CẦN THƠ (NV) - Cát là loại tài nguyên không tái sinh. Hạt cát thật bé nhỏ nhưng ngày càng quý giá trước nhu cầu san lấp và xây dựng đang tăng vọt ở Việt Nam. Vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long (ÐBSCL) trong thời gian qua tình trạng khai thác và xuất cảng cát diễn ra rầm rộ đến độ không kiểm soát được. Tài nguyên bị xâm hại, sinh mạng và cuộc sống của người dân ven các con sông luôn bị đe dọa bởi nạn sạt lở. Những chiếc tàu khai thác cát hoành hành trên sông Hậu.
Việc khai thác cát ở ÐBSCL diễn ra ồ ạt hơn 10 năm qua, nhưng chủ yếu là để tiêu thụ nội địa. Từ đầu năm 2008, phía Việt Nam cho phép cát khai thác xuất cảng từ Cambodia được quá cảnh bằng phương tiện thủy theo tuyến sông Hậu, sang qua các tàu nước ngoài neo đậu tại cảng Cần Thơ và Cái Cui. Thế nhưng từ khi chính phủ Cambodia ra lệnh cấm khai thác cát trên sông Mê Kông để xuất cảng thì dân khai thác cát lại về lấy cát trên sông Hậu của Việt Nam bán cho các tàu nước ngoài. Bờ sông Hậu ở khu vực Vàm Nao bị sạt lở nghiêm trọng vì khai thác cát. Chỉ riêng tại đoạn sông Hậu thuộc tỉnh Cần Thơ, dài chừng 62 km, mà có đến 10 mỏ cát, hàng trăm chiếc xáng cạp khai thác cát suốt ngày đêm, cùng hơn 300 chiếc sà lan với tải trọng mỗi chiếc vài trăm tấn được trang bị cả máy bơm hiện đại để hút cát trực tiếp từ đáy sông. Ðó là chưa kể đến hơn 20 chiếc sà lan LAZ của nước ngoài như Singapore, Malaysia, Indonesia... có tải trọng từ 5,000 tấn trở lên túc trực trên sông Hậu chờ mua cát, sang mạn cát từ các sà lan của Việt Nam. Bỗng chốc trên đoạn sông Hậu này đã biến thành một đại công trường kiêm luôn hoạt động mua bán cát ầm ĩ suốt ngày đêm. Trước bức xúc của dư luận, chính phủ Việt Nam từng ban hành chỉ thị 29 về việc tạm dừng xuất khẩu cát từ ngày 2 Tháng Mười, 2008. Nhưng, quái gở thay, chỉ thị số 29 này lại thòng thêm khoản 5 cho phép tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất cảng cát xây dựng được ký trước ngày 30 Tháng Mười Một, 2008. Lợi dụng điều khoản này, nhiều doanh nghiệp đã ký lùi hợp đồng xuất cảng cát với khối lượng lớn. Chỉ tính riêng từ ngày 2 Tháng Mười đến 30 Tháng Mười Một, 2008, số lượng hợp đồng xuất cảng cát được ký giữa thương nhân nước ngoài với 27 doanh nghiệp trong nước lên đến 149 hợp đồng, với số lượng cát sẽ xuất cảng lên đến con số trên 390 triệu tấn. Có nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa gạo, du lịch, thương mại xuất cảng, vận tải và cho thuê tàu biển, nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, và cả công ty “thanh niên xung phong”... tất cả đều xung phong nhảy vào xuất cảng cát. Hiện ở Cần Thơ có 10 mỏ cát được Sở Tài Nguyên Môi Trường cho “mở cửa” với 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với trữ lượng hơn 25.2 triệu mét khối. Nhưng ngay cả các phương tiện khai thác có hợp pháp thì sở này cũng không thế quản lý nổi lượng cát mà họ khai thác được hàng tháng là bao nhiêu, có khai thác đúng vị trí cấp phép để tránh sạt lở bờ sông hay không. Mặc dù theo quy định thời hạn cấp phép khai thác cát cho mỗi danh nghiệp không được quá 3 tháng, chỉ khai thác trong mùa khô, mỗi lần cấp phép không quá 5 ngàn mét khối nhưng không ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác suốt 10 năm với tổng sản lượng được phép khai thác là 3.3 triệu mét khối (Tùy vào chất lượng cát, 1 mét khối tương đương từ 1.2 đến 1.8 tấn). Ðó là chưa kể đến nạn khai thác lậu đang ngày đêm móc ruột sông Hậu. Những ngày này, khi chúng tôi đi canô ngược sông Hậu từ thành phố Cần Thơ lên Vàm Cống, đoạn tiếp giáp tỉnh An Giang mới thấy nhức nhối vì người ta khai thác tài nguyên sông Hậu. Những chiếc sà lan loại LAZ luôn đậu kín sông tạo thành chợ cát nổi, sà lan chở đầy cát neo đậu sát bờ chờ bán cát, hàng chục chiếc xáng cạp xếp hàng thành nhóm quần tụ múc cát ầm ầm kín cả mặt sông. Phần lớn là khai thác lậu, mặc dù chính quyền Cần Thơ đã đánh tiếng là siết chặt vấn nạn này. Người dân sống ở khu vực đuôi cồn Tân Lộc giáp ranh với tỉnh Ðồng Tháp cho biết, “Sau khi báo chí lên tiếng, thành phố Cần Thơ vào cuộc kiểm soát, cấm khai thác ban đêm nhưng cấm đoán cỡ nào thì doanh nghiệp cũng có cách lách!” Việc tuần tra của công an, cảnh sát môi trường, thanh tra của Sở Tài Nguyên Môi Trường chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” cho có lệ. Một người dân nói, “mặc dù đi tuần bằng canô nhưng tốc độ thua cái alô.” Chỉ cần một cú điện thoại báo tin của một cán bộ trong “đường dây” thì tất cả các sà lan, xáng cạp đang hoạt động bỗng dưng gác cần ngồi chơi, đợi canô của thanh tra đi qua thì hoạt động tiếp tục. Thế nhưng khi trả lời báo chí, một vị lãnh đạo của Sở Tài Nguyên Môi Trường cho rằng “do” thiếu kinh phí, “vì” thiếu phương tiện thiết bị cần thiết nên hoạt động kiểm tra, quản lý tài nguyên cát gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chính quyền Cần Thơ, năm 2008 sở này không sử dụng hết kinh phí, phải điều chuyển sang phòng Cảnh Sát Bảo Vệ Môi Trường xài... giúp. Trong thời điểm hiện nay, tình trạng khai thác cát mỗi ngày một “nóng” hơn khi giá cát tăng lên từng ngày, các chủ doanh nghiệp, cai thầu vì lợi nhuận đã bất chấp những thiệt hại về công trình, đất đai, đê kè, môi trường mà xã hội phải gánh chịu. Ở Vĩnh Long đoạn sông Tiền chảy qua cầu Mỹ Thuận đoàn quân khai thác cát vẫn ngày đêm hút, cạp mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài ảnh hưởng đến cầu Mỹ Thuận. Ði dọc sông Vàm Nao (Chợ Mới-An Giang), hai bên bờ sông đã bị “hà bá” ngoạm sâu vào 40-50mét, ấy vậy mà mấy chiếc xáng cạp vẫn được phép lấy cát gần đó. Còn tại Cần Thơ khoảng 150 ngàn dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nhưng các dự án tái định cư vẫn còn nguệch ngoạc đâu đó trên bàn làm việc của cán bộ lãnh đạo. Một người dân sống lâu năm ở cồn Cái Ðôi chua chát nói, “Cồn đã sạt lở gần 2/3 diện tích, chúng tôi đã nhiều lần gởi đơn kêu cứu đến Sở Tài Nguyên nhưng chẳng ai giải quyết. Cát khai thác bao nhiêu thì hà bá sẽ lấy lại đất cồn bấy nhiêu!” Với tốc độ khai thác cát để xuất cảng như hiện nay và việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các con đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông sẽ làm giảm sản lượng cát ở ÐBSCL trầm trọng. Trong tương lai rất gần Việt Nam phải đi nhập cảng cát là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng hậu quả nặng nề hơn mà người dân nơi đây phải gánh chịu từ vấn nạn trên là: sạt lở, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, giao thông thủy bị hỗn loạn... Hạt cát tuy nhỏ, nhưng nếu không nhận thức đúng thì sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia và gây ra những hậu quả không nhỏ về kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân. Nhưng dường như đối với một chính phủ Việt Nam bây giờ, vấn đề này chỉ được xem là “chuyện nhỏ như hạt cát” mà thôi. Vì ngay cả một đại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên mà nhà nước ban lệnh cấm báo chí không được đưa tin, cấm giới trí thức phản biện, bàn tán, thì việc đào tài nguyên (là cát) mỗi ngày đem bán cũng chỉ là “chuyện hạt cát” mà thôi. (T.T) |