Ở Việt Nam, đã có lúc chỉ khi xảy ra các vụ bắt bớ những người cổ vũ dân chủ hay các yếu nhân của Giáo hội Công giáo mới làm truyền thông chú ý.
Giờ đây, một nhóm mới, bất ngờ hơn đã gia nhập hàng ngũ những người bị chính thể trừng phạt.
Trong vài tháng qua, ngày càng có nhiều những người dân tộc chủ nghĩa cáo buộc Hà Nội ngả theo Bắc Kinh, đã hứng chịu sự tấn công của nhà nước dành cho nhà báo và blogger.
Với hơn 21 triệu người dùng internet và ước tính có 3, 4 triệu blog, nhà nước Việt Nam ngày càng khó kiểm soát mạng, và internet đã trở thành phương tiện diễn ngôn chính cho những ai chỉ trích chính sách.
Suốt một năm rưỡi qua, Trung Quốc đã là tâm điểm của những tranh cãi dữ dội qua mạng, từ chuyện ra oai quanh Trường Sa – Hoàng Sa, hay quyết định tranh cãi của chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép Chinalco của Trung Quốc khai thác bauxite trên Tây Nguyên.
Trong quá khứ, Đảng rất ủng hộ phong trào dân tộc chủ nghĩa, nhưng nay đối với một bộ phận lãnh đạo Việt Nam, thái độ bài Hoa ngày càng rõ trên blog dường như trở thành vật cản ngoại giao chứ không phải là nguồn sức mạnh.
Các vụ bắt bớ gần đây có vẻ như được dẫn dắt bởi cơ quan tình báo quân đội bí ẩn có tên Tổng Cục Hai. Cơ quan này, có tin nói là thành lập đầu thập niên 1980, đã trở thành vũ khí ưa thích của phe bảo thủ trong cuộc tranh giành quyền lực trước Đại hội XI, dự kiến tổ chức vào 2011.
Tranh chấp chính trị
Đại hội XI sẽ quyết định các vị trí lãnh đạo chủ chốt và cơ cấu quyền lực trong nhiều năm sau này.
Vì thiếu vắng tranh luận ý thức hệ thực sự, nên chính sách của Hà Nội với Trung Quốc dường như trở thành điểm phân rẽ chính giữa phe cải tổ và bảo thủ.
Đa số chuyên gia cho rằng việc trấn áp các blogger dân tộc chủ nghĩa có thể được xem là sự thể hiện quyền lực của nhóm bảo thủ, mà dường như đang thắng thế sau khi ông Tô Huy Rứa được vào Bộ Chính trị.
Dĩ nhiên thật vô cùng khó để bất kỳ ai ngoài ban lãnh đạo Đảng có thể dự đoán cuộc tranh đấu nội bộ sẽ đi tới đâu. Nhưng người ta biết rằng chính sách kinh tế tự do của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm mất lòng nhiều thành viên truyền thống hơn trong Đảng, những người lo sợ sự cởi mở sẽ dần dần đưa tới khao khát có tự do chính trị. Mặc dù ông Dũng vẫn có thể dựa vào các đảng viên trẻ hơn, bớt đầu óc ý thức hệ và ủng hộ cải cách kinh tế hướng ngoại, nhưng khó khăn tài chính gần đây của Việt Nam cũng khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư của nước láng giềng phương Bắc.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Bắc Kinh cho tới nay đã được phe bảo thủ khéo léo sử dụng cho ưu thế chính trị. Đã có những tin đồn khó chịu xuất hiện, cáo buộc Thủ tướng Dũng nhận hối lộ trong dự án bauxite. Đợt sóng tin vỉa hè gần đây rất giống với cái gọi là “vụ án T4”, được cho là do Tổng cục Hai dàn dựng, cáo buộc nhiều lãnh đạo đã nhận tiền của CIA. Ảnh hưởng gia tăng của Tổng cục Hai đem lại lo ngại trong một số đảng viên rằng nếu tình báo quân đội không được kiểm soát, thì Việt Nam có thể đang đi theo hướng của Pakistan, nơi nhiều thành phần của cơ quan tình báo quân đội khét tiếng ISI đã thiết lập cấu trúc quyền lực riêng phục vụ cho nghị trình của họ.
