Home Tin Tức Thời Sự Sài Gòn, “Người người, nhà nhà học Anh văn”

Sài Gòn, “Người người, nhà nhà học Anh văn” PDF Print E-mail
Tác Giả: Sài Gòn Cô Nương/Người Việt   
Thứ Sáu, 16 Tháng 10 Năm 2009 22:24

 Sự quan trọng của việc học Anh văn thì ai cũng rõ. Ðể mở cánh cửa thông thương với thế giới toàn cầu, nhất thiết phải thông thạo Anh văn.

 Sài Gòn có nhiều Trung tâm Anh ngữ hạng sang, học phí có thể tính bằng đô la. (Hình: SGCN/Người Việt)

Nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan đang bắt đầu phổ cập Anh văn vào chương trình phổ thông. Singapore từ lâu đã nhận các sinh viên VN sang du học, Trung Quốc bảo thủ trung thành với ngôn ngữ cổ truyền cũng bắt đầu đặt ra các chương trình phát triển Anh ngữ.

Ða số vẫn chọn tiếng Anh hơn Pháp, Nhật, Hoa vì thông dụng và dễ học, văn phạm không khó lắm. Một số phụ huynh mời sinh viên về nhà kèm con em nhưng đó chỉ nhằm cho học sinh đuổi kịp chương trình giáo khoa ở nhà trường thôi. Tức là học sinh có thể hiểu được bài nhà trường với mục đích điểm không tới nỗi ọp ẹp quá trong các bài kiểm tra, chứ để giao tiếp và mai mốt làm việc bên ngoài thì... không biết gì cả.

 Một “Trung tâm Anh ngữ tại gia”. (Hình: SGCN/Người Việt)

Học hết mười hai năm ở nhà trường, học sinh vẫn không thể thực hành được bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thậm chí học hết chương trình đại học vẫn vậy ngoài việc có được một mảnh bằng bổ sung vào hồ sơ xin việc làm. Chương trình Anh văn đại học rất rộng, đủ cả văn học, lịch sử... cả ngữ âm, mẫu đơn từ dành cho việc xuất nhập cảng hàng hóa... nhưng không sâu, mỗi thứ một chút. Cái gì cũng một nhúm nhưng hỏi tới cuối cùng vẫn... chẳng biết gì cả.

Việc học Anh văn thế nào chủ yếu chỉ diễn ra ở các thành phố lớn. Ở đó người người học Anh văn, nhà nhà học Anh văn. Ngược lại ở miền quê, bói không ra giáo viên Anh văn nên xuống quê, xuống tỉnh xa, muốn theo đuổi môn này cho giỏi không dễ.

Anh văn quan trọng nhưng thực sự học thì sao mà... khó vậy. Học hoài chẳng thấy tiến bộ, học hoài cũng chỉ nghe được mỗi câu “Goát do nem?” Sốt sắng trả lời ngay “Mai nem i... Tờ!” “ Nguyễn văn Tờ!” Và sau đó cười trừ bằng “Hế lô” và “Ô kê...”

Bởi học là cả một quá trình gian khổ chứ đâu có vài tháng thông thạo được. Cho nên tốt hơn hết nên bắt đầu từ sớm. Các trường Anh văn quốc tế có giáo viên ngoại quốc với cách học trực tiếp và chủ động. Các trường Việt Nam cũng ào ạt học Anh văn nhưng không hiệu quả mấy. Ða số trường mẫu giáo mở lớp dạy thêm Anh văn ngoài giờ. Chương trình mẫu giáo vốn đầy đủ các môn: Toán, Vẽ, Hát... đến cuối ngày hết giờ học, con nít mệt phờ, tóc tai người ngợm ướt đẫm mồ hôi chua lè vẫn phải ở lại trường lăn lóc ba tiếng đồng hồ một tuần để học thêm Anh văn. Về đến nhà, cha mẹ nghe con líu lo “gút mo-ning”, “hao a du”, “théng kìu”... là vô cùng vui thích! Dầu sao lớp Anh văn mẫu giáo không phổ biến lắm vì con nít tuổi đó nói vẫn còn đớt ngọng líu ngọng lìu và bắt học thêm tới mức không còn thời giờ chơi thì quá tội nghiệp.

Lên lớp Một, học sinh vẫn tiếp tục hết giờ học nhà trường tất tả đi học thêm Anh văn ba buổi tối một tuần hoặc hai buổi cuối tuần Thứ Bảy và Chủ Nhật.

