Home Tin Tức Thời Sự Băn khoăn từ… “nhân thân tốt”

Băn khoăn từ… “nhân thân tốt” PDF Print E-mail
Tác Giả: Dương Trọng Dật   
Thứ Bảy, 24 Tháng 10 Năm 2009 23:00

 Năm 2008, dư luận Nhật Bản và Việt Nam chấn động vì một vụ hối lộ được xếp vào hàng chưa từng có ở Việt Nam.

Đâu rồi chuyện hối lộ?

Năm 2008, dư luận Nhật Bản và Việt Nam chấn động vì một vụ hối lộ được xếp vào hàng chưa từng có ở Việt Nam. Để nhận được hợp đồng tư vấn dự án ODA Đại lộ Đông Tây ở TP.HCM, các quan chức công ty CPI (Nhật Bản), từ năm 2003 đến 2006 đã 2 lần hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc dự án, với tổng số tiền lên tới 820.000 USD. Một số tiền mới nghe nhiều người đã chóng mặt!

4 quan chức của CPI sau đó bị truy tố về tội hối lộ và vi phạm luật cạnh tranh, bị phạt tù. Đó cũng là lý do phía Nhật quyết định tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian.

Là vụ án trọng điểm quốc gia có liên quan đến uy tín quốc tế của đất nước, ông Huỳnh Ngọc Sĩ  sau đó đã bị bắt. Có điều, ông không bị bắt vì tội nhận hối lộ mà với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


Ông Sĩ bình thản ra khỏi Tòa với bản án 3 năm về tội ...cho thuê văn phòng

Sau một thời gian thụ lý, mới đây, TAND TP.HCM đã xử ông Sĩ 3 năm tù giam (VKS TP.HCM đề nghị 5 năm) với cáo buộc là đã “chia chác” và nhận 52.000.000 VND tiền cho thuê nhà (khoảng 3.000 USD).

Vụ án tạm thời khép lại. Nhưng dư luận thì chưa! Tội danh nhận hối lộ của ông Sĩ không thấy được đề cập?

Không biết có phải vì căn cứ theo khẳng định của đương sự mà Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn tuyên bố (khi sự việc mới bị phanh phui), rằng “ban quản lý nói là không có hành vi tiêu cực” hay vì 4.000 trang tài liệu phía bạn trao vẫn đắp chiếu đâu đó trong kho mà ta không đủ khả năng tài chính để giải mã nó như Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền từng tiết lộ: “Nếu dịch hết nội dung những tài liệu trên cũng phải tốn bạc tỷ”?

Án tù 3 năm - án phạt không hề liên quan gì với tội nhận hối lộ - được tòa giải thích là vì ông Sĩ có nhân thân tốt - cũng làm dư luận hoang mang.

Một điều lạ: trong khi tòa xử, có rất nhiều thư kiến nghị của các cơ quan đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ cho ông Sĩ vì những công lao đóng góp của ông. Trong khi trước đó, khi sự việc mới bị vỡ lở, một lãnh đạo ở thành phố tuyên bố rằng: nếu phía bạn trao đầy đủ chứng cứ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm! Một quan chức Bộ Ngoại giao thì đề nghị, trong khi vụ việc còn đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng, đề nghị báo chí cả Việt Nam và Nhật không nên thông tin.

Hai "thẻ vàng" bằng… "cảnh cáo"?

Cách đây một tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kỷ luật cảnh cáo về đảng với ông Đoàn Văn Kiển và đề nghị Ban cán sự Đảng kiến nghị Chính phủ cho ông Kiển thôi chức.

Ông Đoàn Văn Kiển là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.

Sai phạm của ông Đoàn Văn Kiển được chỉ ra  trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng khai thác than trái phép trong một thời gian dài. Hậu quả là từ năm 2005 đến 2008, 18 triệu tấn than khai thác lậu đã được xuất khẩu (chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc) gây tổn thất nghiêm trọng tài sản đất nước.

