Home Tin Tức Thời Sự Kỳ bí miếu “Đá Nổi Rong Chìm”

Kỳ bí miếu “Đá Nổi Rong Chìm” PDF Print E-mail
Tác Giả: Cát Tường   
Thứ Ba, 06 Tháng 10 Năm 2009 08:04

Mỗi năm miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” (tọa lạc tại ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cúng hai lần,

 thu hút hàng ngàn người đến dự đó là ngày 10 Tháng Ba âm lịch, lễ Vua Hùng, cúng trăm quan đại thần và các ngày 21-22 Tháng Sáu âm lịch cúng Bà Chúa Nguyên Nhung. Ðược khá nhiều người biết là vậy, nhưng miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” còn nhiều điều kỳ bí.  

 Miếu “Ðá Nổi Rong Chìm”.                                                  * Bí ẩn
“Ðá Nổi Rong Chìm” là tên gọi dân gian nhưng tên chữ của nó là “Thạch Phù Miếu” trên tấm bảng treo sát nóc miếu. “Ðá Nổi Rong Chìm” là câu nói có tính đối lập của vật chất, hễ “đá nổi” thì “rong chìm”. Nhưng đá làm sao nổi? Ðó là điều kỳ bí của một ngôi miếu nằm ở nơi hoang vắng đến nao lòng này.
Con đường ngay trước cửa miếu nhỏ khoảng 4 tấc, lởm chởm đất đá rất khó chạy xe gắn máy vào, dù không phải ngày mưa. Khách lạ lầm tưởng đây là đường chính, nhưng đó chỉ là bờ mẫu ngăn hai miếng ruộng sâu “hun hút” bên dưới. Ðể vào miếu người ta chạy xe thẳng tới xóm nhà bên hông phải của miếu.
Miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” do ông Văng Công Năng, 65 tuổi, quản lý khoảng 30 năm qua và ông Lương Văn Lực, 40 tuổi, làm từ. Chúng tôi đến miếu chỉ gặp ông Văng Hồng, 43 tuổi, cháu kêu ông Năng bằng chú.
Ông Hồng nói, “Chú tôi đi Ô Môn (Cần Thơ) chiều mới về, muốn biết gì về ngôi miếu này cứ hỏi tôi. Dù nhà ở thành phố Long Xuyên (An Giang) nhưng tôi hầu như có mặt thường trực ở đây.”
Rồi ông đưa chúng tôi đi một vòng bên trong miếu. Ông nói, “Miếu trước kia tọa lạc trên mảnh đất rộng tới 5 công, nay còn chừng 4 công.” Miếu xây tường, mái tôn đỏ, khang trang. Ở giữa gian giữa có chiếc ngai to lớn bóng lộn, chạm khắc khá đẹp, thờ Hội Ðồng Trăm Quan (còn gọi các quan Ðàng Cựu). Ông Hồng không biết chiếc ngai gỗ này có từ khi nào. Ở sát tường, gian giữa thờ Cửu Huyền Thất Tổ trăm họ, bên trái thờ cụ Nguyễn Trung Trực, bên phải thờ cốt Thánh Mẫu Nương Nương. Ðây không phải chùa Phật Bắc Tông, lại không phải đình, và không hiểu sao nơi thờ tự theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương này lại gọi là miếu?   

