Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam đi theo mô hình Trung Quốc?

Việt Nam đi theo mô hình Trung Quốc? PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Lâm, phóng viên RFA   
Thứ Hai, 21 Tháng 9 Năm 2009 22:03
Mặc Lâm phỏng vấn GS Đặng Phong, thuộc Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội cũng là người nghiên cứu vấn đề kinh tế Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều năm và đặc biệt là mô hình kinh tế Trung Quốc.
 
 AFP PHOTO/Frederic J. Brown

Thủ tướng VN Nguyễn Tân Dũng gặp gỡ Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo hôm 17-4-2009, nhân chuyến sang Trung Quốc tham dự Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao.

 Trước tiên ông cho biết cảm nghĩ khi nghe tin này :

GS Đặng Phong : Theo tôi thì không có, bởi vì tôi cũng làm khá nhiều tài liệu từ Văn Phòng Trung Ương đến Ban Lý Luận Trung Ương, thì cái thời ấy tôi có tham gia trong mấy cái buổi họp thì dự những cái báo cáo về tình hình Trung Quốc thì toàn chửi cơ, làm sao mà học được?

Lúc bấy giờ, cái năm ấy tôi nhớ vào khoảng 83 thì tôi có tham gia thì trình bày mấy cái báo cáo về cải cách kinh tế của Trung Quốc của Ban Lý Luận trung Ương, thì anh em lên án dữ lắm và nhắc tôi là phải dè dặt bởi vì đấy là "viên đạn bọc đường" của bọn phản động Bắc Kinh, kẻ thù truyền kiếp mà, làm sao mình học nó được.

Không có đâu! Tôi nghĩ rằng nếu có tờ báo Nhân Dân Nhật Báo mà đăng cái bài ấy thì, tôi không muốn cãi nhau với người Trung Quốc bởi vì tôi là một con người bé nhỏ, mình gây sự với họ làm gì, mình chỉ nghiên cứu chuyện của mình thôi, mình không có muốn gây gổ với người ta làm gì, nhưng theo tôi thì không đúng như thế đâu.
Cải cách Trung Quốc…

Mặc Lâm: Thưa, Giáo Sư có thể cho biết một vài chương trình mà ông đã nghiên cứu liên quan đến chủ đề này hay không?

GS Đặng Phong: Có một cuốn sách của Viện Khoa Học Xã Hội chúng tôi viết chung với Trung Quốc so sánh cải cách Trung Quốc và đổi mới kinh tế ở Việt Nam. Cuốn sách đó thì in cách đây độ 3 năm và sau đó có dịch ra tiếng Anh, Nhà Xuất Bản Thế Giới có in rồi.

 
 Bài viết tựa đề "Có thể học tập mô hình Trung Quốc được không?" trên tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm 18-9. RFA PHOTO

 

Tôi có viết cái chương so sánh Đổi mới của Việt Nam và Cải Cách của Trung Quốc thì tôi cho rằng hai việc đó nếu nó giống nhau thì nó giống nhau ở giai đoạn trước chứ không phải giai đoạn cải cách vì nó đều là một phiên bản của mô hình Liên Xô.

Mặc Lâm: Giáo Sư vừa nói đó là cái mô hình của Liên Sô được lấy ra cho cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc noi theo, vậy vô hình trung đã có sự giống nhau rồi, thưa ông? GS có thể cho biết chi tiết về những khác biệt nếu có, hay không?

GS Đặng Phong: Cái mô hình của Trung Quốc sao chép từ mô hình của Liên Sô, mà mô hình của Việt Nam là sao chép từ Liên Xô nhưng thông qua cái phiên bản của Trung Quốc, vì cái năm đó Stalin có giao cho Mao Trạch Đông và nói trước mặt Hồ Chí Minh là Liên Xô ở xa, bây giờ lo cho các nước Đông Âu, còn đồng chí Mao Trạch Đông thay mặt phe xã hội chủ nghĩa để giúp đỡ Việt Nam.

Ấy, thì Việt Nam học tập Liên Xô thông qua mô hình của Trung Quốc từ năm 1951. Thì cái phiên bản giống nhau, ăn uống giống nhau, thì xin lỗi anh, táo bón hay là đau bụng đều có kết quả rất giống nhau.

Và đã bị cái bệnh ấy thì cuối cùng người ta mò bằng cách này hay cách kia, vì cái bệnh nó là cái bệnh chung cho nên mỗi người đều tìm ra được theo một cái hướng rất giống nhau, tức là trong nông nghiệp thì phi tập thể hoá bằng cơ chế hoá. Thì Việt Nam đó, bây giờ chúng ta cứ hỏi những người cha đẻ của khoán, ví dụ Kim Ngọc thì có học gì của Trung Quốc không?

