| | | ‘Rất tiếc, VN không có hệ thống luật pháp độc lập’ | |
Tiến sĩ Nguyễn Quang A. (Hình: K.H, Báo Tuổi Trẻ)
|
|
Sau khi chính phủ Hà Nội ra Quyết Ðịnh 97, cấm cá nhân và tổ chức phản biện chính phủ, thì một cơ quan nghiên cứu độc lập, có tên là IDS, nơi quy tụ nhiều trí thức hàng đầu, tuyên bố tự giải thể để phản đối. Tiến trình tự giải thể chưa hoàn tất, thì văn phòng chính phủ đưa ra một thông báo mà nhiều người cho là có ý đe dọa các trí thức của IDS. Hà Giang của Người Việt phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng IDS, hiện cư ngụ Hà Nội, về vấn đề này.Hà Giang: Văn phòng chính phủ vừa ra Thông Báo về kết luận của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó xác định Quyết Ðịnh 97 là cần thiết và hợp với Hiến Pháp và luật pháp Việt Nam. Xin tiến sĩ cho biết nhận định của ông?
T.S. Nguyễn Quang A: Thứ nhất, tôi lấy làm tiếc là những ý kiến xây dựng theo đúng pháp luật của chúng tôi đã không được những người có thẩm quyền đếm xỉa.Một văn bản gửi đến cho ông bộ trưởng Bộ Tư Pháp vào ngày mùng 1 Tháng Mười vừa rồi lẽ ra là chỉ trong vòng mười ngày, ông bộ trưởng phải trả lời cho tôi bằng văn bản cho biết rằng ông thụ lý những lời yêu cầu đó hay không. Cho đến ngày hôm nay, đã được mười bốn ngày kể từ ngày ông ấy nhận văn bản đó, cơ quan nhà nước vẫn khẳng định là việc làm của mình là đúng theo pháp luật.Tôi có thể khẳng định lại là việc làm liên quan đến Quyết Ðịnh 97 này, tức là việc xây dựng thẩm định cái quyết định này đã vi phạm nghiêm trọng luật hiện hành của Việt Nam.Việc thứ hai, chúng tôi tuyên bố tự giải thể IDS ngày 14 Tháng Chín, thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đó, chúng tôi làm tất cả những thủ tục pháp lý, giải quyết những vấn đề lương lậu v.v... thì quá trình này đang diễn ra.Có lẽ thủ tướng muốn giao cho đúng quy định về việc tự giải thể của chúng tôi, và nếu theo nghĩa xây dựng, thì đấy có thể hiểu là có thể họ sẽ hỗ trợ chúng tôi trong thủ tục pháp lý, để làm cho quá trình đúng pháp luật.
Hà Giang: Nhưng nếu mà hiểu theo nghĩa tiêu cực thì sao? Nhất là câu: “Giao ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS)”?
T.S. Nguyễn Quang A: Cũng có thể hiểu nghĩa theo một ý không xây dựng.Câu “xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng...” thì chúng tôi cho rằng đây là một sự đe dọa, trù dập không đúng pháp luật.Luật khiếu nại và tố cáo nghiêm cấm tất cả những hành động như thế, và tất cả những hành động của chúng tôi suốt từ ngày mùng 8 Tháng Chín cho đến nay, đều là những hành động góp ý cho chính phủ, cho các cơ quan công quyền một cách xây dựng.Ðáng tiếc, những lời khuyên của chúng tôi không được tiếp nhận. Chúng tôi khuyên là nên hoãn quyết định này, thì lúc đó còn giữ được danh dự rất tốt cho những người có liên quan.Ðến lúc quyết định sắp được thi hành thì chúng tôi kiến nghị bộ trưởng Bộ Tư Pháp, với tư cách là người gác cổng của pháp luật Việt Nam, ông hãy đưa kiến nghị với thủ tướng, để thủ tướng ra quyết định ngừng hay hủy quyết định của chính mình, như thế cũng đã là xấu hơn cách xử lý trước.Rất tiếc, kiến nghị đó của cá nhân tôi, đã không được hồi âm, và điều ấy buộc ngày hôm nay, tôi sẽ phải dùng đúng quyền công dân của mình, gửi một đơn đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, và đề nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội xem xét ra quyết định đình chỉ việc thi hành quyết định phi pháp của thủ tướng, và trình ra Quốc Hội để Quốc Hội bãi bỏ Quyết Ðịnh 97 theo đúng tinh thần của luật hiện hành.
Hà Giang: Một mặt thì tiến sĩ và nhiều trí thức trong và ngoài nước cho rằng quyết định của thủ tướng là sai với hiến pháp, và sai với pháp luật Việt Nam, mặt khác thì văn phòng thủ tướng nhất quyết cho rằng quyết định của họ là hợp pháp, vậy thì ai sẽ có đủ thẩm quyền để xác quyết việc này?
T.S. Nguyễn Quang A: Rất tiếc ở Việt Nam không có tòa án Hiến Pháp, không có một hệ thống luật pháp độc lập. Giả như nếu có một hệ thống luật pháp độc lập và có một tòa án Hiến Pháp, thì cơ quan đó là cơ quan quyết định cuối cùng xem ai đúng, ai sai. Việt Nam không có cơ quan như vậy.Theo luật hiện hành thì Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là cơ quan lý giải luật và là cơ quan có thẩm quyền ra những quyết định đình chỉ những điều khoản trái với luật, và trình Quốc Hội để Quốc Hội bãi bỏ những quyết định như thế.
Hà Giang: Tiến sĩ có đặt nhiều hy vọng vào Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội không?
T.S. Nguyễn Quang A: Chúng tôi là những công dân tuân chỉ pháp luật thì chúng tôi phải tin tưởng và dựa vào những cơ quan có thẩm quyền hiện nay, còn kết quả ra như thế nào thì chúng tôi chưa dám chắc. Hà Giang: Xin cảm ơn ý kiến của tiến sĩ.