Home Tin Tức Thời Sự Nhiều nơi Miền Trung bị chìm ngập trong lũ, tan hoang trong bão

Nhiều nơi Miền Trung bị chìm ngập trong lũ, tan hoang trong bão PDF Print E-mail
Tác Giả: PV Tổng Hợp   
Thứ Tư, 30 Tháng 9 Năm 2009 08:41

VietCatholic News (30 Sep 2009 09:26)
TIN TỔNG HỢP BÃO MIỀN TRUNG VIỆT NAM: 32 người chết, Hàng ngàn căn nhà sập và tốc mái, Nước các sông dâng cao, miền Trung đối mặt với lũ dữ.

 *Hai cơn bão mới hình thành ở Thái Bình Dương. Đêm nay 29-9, người dân miền Trung trải qua một đêm dài do gió bão vẫn còn mạnh, mưa vẫn ào ạt, nước vẫn lai láng khắp nơi... Hàng ngàn hộ dân bị sập nhà và tốc mái sẽ trải qua một đêm trắng với nước trên đầu, nước dưới chân và bao nỗi lo toan.


Quảng Bình: Thủy điện Hố Hô sạt lở nặng nề: Chiều 29-9, Mực nước các sông lớn đang dâng cao. Nước sông Nhật Lệ lên rất nhanh và vượt mức báo động 3. Nguy cơ mưa lớn từ thượng nguồn sẽ làm các địa phương phía Nam tỉnh như Lệ Thuỷ, Quảng Ninh sẽ bị ngập lũ trong ngày 30-9.

Tại Hà Tĩnh, lúc 11g ngày 29-9, một đoạn đê biển ở thôn Hoàng Chuân, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã bị sóng biển dâng cao đánh sạt một khoảng gần 30m.

Quảng Trị: Mưa lớn suốt ngày hôm nay đã làm ngập và chia cắt nhiều tuyến đường ở các huyện thị. Đoạn đường ven biển từ Cửa Tùng vào Cửa Việt bị ngập sâu nhiều đoạn khiến ôtô cao cầu cũng không qua được. Nhà dân các xã ven biển bị ngập từ 0,5 đến 1 mét.

Thừa Thiên - Huế: sóng biển tại Thuận An cao 5m. Tại Huế, huyện Phú Vang đã chia cắt hoàn toàn với thành phố Huế. Tại huyện Phú Lộc, nhiều xã đã bị mưa lũ cô lập. Toàn bộ những làng xóm vùng ven cửa biển Tư Hiền đã chìm trong khoảng hơn 1m nước, tầng trệt đồn biên phòng Vinh Hiền cũng ngập trong nước.

Trong khi đó, đồn biên phòng Lăng Cô cũng là điểm xung yếu nằm trong vùng tâm bão, trực ban đồn cho biết gió to khiến nước biển dâng rất nhanh, nước mưa từ đèo Hải Vân đổ xuống khiến cho nước trong đầm dâng lên mạnh và nhanh, Một bờ tường của trạm biên phòng đã sập đổ từ nửa đêm qua. Sóng đã đập vào những ngôi nhà dân ven biển làng An Cư Đông và Đồng Dương.

Tâm bão Quảng Nam: 5 người chết, thiệt hại 3.000 tỷ đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9-10. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đêm nay gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

 

 Đà Nẵng: Tại Đà Nẵng, gần 3.000 hộ dân sống dọc ven biển của các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và Thanh Khê đã phải di dời ngay trong thời điểm gió bão giật mạnh. Tại quận Sơn Trà, hơn 1.000 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu cũng đã kịp chuyển đến các trường học trước khi bão đổ bộ. Ba người chết, 9 tàu thuyền bị đánh vỡ. mưa bão đã làm 9 tàu thuyền ở quận Liên Chiểu, Sơn Trà bị đánh vỡ và chìm. Đến trưa nay, trên 600 hộ dân vẫn tiếp tục bị cô lập vì nước lũ, nhiều người vẫn phải bám trụ trên mái nhà, không liên lạc được với bên ngoài do mọi thông tin điện thoại, điện đã bị cắt. Từ trưa 29-9, gió rít ào ào ngày một mạnh hơn và mưa lớn đã diễn ra trên toàn địa bàn Đà Nẵng. Nhiều tuyến phố chìm nghỉm trong nước như đường Bạch Đằng,. Nhiều khu dân cư với trên 600 hộ dân bị cô lập và bị mất liên lạc hoàn toàn.

 

 Bình Định: Tính đến 19g ngày 29-9, cả tỉnh Bình Định có 5 người thiệt mạng. Cả tỉnh cũng đã có 12 người bị thương. Gió bão đã làm sập đổ 105 nhà, làm tốc mái, hư hỏng 2.284 nhà cùng nhiều trường học; 8.300 ha lúa mùa đang làm đòng, trỗ bị đổ ngã, giảm 30% năng suất; 735ha hoa màu ngã đổ, hư hỏng; 110ha hồ nuôi tôm, cá bị ngập, sạt lở; 11 trụ điện bị ngã đổ, làm đứt gần 12km đường dây.

Phú Yên: 22 nhà bị sập, 12 tàu thuyền bị chìm. Trong đó, huyện Tuy An có 2 ngôi nhà dân tại xã An Hiệp, thị xã Sông Cầu: 20 ngôi nhà, tập trung ở 4 xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Bình và Xuân Cảnh. Ngoài ra, sóng lớn còn đánh chìm 12 tàu thuyền của ngư dân thị xã Sông Cầu khi đang neo tại bến.

Kon Tum: 13 người chết. Theo Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Kon Tum, tính đến 16 giờ ngày 29-9, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 13 người chết. Huyện Đăk Hà có 9 nhà dân thuộc xã Đăk Pxi bị nước lũ nhấn chìm, hiện nay mới di dời được 4 hộ đến nơi an toàn.


Đắc Lắc: Tại huyện Ma D’rak, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái, 500 ha lúa, 500 ha ngô và 1.000 ha mía ngã đổ, nhiều trường học và cơ quan nhà nước bị thiệt hại nặng nề. 5 trụ điện bị gãy đổ, đường dây 35kv bị hư hỏng gây mất điện toàn huyện, nhiều diện tích hoa màu cũng bị ngập trong nước lũ. Xã Cư Trang, huyện Ma D’rak đường lầy lội không thể vào được. Tại đây, hệ thống điện cũng bị cắt đứt trong hai ngày nay chưa khắc phục được.

Lâm Đồng: Một giáo viên tử nạn, 8 người khác bị thương. tính đến 17 giờ ngày 29-9, toàn tỉnh đã có ít nhất 1 người chết và 8 người khác bị thương (gồm 4 HS và 2 người dân tại Đà Lạt, 2 người còn lại ở Đức Trọng) do bão số 9 gây ra.

Quảng Trị, một điểm dự báo bão đổ bộ, đến 18g đã sơ tán 3.298 hộ với 11.000 người ở các vùng ven biển, vùng ngập sâu ở khắp địa bàn chín huyện thị trong toàn tỉnh.

Bão số 9 không chỉ gây mưa dông ở miền Trung mà còn ảnh hưởng tới các tỉnh Nam bộ. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết rìa tây nam của hoàn lưu bão số 9 đã quét qua khu vực Nam bộ làm mưa xuất hiện tại nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau...