới lãnh thổ, theo lịch tổ chức hội nghị mà BBC Việt Ngữ có được.
Buổi sáng của ngày họp đầu tiên, tờ chương trình cho hay, các đại biểu Việt Kiều sẽ “dự lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Bác.”
Một nguồn tin khả tín từ Luân Đôn cho BBC Việt Ngữ hay hội nghị lần này có chủ đề "vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, tích cực góp phần vào sự nghiệp chấn hưng đất nước.”
Hội nghị sẽ “đánh giá toàn diện về tình hình người Việt trên thế giới nhằm hình thành một công đồng đoàn kết vững mạnh, có vị trí trong xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc và gắn bó với đất nước,” nguồn tin này cho hay.
Hội nghị sẽ chia tổ thảo luận tại bốn phân ban, gồm tổ chức cộng đồng, giữ gìn bản sắc, phát triển khoa học kỹ thuật, và kinh doanh.
Chủ đề biên giới
BBC Việt Ngữ được tin một số nhân sĩ và trí thức người Việt hàng đầu tại Mỹ và Úc, và Âu châu đã không tham dự hội nghị.
Lý do họ đưa ra là “không nhận được giấy mời”, “không quan tâm.” Hoặc “được mời nhưng không thu xếp được thời gian.”
Nguồn tin khác nói rằng đa số đại biểu là Việt Kiều Đông Âu. Và những Việt Kiều đã sống ở Việt Nam trong nhiều năm nay.
Trước tin Hội nghị dành ngày đầu đề nghe về chủ đề biên giới, ông Lê Thiết Hùng trưởng đoàn Việt Kiều Ba Lan cho rằng biên giới là vấn đề làm cho nhiều người Việt Nam bức xúc, nhất là người Việt ở nước ngoài.
Trong cuộc trao đổi với BBC Việt Ngữ ngày 5/11, ông Hùng nói: “Theo suy nghĩ của chúng tôi có thể nó có rất nhiều cái nhậy cảm, mỗi người một ý, mỗi người một suy nghĩ. Và cần có một thông tin chính xác để mình biết được nó cụ thể như thế nào. Vấn đề biên giới hiện nay giải quyết nó không phải là dễ dàng.”
Một Việt Kiều khác hiện đang ‘làm ăn’ tại tp Hồ chí Minh cho rằng muốn hội nghị sinh động cần phải mang những vấn đề nóng bỏng, như biên giới lãnh thổ, ra bàn.
Một trí thức người Việt tại Úc có cái nhìn khác về biên giới lãnh thổ. Theo ông cần thông báo rộng rãi mọi chi tiết về đàm phán biên giới cho 88 triệu người trong nước nghe, vì “Việt Kiều chỉ là bộ phận nhỏ, giải trình cho họ có thể là cần nhưng chưa đủ.”