Rồi đến cái đoàn xá ở Hải Phòng thì ông Đoàn Duy Thành thấy đoàn xá nó hay ở một xã thì lên đến huyện, huyện đồng ý, rồi lên đến tỉnh, tỉnh đồng ý, có học bài nào của Trung Quốc về sự khoán ở An Huy đâu? Cái đó là hoàn toàn tự phát. Rồi bà Ba Thi phá rào về giá thu mua lúa là trước cả Trung Quốc.

Trung Quốc phải đến năm 1990 thì mới gọi là "ba bảy đảo ngược", tức là trước đây 7 phần là thu mua theo giá nghĩa vụ còn 3 phần là mua theo giá khuyến khích, thì đến 90 mới "ba bảy đảo ngược" tức là 3/10 là mua theo giá nghĩa vụ, còn 7/10 là mua theo giá khuyến khích, thì người Việt Nam đã làm cải cách giá từ năm 81 cơ mà.
Đổi mới ở Việt Nam

Mặc Lâm: Giáo Sư có thể nêu lên một vài trường hợp chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam cho thấy sự khác biệt về các sáng tạo trong nền kinh tế hay không, thưa ông?

GS Đặng Phong : Cái nghị quyết trung ương 3 vào tháng 12 năm 82 là xiết lại kỷ cương trong phân phối lưu thông, nếu nói rằng học Trung Quốc thì tại sao có chủ trương ấy? Tức là mình tìm con đường mở ra - đóng vào, tức là giải quyết những vấn đề của con bệnh thì mỗi người giải quyết theo một cách, chứ nếu học Trung Quốc thì tại sao có ý kiến khác nhau, tức là người Việt Nam tự mày mò con đường cho mình đi.

Trong thực tế thì người Việt Nam, người thì đẩy tới, người thì kéo lui, người thì kéo về phía bên này, người thì kéo về phía bên kia, nhưng cái cổ xe thì nó cứ đi tới. Tôi nghĩ rằng toàn bộ cái quá trình chuyển đổi đó của Việt Nam là quá trình chuyển đổi của bản thân cái mô hình kinh tế Việt Nam. Còn nó hao hao giống nhau có lẽ là vì cái cơ thể nó giống nhau, con bệnh nó giống nhau, cho nên cái bài thuốc rồi cuối cùng người ta cũng tự tìm ra cái bài thuốc gần gần giống nhau.

Mặc Lâm: Trong giai đoạn Việt Nam có cuộc chiến với Trung Quốc thì việc nghiên cứu về nền kinh tế Trung Quốc được thực hiện như thế nào?

GS Đặng Phong: Từ năm 78 cho tới năm 92 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất căng thẳng. Tài liệu chúng tôi tìm được của Trung Quốc rất khó khăn, mà tài liệu của thông tấn xã có dịch không phải là ít nhưng mà dịch theo cái hướng là phê phán: phê phán "bốn hiện đại hoá', phê phán học thuyết "mèo trắng mèo đen'.

Thời đó người Việt Nam nhìn tất cả những gì người Trung Quốc làm là đều không đáng noi gương, cho nên người Việt Nam không có học gì ở Trung Quốc trong giai đoạn này cả.

Người Việt Nam học ở Trung Quốc từ giai đoạn xây dựng mô hình kinh tế cũ, tức là kể từ năm 1951, với các cố vấn Trung Quốc sang Việt Nam : lập ngân hàng, lập mậu dịch quốc doanh, tiến hành thuế nông nghiệp. Cái đó là mô hình Trung Quốc. Và cải tạo tư sản hoà bình cũng là mô hình Trung Quốc.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, Trung Quốc nhấn mạnh là Việt Nam bắt chước nguyên mô hình kinh tế sau khi công cuộc đổi mới xảy ra. Xin ông cho biết có phần trăm nào chính xác trong những kết luận như vậy hay không?

GS Đặng Phong : Công cuộc đổi mới để khởi thảo cái báo cáo chính trị mà cái đó là linh hồn của sự nghiệp đổi mới về mặt đường lối chính sách là không có ai học của Trung Quốc cả! Cho đến cái người phá rào từ cơ sở là những ông như là Chín Cần ở Long An, như ông Sáu Hơn ở An Giang, bà Ba Thi ở TP.HCM, Võ Văn Kiệt ở TP.HCM, rồi ông Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng, có ông nào biết trung Quốc làm cái gì đâu!

Thì từ cái phá rào nó mới mở ra cái hướng đi, từ chỗ ở trung ương thấy phá rào thì chuẩn bị huýt còi nhưng xuống đến thấy nó tốt quá thì cất còi vào túi. Thay vì xử lý cái thằng phá rào thì xử lý cái hàng rào, đó là cái lộ trình đổi mới ở Việt Nam.

Theo tôi, tóm lại cuộc chuyển đổi này là hai bên không ai học ai cả, cho nên nói rằng người Việt Nam học cái cách sửa đổi của Trung Quốc là hoàn toàn không đúng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn GS Đặng Phong.