Cần điều tra công khai |
Tác Giả: Nhà báo tự do Bùi Văn Phú |
Thứ Sáu, 30 Tháng 10 Năm 2009 09:36 |
Mấy ngày qua cộng đồng người Việt ở San Jose cũng như những sắc dân thiểu số khác đã xôn xao, phẫn nộ khi hay tin cảnh sát San Jose lại có sự bạo hành đối với một nghi can người thiểu số. Vụ việc đang gây xôn xao trong cộng đồng người Việt Vụ việc xảy ra hôm 3 tháng Chín nhưng đến ngày 25 tháng Mười mới được giới truyền thông đưa ra ánh sáng nhờ một máy quay hình điện thoại cầm tay đã ghi lại những hành vi của cảnh sát. Câu chuyện xảy ra với Hồ Quang Phương, một du sinh từ Việt Nam đang học năm thứ ba khoa toán tại trường Đại học San Jose State University. Phương thuê nhà ở chung với vài người khác. Một bạn cùng nhà đã làm văng nước xà phòng vào miếng thịt bò của Phương và vì thế hai bên có lời qua tiếng lại. Rồi Phương lo rửa và lấy dao thái thịt. Theo tường thuật của báo San Jose Mercury News (26.10.2009) lúc đó Phương có lời lẽ hăm doạ người bạn đã làm dơ đồ ăn của mình: “Ở Việt Nam tôi có thể giết anh bằng con dao này.” Người bạn nghe Phương nói vậy nên gọi điện báo cho cảnh sát. Luật sư của Phương là ông Nguyễn Hoàng Duyên trong khi trả lời báo Người Việt (26.10.2009) không nhắc đến lời đe doạ này. Cảnh sát đến nơi, gặp Phương họ có hỏi nhưng không hiểu Phương nói gì. Cảnh sát nói Phương đứng yên một chỗ trong khi họ vào phòng tìm giấy tờ chứng minh nhân thân của Phương. Không biết Phương có hiểu lệnh của cảnh sát hay không, anh lại đi theo vào vì thế đã bị cảnh sát dí vào tường, rồi áp tải xuống sàn nhà đánh khiến Phương kêu la, trước khi bị còng tay. Khúc phim do người bạn ghi lại bằng điện thoại cầm tay và phổ biến trên mạng mercurynews.com thì mờ tối và hiện đang có những thông tin khác nhau đưa ra từ phiá nạn nhân và sở cảnh sát. Sự thực chuyện gì đã xảy ra khiến cảnh sát dùng bạo lực nhiều như thế thì hiện đang trong vòng điều tra. Giám đốc sở cảnh sát San Jose là Rob Davis đã cho mở cuộc điều tra nội bộ và hứa sẽ chuyển hồ sơ qua biện lý cuộc. Giận dữ
Cộng đồng người Việt đã tỏ sự giận dữ với hành vi của cảnh sát vì trong những năm qua đã có hai người Việt chết oan vì sự bạo hành của cảnh sát San Jose. Nạn nhân thứ nhất là cô Trần Thị Bích Câu bị cảnh sát bắn chết sáu năm trước đây vì khi cảnh sát tới nơi thi thành công vụ, cô đã vung lên con dao bào rau đang cầm trong tay, khiến cảnh sát tưởng là bị tấn công nên đã bắn chết nạn nhân. Vụ thứ nhì xảy ra cách đây vài tháng khi anh Daniel Phạm, một người có bệnh tâm thần, cũng đã bị cảnh sát bắn chết ở San Jose. Trong cả hai cái chết, sau những điều tra nội bộ và kín cảnh sát đã không bị cáo buộc vi phạm luật pháp. Qua vụ bạo hành của cảnh sát đối với sinh viên Hồ Quang Phương, nhiều tổ chức và những nhà hoạt động cộng đồng đã lên tiếng yêu cầu biện lý cuộc quận hạt mở ra một đại thẩm đoàn để điều tra một cách công khai và bạch hoá tất cả tài liệu, biên bản của cảnh sát liên quan đến vụ việc. Qua những thông tin đã được phổ biến liên quan đến sinh viên Phương, có thể sự việc đã không diễn ra như thế nếu nạn nhân hiểu cách làm việc của cảnh sát Mỹ. Không rõ vì không hiểu tiếng Anh, qua những phỏng vấn thì sinh viên Phương nói tiếng Anh khá trôi chảy, hay không hiểu cách làm việc của cảnh sát nên thay vì đứng yên một chỗ như cảnh sát ra lệnh mà anh Phương lại đi theo họ. Dù nguyên nhân có thể là vì không tuân lệnh cảnh sát, nhưng vấn đề được đặt ra là có cần đến bốn cảnh sát và phải dùng vũ lực mạnh như đánh bằng ba-toong, bắn súng điện để áp đảo một nghi can đã nằm ở dưới sàn nhà. Chờ kết quả Sự việc có mang mầu sắc kì thị hay không thì thật khó mà chứng minh. Nhưng cộng đồng người Việt phẫn nộ là vì sự bạo hành quá mức đó có phải là việc cần thiết và yêu cầu sở cảnh sát, thành phố San Jose và biện lý cuộc cho mở cuộc điều tra công khai. Dù kết quả ra sao thì một cuộc điều tra công khai sẽ khiến người dân tin tưởng hơn vào cảnh sát và nói lên quyết tâm của cơ quan công quyền trong việc bảo vệ dân. Dù nguyên nhân có thể là vì không tuân lệnh cảnh sát, nhưng vấn đề được đặt ra là có cần đến bốn cảnh sát và phải dùng vũ lực mạnh. Nếu không có một cuộc điều tra công khai, người Việt và các cộng đồng thiểu số khác tin rằng những điều tra nội bộ của cảnh sát hay của biện lí cuộc chỉ là hình thức “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Như Luật sư Đỗ Quý Dân trong chương trình hội luận của VietTV trên kênh 21 và 38 chiều tối ngày 27 tháng 10 đã lên tiếng quan ngại chuyện cảnh sát là băng đảng, khi phạm tội cũng bao che cho nhau. Như thế hình ảnh cảnh sát thi hành công vụ sẽ không thể tốt đẹp qua mắt người dân. Khi đó niềm tin của dân vào sự bảo vệ của cảnh sát sẽ xuống thấp. Chúng ta không muốn tình trạng đó xảy ra ở San Jose. Hay ở bất cứ đâu trên đất nước này. (Gửi riêng cho BBCVietnamese.com từ San Jose) |