TTCT - lts: Sau Mozambique với tài nguyên gỗ, nhà báo Mỹ nổi tiếng với những loạt bài điều tra Richard Behar đã tới Zambia và Congo để tìm hiểu cách người Trung Quốc (TQ) khai thác các mỏ đồng và vàng. TTCT trích dịch từ loạt bài “China storms Africa” (xem TTCT số 33 ra ngày 23-8-2009: Cuộc lấy đi vĩ đại). Một doanh nhân Thượng Hải đầu tư vào ngành địa ốc tại Nigeria ...Rất khó để biết chính xác mức độ ảnh hưởng của Chính phủ TQ lên các sự kiện ở vùng Hạ Sahara. Clem Sunter ở Công ty Anglo -American so sánh: “Bộ máy lãnh đạo của TQ giống như hội đồng quản trị của một công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới”. Và để giữ cho công ty đó tiếp tục tăng trưởng, Chính phủ TQ tuyên bố sẽ biến thành phố Trùng Khánh, một ví dụ, thành một siêu đô thị - “một Chicago của phương Đông” đến năm 2020, đô thị hóa khoảng 12 triệu nông dân. Vấn đề ở đây là không có đủ việc làm cho 12 triệu nông dân ở Trùng Khánh, vì thế giới lãnh đạo đang thúc giục họ đi ra nước ngoài. Li, giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ, cho biết: “Để thuyết phục nông dân trở thành các ông chủ đất ở nước ngoài, chúng tôi cung cấp vốn, phát triển dự án và các kênh bán hàng cho họ”. Chỉ tính riêng từ thành phố Trùng Khánh đã có hơn 13.000 người TQ đến châu Phi. Cú hích của chính phủ Tuy nhiên Trùng Khánh chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ, sức ép dân số và tăng trưởng ở TQ đã thúc đẩy một chính sách di cư thương mại có hệ thống. Năm 2001, Bộ Chính trị ra chỉ thị “ra đi” toàn cầu, chỉ đạo các công ty quốc doanh phải tìm kiếm các nguồn cung cấp tài nguyên lâu dài. Nhiều mức độ hỗ trợ khác nhau đi kèm với cú hích này, trong đó các công ty xây dựng quốc doanh TQ ở châu Phi được nhận những đặc quyền từ tín dụng xuất khẩu cho đến các khoản cam kết cho vay của chính phủ. Cùng lúc các ngân hàng do chính phủ kiểm soát cũng đưa ra các quỹ đầu tư lãi suất thấp cho các công ty tư nhân TQ đầu tư ở nước ngoài. Hệ thống ưu đãi này đi đến từng doanh nghiệp ở mức vi mô. Tôi gặp hai doanh nhân người TQ như thế trong phòng chờ ở sân bay Lusaka (Zambia), Frank He và Micheal Huang. Họ làm chủ một công ty sản xuất sản phẩm đồng tinh chế gần Thượng Hải với 500 công nhân. Họ đã lên một kế hoạch 10 triệu USD để mua quyền khai thác đồng ở đây. Chính quyền TQ rất khuyến khích cuộc phiêu lưu của hai anh em. Huang cho biết: “Chính phủ nói họ có thể bảo vệ tôi nếu tôi bị rắc rối ở đây. Hơn nữa, nếu một doanh nhân TQ đầu tư lớn ở nước ngoài thì có quyền vay với lãi suất bằng không”. Anh ta nói thêm: “Kinh doanh luôn có rủi ro, anh có thể thua lỗ nếu giá cả đi xuống nhưng ngược lại có thể lời gấp trăm lần. Rất nhiều công ty lớn của Mỹ chuyển cơ sở sản xuất đến TQ. Vậy nên chúng tôi cần những gì? Plastic, thép, đồng, nhôm. Ai cũng điên lên vì cần nguyên liệu. Ở TQ tài nguyên bị giới hạn nên chúng tôi đi đến châu Phi”. “Đặc khu kinh tế” tại vành đai đồng Zambia Một phần trong thỏa thuận của Chambishi với Chính phủ Zambia là các nhà quản lý TQ hứa sẽ thực hiện báo cáo môi trường vào cuối năm đầu thành lập công ty. Thế nhưng điều đó đã không diễn ra cho đến tận 2006. Khi đó đã quá trễ. Một vài điểm nổi bật: đổ chất thải độc hại không giấy phép, thiếu hụt các dịch vụ y tế (mặc dù đã cam kết sẽ duy trì chúng), không giám sát chất lượng không khí và ngăn ngừa nhiễm độc nguồn nước ngầm (mặc dù đã hứa sẽ làm) và không hề đào tạo hay phát triển cho nhân viên Zambia. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford và các đại học ở Zambia kết luận: “Nhà nước dường như đã có những mối quan hệ với một số công ty khai thác mỏ, cho phép họ làm ngơ các quy định về sức khỏe và an toàn, lao động, nhập cư, môi trường mà không bị trừng phạt”. Chiến lược của TQ ở châu Phi không đơn giản chỉ là một cú đánh nhanh. Năm ngoái, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào công bố vùng vành đai đồng giàu khoáng sản ở Zambia sẽ trở thành bản doanh cho “đặc khu kinh tế” đầu tiên trị giá 800 triệu USD trong số năm đặc khu mà TQ sẽ xây dựng ở châu Phi. TQ nói rằng họ muốn hình thành một “dây chuyền sản xuất” hướng đến xuất khẩu với một trung tâm luyện kim 200 triệu USD, có khả năng thu hút các nhà đầu tư TQ và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm. Mặc dù TQ đang cố gắng tô vẽ cho chương trình này như là một thỏa thuận có lợi cho đôi bên, kể cả người dân Zambia, thế nhưng có lẽ hơi trễ để thuyết phục người dân địa phương. Kể từ đầu thập niên các công ty TQ đã ngoạm lấy những miếng khổng lồ về nguồn dự trữ đồng của quốc gia châu Phi này để chế biến đủ mọi thứ từ dây cáp đồng, vật liệu xây dựng, máy vi tính và xe hơi. Với giá cả đồng nguyên liệu trên thế giới đang ở mức kỷ lục, người Zambia ngày càng trở nên tức giận hơn, họ khiếu nại các nhà thầu TQ - đã mua những mỏ dự trữ với giá thấp - đang nhét đầy túi trên sự thiệt thòi của người dân sở tại. Mối quan tâm của TQ đối với Zambia thật đơn giản. TQ là nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/5 tổng số tiêu thụ, và là nhà xuất khẩu lớn thứ tám về các sản phẩm đồng tinh chế. Trong khi đó ở châu Phi, Zambia là nguồn dự trữ lớn thứ hai về đồng nguyên liệu sau Congo. Thật ra sự hợp tác này có thể có lợi về mặt mậu dịch song phương giữa hai nước, ngoại trừ một điểm mấu chốt là phần lớn giá trị đồng của Zambia chỉ xuất hiện sau khi nó đến TQ. Các nhà chính trị Zambia từ lâu đã mơ về việc sử dụng đồng của họ để xây dựng một khu vực công nghiệp nhẹ trước khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt - có thể vào năm 2025, thế nhưng họ không hề có một chiến lược cụ thể nào để biến điều đó thành hiện thực. Trong khi đó, các thương nhân TQ sử dụng các tài khoản ngân hàng giàu sụ, nguồn tín dụng dồi dào và trong một số trường hợp là những hỗ trợ cấp vốn từ chính phủ để mua hết quyền thăm dò và khai thác, y như họ đã làm với ngành công nghiệp gỗ ở Mozambique. Trong khi giá nguyên liệu đồng đã tăng gấp năm lần từ năm 2001, hơn 70% dân bản địa vẫn sống dưới mức nghèo khổ. “Rất nhiều thương gia TQ đang tìm kiếm những người Zambia có giấy phép khai thác nhỏ - Enoch, con trai vị phó tổng thống trước đây của Zambia, cho tôi hay - Họ có thể nộp đơn trực tiếp đến chính phủ để xin giấy phép nhưng khó khăn hơn nhiều. Người TQ thấy dễ dàng hơn khi tìm kiếm những người Zambia nghèo khó và tuyệt vọng, không hề biết tí gì về khai khoáng nhưng lại có giấy phép. Chỉ cần bước vào với một vali chứa 100.000 USD, nó sẽ là của anh”. Enoch trầm ngâm nói: “Không biết Zambia rồi sẽ ra sao trong 10 năm nữa? Liệu con em chúng tôi sẽ làm việc trong một nhà máy TQ? Liệu con cháu chúng tôi có còn cơ hội để khai thác tài nguyên của đất nước mình không nữa?”