Giỏi nhất là thi vào lớp song ngữ trường công. Muốn vào đó cần luyện thi vài năm trước và sau khi đậu vào, muốn theo kịp, học sinh phải rất... khỏe mạnh. Bởi lẽ ngoài chương trình phổ thông học như tất cả mọi người, học sinh còn học thêm song ngữ một số môn. Ðể theo một chương trình nặng như thế, học sinh lại phải đi... học thêm để có thể theo kịp chương trình nhà trường. Chen chân vào các trường có lớp song ngữ này không dễ chút nào vì đó là trường chuyên. Trong trường có nhiều lớp nhưng không phải tất cả đều là lớp song ngữ cả. Những lớp song ngữ thường nằm dãy riêng, phòng có máy lạnh cũng như mọi tiện nghi đầy đủ đẹp đẽ. Bởi vì có dính tới ngoại ngữ nên thường là sang như vậy!

Nắm được yêu cầu cấp bách của thành phố ngày càng cao trong việc học Anh văn. Các lớp Anh văn mở ra như nấm sau cơn mưa. Lớp tư nhân quảng cáo đầy trên báo đủ mọi giá tiền, mọi trình độ. Thầy A, cô B dạy bảo đảm với giá $300 USD một tháng.

Vào lớp cô C mỗi tháng có ba trăm ngàn/tuần/3 buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi nhưng nếu đóng thêm ba trăm rưỡi nữa thì được học “thầy ngoại” một tuần một tiếng. Một giờ “thầy ngoại” đắt gấp 4 - 5 “thầy nội” mặc dù lắm khi ông thầy ngoại ở những lớp đó được “vớt” từ đám Tây ba lô và chỉ được gặp thầy bốn giờ đồng hồ trong một tháng, thậm chí một trung tâm cho biết một tháng thầy ngoại đứng lớp có một giờ thôi. Một giờ cho suốt một tháng thì học được bao nhiêu. Có điều nhìn ông “thầy ngoại” rất bắt mắt và tin tưởng! Trung tâm nào quảng cáo “thầy ngoại” hoặc “thầy bản xứ” làm chiêu câu khách có kết quả thật rõ rệt... Ðiều đó đáp ứng nhu cầu của học viên bởi ai tới cũng hỏi câu đầu tiên, “Có thầy ngoại không?” Có ‘thầy ngoại” mới học, không thì thôi bất kể thầy ngoại có bằng sư phạm hay không...

Học Anh văn nhân thể trám thời gian cho lũ trẻ con khỏi rảnh rang nhiều quá, mất công la cà ngoài đường, mê mải chơi game. Cho nên bên cạnh các trung tâm thuê trường ốc từ các trường phổ thông để dạy nhiều lớp buổi tối, thì lớp tư gia cũng mở ra rất rộn rịp tại nhà riêng. Một gia đình gần ga Hòa Hưng có ba người con: anh Hai tốt nghiệp cử nhân Anh văn, chị Ba đang học Sư Phạm khoa Nga văn với Anh văn là sinh ngữ phụ, chị Út đang học chứng chỉ B Anh văn. Thế là nhà treo bảng Trung tâm Anh văn dạy suốt ngày sáng trưa chiều tối đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ. Lớp của anh Hai có tám em học ở phòng khách, chị Ba dạy năm em trong phòng ngủ, chị Tư kèm sáu nhóc ở bàn ăn... Hết lớp này ra, lại lớp khác vào nườm nượp. Bà mẹ lo bảo vệ trông chừng đống giày dép trước cửa tránh kẻ gian đi ngang quơ, kiêm giám thị giữ gìn trật tự, vừa bày hàng bán da-ua, bánh kẹo, nước ngọt... Cả nhà sống thảnh thơi nhờ cái “Trung tâm Anh văn cấp hẻm” này.

Trung tâm của nhà nước mở ra khắp nơi: Trường Ðại Học Sư Phạm, trường Cao Ðẳng Sư Phạm, trường Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn đều mở trung tâm ngoại ngữ buổi tối. Không kể trường ngoại ngữ của Bộ Ngoại Giao, của Thông Tấn Xã... đều hút khách mạnh. Trung tâm Anh văn của Bộ Ngoại Giao buộc đóng đủ tiền học mới được thi xếp lớp. Học viên cần suy nghĩ kỹ vì ghi tên cùng lúc đóng học phí, có nghĩa bắt buộc phải theo học. Ðây là một trường khá chứ không phải nơi dạy tiếng Anh lèng xèng như kiểu trung tâm Anh ngữ Quyết Thắng, trường đào tạo Anh ngữ Tinh Tú, lớp Anh văn cấp tốc Thắng Thế... dành cho người muốn thi thử chơi cho vui!

