Home Tin Tức Thời Sự Tham Nhũng và Văn Hóa

Tham Nhũng và Văn Hóa PDF Print E-mail
Tác Giả: Đình Ngân   
Thứ Ba, 06 Tháng 10 Năm 2009 04:23

Tham nhũng không phải chỉ là sự lạm dụng quyền lực để tư lợi mà còn là việc giành lấy phần cá nhân mình mà chà đạp lên người khác, vì thế tham nhũng có ảnh hưởng về mặt luân lý, đạo đức, xã hội, kinh tế, chính trị và những ảnh hưởng rộng hơn mang tính khu vực.

 
 Hình (Transparency International): Chỉ số tham nhũng ở các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù một số kiểu tham nhũng vẫn luôn tồn tại trong xã hội loài người, nhưng những hành vi hay “văn hóa” tham nhũng đã có nhiều “biến thể” kể từ thế kỷ 20. Từ chính trị đến kinh tế, từ giải trí đến giáo dục, tham nhũng là căn bệnh và thói xấu của những hệ thống mang tính tổ chức. Giống như căn bệnh ung thư, tham nhũng bắt đầu chậm rồi dần dần ăn sâu ảnh hưởng vào toàn xã hội. Hầu hết mọi người trên thế giới đều tin rằng mọi hệ thống chính trị có tham nhũng, và có thể là nguồn gốc của mọi sự tham nhũng.

Theo thống kê tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), người nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tham nhũng. Hối lộ là vấn đề phổ biến nhất tại Nam Á và Đông Âu, và dường như đang còn gia tăng trong thời gian gần đây, trong đó, hối lộ đặc biệt thường xảy ra trong ngành tư pháp, cảnh sát và tại các cơ quan đăng ký. Các chính trị gia, cảnh sát và quan tòa được cho là tham nhũng nhất và hầu hết mọi người tin rằng những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ là không hiệu quả. Cách tiếp cận tham nhũng trên thế giới thường trên ba phương diện:

1. Tham nhũng chính trị và mối liên hệ với đói nghèo và phát triển những khu vực nghèo đói ở nhiều nước châu Phi và các quốc gia đang phát triển khác.
2. Tham nhũng kinh tế và mối liên hệ tới toàn cầu hóa, truyền thông đại chúng, tư nhân hóa tại các nước phát triển và một số nền kinh tế đang nổi.
3. Tham nhũng tư pháp và mối liên hệ với công nghệ, khủng bố, và tính minh bạch, như cách tiếp cận với việc hiểu thế nào là phạm tội và các hành vi phạm pháp ở châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi và nhiều quốc gia đang phát triển.

Chính trị, đói nghèo và tham nhũng: Trong chính trị hay quản lý hành chính, tham nhũng là việc lạm dụng quyền lực và các cá nhân tham nhũng hành động trực tiếp chống lại lợi ích chung, vì thế hành động tham nhũng của các chính trị gia thường được bao biện do các chính trị gia là bộ mặt của xã hội, nhưng các hoạt động chính trị của họ lại ít minh bạch nhất. Khoảng cách giữa cuộc sống thường ngày và sự giàu có cá nhân trong một số trường hợp đơn giản cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống chính trị và trong hệ thống pháp luật mà các chính trị gia có thể dễ dàng lách luật và thu về sự giàu có chất đống trong các ngân hàng nước ngoài.

Cựu tổng thống Indonesia bị cáo buộc cất giữ hàng tỷ USD tại ngân hàng nước ngoài, cựu tổng thống Philippines Marcos cũng vậy. Tham nhũng rất phổ biến tại châu Phi khi các ngân hàng của Thụy Sỹ ước tính có khoảng 400 tỷ USD được những người đứng đầu một số nhà nước tại châu Phi nắm giữ. Nếu xem xét những thách thức mà châu Phi đang phải đối diện thì tham nhũng nghiêm trọng có vẻ đang là vấn đề nan giải nhất. Cho đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện trong vấn đề này.