Chính sách mâu thuẫn
Đợt tranh đấu chính trị mới đây chỉ càng làm tăng thêm sự phức tạp trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cũng trong năm nay, Việt Nam hoàn tất hợp đồng 1.8 tỉ đôla với Nga để mua sáu tàu ngầm hiện đại. Theo ước đoán của tạp chí Jane’s Intelligence Review, ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam chỉ là 3.6 tỉ đôla. Vụ mua bán này là dấu hiệu rõ gửi cho Bắc Kinh rằng Hà Nội muốn phát triển chiến lược phòng vệ biển cho các tuyên bố chủ quyền của mình.
Chuyên gia về Việt Nam lâu năm, Carlyle Thayer, mô tả chính sách của Hà Nội với Trung Quốc là “theo đuổi chiến lược tổng hòa giữa hữu hảo, nhờ tới quốc tế và phòng hờ với Trung Quốc”.
Mặc dù nhận xét này mới đầu nghe như đa phương quá mức và vô lý về mặt chiến lược, nhưng ta có thể cho rằng thái độ yêu ghét Trung Quốc – dao động giữa phòng thủ và ương bướng – cũng chẳng phải là chuyện mới mẻ. Nó đã in sâu trong nhận thức chiến lược của Việt Nam đối với nước láng giềng.
Trong tác phẩm China and Vietnam: The Politics of Asymmetry (2006),GS. người Mỹ Brantly Womack nhận định quan hệ Việt – Trung “là ca thú vị của mối quan hệ bất tương xứng lâu dài”.
Bản sắc Việt Nam độc đáo ở chỗ nó hình thành nhờ cả việc thông qua cũng như đối chọi lại với ảnh hưởng Trung Hoa. Trong một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của kẻ chiếm đóng. Trong khi quá trình Hán hóa trở nên sâu đậm trong giới tinh hoa và quý tộc Việt Nam, thì người nông dân lại vẫn trung thành với lề lối truyền thống và khác với giới quý tộc, họ không chịu từ bỏ Phật giáo để đi theo Nho giáo.
Ta gần như có thể tìm thấy sự tương đồng với các sự kiện đang diễn ra ở Việt Nam: nhiều người thuộc tầng lớp quý tộc mới đang ngả về Trung Quốc, trong khi thường dân, được đại diện bởi các blogger và những nhà hoạt động trên mạng, lại bảo vệ bản sắc và quyền lợi dân tộc.
Khi phải đánh giá dấu ấn văn hóa in hằn trong ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc, đã có người cho rằng quan hệ Việt – Trung bắt rễ trong quan niệm Khổng Nho về thầy và trò, và rằng nếu thỉnh thoảng căng thẳng nổ ra trong 40 năm qua, đó là vì sau khi Việt Nam đã củng cố vị thế một quốc gia hiện đại sau cuộc chiến Đông Dương, nước này tìm cách thay thế quan hệ giám hộ bằng một quan hệ bình đẳng hơn.
Khi trấn áp các nhà báo và blogger theo chủ nghĩa dân tộc, Đảng có nguy cơ khơi sâu khoảng cách lịch sử giữa người nông dân và giới tinh hoa trong thái độ với TQ.
Iskander Rehman
Đây là chuyện không dễ dàng gì, như Brantly Womack giải thích: “Với một láng giềng như thế, Việt Nam mắc kẹt trong sự khó xử. Họ cần hòa bình với Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần, nhưng nếu họ cho phép Trung Quốc chèn ép để dịch chuyển viên đá xác định biên giới, họ để mất tự chủ và bản chất dân tộc.”
Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ phải tìm cách vượt qua tình thế tiến thoái lưỡng nan to lớn này trong những năm tới.
Nhưng có một điều chắc chắn: khi trấn áp các nhà báo và blogger theo chủ nghĩa dân tộc, Đảng có nguy cơ khơi sâu khoảng cách lịch sử giữa người nông dân và giới tinh hoa trong thái độ với Trung Quốc.
Nếu điều đó xảy ra, Đảng sẽ tự đánh mất điều mà Hồ Chí Minh từng gọi là “vũ khí bí mật” hiệu nghiệm nhất của Việt Nam – lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân.
Iskander Rehman có bằng thạc sĩ Chính trị học ở Viện Chính trị học tại Paris, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở CERI (Centre d'Etudes et de Recherches Internationales) tại Paris. Ông hiện làm luận án về Chiến lược Biển của Ấn Độ. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.