Cũng không hiểu sao, nhiều nơi không gọi là trường Anh văn hay lớp Anh văn... mà nhất định gọi là trung tâm ngoại ngữ hay trung tâm Anh văn... Hình như gọi là trung tâm nghe “oai” hơn thì phải. Một số trung tâm học phí rẻ nên thu hút đông học viên nghèo. Mỗi lớp nhồi nhét từ bảy chục cho đến cả trăm học viên chen chúc trong một phòng học vốn dành cho khoảng bốn, năm mươi người. Dĩ nhiên những trung tâm loại này thường dạy các lớp học thi để lấy bằng A, B hay C tức là các chứng chỉ ngoại ngữ căn bản tính từ thấp nhất trở lên.

Thiên hạ thường học quáng quàng làm sao lấy được những bằng cấp thường buộc phải có để hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp đại học hoặc nộp kèm đơn xin việc. Học... mệt lắm trong khi những kiến thức từ những tấm bằng căn bản đó chẳng đủ để dùng được việc gì trong thực tế. Thành thử kết quả là thị trường buôn bằng trở nên rộn rịp. Bốn trăm ngàn đồng cho bằng A, tám trăm ngàn lấy bằng B. Còn như sợ bằng giả thì chịu khó đi thi thật. Cứ theo đúng y lời “cò” dặn. Phần thi vấn đáp sẽ trả lời hai câu, không cần biết hỏi cái gì, cứ trả lời câu một “Mai nem i...”, câu thứ hai cũng khỏi cần nghe hết câu hỏi, “ô-tô-ma-tíc” trả lời ngay: “Ai em ờ stíu đần” là xong... Một số đường dây làm bằng giả và thi giả đã được phát giác.

Vô số trường ngoại ngữ. Học trường 100% vốn nước ngoài như trường Việt Mỹ, trường Hội Việt Mỹ lần đầu tiên mở cửa đã hốt khách như điên vì khiến người ta liên tưởng tới Hội Việt Mỹ trước 1975. Sau đó là ILA, Dương Minh... Các trường Anh văn kiểu mới luôn trang trí đẹp mắt, tân kỳ, phương pháp học cũng mới mẻ nên thu hút nhiều học viên. Lợi nhuận thu được quá cao nên có trường ngoại ngữ mở đến mấy chục chi nhánh khắp nơi mà vẫn không gạt hết khách. Trong thành phố, đi đâu cũng thấy các trường ngoại ngữ. Vì mở nhiều quá nên các trường tìm mọi cách buộc chân khách giống như các cửa hàng buôn bán vậy.

Học phí ở những nơi này khoảng từ một triệu đến một triệu sáu một tháng đứng vào khoảng giữa so với Hội Ðồng Anh học phí $155 USD/tháng và lớp tư gia bình dân học nhóm khoảng ba, bốn trăm ngàn. Cô thư ký yêu cầu đóng một trăm ngàn tiền “tét” rồi học phí đóng ba tháng một lần. Nếu chưa đóng tiền ngay thì để số điện thoại và địa chỉ lại, nhà trường sẽ hối liên tục.

Học kiểu Úc. Chương trình quốc tế 100% giáo viên ngoại quốc với học phí $750 USD/tháng. Hay là ra khu Ðề Thám kiếm ông Tây nào đứng lớ ngớ ngoài công viên mời về nhà dạy, giá rẻ mà chất lượng thì đúng là... Tây!

Phong trào du học nở rộ khắp nơi. Trước kia thường sau khi tốt nghiệp phổ thông xong, học sinh mới du học chương trình đại học nhưng nay thì khác, nhiều gia đình lo cho con du học từ lớp 9, lớp 10 và đi đủ khắp các nơi. Nếu không Anh, Mỹ, Canada, Úc... thì Thái Lan, Mã Lai, Singapore... Học xứ nào cũng được miễn ra khỏi biên giới VN là được mang tiếng du học.

Ngay cả chị bán trái cây ngoài chợ nhỏ cũng sẵn sàng thế chấp căn nhà ọp cho ngân hàng để con gái đi du học. Dự định sau đó, chị sẽ xin sang thăm con sáu tháng tìm việc làm, rồi tìm cách ở lại, rồi bảo lãnh tiếp cho chồng và đứa con út sang Mỹ... Một đứa con du học mà mở đường cho cả nhà xuất ngoại!

Thành ra ai cũng mê học Anh văn là vậy!