Home Tin Tức Thời Sự Hoa Kỳ và cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và Pakistan

Hoa Kỳ và cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và Pakistan PDF Print E-mail
Tác Giả: Mường Giang   
Thứ Tư, 28 Tháng 10 Năm 2009 21:39

             Ðế quốc Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX và trên hết là cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại Afghanistan, đã làm cho khu vực Trung Á và vùng Caucase quanh biển Caspienne, thường xuyên nhuộm mùi tử khí vì những cuộc xung đột tranh chấp địa thế chiến lược, chính trị, kinh tế và tôn giáo..

 

            Hiện Afghanistan có diện tích 647.000km2 với dân số chừng 20 triệu người, hầu hết đều là nuí non cao vút hiểm trở, mà không một khu vực nào trên thế giới sánh bằng. Từ bao thế kỷ qua, Afghanistan là nơi tranh hùng của nhiều đế quốc từ đông sang tây như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Mông Cổ. Ðây cũng là nơi chạm trán đẳm máu của hai đế quốc Nga và Anh-Ấn trong quá khứ, vì quốc gia này nằm trên con đường tơ lụa cũ được coi như là bàn đạp để chinh phục Trung Á tới tận vùng cận đông mà cái đuôi của Afghanistan được kéo dài giáp ranh với Trung Cộng tại Wakhan từ năm 1893.

            Trước khi Liên Xô tung quân vào cưởng chiếm Afghanistan thì quốc gia này theo thể chế quân chủ nhưng trung lập vì nhận viện trợ của nhiều nước để phát triển. Tháng 12-1979, lấy cớ giúp đở chính quyền cộng sản của Karmal, Nga đưa hơn 100.000 quân với phi cơ, chiến xa và đại pháo cưởng chiếm nước này. Cuộc nội chiến bắt đầu từ đó giữa phe Nga và chính quyên CS Kabul với lực lượng Du kích Afghanistan được Hoa Kỳ và Pakistan viện trợ. Chiến tranh kéo dài tới tháng 2-1989 thì Liên Xô sa lầy và kiệt quệ, nên phải rút quân về nước với số thương vong hơn 15.000 người. Chế đổ cộng sản Afghanistan do Nga dựng lên cũng theo quan thầy sụp đổ vào năm 1992.

            Cũng từ đó đất nước Afghanistan trở thành vô chủ với sự tranh dành quyền lực giữa nhiều sứ quân mà mạnh nhất là hai lực lượng Hồi giáo Taliban với sự hậu thuẩn của Pakistan, Arab Saudi và Hoa Kỳ. Còn Liên Minh Phương Bắc được yểm trợ bởi Nga, Ấn Ðộ, Kazakhnistan, Tadjikistan, Ouzbekistan. . Nhưng cuối cùng Taliban đã chiến thắng khi chiếm được Kabul vào năm 1994, sau 7 trận đánh kinh hồn ác liệt tàn phá thủ đô gần như tận tuyệt.

            Trước khi bị Taliban chiếm giữ, Afghanistan tuy là một quốc gia Hồi giáo nhưng vẫn giữ chính sách đại đoàn kết, dù 90% dân số theo hệ phái Sunite nhưng họ đã cùng những người theo đạo Hindu, Do Thái và Sikh.. sống chan hòa và chia sẽ cùng nhau những nguồn lợi kinh tế trong nước. Chẳng những thế người Afghanistan còn tôn trọng cả những vách núi thiêng liêng trong thung lũng Bamiyan vì có nhiều tượng Phật được tạc vào đó.

            Chính Mỹ qua CIA cùng với cơ quan tình báo của Arab Saudi và cơ quan liên vụ ISI của Pakistan.. đã làm sống lại phong trào Jihad (Thánh chiến), thành lập và nuôi dưỡng tổ chức Hồi giáo quốc tế để chống lại sự xâm lăng của Liên Xô vào lảnh thổ Afghanistan. Sau khi Liên Xô rút về nước đã để lại trên đất nước này một kho vũ khí khổng lồ cùng với nguồn nhân sự thật dồi dào cho phe Hồi giáo cực đoan Taliban. Trùm Osama Bin Laden người Arab Saudi nhưng sống lưu vong tại Afghanistan đã thành lập mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda ở đây và 15 trong số 19 tên sát thủ gây nên cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York là người Arab Saudi và trong tổ chức của Bin Laden. Riêng các thành viên trong tổ chức Taliban hầu hết đều thuộc bộ tộc Pachtoune sống ở hai bên biên giới Afghanistan và Pakistan.

