Home Tin Tức Thời Sự Nguy cơ vùng đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển cuối thế kỷ 21

Nguy cơ vùng đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển cuối thế kỷ 21 PDF Print E-mail
Tác Giả: Ánh Nguyệt   
Thứ Tư, 23 Tháng 9 Năm 2009 04:18

Một kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu thuộc trường đại học Colorado Hoa Kỳ đăng trên báo Nature Geoscience ngày 20/9 báo động là 2/3 các đồng bằng quan trọng của địa cầu- trong đó có đồng bằng sông Cửu Long- trong thế kỷ này sẽ bị mất bớt đi diện tích hiện có do đất bị lún xuống và mực nước biển dâng cao.

 
                        Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước
                                  (Ảnh : Nguyễn Thạch)

Các kết quả tìm kiếm mới này căn cứ trên những hình ảnh vệ tinh cho thấy có đến 85% của 33 bình nguyên rộng lớn nhất thế giới đã bị lụt lội trầm trọng suốt thập niên vừa qua, làm hư hại 260.000 km vuông đất canh tác, trong đó châu Á chịu thiệt thòi nhiều hơn cả.

Trên thước đo thiệt hại gồm 5 bậc, 7 bình nguyên có nguy cơ bị thiệt hại nặng nhất, Trung Quốc đã vướng đến ba. Đó là đồng bằng sông Hòang Hà ở phía bắc, đồng bằng sông Dương Tử gần Thượng Hải và đồng bằng sông Châu Giang ở Quảng Châu.

Bị mất bớt đất canh tác nhưng ở mức độ thấp hơn là 7 đồng bằng có mật độ dân cư cao, trong đó có đồng bằng sông Hằng ở Bangladesh, Irrawady tại Miến Điện, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và Mississippi ở Mỹ.

Ngòai yếu tố thiên nhiên, nguy cơ đất bị lở sạt, mực nước biển dâng cao, lấn sâu vào vùng đất ven biển còn do bàn tay phá họai của con người, nhất là trong giai đọan cuối thế kỷ vừa qua.

Nếu không có sự can thiệp của con người, dòng chảy của những con sông sẽ mang các lớp phù sa đến cho các bình nguyên hấp thụ lấy. Nhưng các con đập trên thượng nguồn đã ngăn chặn sự luân chuyển tự nhiên này, làm khô hạn cả về lượng nước lẫn nguồn trầm tích và thủy sản.

Cụ thể ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo nhà nông học Võ Tòng Xuân trong những năm gần đây, nạn lụt diễn ra thường xuyên hơn, bất thường hơn, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trong lúc nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, thu họach chủ yếu là từ nuôi trồng chứ không từ thiên nhiên.

Các tổ chức bảo vệ sông Mêkong đã có hàng lọat công trình nghiên cứu, trong đó có nêu lên hậu quả của một lọat các con đập thủy điện trên thượng nguồn  như ở Vân Nam, Trung Quốc hay kế hoạch chuyển dòng sông đọan chảy qua Thái Lan, kế hoach xây dựng lọat con đập khác tại Cam Bốt, Lào với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Công trình khảo sát của trường đại học Colorado  Hoa Kỳ cũng nêu lên một mối đe dọa khác cho diện tích các đồng bằng lớn trên thế giới đó là mực nước biển dâng cao thêm do khí hậu trái đất nóng lên.

Một báo cáo nổi tiếng của tổ chức phi chính phủ IPCC về thay đổi khí hậu năm 2007 dự đóan, mực đại dương sẽ tăng từ 18 đến 59 cm vào năm 2100. Các cuộc khảo sát gần đây cũng đã tính đến tình hình băng tan tại Nam cực và Băng đảo, đẩy mực nước biển sẽ lên cao thêm ít nhất gần một mét vào cuối thế kỷ, nhấn chìm nhiều vùng duyên hải.