  Tượng Phật, “Thạch đao” cùng hai cây gỗ xưa.
Ngày thường, lúc nào miếu cũng có khách thập phương cúng viếng, có khi ở lại. Khi chúng tôi đến, có khoảng 5-6 khách hành hương đang nằm võng nghỉ ngơi với ly nước bên quán phía phải miếu. Người ở Giồng Riềng, Gò Quau (Kiên Giang); kẻ ở Ba Chúc (Tri Tôn), Tịnh Biên (Tịnh Biên) đều của tỉnh An Giang...
Bà Lê Thị Kỉnh, 68 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên đang lui cui đốt nhang khấn vái trước ngai thờ Hội Ðồng Trăm Quan, cho biết, miếu có mặt khoảng 40 năm trước. Hồi nhỏ, bà ở Lấp Vò (Ðồng Tháp), năm 1969, cha bà đưa cả gia đình về đây cư ngụ. Bà nhớ lại lúc ấy ngày nào bà cũng đi hái bông súng, rau dừa, rau muống mọc hoang và bắt cá tép ở quanh đây đem về làm món ăn cho gia đình. Bấy giờ, đây chỉ là ngôi miếu nhỏ giữa một vùng đồng không mông quạnh, sau, vợ chồng ông Bảy (không biết họ tên) ở Láng Linh (Châu Phú, An Giang) về tu. Qua bao năm tháng, từ gian miếu dừng và lợp lá xé, miếu lần hồi có diện mạo khang trang như ngày nay và có tên “Ðá Nổi Rong Chìm”. Miếu thu hút bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là bà con khu vực Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp đến cúng viếng, do sự kỳ bí của nó.
* Cổ vật dưới lòng đất và lời giải

 Một số cổ vật “nổi” lên từ lòng đất ở quanh miếu.

