Đồng đôla trước nguy cơ bị lật đổ |
Tác Giả: Nhật Minh |
Thứ Năm, 08 Tháng 10 Năm 2009 15:56 |
Thế giới tài chính chấn động khi tờ The Independent (Anh) loan tin về "âm mưu" lật đổ đồng đôla trên thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kế hoạch này không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Dẫn nguồn tin từ thế giới Ảrập, hôm 6/10, tờ Independent cho biết quá trình đàm phán giữa các quốc gia vùng Vịnh với một loạt nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp và Brazil đã được bí mật tiến hành trong thời gian qua. Mục tiêu của vòng đàm phán này là thống nhất ngừng sử dụng đồng đôla làm phương tiện định giá và thanh toán trên thị trường dầu mỏ. Thay thế đồng tiền này sẽ là một rổ ngoại tệ gồm đồng yen Nhật, nhân dân tệ Trung Quốc, euro, vàng và một đồng tiền được lựa chọn trong Hiệp hội Hợp tác vùng Vịnh (gồm Ảrập Saudi, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait và Quatar). Kế hoạch này sẽ được thực hiện trong vòng 9 năm. Đồng đôla mất giá liên tiếp trong 3 ngày qua. Ảnh: AP Phát biểu trước báo giới, một quan chức cao cấp thuộc ngân hàng Trung Quốc cho rằng: "Kế hoạch này sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo các giao dịch tài chính quốc tế". Báo chí Pháp chiều 7/10 đưa tin Bộ Kinh tế nước này phủ nhận mọi thông tin và cho rằng cái gọi là kế hoạch lật đổ đồng đôla chỉ là đồn thổi. Tuy nhiên, trong bản tin ngày 7/10, tờ The Independent một lần nữa khẳng định kế hoạch lật đổ đồng đôla đã được bàn bạc cả công khai và bí mật hơn hai năm qua, cho dù đại diện Ảrập Saudi lên tiếng phản đối hôm qua. Tờ báo này bình luận phản đối của Ảrập Saudi không bất ngờ và cũng chẳng lạ lẫm gì, cho thấy sự thiếu nhất quán trong quan điểm của Trung Đông, châu Âu và Trung Quốc đối với vai trò thống trị của Mỹ kéo dài cả thập kỷ qua. Không một nơi nào trên thế giới, đồng đôla lại giữ vị trí quan trọng hơn ở Trung Đông. Riêng các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, kho dự trữ ngoại hối có tới 900 tỷ đôla. Được thống nhất sử dụng từ hội nghị Bretton Woods sau Chiến tranh thế giới thứ II, đồng đôla được biết đến như là phương tiện duy nhất giúp định giá và thanh toán trên thị trường dầu mỏ suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, điều này lại khiến các quốc gia trên thế giới phải phụ thuộc vào tỷ giá quy đổi bản tệ với USD cũng như vào nền kinh tế - chính trị của nước Mỹ. Trung Quốc là một ví dụ điển hình khi quốc gia phải nhập khẩu tới 60% nhu cầu dầu mỏ nội địa này chi rằng mình đã chịu quá nhiều thiệt thòi và rủi ro trong cuộc chiến tại Iraq của Mỹ cách đây vài năm. Hiện Trung Quốc đã có hợp đồng thương mại song phương với Iran, Sudan và sắp tới là Lybia. Tuy nhiên, nước này cho rằng như vậy là chưa đủ để đảm bảo an ninh năng lượng. Trong nhiều năm qua, Chính phủ các nước trên thế giới cũng chứng tỏ nỗ lực để dần hạn chế sự phụ thuộc vào đồng đôla. Trích nguồn tin từ IMF, tờ Telegraph cho biết tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bằng đồng đôla của các Chính phủ đã giảm mạnh trong vòng một thập kỷ qua và đạt mức thấp kỷ lục trong quý II năm 2009 với mức 62,8%. Trong khi đó, tỷ lệ đối với đồng Euro tăng từ 25,9% lên 27,5%. Dù không bình luận gì về "âm mưu lật đổ" nhưng các quan chức cao cấp của nền tài chính Mỹ đều đưa ra những phát biểu bóng gió về sức mạnh của đồng đôla. Hãng tin ABC trích dẫn một phát biểu hùng hồn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner: "Ai cũng biết rằng một đồng đôla mạnh rất quan trọng với nước Mỹ. Chúng ta sẽ làm mọi cách để đảm bảo điều đó và để thế giới hiểu rằng, chúng ta làm điều đó không phải cho riêng mình". Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đưa ra ý kiến mềm mỏng hơn khi viện dẫn và đồng tình nhận xét của Giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick khi cho rằng trước mắt sẽ không có mối đe dọa nào đối với đồng đôla. Trong khi đó, giới phân tích đồng loạt giữ quan điểm thận trọng với tính hiện thực của kế hoạch này. Phát biểu với Bloomberg, Ben Simpfendorfer, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, cho biết: "Cuối cùng thì cũng sẽ có những bản hợp đồng không dính dáng tới USD. Tuy nhiên tôi chưa muốn bình luận gì về ảnh hưởng của kế hoạch này do chưa hề có một phát ngôn chính thức nào được đưa ra". Chia sẻ quan điểm này, nhà phân tích Jonathan Cavenagh thuộc hãng Westpac (Australia) cho rằng: "Trước hết, Trung Quốc cần linh hoạt hơn với đối với đồng Nhân dân tệ. Dù vậy, đây vẫn là thông tin bất lợi với đồng USD". Nhận xét này được hiện thực hóa ngay trên thị trường hối đoái khi USD yếu đi trông thấy so với nhiều đồng tiền mạnh khác: đôla mất 0,5 cent so với Euro trong khi chỉ số USD Index giảm 0,7% chỉ một ngày sau khi thông tin được tờ Independent công bố.
|