            Tóm lại cuộc chiến của Hoa Kỳ, Pakistan và quân đội Ðồng Minh chống lại phe nhóm Taliban và mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda do trùm Osama Bin Laden cầm đầu, đang diễn ra thật khốc liệt tại hai nước Afghanistan và Pakistan, trên thực tế dù có mang một màu sắc gì chăng nữa, thì cũng đều có phảng phất mùi dầu hỏa và khí đốt. Thật vậy, Hoa Kỳ, Arab Saudi và Pakistan khi yểm trợ cho Taliban.. cũng đều nhắm vào những lợi ích riêng tư qua màn khói ‘ thánh chiến ‘ chống xâm lăng Liên Xô tại Afghanistan vào năm 1979.

            Cũng trong sự trao đổi này, Hoa Kỳ đã tin vào lời hứa của Taliban sẽ cấm chỉ việc trồng trọt và xuất cảng thuốc phiện để đầu độc khắp thế giới. Ngoài ra nếu Afghanistan được vãn hồi an ninh trật tự (dù Taliban đã bị đánh đuổi ra khỏi chính quyền) thì Hoa kỳ có thể xây dựng được một ống dẫn dầu và khí đốt từ Turkmenistan xuyên qua nước này và Pakistan ra Ấn Ðộ Dương. Công trình này song hành với việc thiết lập một đường ống từ khu vực Caucase tới Châu Âu qua Thổ Nhỉ Kỳ, Hắc Hải.. trị giá trên 25 tỷ Mỹ kim.

            Ðó là lý do Mỹ đã phản ứng lấy lệ qua nhiều lần bị khủng bố nhắm vào các cơ sở của mình tại Kenya, Tanzania (Phi Châu), cho tới khi xãy ra vụ tấn công khốc liệt vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Washington DC và New York. Chừng đó Hoa Kỳ mới trả đủa ác liệt qua cuộc tấn công Taliban tại Afghanistan, để bắt Bin Laden và tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.

            Hiện nay Taliban và mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qarda càng lúc càng bành trướng mạnh và hung dữ ác độc, đã sử dụng cả đàn bà mang bom tự sát nhắm vào tất cả các đối tượng được coi là thù địch. Taliban chẳng những gây tang tóc máu lửa khắp hai nước Afghanistan và Pakistan, mà còn phát triển mạng khủng bố khắp nơi kể cả Hoa Kỳ. Ngoài ra để sinh tồn và tiếp tục trường kỳ cuộc ‘ thánh chiến’, trùm Bin Laden đã tổ chức buôn lậu ma tuy khắp thế giới,Ô để thay thế vào các tài khoản ngân hàng đã bị phong tỏa.

            Ðó là ý nghĩa cao quý nhất của cuộc chiến ‘ tiêu diệt khủng bố ‘ mà Hoa Kỳ và Ðồng Minh đang tham dự . Tổng thống Obama dù có ý đồ nào chăng nữa, chắc chắn ông cũng sẽ không bao giờ dám tự ý ra lệnh ‘ bỏ chạy ‘ dù trước mắt Hoa Kỳ sắp khai thác được những mỏ dầu vĩ đại tại vùng biển Bắc Băng Dương, để thay thế nguôn năng lượng hiện có tại Trung Ðông sắp cạn kiệt và bấp bênh vì nạn hải tặc càng lúc càng lộng hành.

            AFGHANISTAN TANG THƯƠNG VÀ BẤT HẠNH :

            Chỉ từ tháng 10-1901 đến tháng 1-2002, Afghanistan đã thay đổi quốc kỳ tới 17 lần và lá cờ sử dụng lâu nhất được 41 năm 9 tháng (từ 1931 tới 1973), với 3 màu đen đỏ xanh lục nằm thứ tự theo chiều dài, giữa có hình giáo đường và những nhành nguyệt quế trắng. Ba lá quốc kỳ đầu tiên từ tháng 10-1901 đến tháng 9-1928 đều màu đen với hình giáo đường trên nền những nhánh cây, ngôi sao..

