Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ |
Tác Giả: Mặc Lâm/ RFA |
Chúa Nhật, 25 Tháng 10 Năm 2009 08:54 |
Từ hơn một năm nay, vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ mà lúc bắt đầu rất "ầm ĩ”, sau đã được khép lại với một bản án quá nhẹ nhàng. Tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên là Giám Đốc Ban Quản Lý - Dự Án Đại Lộ Đông – Tây, mức án 3 năm tù - thấp hơn nhiều so với mức án Viện Kiểm Sát đề nghị, Hội Đồng Xét Xử lập luận rằng, do Huỳnh Ngọc Sĩ vốn có nhân thân tốt, đã cống hiến nhiều và quá trình cống hiến lâu dài, gia đình có công với cách mạng, quá trình làm việc đã đạt được nhiều thành tích tốt. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này sau đây. Huỳnh Ngọc Sỹ (phải) và Lê Quả tại phiên tòa ngày 25/09/2009 Một vụ hối lộ 800 nghìn đôla Người ta còn nhớ vào năm 2008, dư luận Nhật Bản và Việt Nam bị khuấy động lên bởi một vụ án hối lộ được xếp vào hàng lớn nhất ở Việt Nam và có liên quan trực tiếp đến đồng tiền ODA của Nhật Bản. Để nhận được hợp đồng tư vấn dự án ODA Đại Lộ Đông Tây ở TP.HCM, lãnh đạo công ty PCI của Nhật đang có mặt tại Việt Nam, từ năm 2003 đến 2006 đã 2 lần hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, là người mang trách nhiệm điều hành dự án, với tổng số tiền lên tới 800.000 đôla. Các quan chức của PCI sau đó bị truy tố về tội hối lộ và vi phạm luật cạnh tranh, bị phạt tù. Đó cũng là lý do phía Nhật quyết định tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam. Là một vụ án được công luận xem là trọng điểm quốc gia, nhiều lần quan trọng hơn so với vụ PMU18, vụ án của ông Sỹ liên quan đến uy tín quốc tế của đất nước. Chính quyền dường như buộc lòng phải đem ra xét xử để xoa dịu dư luận, nhất là dư luận Nhật Bản, trong khi dư luận trong nước cho rằng ông Sỹ không thể ăn hối lộ một mình và nếu vụ án mở ra vào lúc này sẽ có nguy cơ kéo theo nhiều quan chức khác. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt, bị truy tố với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tội nhận hối lộ 800 ngàn đôla trong vụ PCI không hề được nhắc tới. Với tội danh này ông Sĩ có thể bị kêu án lên tới 15 năm tù giam, nhưng sau một thời gian thụ lý, mới đây, Toà Án Nhân Dân TP.HCM đã xử ông Sĩ 3 năm tù giam mặc dù Viện Kiểm Sát TP.HCM đề nghị 5 năm, với cáo buộc là đã “chia chác” và nhận khoảng 3.000 đôla tiền cho thuê nhà từ căn nhà thuộc sở hữu của nhà nước. Điều mà dư luận ngạc nhiên hơn hết là trước đó ít lâu, hàng chục lá đơn của các cơ quan công quyền, trong đó có cả đơn xin của Ban Quản Lý dự án nơi ông Sĩ làm việc trước đó, gửi tới tấp vào toà án với nội dung xin toà khoan hồng bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ với lý do nhân thân của ông này tốt, đã cống hiến nhiều cho cách mạng. Có quá trình cống hiến lâu dài, gia đình của ông có công với cách mạng, quá trình làm việc của ông đã đạt được nhiều thành tích tốt và được biểu dương. Những lá đơn này được hội đồng xét xử sử dụng như những chứng cứ để giảm án cho ông Sĩ trong một phán quyết có dấu hiệu khác thường. Khác thường bởi lẽ bản án quá nhẹ so với hành vi phạm tội của bị cáo, dù chỉ là với tội danh đã được ấn định nhẹ hơn nhiều so với hành vi thực sự. Mức án quy định tối đa với tội danh này là 15 năm và toà áp dụng nhân thân tốt để giảm còn lại chỉ 3 năm. Công luận nêu câu hỏi liệu đó có phải là một biểu hiện đúng đắn của công lý hay không? Luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ Tịch - Đoàn Luật Sư Hà Nội cho biết những phán quyết của toà án sau khi có mức giảm án với lý do nhân thân tốt là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam. Luật sư Hải nói: Trong luật người ta không quy định cụ thể là bao nhiêu, nhưng mà nó giảm thì nếu như là giảm nhiều nhất thì có thể giảm dưới mức tối thiểu của khung hình phạt, thí dụ như một cái tội nó quy định từ 12 năm tới 20 năm hoặc chung thân hay tử hình chẳng hạn, nếu như có giảm thấp nhất thì chỉ giảm có khoảng dưới 12 năm, chứ còn pháp luật người ta không quy định cụ thể là bao nhiêu, cái đó dành cho người thẩm phán khi xét xử Trong phạm vi nhân đạo, toà án các nước thường chấp nhận xem xét hành vi của bị cáo đối với quan hệ xã hội hay cộng đồng để giảm mức án nếu bị cáo có nhân thân tốt. Việc áp dụng