Cuốn sách The Spy Who Loved Us (Nhà tình báo yêu chúng ta) của Giáo sư Thomas Bass (University at Albany, tiểu bang New York)là ấn phẩm mới nhất về người điệp viên Việt Nam được Tây phương biết tới nhiều nhất.
Kể từ lần gặp ông Ẩn lần đầu tiên năm 1992, ông Thomas Bass đã thu thập được hơn 60 giờ ghi âm cộng thêm phần chép tay tương đương nhiều giờ đối thoại với nhân vật phi thường này.
Bậc thầy chiến thuật
Dựa trên số tư liệu gốc ấy, tác giả nhận định ông Ẩn, “mặc dù tự thể hiện như là một phân tích gia chiến lược, chỉ quan sát chiến tranh từ bên lề, nhưng thực ra là một bậc thầy chiến thuật can dự nhiều trận đánh lớn của cuộc chiến”.
Tác giả cũng tiếp xúc được với nhiều nhân chứng lịch sử, ví dụ Đại tướng Mai Chí Thọ, người sếp cũ của ông Ẩn.
Trong một lần gặp, Thomas Bass đề nghị Tướng Thọ liệt kê các điệp viên hàng đầu của Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Ẩn đứng đầu trong danh sách, tiếp theo là Đặng Trần Đức (Ba Quốc), thứ ba và thứ tư là Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Ngọc Thảo.
Mới hồi năm 2008, một chuyên gia người Mỹ khác, Giáo sư Larry Berman, Đại học California tại Davis, đã công bố một tác phẩm về ông Ẩn, cuốn Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo).
Như Giáo sư Thomas Bass nhận xét với BBC Việt ngữ, tác phẩm của ông Larry Berman, trong cố gắng trở thành cuốn tiểu sử “chính thức” về Phạm Xuân Ẩn, dường như đã bỏ bớt tính phê phán cần có của một nghiên cứu khách quan.
Trong khi đó, tác giả của The Spy Who Loved Us không ngại hỏi thẳng ông Ẩn một số chủ đề nhạy cảm.
Ông hỏi ông Ẩn về cái gọi là “vụ án T4”, theo đó, Tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần gửi thư cho Đảng nói rằng ông đã bị Tổng cục Hai Bộ Quốc Phòng “dệt chuyện”.
Theo tác giả, ông Ẩn đã rút từ ngăn kéo lá thư 17 trang của Tướng Giáp.
Ông Ẩn thận trọng: “Tôi được đào tạo để khách quan. Điều tôi nên nói là ông ấy [Tướng Giáp] đúng trong mô tả góc nhìn của ông.”
“Thật nguy hiểm khi chọn theo phe nào. Lý do chúng tôi không có lịch sử Việt Nam do người Việt viết là vì anh không thể nói sự thật. Vì thế toàn bộ sách trên giá của tôi đều do người nước ngoài viết.”
Tác giả lại hỏi tiếp: Việt Nam sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ đã thắng?
Ông Ẩn nói: “Việt Nam sẽ không giống Bắc Hàn. Bắc Việt khi đó chắc bị Trung Quốc hấp thu.” (would have been absorbed into China)
“Và còn Nam Việt Nam?”
“Người miền Nam không tàn nhẫn như Triều Tiên. Miền Nam hẳn sẽ chỉ là một ngôi sao nhỏ trong quỹ đạo phương Tây.”
Hình ảnh về một người yêu nước “lãng mạn” dường như là di sản mà ông Ẩn muốn để lại cho người phương Tây.
Trong một lần trò chuyện, ông Ẩn nói: “Tôi chưa bao giờ là người cách mạng.”
“Tôi là người lãng mạn, yêu tổ quốc và sẵn sàng bảo vệ quê hương đến chết,” ông nói.