            Theo quan niệm của người Afghanistan, thì màu đen được xem như tương trưng cho một dân tộc đồn trú (campe) trong pháo đài là những ngọn núi không thể bị đánh chiếm. Bởi vậy không một chính quyền nào dám bỏ màu đen trừ dưới chế độ cộng sản Najibulah 1978-1979. Riêng Taliban đã sử dụng màu đen trong mục đích tuyên truyền qua hàng chữ ‘ Nhà nước của thủ lĩnh Hồi giáo và chỉ có Thượng Ðế là thần linh.. ’ ’ . Còn màu đỏ là biểu trưng của nền quân chủ và sức mạnh quân sự. Với màu xanh lục thì dành cho đức tin của tôn giáo. Cuối cùng là lá cờ được treo tại Kabul từ ngày 13-11-2001sau khi Taliban bị đánh đuổi khỏi chính quyền, là lá cờ từng đươc chính phủ Rabbani sử dụng với ba dãi màu nằm ngang là xanh, lục, trắng và hình trang trí màu đen.

            Hơn hai thế kỷ qua, Afghanistan luôn luôn là bãi chiến trường ác liệt và đẳm máu vì sự tranh dành quyền lực của các cường quốc tại đây và hầu như lần nào họ cũng bị sa lầy quân sự tại vùng núi non hiểm trở này. Ðây là một đất nước được hình thành của 12 sắc dân có ngôn ngữ và tập quán hoàn toàn khác biệt, đuợc kết ráp vào qua những biến cố lịch sử nên có tổ chức rất lỏng lẻo. Ðông nhất là sắc dân Pachtoune (chiếm 50%) sống ở miền Nam và dọc theo miền biên giới với Pakistan. Sắc dân này cũng chia thành hai nhóm với các bộ tộc nói nhiều thổ ngữ. Nhóm dân Tadjk (20%) ở miền Bắc, người Baloutche phí Tây-Nam, người Mazara ở vùng núi miền Trung.. nói tiếng Iran. Riêng các sắc dân Aymaq (phía Tây), Ouzbek, Turmene, Kirghize và Kazakh.. nói thổ ngữ gần giống Thổ Nhĩ Kỳ.

            Thủ đô Kabul nằm trên độ cao 1800 m, mùa đông coi như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Do hoàn cảnh thời tiết và địa thế khắc nghiệt như vậy nên hầu hết dân chúng Afghanistan ít quan tâm tới chính quyền trung ương. Ðó cũng là một trong những nguyên nhân đưa tới nội chiến triền miên giữa các bộ tộc, gây tang tóc đau thương cho nhiều triệu thường dân cả nước. Số lớn sống sót phải bỏ nước sống lưu vong tại Iran và Pakistan dưới sự bảo trợ của LHQ.

            Trong quá khứ Afghanistan từng là thuộc địa của hai đế quốc Nga và Anh-Ấn. Sau đó bị thế giới bỏ quên mãi tới thập niên 50 của thế kỷ XX mới nhận được viện trợ từ bên ngoài cùng với các thế lực ngoại xâm mà mở đầu là cuộc xâm lăng của Liên Xô vào tháng 12-1979, qua việc hạ sát Tổng thống Hafezollaz Amine, để thiết lập một chính phủ cộng sản thân Nga do Babrak Karmal cầm đầu.

            Nhiều người ngạc nhiên về sự thất bại lần này của Hồng quân Liên Xô, vì hơn ai hết đế quốc Nga cũng đã bị thảm bại tại vùng đất này trong quá khứ. Trong thế kỷ XIX biên giới của Afghanistan thường thay đổi vì chiến tranh triền miên giữa các bộ tộc với các nước láng giềng. Năm 1837 mượn cớ Iran tấn công biên giới phía tây của nước này, đế quốc Anh-Ấn tấn chiếm và cai tri Afghanistan hơn 140 năm, cuối cùng cũng bị du kích quân đánh bại.