Ông Kiển cũng bị xem là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi trực tiếp ký hợp đồng với công ty do em ruột là phó giám đốc trong việc khai thác mỏ không phép tại khu vực do TKV quản lý.

Ông còn vi phạm quy định của Chính phủ, thiếu trách nhiệm trong một hợp đồng tận thu than không đúng quy định, gây thiệt hại cho TKV 78 tỷ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi: vì sao vi phạm nghiêm trọng như vậy mà lại chỉ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và đề nghị thôi chức?

Có một điểm chung ở vụ án liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ và vụ kỷ luật ông Đoàn Văn Kiển: xem xét nhân thân.

Ông Kiển có nhiều công lao đóng góp cho ngành than. Và cũng giống như vụ ông Sĩ, trong cuộc gặp giữa Bộ Công Thương với cán bộ chủ chốt, đại diện công đoàn, thanh niên của tập đoàn, đa số ý kiến phát biểu thiên về công lao của ông Kiển và đề nghị để ông Kiển tiếp tục lãnh đạo tập đoàn cho đến khi về hưu vào năm sau.

Ông Kiển có một thời gian dài lãnh đạo Tập đoàn Than, tất nhiên không có công cũng có lao. Nhưng những sai phạm như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không lẽ chỉ dừng lại ở mức xử lý như thế?

Bởi vì, theo một quan chức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Kiển đã từng bị kỷ luật cảnh cáo, nghĩa là đã bị một thẻ vàng. Mà trong bóng đá, 2 thẻ vàng bằng một thẻ đỏ!

Đó là chưa kể đằng sau những sai phạm của ông Kiển, không đơn giản là những thiệt hại cụ thể về vật chất mà di hại lớn hơn gấp nhiều lần.

Nó là cội nguồn của nạn than thổ phỉ gây nhức nhối dư luận. Nó là nguyên nhân tàn phá môi trường sống. Nó là hệ quả tất yếu làm cạn kiệt một nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

Còn ở vụ án ông Huỳnh Ngọc Sĩ, vấn đề không hẳn ở số tiền mà là thể diện quốc gia, thứ thể diện cao hơn tất cả mỗi cá nhân. Và nhân thân mỗi con người - dù tốt cách mấy - cũng không bao giờ có thể thay thế được điều ấy.

 Dương Trọng Dật

Nguồn: VietNamNet.
Trung Hoàng
( Author/Admin)
 
1.
Nhân thân tốt bảo tồn quyền đảng,
Danh tội đồ biếm loạn giống nòi.
Toàn cầu thế giới trông coi,
Quan tham kết đảng xiả soi rút bòn.
Tiếng dân oan mãi còn vang dội,
Cả RUỘNG SÂU mọt mối muổi mòng.
Chập chờn bướm lượn tay trong,
Sĩ phu trí thức đau lòng xót xa.

2.
Nhân thân tốt quỷ ma lộng thế,
Tội gian thần chẳng kể tổ tông.
Đủ trò lợi quả hoa hồng,
Tha hồ bán bưởi mua bồng ăn chia.
Bứt động rừng đảng kia khó xử,
Ô bao che muôn sự cho qua.
Diển tuồng công với nước nhà,
Rõ hề vẻ mặt hát ca qua thời.

3.
Nhân thân tốt giử cơ ngơi đảng,
Tội dù cao bản án nhẹ tay.
Tô hồ làm mặt vẻ mày,
Tình dân nghiã nước sao rày lãng quên.
Đảng toàn trị giử bền nhờ đó,
Sao cơ hồ lấy lọ bôi đen.
Thiên tài thế giới ngợi khen,
Hoà bình canh giử khêu đèn năm châu.

4.
Nhân thân tốt sao đâu phạt nặng,
Động rừng sâu ắt hẵn khó toan.
Trò cười khắp cả thế gian,
Úp voi bằng thúng nên càng hổ ngươi.
Đảng tham quan quào bươi công lợi,
Giờ cao bay sắp tới bên lưng.
Từ Nam chí Bắc vang lừng,
DÂN QUYỀN tự chủ phục hưng cơ đồ.

Vô nghì đảng trị vong nô !!!