Sự kỳ bí đó là sự tích của những viên đá, cây cột cùng nhiều hiện vật có mặt bên trong và bên ngoài miếu. Ông Văng Hồng đưa chúng tôi ra sân miếu trên “con đường” lót gạch bông, hai bên là khoảng sân đất rộng thoáng. Cuối “con đường” là hòn non bộ với những viên đá to xếp chồng lên nhau, trên cùng là hai tượng Phật đứng có lọng che. Phía trước tượng Phật là một mảnh đá dẹp và to; hai bên là hai cây gỗ đầu nhọn đưa lên trời, thân gỗ sần sùi hang lỗ. Ông Văng Hồng nói mảnh đá dẹp và to ấy được bà con gọi “Thạch Ðao”. Còn hai cây gỗ là số ít trong rất nhiều cây gỗ khác còn giữ tại miếu.
Bên trong miếu có mấy khúc gỗ giống như vậy, ngắn hơn. Ông từ Lương Văn Lực vừa chỉ vào một khúc gỗ vừa băn khoăn, “Hổng biết nó là cái giống gì.” Ðó là khúc gỗ bóng loáng, một đầu nhọn, có đường vòng từ trên xuống dưới, với nhiều hang hốc, giống khúc trầm hương. Rồi ông Lực lần lượt đem ra từ ngăn tủ kính nhiều hiện vật, như: cái trống bằng đất nung, sơn xanh; những viên đá giống san hô; một rổ đầy những viên đá và đất nung không còn nguyên vẹn, một vài mảnh vỡ có rảnh giống miệng cối xay bột... Hàng bao nhiêu thứ dù được cất giữ trong tủ kính, dù nằm bên ngoài đều phủ bụi.
Ông Lực mới về miếu chừng năm nay nên chỉ nghe người ta kể những câu chuyện kỳ bí của miếu. Trên đường hỏi thăm miếu, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hai, 83 tuổi. Ông kể hồi 17-18 tuổi ông đã thấy đá nổi vào ban đêm. Ðá có đường kính 7x8m. Người ta đào vàng non được nhiều lắm. Riêng ông Văng Hồng là một người có học tương đối cao nên biết một số vấn đề, có thể giải mã về sự kỳ bí của miếu. Ông nói những hòn đá làm hòn non bộ, “Thạch đao”, hai cây gỗ ngoài miếu đều “nổi” lên khoảng năm 1980, vào mùa nước nổi. Chúng cùng các cổ vật khác “nổi” cả một vùng rộng khoảng 1-2 ngàn công đất. Năm 1990, khi xáng múc, chúng lại “nổi” thêm lần nữa. Cùng với chúng, người ta còn tìm thấy vàng. Chính vì vậy mà lúc bấy giờ người dân xung quanh đổ xô đến đây tìm vàng để “đổi đời” (giống như trước đó người ta đổ xô đi đãi vàng ở di chỉ Óc Eo).
Ông Văng Hồng kể những gì mình tận mắt chứng kiến, “Người ta tới khai thác vàng, đãi lấy mạt. Tôi thấy người ta đào được đồ trang sức bằng vàng và bạch kim. Có người đào được một sợi vàng xoắn giống như dây chì, người khác có được những hột vàng nhỏ như trứng cá...” Khi đó những nhà khảo cứu đã đến đây và cho biết những di vật này có niên đại 1001-1003. Ông Văng Hồng đoán, “Có lẽ đây là cổ vật thời Óc Eo.” Ðiều này có lẽ, bởi miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” tọa lạc tại ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, rất gần với di tích Óc Eo.
Theo tài liệu, Óc Eo là tên gọi của một nền văn hóa xa xưa do nhà khảo cổ L. Malleret đặt sau khi khai quật di tích Óc Eo (Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang) vào năm 1944 và công bố trong bộ sách “L' Archeologie du delta du Mekong” (Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long), xuất bản từ năm 1959-1964.
Theo L. Malleret, nền văn hóa Óc Eo có phạm vi phân bổ chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu... và một phần đất miền Ðông Nam Cambodia. Văn hóa Óc Eo phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên trên vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất Ðông Nam Á vào thời cổ đại. Óc Eo là thương cảng sầm uất, kinh tế rất phát triển, là trung tâm thương nghiệp phồn thịnh, giao thương với các quốc gia: Trung Hoa, Ấn Ðộ, Ba Tư và vùng Ðịa Trung Hải. Óc Eo có một nền văn hóa tâm linh của hai tôn giáo: Bà La Môn và Ấn Ðộ. Chính vì vậy mà ta có thể đoán những hiện vật có mặt tại miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” là những cổ vật của nền văn hóa này. Những mảnh vỡ có rãnh là một phần của yoni, những viên đá hình thon là linga, những khúc gỗ là cột nhà...
Theo ông Mai Văn Nám nhà ở Lung Cột Cầu - Bưng Ðá Nổi (một di tích văn hóa Óc Eo ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, Cần Thơ) thì tên Bưng Ðá Nổi là do “từ rất lâu nơi đây đã xuất hiện một đống đá cổ mỗi hòn lớn cỡ một vòng tay ôm, ‘nổi’ lên mặt đất.” “Có lẽ người Khmer xưa gom về định dùng cất chùa,” ông Nám đoán. Còn Lung Cột Cầu xuất phát từ hàng trăm cây cột lớn nhỏ được xếp thành hai hàng, hầu hết đều là gỗ căm xe, tự nhiên từ lòng đất nhô dần lên, tựa những trụ cầu. Theo ông Nguyễn Văn Tời, ở gần đó, thì có thể đó là dấu tích của người thời Óc Eo, đã từng xây nhà, dựng cột... tại mảnh đất này.
Nhưng đó chỉ là suy đoán vì các nhà khoa học, khảo cổ sẽ đến miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” lần nữa để khai quật tìm hiểu sâu hơn. Bởi, “dưới nền miếu hiện nay còn rất nhiều cổ vật” và xung quanh khu vực này lâu lâu lại thấy “nổi” lên khi thì viên đá, lúc khúc gỗ... Việc khai quật chính yếu sẽ do công ty Thiên Trúc ở Sài Gòn đảm nhiệm. Công ty này đang khai quật di tích Gò Tháp (Tân Kiều, Tháp Mười, Ðồng Tháp) tìm hiểu nền văn hóa Óc Eo xưa tại đây,” ông Văng Hồng cho biết.
Sự kỳ bí của miếu “Ðá Nổi Rong Chìm” sẽ được giải mã trong nay mai, để khẳng định “Thạch (đá) Phù (nổi) miếu” đúng là nơi “đá nổi” như tên đặt của miếu.