            Habib Allah Khan đã đưa đất nước Afghanistan vào con đường hiện đại hóa trong thời gian trị vì từ 1901 tới 1919 tránh được hiểm họa của Thế chiến I. Những người kế vị sau nàu hầu hết đều khôn ngoan có lòng với nước nên Afghanistan đã trãi qua một thời gian an bình sau thế chiến II và trở thành vùng trái độn giữa hai khối Tư bản và Cộng sản trong chiến tranh lạnh tại Trung Á. Thời gian này vua Zahir của Afghanistan rất được thế giới nể trong, trong đó có Eisenhower, Khrouchtchev, Pompidou.. Nhưng bất hạnh và tai họa đã tới với đất nước này khi vua Zahịt bị người em họ là Mohammed Daoudlật đổ vào năm 1973 phải sống lưu vong tại Ý. Sau cùng Daoud vào năm 1978 cũng bị hạ bệ, đất nước Afghanistan rơi vào sự đô hộ của Liên Xô, mở đầu cho cuộc nội chiến từ đó cho tới ngày nay vẫn còn ác liệt, không biết chừng nào mới chấm dứt.

            HOA KỲ VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG TALIBAN VA AL QAEDA :

            Theo tình báo Mỹ thì Al Qaeda đã huấn luyện hơn 11.000 tên sát thủ tại các trung tâm nằm dọc theo biên giới giữa hai nước Afghanstan và Pakistan. Số này hiện có mặt trên 50 quốc gia khắp hoàn cầu với sứ mạng khủng bố, gây tình trạng bất ổn khắp thế giới bằng đủ mọi hình thức trong đó có bắt cóc để tống tiền và buôn lậu ma tuý đầu độc giết hại nhân loại.

            Ðó là lý do để Tổng thống W.Bush khi còn tại chức, đã quyết tâm truy sát tận diệt tới cùng trùm Bin Laden và mạng lưới khủng bố Al Qaeda, cho dù Taliban đã bị sụp đổ tại Afghanistan từ tháng 11-2001. Tính đến tháng 6-2006 hầu hết những tên thân tín của Bin Laden và các sát thủ can dự tới vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Hoa Kỳ đã bị giết hoạc sa lưới dù chúng trốn tận chân trời góc biển. Với các chiến binh Mỹ đang tham chiến tại Afghanistan, thì nhiệm vụ chính cũng vẫn là săn tìm cho bằng được trùm khủng bố Bin Laden, không phải để nhận tiền thưởng nay đã lên tới 25 triệu Mỹ kim, mà là trả thù cho hơn 3000 người đã chết thảm vì khủng bố.

            Riêng Bin Laden từ sau ngày Taliban sụp đổ, đượng sự vẫn còn ẩn trốn trong lảnh thổ Afghanistan mà theo các nguồn tình báo cho biết, đó là vùng Waziriatan núi non hiểm trở của Pakistan giáp với Afghanistan.. nhưng chưa ai xác định được hắn ở đâu trong khu vực rộng lớn tới 80.000 km2. Ðây là nơi sinh sống của một bộ tộc có nguồn gốc từ thời Alexander Ðại đế rất bảo thủ và trung thành với Bin Laden. Ðó cũng là lý do Hoa Thịnh Ðốn đã bắt tay với tân Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardan và Tổng thống H.Karzai của Afghanistan trong việc liên minh quân sự để săn lùng Bin Laden, dư đảng Taliban và mạng lưới Al Qaeda tại khu vực trên. Ðây là một chiến trường vô cùng thảm khốc đối với các chiến binh Mỹ đang tham chiến tại đây.

            Hậu chứng Taliban để lại sau mấy năm cầm quyền không phải chỉ riêng hai nưóc Afghanistan và Pakistan gánh chịu, mà cả vùng Trung Á từ miền Causase tới tận Tân Cương (Trung Cộng) đều là cái nôi nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố và nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban. Các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ như Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan.. giáp ranh với Afghanistan đều trở thành chiến trường khốc liệt vì sự nổi dậy của các phong trào Hồi giáo cực đoan do Taliban và Chechnya yểm trợ, xúi giục. Gần đây phong trào Hồi giáo cực đoan tại Uzbekistan qua tên gọi là IMU đã chiếm được thung lủng Fegana thuộc lảnh thổ của ba nước Cộng Hòa trên, để lập ra một nhà nước Hồi giáo theo kiểu Taliban, sống bằng nguồn lợi buôn bán ma túy và do Bin Laden lảnh đạo.

