Home Tin Tức Thời Sự Quan điểm mới về quốc phòng?

Quan điểm mới về quốc phòng? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trân Văn/ RFA   
Thứ Tư, 21 Tháng 10 Năm 2009 12:54


Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch tập trung xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chỉ trong vòng ba ngày cuối tuần qua, tờ Quân đội Nhân dân liên tục giới thiệu hai bài xã luận đề cập đến một quan điểm mới về quốc phòng của hai sĩ quan cao cấp có học vị tiến sĩ.

AFP PHOTO

Sinh viên Hà Nội tham gia một khóa huấn luyện quân sự ngắn ngày. Đây là chương trình bắt buộc đối với tất cả sinh viên tại Việt Nam vào mỗi đầu năm học.

Cảnh báo các nguy cơ

Hôm 15 tháng 10, tờ Quân đội nhân dân giới thiệu bài viết có tựa lả “Chủ động định hướng phát triển tiềm lực và sức mạnh quốc phòng toàn dân”, của một trung tướng, có học vị tiến sĩ, tên là Nguyễn Tiến Bình và sau đó ba ngày, tờ báo này giới thiệu một bài viết khác có tựa là “Không có quân đội trung lập, siêu giai cấp”, của một đại tá, cũng có học vị tiến sĩ, tên là Nguyễn Đức Độ.

Trong bối cảnh như hiện nay, các quan điểm được đăng tải trên tờ Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam, có gì đáng chú ý?

Cả hai bài xã luận này có nhiều điểm tương đồng trong cách nhìn nhận, đánh giá về hiện tình Việt Nam cũng như các đề nghị về giải pháp.

Trong hai bài vừa kể, cả tướng Nguyễn Tiến Bình lẫn đại tá Nguyễn Đức Độ cùng  cảnh báo về các nguy cơ được đặt tên là “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Theo đó, các thế lực thù địch đã điều chỉnh chiến lược chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để đẩy nhanh việc xóa bỏ sự lãnh đạo của Đàng CSVN và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

    Tại sao các diễn biến theo chiều hướng hoà bình cũng như những khuynh hướng vốn có tính tất nhiên, thậm chí rất phù hợp với quan điểm duy vật biện chứng, vẫn thường được đề cập trong các chương trình giảng dạy về triết học Mác-Lênin, như: tự diễn biến, tự chuyển hoá lại có thể trở thành nguy cơ?

Tướng Bình giải thích: “Chiến tranh xâm lược kiểu mới không phải là xâm chiếm lãnh thổ, mà làm chuyển hóa bộ máy lãnh đạo, điều hành đất nước và chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch tập trung xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Còn đại tá Độ thì cho rằng: “Lợi dụng tình trạng quan liêu, tham nhũng, thoái hóa biến chất ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và những khó khăn về kinh tế, xã hội của nước ta, chúng kích động, gây chia rẽ, hòng làm mất lòng tin của nhân dân và Quân đội ta vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp hiện hành khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, đòi thực hiện ‘đa nguyên, đa đảng’, đòi bỏ hệ thống tổ chức đảng và cán bộ chính trị trong quân đội.”
Quan điểm mới…

Cho dù đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn khẳng định được tổ chức và hoạt động theo phương châm “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”, song cả tướng Bình lẫn đại tá Độ cùng bày tỏ sự lo ngại và lên án các quan điểm “phi chính trị hoá lực lượng vũ trang”, “quân đội trung lập về chính trị”, “quân đội phi giai cấp”, hoặc các đề nghị như “quốc gia hoá quân đội”, “luật hóa mọi vấn đề về tổ chức và hoạt động của quân đội” , “quân đội chỉ hành động theo pháp luật”, dẫu rằng, một số đề nghị vừa kể từng được xác định trong Luật Quốc phòng được ban hành năm 2005.  

    Sở dĩ tướng Bình lên án những quan điểm đó, đồng thời xác định những đề nghị vừa kể là quan điểm của các thế lực thù địch, phản động, bởi theo ông: “Thực chất, đó là sự bài xích cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, từng bước tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Sẽ mắc sai lầm rất nghiêm trọng về chiến lược, nếu xa rời nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh và lực lượng vũ trang nhân dân.”

Tương tự, đại tá Độ khẳng định những quan điểm cũng như đề nghị đã dẫn là: “Vô căn cứ, phản khoa học cả về lý luận và thực tiễn, thực chất nhằm “chuyển hóa” lập trường chính trị, bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta.”

Cũng vì thế, tướng Bình cho rằng: “Cần khắc phục nếp nghĩ “nuôi quân ba năm dùng một giờ”, coi xây dựng quân đội chỉ để dùng trong chiến tranh và lo đối phó với chiến tranh. Tư duy mới về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân coi việc “nuôi quân” và “dùng quân” luôn thống nhất hữu cơ, được thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả thời bình và thời chiến. Thực tiễn đã chứng minh và khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là lực lượng nòng cốt trong sức mạnh của chiến tranh nhân dân, mà trước hết và thường xuyên là lực lượng nòng cốt của sức mạnh quốc phòng toàn dân, trong đấu tranh quốc phòng và các hoạt động quân sự phi chiến tranh để giữ nước ngay trong thời bình.”

Qua hai bài viết đã dẫn, có thể thấy, cả hai sĩ quan cao cấp, cùng có học vị tiến sĩ, đã đồng nhất hoá vai trò quốc phòng với công việc bảo vệ bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng CSVN. Còn việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như khoản 2, điều 4 của Luật Quốc phòng (Nhà nước Cộng hoà xã  hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bao gồm đất liền, đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời, sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược bằng bất kỳ hình thức nào) thì sao?

Trong nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam liên tục bị tàu của hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Trung Quốc săn đuổi, bắt giữ, buộc nộp phạt, thậm chí bị bắn, bị đánh đập, bị cướp, bị làm nhục. Người ta chưa thấy quân đội nhân dân Việt Nam “sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược bằng bất kỳ hình thức nào” như Luật Quốc phòng qui định.

Tuy lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam cũng có Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng nhưng đây là một thực tế mà nhiều ngư dân đã xác nhận với các cơ quan truyền thông cả trong lẫn ngoài Việt Nam:

“Ở ngoài biển phần ai nấy biết chứ mô có ai bảo vệ. Bảo vệ là hồi bão tố, biên phòng ở trong bờ điện ra nhắc chừng, bảo là Đài báo bão, bảo phải cập bến thì họ kêu gọi mình vô bờ thôi chứ ngoài đó làm chi có ai bảo vệ. Làm ăn ngoài biển mạnh anh mô lo anh nấy. Lo làm ăn thế thôi chứ không có ai bảo vệ hết.”

Trên đây là ý kiến của vợ một ngư dân ở Đà Nẵng. Còn đây là ý kiến của một trong những ngư dân bị hải quân Trung Quốc cướp, đánh đập khi cho tàu vào đảo Hữu Nhật, quần đảo Hoàng Sa – vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam - trú bão:

“Nói chung mình nghe là của Việt Nam nhưng của Việt Nam gì mà ra nó bắt miết. Việt Nam đi ra đó là phải né đi ban đêm chứ ban ngày không dám đi, đi rồi sợ ngang qua đó nó bắt anh ơi!”
Vậy đâu mới thực sự là mục tiêu của chính sách quốc phòng?