Home Tin Tức Thời Sự Thân nhân các nhà bất đồng chính kiến VN kêu gọi quốc tế can thiệp

Thân nhân các nhà bất đồng chính kiến VN kêu gọi quốc tế can thiệp PDF Print E-mail
Tác Giả: Gia Minh/RFA   
Thứ Năm, 24 Tháng 9 Năm 2009 23:00

Thân nhân của 8 nhà bất đồng chính kiến theo kế hoạch bị xét xử cũng gửi một thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo các quốc gia khác trình bày hoàn cảnh của người thân họ.

 
 8 nhà bất đồng chính kiến bị cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự CHXHCNVN.

Theo kế hoạch thì vào ngày hôm nay ở Hải Phòng sẽ diễn ra phiên xử 6 nhà bất đồng chính kiến theo điều 88 bộ luật hình sự. Tuy nhiên  phiên xử đã được đình hoãn. Lý do được nêu ra là 1 trong 6 người phải ra tòa bị ốm nặng không thể hầu tòa.

Tuy nhiên, giới quan sát cho là chính quyền Hà Nội không muốn ông Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đang tham dự kỳ họp thường  niên Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York khó ăn nói với các vị khác.

Bất đồng chính kiến

Sáu nhà bất đồng chính kiến nằm trong danh sách ra tòa ở Hải Phòng là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và các ông Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn.

Riêng thầy giáo Vũ Hùng, kỹ sư Phạm Văn Trội được thông báo sẽ phải chịu xét xử trong hai phiên xử riêng ở Hà Nội.

Tuy nhiên các phiên xử đều được hoãn lại nhưng các thức thông báo khác nhau.

Bà Nguyễn thị Nga vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết:

“Đúng lịch ra theo giấy triệu tập thì tôi phải có mặt tại phiên tòa vào hai ngày thứ năm và thứ sáu; nhưng hôm qua tôi nhận được giấy hoãn với lý do anh Nguyễn Văn Tính bị mệt phải chữa ở bệnh xá và anh ấy xin hoãn phiên tòa.”

  "Chồng tôi đấu tranh vì nguyện vọng của mọi người, là điều tốt cho mọi người. Bây giờ có ý kiến lên tiếng đấu tranh cho tất cả những người này thì tôi rất là mừng và tôi đã ký. Tôi nghĩ rằng thế giới này họ rất là nhân đạo mà Việt Nam đã ký vào công ước nhân quyền năm 1982."
    Bà Nguyễn Thị Nga
 

Luật sư Huỳnh Văn Đông, người nhận bào chữa cho kỹ sư Phạm Văn Trội trong phiên xử dự kiến diễn ra hôm nay trình bày:

“Tôi vừa từ phòng thẩm phán ra và họ tuyên bố là phiên tòa bị hoãn vì một lý do khách quan nào đó, các kiểm sát viên giữ quyền công tố có những công việc chồng chéo nên không thể tham gia được. Hiện nay người ta tập trung vào xét xử những vụ án lớn hơn vụ án của anh Trội; nguyên văn là như thế và thông báo bằng miệng chứ không có một văn bản nào cả.”

Bà Lý thị Tuyết Mai, vợ nhà giáo Vũ Hùng cũng cho biết:

“Hôm qua tôi lên tòa để xin giấy tham dự phiên xử vào ngày mai thì chánh án nói hoãn phiên tòa nhưng không cho biết lý do gì chỉ bảo về đi.”

Đánh động dư luận quốc tế

Nhân dịp ông Chủ tịch nước Việt Nam đến New York tham dự kỳ họp thường niên Đại Hội đồng LHQ năm nay, thân nhân của tám nhà bất đồng chính kiến vừa nêu cũng cùng ký tên vào bức thư gửi cho ông Tổng thư ký và những vị nguyên thủ quốc gia khác.

 
Quốc tế vận động trả tự do cho các nhà tranh đấu dân chủ tại Việt Nam. 
Lý do của việc làm đó được các thân nhân những nhà bất đồng chính kiến nêu ra. Theo bà Nguyễn thị Nga thì:

“Chồng tôi đấu tranh vì nguyện vọng của mọi người, là điều tốt cho mọi người. Bây giờ có ý kiến lên tiếng đấu tranh cho tất cả những người này thì tôi rất là mừng và tôi đã ký. Tôi nghĩ rằng thế giới này họ rất là nhân đạo mà Việt Nam đã ký vào công ước nhân quyền năm 1982.

Những anh em ở đây chỉ lên tiếng đòi quyền tự do ngôn luận cho con người và đòi quyền con người thì tôi nghĩ những anh em đó không có ai có tội cả và tôi đã ký để bên ủy ban nhân quyền thế giới lên tiếng cho chúng tôi.

Kinh tế mở rộng thì chính trị cũng nên mở rộng, tôi mong muốn nhà nước Việt Nam nên có ứng xử sao cho nhân đạo…”

Bà Lý thị Tuyết Mai cũng cho hay:    
  Tôi viết thư gửi lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc và để mọi người hỏi lãnh đạo Việt Nam làm như thế có đúng không, bắt người và tạm giam như vậy có đúng không?

    Bà Lý Thị Tuyết Mai

“Tại vì tôi thấy những việc chồng tôi đã làm không có gì đáng là vi phạm pháp luật cả; thế mà bắt lâu như thế mà gia đình không được gặp. Bắt hơn một năm - một năm mấy ngày rồi mà gia đình không được thông tin gì không hề hay biết tình hình sức khỏe gì của chồng tôi.

Tôi thấy làm như thế là không đúng và tôi viết thư gửi lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc và để mọi người hỏi lãnh đạo Việt Nam làm như thế có đúng không, bắt người và tạm giam như vậy có đúng không? Hình sự thì tôi thấy không có gì là hình sự khi treo một khẩu hiệu như vậy, tôi nghĩ hình sự thì phải có hành vi- hành động gì bạo lực.

Chồng tôi anh ấy viết câu khẩu hiệu như thế và người ta cho là bất đồng quan điểm, không nhất trí theo ý kiến của nhà nước.

Người ta mỗi người có quyền, có thể có những suy nghĩ khác nhau, có quyền thể hiện suy nghĩ của mình một cách khác nhau chứ không thể ai cũng giống ai. Mình được quyền nói chứ không phải ai cũng nhất mực tuân thủ; những cái sai trái mình cũng tuân thủ theo à?”

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang cũng xác nhận đã ký vào đơn nhưng khi đứng trước tòa thì không nói nhiều được: “Vì điều đó là đúng và phù hợp.”

    Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn, hoặc tham gia thảo luận tại Trang blog Ban Việt ngữ RFA

Thân nhân của tám người vừa nói trong bức thư gửi đến tổng thư ký Liên hiệp quốc nói rõ là người nhà của họ không hề có tội gì khi lên tiếng kêu gọi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam cũng như đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Những người viết đơn cho rằng những hoạt động mà người thân của họ làm lâu nay hoàn toàn theo đúng hiến pháp nước Việt Nam. Họ cũng nêu ra hai điều 9 và 19 của Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền về các quyền của con người trong đó xác định rõ không ai có thể là nạn nhân của chính sách giam cầm, truy tố hay truy bức một cách tùy tiện.
Xin được nhắc lại, tám nhà bất đồng chính kiến vừa nói bị truy tố theo điều 88 Bộ luật hình sự với cáo buộc họ chống lại nhà nước công hòa xã hội chủ nghĩa.