Tăng trưởng kinh tế châu Phi tương đối ổn định trong những năm gần đây với sự tăng trưởng đáng kể về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dù tác động của nguồn vốn này đến xóa đói giảm nghèo vẫn còn hạn chế. Khi các phương tiện thông tin và các nhà phân tích đề cập đến nạn đói và những vấn đề liên quan đến đói nghèo, thì tham nhũng tràn lan vẫn không được cho là vấn đề được quan tâm và chỉ được xử lý một cách riêng biệt.

Những gì cần phải làm là chỉ ra mối liên hệ thực tế giữa tham nhũng và đói nghèo tại châu Phi và phát triển hệ thống quản lý nghiêm minh. Mặc dù tham nhũng chính trị được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, tác động ngược lại mạnh mẽ nhất ở châu Phi, bởi sự nghiêm trọng của tham nhũng chính trị đi kèm với nạn đói, và thiếu thốn nhu cầu của con người tại khu vực này.

Kinh tế, toàn cầu hóa và tham nhũng: Nếu vấn đề tham nhũng chính trị là căn nguyên của sự chậm phát triển ở khu vực châu Phi thì tự do hóa dường như lại ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng của doanh nghiệp tại khắp các nước phát triển. Hợp đồng của chính phủ và việc thực thi những chính sách của chính phủ có nghĩa là để sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ vì lợi ích của người dân. Tại hầu hết các quốc gia, những hợp đồng như thế giữa chính phủ và các công ty nhà nước lại có thể là mảnh đất phì nhiêu cho tham nhũng sinh sôi và phát triển, để rồi không chỉ dẫn đến dịch vụ kém chất lượng cho người dân mà còn hạn chế những nguồn lực của chính phủ.

Mặc dù hợp đồng của chính phủ dường như chỉ là vấn đề mang tính khu vực tại các quốc gia đang phát triển và phát triển, nhưng nó thực tế lại có những ảnh hưởng đến nền kinh tế rộng hơn. Ảnh hưởng trên quy mô lớn của những hợp đồng được phát tán thông qua quá trình toàn cầu hóa, mà thực tế chỉ là sự “độc chiếm” của một vài công ty trên tất cả các khu vực của thế giới.

Toàn cầu hóa và sự vươn ra toàn thế giới của các công ty Mỹ có thể mới bắt đầu có những ảnh hưởng đối với việc tài sản ngày càng thu về một mối cho những ông lớn hơn là được phân phối công bằng. Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng toàn cầu hóa là sự vươn dài của dân chủ, chính sách thương mại tự do và chủ nghĩa tự do mới là cái gì đó chắc chắn sẽ xảy ra, toàn cầu hóa khiến thế giới gần nhau hơn và khoảng cách ấy lại đang càng ngày được thu hẹp giữa những nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Nhưng mọi thứ trên đời đều có hai mặt của nó, và việc một số ít các công ty kiểm soát nền kinh tế thế giới có thể không chỉ làm rộng thêm khoảng cách giàu nghèo mà còn mở ra những con đường tham nhũng mới. Các công ty đa quốc gia thậm chí còn “lớn hơn” về tài chính so với cả chính phủ và trong nhiều trường hợp chính phủ dường như lại chỉ hành động một cách bị động vì những công ty này.

Một mặt sự hợp tác này giúp phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển, nhưng mặt khác nó lại làm tăng hoạt động tham nhũng tràn lan. Sự hấp dẫn của tư nhân hóa khó tránh khỏi những công ty tư nhân đòi hỏi quyền lực bằng tiền bạc, rửa tiền, và những hoạt động làm nhũng đoạn thị trường chứng khoán, những hoạt động có thể dễ dàng được quy cho toàn cầu hóa và những giao dịch được chính phủ chấp thuận.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới dường như vẫn chưa làm chưa đến nơi nhiệm vụ ngăn chặn những hành vi tham nhũng của các công ty đa quốc gia và các thể chế tài chính bởi những hoạt động này thường được dễ dàng che đậy dưới hình thức những doanh nghiệp hợp pháp.

