Làm lãnh đạo không đơn giản! |
Tác Giả: Nhật Hiên/ RFA |
Thứ Sáu, 30 Tháng 10 Năm 2009 23:28 |
"Tôi mà hiểu được ý nghĩa sâu xa của ông tổng bí thư như đã được đọc chết liền." (Blogger Hồ Hải) Khi đã là những người nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy chính quyền của một quốc gia, dù được nhân dân bầu lên hay do bộ máy chính trị của một đảng phái đưa lên, thì ngừơi lãnh đạo đã trở thành đại diện cho quốc gia đó.
Mọi cung cách hành xử, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ dáng điệu, và nhất là những phát biểu, những bài diễn văn… đều đòi hỏi phải chuẩn bị và thực hiện một cách thận trọng, vì chúng phải thể hiện được năng lực lãnh đạo, tầm nhìn, bản lĩnh, và trí tuệ của những người đứng đầu một nhà nước. Nhất cử nhất động của người lãnh đạo đều có hàng triệu con mắt nhìn vào và qua đó, đánh giá cả một đất nước, một dân tộc.
Khi Tổng thống Barack Obama đắc cử, có người nói rằng một phần là nhờ tài hùng biện và khả năng viết lách của ông. Nói thế cũng không đúng hẳn, nhưng quả thật là ông Barack Obama có tài ăn nói, còn về viết lách, nếu ai đã từng đọc những quyển sách ông viết, những bài diễn văn lúc tranh cử, lúc tuyên bố chiến thắng hay khi nhậm chức của ông thì đều thừa nhận điều này. Thật ra, có khá nhiều tổng thống và các vị nguyên thủ quốc gia ở các nước nổi tiếng về tài diễn thuyết, bút lực văn chương như cựu Tổng thống Abraham Lincoln của Mỹ, cựu tổng thống Bill Clinton của Mỹ, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill-người đã từng được trao giải Nobel văn học năm 1953, ngay cả những nhà lãnh tụ độc tài như Adolf Hitler của Đức hay Vladimir Ilyich Lenin, lãnh tụ Xô viềt cũng được biết đến như những nhân vật có tài hùng biện, cũng như viết lách. Khi lãnh đạo VN lên tiếngChuyện này có vẻ lại chưa đựơc các nhà lãnh đạo Việt Nam coi trọng đúng mức. Đó là nhận định của khá nhiều Blogger vừa qua, mặc dù các báo chí nhà nước hòan tòan không bình luận gì. Trong bài “Lãnh đạo có nên xuất hiện như thế này?” nhà báo-blogger Xuân Bình viết: “Một lao động… nặng nhọc đối với người lãnh đạo là… xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên nhiều năm qua các lãnh đạo chủ chốt của Đảng CSVN dường như ít chú ý đến những lời nói, cử chỉ, việc làm của họ.”
Việt Nam Cuba như là Trời Đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ. - Tháng 11-1997, cơn bão số 5 đi vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã gây ra thảm hoạ đối với nhân dân các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bão làm chết 2.900 người, gần năm nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng, 107.892 ngôi nhà bị sập. Đây là cơn bão lớn nhất thế kỷ 20 xảy ra ở các tỉnh Nam Bộ và thiệt hại do nó gây ra cũng lớn nhất do bão gây từ trước đến nay. Vậy mà khi về thị sát tình hình ở Kiên Giang ông Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là PhóTT) lại xuất hiện trước truyền hình với nụ cười thật rạng rỡ ???? Còn với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì bản thống kê có lẽ là dài hơn… Blogger Xuân Bình dẫn ra một loạt ví dụ về cách ăn nói, hành xử của ông Chủ tịch nước trong những dịp khác nhau, gần đây nhất là bài phát biểu trong chuyến viếng thăm đất nước Cuba tháng 10.2009, được thu lại thành video clip phát trện youtube. Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Minh Triết nói: “Có người vi von: Việt Nam Cuba như là Trời Đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”. Khi dẫn lại đường link từ trang facebook nơi các bạn trẻ đưa video clip đoạn phát biểu này lên với dòng tít viết nguyên văn là “Chủ tịch Triết “chém gió” tại Cuba”, blogger Xuân Bình đã viết: “Còn dưới đây là phản ứng của giới trẻ về những phát biểu của Chủ tịch nước trong chuyến đi châu Mỹ gần đây, xin mọi người tham khảo. Tôi thành thực mong các bạn trẻ tìm thêm một kênh bày tỏ ý kiến một cách “chính thống” hơn, khoa học hơn và xây dựng hơn. Trong cuộc sống có ai nên khôn mà chẳng dại… nhiều lần. Hình như danh sách còm men vẫn không dừng lại!” Quả thật, từ lúc một bạn trẻ post đoạn phát biểu này lên facebook vào ngày thứ Hai 19.10 thì chỉ trong 2 ngày có đến gần 250 commment đa phần là của các bạn trẻ, và nếu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triêt đọc được những đoạn comment này và biết được người dân nghĩ gì về những lời phát biểu của ông thì không biết là ông cảm thấy như thế nào? Đoạn youtube này cũng được blogger Đinh Tấn Lực post lên trang blog của mình và mọi người cũng vào bình luận sôi nổi. Cũng bàn về cách ăn nói của các nhân vật lãnh đạo, trong bài “Chơi chữ” blogger BS Hồ Hải thắc mắc: “Hôm qua, trong bài diễn văn kết thúc hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ông tổng bí thư đảng có phát biểu rằng đại hội đảng lần thứ XI sẽ định hướng giải quyết 3 vấn đề lớn: "Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng". Đại ý của phát biểu ấy có thể xem ở bài báo đảng. Tôi tra từ điển tiếng Việt từ trung tâm, then chốt và nền tảng thì tôi lại càng khó hiểu ý của ông tổng bí thư hơn”.
Sau một hồi phân tích các khái niệm do ông Tổng bí thư đưa ra, cuối cùng blogger Hồ Hải viết: "Song, khi sáng nay tôi đọc trên báo Vietnamnet thì chiến lược của ông tổng bí thư đưa ra trong phát biểu lại là: Đảng đã khẳng định lấy xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội. Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội có ý nghĩa đúng. Vì văn hóa Việt đã bị xói mòn từ hơn nữa thế kỹ nay chứ không chỉ mới hơn 20 năm đổi mới gần đây. Còn phát triển văn hóa là nền tảng như trang báo đảng đã đưa thì "dường như anh đánh máy chữ" của ông PGS TS Đào Duy Quát lại sai trầm trọng một lần nữa chăng? Tôi mà hiểu được ý nghĩa sâu xa của ông tổng bí thư như đã được đọc chết liền. Ai giỏi giải thích dùm. Tôi cảm ơn.” Một nhân vật khác, Thứ Trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng khi trả lời phỏng vấn của đài CRI của Trung Quốc, thì bị các blogger bất bình vì đã hết lời ca ngợi Trung Quốc và tán tụng về mối quan hệ giữa hai nước. Theo ông Đoàn Xuân Hưng thì: “Quan hệ giữa hai nước chúng ta hiện nay đang ở vào giai đoạn quan hệ tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ chúng ta, là một trong những giai đoạn rất tốt đẹp” .Và “Quan hệ Việt-Trung “rất truyền thống, rất gắn bó anh em đoàn kết”. Blogger Anh Ba sàm bình ngắn: “Tay nầy chắc hồi đi học bỏ môn Sử, còn mấy chục năm nay chắc cũng không đọc báo luôn?” Đến những lời nói “có cánh”...Không chỉ vạch ra những câu nói vụng về, phô trương, khó hiểu hoặc hớ hênh về mặt ngoại giao của các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngay cả những lời nói hoa mỹ, tốt đẹp thường được gọi là “những lời có cánh” của các ông cũng chỉ gây ra cảm giác nghi ngờ nơi người nghe vì từ lâu lời nói của các ông đã không đi đôi với việc làm. Khi ông Tổng bí thư Nộng Đức Mạnh, trong phiên họp Quốc Hội đang diễn ra đã phát biểu: “Chính phủ sắp tới chắc phải có quy định theo hướng cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài”, nhà văn Nguyễn Quang Lập liền khen là cực hay, rất tuyệt vời. Nhà văn viết: “Bộ trưởng Bộ TN &MT Phạm Khôi Nguyên cũng nói hay không kém, ông nói: “Là thành viên Chính phủ nhưng tôi tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính & Ngân sách, luật thuế ban hành phải làm sao giữ được tài nguyên cho con cháu sau này”.
Sau khi khen ngợi, nhà văn thắc mắc: “Tuy nhiên chỉ nghe nói đến tài nguyên chung chung, mỏ này mỏ nọ chung chung, thỉnh thoảng có nghe nhắc đến than, tuyệt không ai nhắc gì đến Bauxite. Hiện tại Bauxite ở Tây Nguyên đang được “khẩn trương” khai thác, sao không ai nhắc gì đến nhỉ? Các đại biểu Quốc hội cũng như trí thức mấy ngàn người đã nói đi nói lại là việc khai thác bauxite hiện nay chẳng những làm mất đi nguồn dự trữ tài nguyên cho con cháu mai sau, mà còn nguy hiểm đến vận mệnh an nguy của quốc gia, phá hỏng môi trường, phá không gian văn hóa Tây Nguyên, và không chỉ cạn kiệt tài nguyên quý của đất nước (là sở hữu của toàn dân chứ không của một tập đoàn lợi ích nào cả), mà lại còn… đánh bạc trong thế thua lỗ (Lời dẫn trang Bauxite Việt Nam) sao không nghe ai nói gì đến Bauxite ở Tây Nguyên cả nhỉ? Giá có mặt ở Quốc hội được một phút, không, chỉ cần nửa phút thôi, để hỏi đúng một câu: Thưa Quốc hội, cái Tài Nguyên mà Quốc hội đang bàn có bao gồm cả Bauxite ở Tây Nguyên không ạ?” Bài viết này của nhà văn Nguyễn Quang Lập được rất nhiều người đọc vào chia sẻ, bình luận sôi nổi. Cũng trong phiên họp quốc hội, phần thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện ngân sách, blogger anh basam dẫn lại bài tường thuật trên báo Thanh niên online trong đó có nêu những lời phát biểu cũng của ông Nông Đức Mạnh: “Tổng bí thư cho biết, ông vô cùng trăn trở làm sao để giảm được tỷ lệ hộ nghèo, trăn trở này theo ông vào cả giấc ngủ. "Hằng đêm tâm tưởng của tôi là vậy”. Một câu nói tự bản thân nó không có gì đáng nói, nhưng với con mắt quen nghi ngờ của người dân nói chung và của các nhà dân báo thì khác. Blogger AnhBaSàm bình: “Ối giời! “Tổng bí thư cho biết, ông vô cùng trăn trở làm sao để giảm được tỷ lệ hộ nghèo, trăn trở này theo ông vào cả giấc ngủ. “Hằng đêm tâm tưởng của tôi là vậy”, ông nói.” Tức là mất ngủ, hay … mê sảng, về chuyện nầy?” Xem ra với thời đai thông tin nhanh nhạy như hiện nay, với cả một mạng lưới báo chí tự do ngoài lề và hàng hà sa số nhà dân báo, các vị lãnh đạo đàng và nhà nước CSVN hẳn không còn cảm thấy thoải mái muốn nói gì cũng được, muốn hành xử như thế nào cũng được như trước đây nữa. Mỗi một câu nói, mỗi một việc làm của các ông sẽ được soi rọi rất kỹ. Thật ra nếu các vị lãnh đạo cũng như tất cả các nhân vật có chức có quyền khác cũng chịu khó đọc blog, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân cho dù là những ý kiến có khó nghe một chút, thì điều này hoàn toàn có lợi cho họ và cho cả sĩ diện quốc gia, đặc biệt là trong những chuyến đi ra nước ngoài làm việc! |