            Nga hiện có 25.000 quân đóng tại Tajikistan để chống lại việc xuất khẩu phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban từ Afghanistan. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đặt IMU vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế do Bin Laden cầm đầu, bằng cách yểm trợ quân sự cho ba nước Trung á trên. Cuối cùng trong cuộc chiến chống Taliban, Bin Laden và mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda là ngăn chận và diệt trừ hệ thống ngân hàng bí mật của bọn tội phạm trên, qua danh xưng ‘ Hawala-Banking “chằng chịt khắp thế giới, chẳng khác gì hệ thống chuyển tiền từ ngoại quốc về VN nuôi béo chế độ Cộng Sản được chúng gọi là kiều vận.

            Afghanistan ngày nay cũng là con đường của thần chết dùng để chuyển vận Heroin từ Trung Á tới Châu Âu và sau đó tỏa đi khắp thế giới để đầu độc và giết người. Hiện quốc gia này vẫn cung cấp hơn 75% tổng số lượng Heroin cho cả thế giới. Một nữa số lượng ma tuý trên được đưa tới Âu Châu, xuyên qua các nước Cộng Hòa của Liên Xô cũ ngày nay được mệnh danh là ‘ con đường tơ lụa mới ‘, đã mang tới sự nghiện ngập chết người càng ngày càng gia tăng nhất là ở Cộng Hòa Liên Bang Nga.

            Ðồng hành với nạn chích choắt là căn bệnh Aids, viêm gan B không sao kiểm soát được nhất là tại Nga đối với những người nghiện ngập ma tuý. Nguyên nhân đều do sự canh phòng và kiểm soát biên giới tại Tajikistan quá lỏng lẻo và trên hết mức thu nhập của người dân nước này đều sống nhờ vào sự chuyển vận ma tuý đến từ Afghanistan. Rồi thì ma tuý bằng đủ mọi cách từ thủ đô Dusanbe của Tajikistan tỏa khắp hoàn cầu, trước khi qua Osh (Kyrgyzstan), Volgograd và Moscu (Nga), Hamburg (Ðức). Theo nhận xét của Intepol thì ‘ con đường tơ lụa ngày xưa nối liền hai nền van minh Ðông-Tây, giờ đã trở thành con đường của thần chết từ Afghanistan mang tới cho nhân loại ‘.

            Dù gì chăng nữa thì cuộc chiến chống khủng bố quốc tế của Hoa Kỳ, Pakistan và Ðồng Minh do Bin Laden và Taliban gây ra tại Afghanistan rất quan trọng và mang ý nghĩa cao cả hơn cuộc chiến đã xảy ra tại Iraq vừa qua. Và như một bài viết của tác giả Nathan Vardi đăng trên tờ Forber ngày 3 tháng 8 năm 2009 thì kẻ thu lợi trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan, cũng vẫn là giới tài phiệt chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới quân đội với thu nhập hơn 100 tỷ trong ngân khoản 830 tỷ dành cho quân sự.

            Cuộc chiến chống Bin Laden, Taliban và Al Qaeda đang tiếp diễn khốc liệt khắp chiến trường, từ thành phố, thủ đô tới vùng núi non trùng điệp giữa biên giới Pakistan-Afghanista n. Tại Hoa Kỳ, đa số các tướng lãnh và một số nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa đều thúc giục Tổng thống Obama nhanh chóng tăng thêm cho chiến trường Afghanistan 40.000 quân để có đủ quân số dứt điểm loạn quân Taliban và mạng lưới Al Qaeda của Bin Laden tại đây. Tất cả đã trở thành hiểm họa chung của nhân loại.

            Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
            Tháng 10-2009
            MƯỜNG GIANG