Home Tin Tức Thời Sự Tìm thân nhân '30 năm yên giấc quê người'

Tìm thân nhân '30 năm yên giấc quê người' PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Ba, 13 Tháng 10 Năm 2009 10:37

  WESTMINSTER - Ðối với đa số thuyền nhân được đón nhận vào quốc gia thứ ba từ các trại tị nạn ở Indonesia cách đây hơn ba mươi năm, danh xưng như Kuku, Terampa và Telung, có lẽ giờ đây đã dần dà lui vào quên lãng.

 Hình 1: Sơn lại tên người quá cố trên các bia mộ chưa có người thân đến nhận nhân chuyến đi về Kuku và Telung, Indonesia. Chị Carina Oanh Hoàng, hiện sống tại Úc, cho biết “có gần 20 ngôi mộ của người Việt Nam và một số mộ khác của người Hoa” tại Letung. Ðây là mộ của những người tử nạn ngày 30 Tháng Năm, năm 1979, vì một tai nạn lật tàu trên đường đến trại tị nạn Letung từ Air Raya. (Hình: carinahoang.com)

 

 

 

 

 

Hình 2: Một ngôi mộ, ghi tên người yên nghỉ là Nhâm Thị Mộng Hà, sinh ngày 16 Tháng Ba, 1964.

 Mất ngày 1 Tháng Mười Một, 1979, tại Kuku, Indonesia. (Hình: carinahoang.com)

Hình 3: Một bia mộ, được những người đi tìm mộ sơn lại tên người quá cố. (Hình: carinahoang.com)

Một số ngôi mộ chưa có người nhận: Ðảo Kuku và Telung, Indonesia

1. Chiêm Thành Kỷ. Sinh 1948 - Sóc Trăng. Từ trần 30/5/1979

2. Hoàng Nguyễn Phúc. 1979

3. Hồ Thị Nga. Sinh 1954 - Quảng Nam. Từ trần 30/5/1979

4. Hoàng Thị Tuyết. 1989

5. Huỳnh T Meo. Sinh 1950. Từ trần 17/4/1979

6. Huỳnh Thị Tú

7. Maria Bùi Thị Thu Kiều. Sinh 1966. Từ trần 1981

8. Nhâm Thị Mộng Hà. Sinh 16/3/1964. Từ trần 01/11/1979

9. Nguyễn Anh Tuấn

10. Nguyễn Thanh Long

11. Nguyễn Thị Chính

12. Nguyễn Thị Thu Sương

13. Ngô Kim Oanh. Sinh 1958. Từ trần 9/6/1982

14. Phero Vu Tan Trung. Sinh 14/10/1958. Từ trần 18/5/1984. Tàu SG1222T8

15. Quách T. Mai (tự Sáu). Sinh 1951 - Bà Rịa. Từ trần 29/5/1981

16. Võ Tấn Trung

17.Vương Kim Ngoan. Sinh 1970. Từ trần 15/5/1979
 
Ðó là tên những trại tị nạn tạm thời được dựng lên vội vàng vào thời điểm ấy để đón tiếp hàng trăm ngàn người tị nạn ào ạt trốn chạy khỏi Việt Nam.

Nhưng cũng có rất nhiều người khác, không những không thể quên những địa danh này, mà vẫn khắc khoải muốn tìm đường trở về, ghé thăm.

Chị Carina Oanh Hoàng là một người như vậy. Oanh Hoàng là một trong số nhiều người có thân nhân đã chết nơi đây!

Tháng Chín vừa qua, chị Carina Oanh Hoàng, hiện sinh sống cùng gia đình tại Úc Ðại Lợi, hoàn tất chuyến đi thứ ba về Kuku và Letung tìm mộ người thân.

Trong thông cáo gửi cho báo chí, chị Carina Oanh cho biết trong lúc đi tìm bốn ngôi mộ của thân nhân trong nhóm, họ đã khám phá ra một khu vực có gần 20 ngôi mộ của người Việt Nam và một số mộ khác của người Hoa.

Ðây là mộ của những người đã tử nạn ngày 30 Tháng Năm, năm 1979, vì một tai nạn lật tàu trên đường đến trại tị nạn Letung từ Air Raya.

Cũng theo thông báo này, chị Carina Oanh và những người đồng hành đã tìm thêm được gần 30 ngôi mộ của người Việt và người Hoa nằm rải rác trong khu rừng thuộc trại tỵ nạn Kuku từ năm 1979.

Tiếp xúc với phóng viên báo Người Việt, chị Carina Oanh cho biết đã cùng người thân mạo hiểm trở về Kuku năm 1998 tìm xác người anh họ bị vùi thân tại đây vào năm 1979.

“Ðường đi đến những trại tị nạn này ở Indonesia rất khó khăn, vì rất nhiều người dân bản xứ cũng không biết những trại này nằm ở đâu.” Chị Oanh cho biết.

Sau hơn một tuần lễ “vượt rừng vượt suối, vừa đi vừa hỏi đường,” chị Carina Oanh đã giúp được người gia đình người dì tìm được xác người anh họ.

“Niềm an ủi khôn xiết của dì khi tìm được xác con” đã thúc đẩy chị Oanh bỏ thì giờ viết về cuộc hành trình đầy gian truân nhưng rất có ý nghĩa này. Các bài viết và hình ảnh được đưa lên website cá nhân, www.carinahoang.com.

Ngoài mộ của người anh họ, trong chuyến đi này, chị Oanh cũng tìm được ba ngôi mộ khác ở gần đó. Chị dành thời gian vẽ địa đồ của khu có những ngôi mộ này, và đưa lên website nói trên.

“Lúc đó, có lẽ, chúng tôi là những người đầu tiên trở lại trại tị nạn sau 20 năm, và có lẽ cũng là những người đầu tiên may mắn tìm lại được xác người thân và lo chôn cất tử tế.”

“Ðó không phải chỉ là những nấm mồ vô chủ.” Chị Oanh nói.

“Ở đâu đó, người thân của những người nằm dưới các nấm mồ này cũng vẫn đang khắc khoải nghĩ đến họ.”

“Không ngờ đã có nhiều người vào đọc cái website bé nhỏ đó.” Chị Oanh nói.

Và với niềm tin, rằng theo phong tục Việt Nam, chúng ta “chỉ được an lòng khi biết người thân được mồ yên mả đẹp,” chị Oanh bằng lòng hướng dẫn một số đồng hương khác, sau khi học đọc website và yêu cầu họ giúp đỡ đi tìm người thân vào Tháng Tư năm nay.

Kết quả của chuyến đi vào Tháng Chín vừa rồi, cùng danh sách các ngôi mộ mang tên Việt Nam đã được đăng trên website www.carinahoang.com.

Nhiều người vẫn tiếp tục liên lạc với chị Carina Oanh Hoàng, với hy vọng tìm được chút thông tin về người thân đã mất tích trên dưới 3 thập niên.

Chị Oanh cho biết, sẽ sẵn sàng chỉ đường hay hướng dẫn cách đi cho những ai muốn tìm hài cốt thân nhân đã bỏ mình tại các trại tị nạn Kuku, Terampa và Letung.

Chị cho biết, thường thường, chuyến đi có thể được thu xếp trước trong vòng 10 đến 14 ngày. “Người lớn tuổi không nên đi, vì phải leo rừng, lội suối rất vất vả.”

“Tôi mong giúp đồng bào hàn gắn những vết thương vẫn còn âm ỉ từ ba mươi năm qua!”

Ðộc giả cần giúp đỡ có thể liên lạc với chị Carina Oanh Hoàng tại This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it hay gọi số điện thoại 61-407-787-287.