các hình thức giảm nhẹ này được toà áp dụng rất hạn chế, vì với kinh nghiệm cho thấy nếu không quy định mức áp dụng một cách cụ thể thì chánh án có thể tuỳ tiện giảm án cho bị can và pháp luật khó thể được thi hành một cách công bằng. Luật sư Trần Lâm, người đã nhiều năm hoạt động trong ngành luật tại Việt Nam cho biết ý kiến của ông về việc áp dụng yếu tố nhân thân tốt, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là mức giảm án tối đa không rõ ràng, có thể bị lạm dụng bởi những phiên toà có sự sắp xếp từ trước. Luật sư Trần Lâm nói : Có nhân thân tốt thì là những hành vi tốt thì cái toà án nó phải, nếu nó muốn giảm nhẹ cho anh ta thì nó phải nói là nhân thân tốt thì là những hành vi tốt, thế mà cái tốt ấy thì xem coi điểm nào, thế xong rồi nó mới thấy rằng đây là có thể tốt. Thí dụ như mức án nó gọi là 3, thế thì nó để 2 thôi, đấy là khi có nhân thân tốt, nhưng mà cái nhân thân tốt đấy thì theo ý kiến của tôi đó thì định cái mức án nó hơi khó, nhưng mà có thể hạ, nhưng mà hạ ít thôi, không thể hạ nhiều được, thậm chí có khi tha hẳn nhưng phải là những cái tội nhẹ lắm thì mới tha. Nhưng mà ở đây bây giờ nó khổ cái là tha lại có khi vì cái phe cánh, vì cái vấn đề tiền nong, vì những cái vấn đề rồi là ................., tức là nặng thì bây giờ đánh thành nhẹ, rồi là công thức viết ra thì nói là công thức sai, cao, rồi nó lại mắc míu không phải là vấn đề theo đúng điều luật mà là không được trong sáng, không được công bằng, không được minh bạch trong cái việc vận dụng cho nên nó lôi thôi thế. Nói tóm lại có công thức thì phải đánh giá cho đúng, xong rồi có giảm nhẹ, giảm nhẹ tuỳ theo, nhưng mà tội nặng quá thì ............. là ít nhưng mà tội thật nhẹ thì có thể giảm nhiều. Phân biệt đối xử Theo công bố của toà án thì Huỳnh Ngọc Sĩ được xét giảm án do đã cống hiến nhiều và quá trình cống hiến lâu dài, gia đình có công với cách mạng, quá trình làm việc đã đạt được nhiều thành tích tốt được biểu dương là những yếu tố chính trong việc xét giảm. Dư luận cho rằng một người dân thường và một người được gọi là “cách mạng” vẫn thường được đối xử khác nhau trên nhiều lĩnh vực, và nay thì các bản án cho thấy một lần nữa sự đối xử khác biệt ấy thể hiện ở các phiên xử khiến người dân không thể không nghĩ lại tính công bằng từ hệ thống toà án của nước mình. Cũng với cách áp dụng nhân thân tốt, toà án Việt Nam liên tiếp xử nhiều vụ khó chấp nhận và mới nhất là vụ xử giám độc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - Chu Văn Thưởng, người trực tiếp gây án mạng qua vụ đụng xe gây chết người vào ngày 7-7-2008 gây ra cái chết thương tâm cho hai cha con anh Phùng Văn Hải. Ông Thưởng gây án khi đang say rượu lái xe và sau đó đã giao tay lái cho tài xế Đặng Văn Toàn và ông này vòng ra ghế phía sau ngồi như người vô can. Sau đó với tư cách thủ trưởng cơ quan, bị cáo Chu Văn Thưởng yêu cầu những người có mặt trên xe lúc gây án phải im lặng và không được khai báo y là người trực tiếp gây ra cái chết cho hai cha con anh Phùng Văn Hải. Sau khi lấy lời khai của toàn bộ nhân chứng, Toá Án Nhân Dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Chu Văn Thưởng bản án 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo với lý do nhân thân tốt và có đóng góp nhiều cho cách mạng. Hai bản án của Huỳnh Ngọc Sĩ và Chu Văn Thưởng tuy khác nhau về tình tiết nhưng giống nhau về cách áp dụng yếu tố đóng góp cho cách mạng để giảm án khiến cho người dân bình thường không khỏi không tự hỏi liệu nếu họ là những người có tư cách tốt, chưa hề vi phạm luật lệ nhà nước, hàng xóm láng giềng yêu mến vì giúp đỡ người khác, hay luôn luôn tham gia vào các công việc cộng đồng hay từ thiện, thì có được toà án Việt nam xét giảm hay không? Nếu không thì rõ ràng tiêu chí xét giảm cho những người có đóng góp đến quá trình tham gia cách mạng hơn là quá trình làm công dân của họ, mặc dù những hành vi cá nhân của những người này hoàn toàn không thể xem là nhân thân tốt được. Dư luận cho rằng một người dân thường và một người được gọi là “cách mạng” vẫn thường được đối xử khác nhau trên nhiều lĩnh vực, và nay thì các bản án cho thấy một lần nữa sự đối xử khác biệt ấy thể hiện ở các phiên xử khiến người dân không thể không nghĩ lại tính công bằng từ hệ thống toà án của nước mình. |