. Sata thất cử Năm 2005, một thảm họa lớn nhất trong lịch sử công nghiệp của Zambia xảy ra tại Công ty kim loại màu châu Phi Chambishi - công ty do TQ làm chủ lớn nhất ngay tại trung tâm vành đai đồng. Một vụ nổ tại một nhà máy chất nổ đã thiêu chết số lượng lớn công nhân người Zambia. Chính phủ Zambia không hề công bố kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, trong khi các chuyên gia địa phương nhận định do sử dụng nhiều công nhân thời vụ không có tay nghề. Một năm sau vụ nổ, một cuộc nổi loạn khác của công nhân Chambishi làm năm người chết. Không ai bị khởi tố và cũng chẳng ai biết liệu kẻ bắn chết công nhân là cảnh sát Zambia, các đốc công người TQ hay một công ty bảo vệ của TQ. Tôi cố gắng liên hệ với Wigan, quản lý nhân sự ở Chambishi, để tìm hiểu vì sao tình hình ở đây lại tai tiếng hơn nhiều so với những khu mỏ khác do Úc, Anh, Canada, Thụy Sĩ và Ấn Độ làm chủ. Thật thất vọng, Wigan cho tôi biết chỉ có những quản lý người TQ mới có quyền nói chuyện với báo chí và có lẽ họ sẽ không tiếp tôi. Nhà lãnh đạo đối lập Michael Sata vận động chiến dịch tranh cử tổng thống Zambia của ông ta vào năm 2006 trên cơ sở bài TQ. Chiến dịch của ông ta khá thành công. Ông ấy gọi người TQ là những kẻ “tàn phá” (infesters) thay vì “nhà đầu tư” (investor). Diễn biến này khiến Bắc Kinh đe dọa sẽ cắt ngoại giao với Zambia nếu Sata thắng cử. Kết quả Sata thất cử. Không ai có được con số thống kê chính xác về số lượng người TQ đang hiện diện ở đất nước này. Chính phủ ước tính khoảng 3.000, Sata nói 80.000. Cho dù con số chính xác là bao nhiêu thì hiện đã có hàng trăm cửa hiệu do người TQ làm chủ ở thị trấn Lusaka và căng thẳng bắt đầu dâng cao. Mỏ vàng khoáng sản của Congo Tôi hỏi Xiao, một chuyên viên thống kê về châu Phi ở Ngân hàng Thế giới, liệu có biểu đồ nào miêu tả toàn cảnh sự tham gia kinh tế của TQ ở châu Phi hay không, Xiao trả lời: “Theo tôi biết, TQ không còn công bố số liệu đầu tư theo từng nước ở châu Phi nữa”. Còn Lucy, chuyên gia về các quan hệ Trung - Phi, kết luận: “Chúng ta có châu Phi - một lỗ đen số liệu, và TQ - một lỗ đen số liệu khác. Đặt chúng lại với nhau thì ta được một thảm họa”. Vào năm 1964, chủ tịch Mao từng nói: “Nếu có được Congo, chúng ta sẽ có cả châu Phi”. Khi đó chủ tịch Mao có ý nói về đấu tranh cách mạng, còn các lãnh đạo TQ bây giờ thì biết rõ đất nước Congo có hầu như mọi khoáng sản mà con người từng biết: 10% lượng đồng trên Trái đất, 30% lượng côban, 80% lượng coltan (sử dụng trong mọi thứ từ Playstation, iPod đến nam châm, dụng cụ cắt, động cơ phản lực) cùng một lượng chưa công bố bôxit và kẽm, cadmium và uranium, vàng và kim cương. Từ 1998-2001, coltan là loại khoáng sản có nhu cầu nhiều nhất ở đất nước đầy chiến tranh này và Mỹ là nhà nhập khẩu số 1 trên thế giới, cho đến khi TQ chiếm vị trí này vào năm 2002. Kể từ đó caxêterit, một hợp chất từ thiếc cũng được dùng trong ngành công nghiệp điện tử và máy tính, đã trở thành loại khoáng sản hàng đầu của Congo. Kasongo, nhân vật quyền lực nhất trong ngành khai khoáng ở Congo, nói: “Đưa người TQ vào bụi rậm và họ sẽ tồn tại với chỉ một bát cơm. Còn người phương Tây thì quá tốn kém. Họ đòi phải có truyền hình vệ tinh để xem thể thao, đi casino vào cuối tuần. Người TQ thì chỉ biết làm việc như là lính vậy”. Hai lựa chọn cho một số phận Khi tôi đến gặp thì Kasongo đang cân nhắc một quyết định rất quan trọng mà nó sẽ định hình tương lai của quốc gia này trong vài thập kỷ tới. TQ vừa đưa ra đề nghị một gói đầu tư hạ tầng - khai khoáng trị giá nhiều tỉ USD, Chính phủ Congo đang cố gắng quyết định xem có nên chấp nhận đề nghị này hay không. Nếu chấp nhận thì thỏa thuận này sẽ là thỏa thuận lớn nhất của TQ ở châu Phi cho đến thời điểm đó, về cơ bản sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế của lục địa này. Nếu không chấp nhận Congo còn có một lựa chọn khác, đó là kế hoạch nhằm phục hồi ngành khai khoáng bị tham nhũng làm cho suy sụp do Ngân hàng Thế giới (WB) đề xướng. Kế hoạch này đề ra một chương trình giải nợ, các bước phát triển quan trọng dựa trên cơ sở minh bạch, một khung thời gian hai năm để hoàn tất. Thế nhưng Congo không thể kiên nhẫn chờ đợi. Sau khi tôi quay về Hoa Kỳ, Congo công bố chấp nhận đề nghị 6 tỉ USD của TQ (sau đó nâng lên đến 9 tỉ). WB bày tỏ mối quan ngại thỏa thuận này với TQ nhiều khả năng có yếu tố tham nhũng, và có thể càng đè nặng đất nước này hơn nữa với món nợ 14 tỉ USD hiện hữu với phương Tây. “Chúng tôi yêu cầu WB giúp đỡ xây dựng đường sá - Kasongo giải thích - Thế nhưng họ lại kèm theo quá nhiều điều kiện. Tất nhiên chúng tôi muốn có nhân quyền và chúng tôi đã thiết lập một cơ chế cho vấn đề đó nhờ người châu Âu. Nhưng những người châu Á biết lắng nghe những mối quan tâm của chúng tôi mà không tỏ ra kẻ cả”... ... Thủ thuật tiếp theo của TQ là tìm cách bóc khối châu báu này từ lòng đất và chuyển nó ra khỏi quốc gia này, một quốc gia có diện tích bằng cả Tây Âu nhưng chỉ có 1.200 dặm đường sá tạm được, một cơ sở hạ tầng thiếu hụt hay đang xuống cấp và một ngân sách chính phủ hằng năm chỉ có 3,6 tỉ USD... Nghiên cứu kế hoạch Congo - TQ này bạn sẽ thấy nó sẽ xây 4.500 dặm đường sắt và đường bộ. Quyết định phát triển một “đặc khu kinh tế”, bao gồm cả một trung tâm luyện kim khổng lồ, ở quốc gia Zambia lân cận là một kế hoạch toàn diện. Đặc khu này sẽ phục vụ như trung tâm của một hệ thống công nghiệp - phân phối liên kết Congo bằng đường bộ và đường sắt đi đến các mạng lưới khác do TQ gầy dựng ở Zambia và Angola, để rồi cuối cùng đi đến các cảng ở cả hai bờ biển. Trên thực tế TQ lại là một phần của vấn đề. Kasongo ước tính có khoảng 1,5 triệu thợ đào thủ công - những người khai thác mỏ chợ đen, nhiều người trong số đó giao kèo với các thương nhân trung gian và nhà cung cấp vốn người TQ. Những thợ đào này hiện tại sản xuất khoảng 75% lượng khoáng sản xuất khẩu từ Congo, chủ yếu là đào bới thủ công. Chúng được chất lên các xe tải 30 tấn và vận chuyển lậu đến TQ qua các cảng ở Nam Phi hay Tanzania. Gaby, một phụ tá của Kasongo, nói: “Hầu hết người TQ ở đây là bất hợp pháp”. “Không có cách nào điều hành đất nước khi mà mọi người đều có mâu thuẫn về quyền lợi - Kitenge, chủ một nhà xuất bản địa phương, nói - Tham nhũng ở cấp chính phủ vượt trên mức 70%. Nền kinh tế đang được điều hành bởi mafia và người dân nghèo ngày càng nghèo thêm”. Một vài nhà bình luận e ngại thỏa thuận trên với TQ sẽ khoét sâu thêm quá khứ bị thuộc địa hóa của Congo. Thế nhưng gói thỏa thuận này còn bao gồm cả 176 bệnh viện và trung tâm sức khỏe, hiện đại hóa một hệ thống thoát nước cho thành phố Kinshasa, hai trường đại học lớn, một cảng mới và 5.000 đơn vị nhà ở cộng đồng. Kiểu thuộc địa hóa như thế có thể cũng đáng để cân nhắc. Kasongo nói: “Điều gì khiến chúng tôi phải lo nghĩ? Nếu chúng tôi không thể cung cấp nước sạch và điện sinh hoạt bởi vì chúng tôi không quản lý tốt những điểm mạnh của mình (ví dụ khoáng sản) thì mỗi ngày đều đáng phải lo nghĩ. Chúng tôi không có phương tiện để làm được việc gì cả, nhưng chúng tôi có thể trao đổi cái chúng tôi có. Nếu người TQ là giải pháp thì tại sao không?”. |