Luôn có những hoạt động “đi đêm” và và những cửa thoát hiểm và với công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại có thể thay đổi thương mại và kinh doanh, và dễ dàng làm biến mất những đồng tiền phi pháp thông qua giao dịch điện tử. Việc quản lý kinh doanh và thương mại toàn cầu là cực kỳ cần thiết để đảm bảo một cuộc chơi công bằng mà vẫn tận dụng tốt lợi thế của toàn cầu hóa.

Mối liên hệ giữa kinh tế, toàn cầu hóa và tham nhũng thể hiện khiếm khuyết lớn của các nước phát triển và bất cứ sự suy giảm kinh tế nào cũng đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh và thương mại. Mặc dù giống như tham nhũng chính trị và nghèo đói, liên hệ giữa tham nhũng, toàn cầu hóa, và nền kinh tế yếu vẫn luôn không được chú ý tới.

Pháp luật, công nghệ và tham nhũng: Với tham nhũng tràn lan ở châu Phi, các nước đang phát triển và tham nhũng kinh tế tại khắp các nước phát triển, các cơ quan tư pháp và hành pháp đang trở nên ngày càng tham nhũng tại các khu vực châu Á và những nước đang phát triển khác.

Trong thời đại đầy khủng bố này, một hệ thống tư pháp có tham nhũng, không thể giải quyết vấn đề tội phạm một cách hiệu quả. Tham nhũng tư pháp dưới dạng hối lộ và những hành động phi pháp mà không bị trừng phạt làm suy yếu những nguyên tắc cơ bản của dân chủ và làm méo mó hoạt động của nhiều ngành trong chính phủ và xã hội.

Vấn đề cần đề cập ở đây là phải làm sao cho hoạt động tư pháp thêm minh bạch và có trách nhiệm. Việc theo dõi những vụ án và việc công chúng tiếp cận thông tin tư pháp thông qua những vụ án được công khai và lưu trữ cơ sở dữ liệu có thể làm tăng tính tin cậy của quá trình xét xử và hệ thống, quyết định và tập quán xét xử. Tổ chức Minh bạch Quốc tế kêu gọi tăng cường minh bạch tư pháp thông qua báo cáo hằng năm và việc tiếp cận thông tin của người dân, công bố tài sản, lắng nghe những lời bình luận, và cải cách tư pháp.

Tất cả những biện pháp này cho thấy tầm quan trọng của công nghệ trong việc làm cho pháp luật trở nên công khai và minh bạch hơn. Công nghệ vẫn là công cụ chính củng cố bộ mặt của tư pháp và thậm chí công nghệ có thể được dùng để tìm bắt tội phạm, phát hiện kinh doanh trái phép và hỗ trợ tòa án đưa ra quyết định nhanh hơn. Hệ thống tư pháp rất phức tạp với quá nhiều đạo luật và những điều khoản và việc đơn giản hóa hệ thống tư pháp chỉ có thể làm được thông qua công nghệ.

Vấn đề hối lộ là một hiện tượng tự nhiên tại nhiều hệ thống tư pháp của những nước đang phát triển. Cảnh sát và tư pháp có nhiều khả năng đòi đút lót nhất là vấn đề lớn tại châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh. Những quốc gia bị chia rẽ bởi xung đột hay có những căn cứ khủng bố như Pakistan, Afganistan, Albania, Kosovo, Nigeria có mức độ tham nhũng trong ngành tư pháp cao hơn hẳn.

Rõ ràng, tham nhũng tư pháp không chỉ ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế mà còn cực kỳ nguy hiểm với an ninh của cả những nước đã phát triển và chưa phát triển. Trong một thế giới có liên hệ chặt chẽ với nhau, hệ thống tư pháp với nhiều kẽ hở và tham nhũng tại một quốc gia nhỏ bé có thể có ảnh hưởng sâu sắc tới cả thế giới.

Mối liên hệ giữa tham nhũng tư pháp, khủng bố và công nghệ đã không được xác định rõ ràng và đã đến lúc chúng ta ý thức về mối liên hệ cực kỳ quan trọng này.