Home Tin Tức Thời Sự Nobel Hòa Bình 2009: Phần thưởng hay cái giá cho T.T. Obama

Nobel Hòa Bình 2009: Phần thưởng hay cái giá cho T.T. Obama PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt   
Thứ Bảy, 10 Tháng 10 Năm 2009 18:45

Sáng Thứ Sáu trong buổi họp báo tại Oslo, khi ông Thornbjorn Jagland, chủ tịch hội đồng tuyển chọn của Hàn Lâm Viện Na Uy đưa ra một bức hình Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và loan báo người đoạt giải Hòa Bình Nobel năm 2009,

 các phóng viên hiện diện đều hoàn toàn ngạc nhiên. Trước đó chưa bao giờ ông Obama được kể là có triển vọng chiếm giải trong danh sách được giữ kín gồm 172 người và 33 tổ chức được đề cử với hội đồng.

Sau đó chính Tổng Thống Obama phát biểu tại vườn hồng Tòa Bạch Ốc, cũng nhìn nhận là hết sức bất ngờ và “cảm thấy còn tầm thường và chưa xứng đáng được đứng vào hàng ngũ những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử đã đoạt giải thưởng này”. Ông nói: “Tôi không xem đây là sự thừa nhận thành tích cho mình mà là sự xác nhận vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ. Tôi sẽ nhận phần thưởng này như một lời kêu gọi phải hành động, lời kêu gọi tất cả mọi quốc gia hãy đương đầu với những thách thức chung của thế kỷ 21”.

Tổng thống bày tỏ sự hân hoan đón nhận vinh dự đúng sinh nhật đầu tiên của con vật thân thiết trong gia đình ông, con chó Bo, và vào ngày nghỉ cuối tuần sắp tới. Trong khi đó thì dư luận trong nước Mỹ cũng như trên thế giới có nhiều nhận định khác biệt nhau về quyết định của hội đồng Nobel Na Uy.

Giải Hòa Bình Nobel mà Tổng Thống Obama nhận được mang ý nghĩa sự tặng thưởng về những nỗ lực thúc đẩy chứ không phải cho những thành quả về kiến tạo hòa bình. Từ trước đến nay, giải thưởng vẫn thường được tặng cho những người đã từng lập nhiều thành tích kiệt xuất. Tổng Thống Obama mới nhận nhiệm vụ được 9 tháng và thực tế chưa đạt thành quả nào đáng ghi nhận.

Ba tổng thống Hoa Kỳ trước Obama đã lãnh giải Hòa Bình Nobel. Tổng Thống Theodore Roosevelt đoạt giải với thành tích đứng trung gian điều giải đi đến kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và cũng là người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel kể tất cả các loại. Tổng Thống Woodrow Wilson lãnh giải năm 1919 vì nỗ lực thành lập Hội Quốc Liên. Tổng Thống Jimmy Carter không được giải Nobel trong thời gian tại chức, hơn 20 năm sau - năm 2002 - ông chiếm giải “vì những nỗ lực không mệt mỏi qua nhiều thập niên trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những xung đột quốc tế, cho sự tiến triển dân chủ và nhân quyền và cho sự cổ vũ phát triển kinh tế xã hội”.

Greg Mortenson, 52 tuổi, dân Mỹ ở tiểu bang Montana, đã được đánh giá là người có triển vọng cao nhất chiếm giải Nobel năm nay. Ông là một nhà hoạt động nhân đạo và vận động hòa bình quốc tế, chủ tịch sáng lập hai tổ chức Central Asia Institude và Pennies for Peace, đã thành lập 130 trường học ở Afghanistan và Pakistan, gợi nên mối quan tâm cho hàng triệu người về việc bảo vệ cũng như giáo dục nữ giới ở khu vực Châu Á như là điều kiện then chốt cho hòa bình, tiến bộ và phồn vinh.

Chính Tổng Thống Obama cũng đã trải qua một tiền lệ trước đây không lâu. Tháng Năm vừa qua, ông đến nói chuyện lần đầu tiên tại Ðại Học Arizona (ASU) và Tòa Bạch Ốc đã bị bất ngờ khi trường này từ chối không trao tặng văn bằng tiến sĩ danh dự như lệ thường. Sharon Keeler nữ phát ngôn viên của ASU giải thích với các phóng viên: “Quy chế của chúng tôi là ghi nhận những kết quả đã hoàn thành của một cá nhân. Thành quả của Tổng Thống Obama chưa có cho nên chúng tôi không trao tặng văn bằng cho ông lúc mới ngày đầu nhiệm kỳ”.

Bản tuyên cáo của Hội Ðồng Nobel Na Uy xác định là giải thưởng được trao cho Obama vì đã tạo nên một xu thế mới cho chính trị quốc tế hơn là do những thành quả cụ thể đã hoàn tất. Hội đồng ca ngợi: “Rất hiếm có một người như Obama đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của thế giới và đem lại cho dân chúng niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn”.

Quyết định ở Na Uy cũng phản ánh thái độ của Âu Châu, tán dương chiều hướng tham gia, hợp tác với các quốc gia khác trong chính trị quốc tế, trái với 8 năm cầm quyền của Tổng Thống Bush đã xa lánh cả bạn lẫn thù bằng những chính sách độc đoán ngạo mạn kiểu Hoa Kỳ như vụ đem quân đánh Iraq.

Tuy nhiên không ít những quan điểm cho rằng quyết định của Hội Ðồng Nobel Na Uy là có phần vội vã và quá sớm. Theo họ, đến bây giờ vẫn chưa cho thấy Obama có được đường hướng rõ ràng nào khi đương đầu với những vấn đề lớn từ chiến tranh Afghanistan, xung đột Israel-Palestine đến bế tắc về việc giải quyết các chương trình phát triển nguyên tử ở Iran và Bắc Hàn.

Phản ứng mạnh mẽ hơn, một số ý kiến phê phán từ Afghanistan và Iraq coi việc trao tặng giải Nobel cho Obama là sự diễu cợt. Phát Ngôn Viên Zabihullah Mujahid của Taliban nói qua điện thoại với phóng viên Reuters, cho rằng vô lý khi giải Hòa Bình được trao cho một người đã gởi thêm 21,000 quân đến Afghanistan và “đúng ra Obama nên được phần thưởng leo thang bạo lực và sát hại thường dân”. Phong trào Hamas nắm chính quyền Palestine ở dải Gaza và chống thỏa hiệp hòa bình với Israel tuyên bố quyết định tặng giải Hòa Bình Nobel cho Tổng Thống Obama là hấp tấp chưa đúng lúc. Nhưng Saeb Erekat, trưởng phái bộ đàm phán Palestine ở Tây vực sông Jordan, hoan nghênh sự chọn lựa ở Na Uy và bày tỏ hy vọng Obama sẽ có khả năng vãn hồi hòa bình tại Trung Ðông.

Phái bảo thủ ở Hoa Kỳ cũng ngay lập tức chế nhạo giải Nobel cấp cho Obama. Ðiều hợp viên truyền thanh Rush Limbaugh cho rằng chuyện này còn khó chịu với Hoa Kỳ hơn cả thất bại ở Copenhagen tuần trước về việc xin tổ chức Thế Vận Hội 2016 tại Chicago. Theo Limbaugh: “Rõ ràng đây là ảo tưởng về Obama. Với giải này, thế giới nhìn Obama là con người của hòa bình, sẽ không tăng thêm quân ở Afghanistan, không hành động chống chương trình nguyên tử Iran và căn bản là ông ta sẽ tiếp tục ý đồ làm suy yếu Hoa Kỳ”.

Tổng Thống Obama, trong lời phát biểu từ Tòa Bạch Ốc, không phủ nhận thực tế ông đang là tổng tư lệnh quân đội của một quốc gia đang có hai cuộc chiến tranh và xác định là “chúng ta phải đương đầu với một thế giới như chúng ta biết”. Nhiều người dân Mỹ cũng mong muốn một vị tổng thống có hành động mạnh mẽ hơn là chỉ thuyết giảng. Như mọi tân tổng thống, Obama hiểu rõ chừng mực của quyền lực và rủi ro về những gì nói ra, nhất là những lời lẽ luôn luôn rất cân nhắc khôn khéo của ông. Gần một năm trước, trong đêm đón nhận thắng cử tại Grant Park, ông kêu gọi dân chúng cùng nhau tái tạo đất nước Hoa Kỳ đi theo con đường đã qua 221 năm bằng những lời hứa hẹn phục hồi nền kinh tế với sự kềm chế chi dụng; cải tổ hệ thống y tế đơn giản hơn an toàn hơn, rẻ tiền và công bằng hơn, rằng sẽ loại trừ cho thế giới những loại vũ khí giết người khủng khiếp và rằng sẽ đem lại môi trường tốt đẹp trên địa cầu.

Viễn kiến, quan điểm và lời nói dấy lên niềm hy vọng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là hãy để hành động tự nó nói lên được những điều ấy. Tổng Thống Obama đã đem đến nguồn hy vọng cho dân chúng Hoa Kỳ. Ông cũng đã cải thiện được bộ mặt của nước Mỹ trước quốc tế. Các dân tộc trên thế giới hãy còn mong đợi nhiều nơi ông. Tất cả hãy còn là những sứ mạng nặng nề và khó khăn để hoàn thành.

Theo dự tính, Tổng Thống Obama sẽ đến Oslo nhận giải thưởng Nobel. Nhưng 1 triệu 4 trăm ngàn dollars của giải Hòa Bình Nobel không hẳn là phần thưởng mà còn là cái giá để Tổng Thống Obama thực hiện những gì mà thế giới, trong đó có dân chúng Mỹ, sẽ trông đợi.