Chuyện Viả Hè: An ninh Việt Nam muốn siết quản lý điện thoại di động |
Tác Giả: Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt |
Chúa Nhật, 20 Tháng 9 Năm 2009 20:14 |
Sunday, September 20, 2009 di động để có thể dễ dàng truy lùng người nói chuyện trên điện thoại. Bích chương quảng cáo điện thoại di động tại Hà Nội. Ðiện thoại di động là phương tiện liên lạc phổ biến nhất tại Việt Nam, và nhà cầm quyền vẫn “loay hoay” (chữ của báo Thanh Niên) trong việc siết chặt kiểm soát người nói chuyện điện thoại. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) Bài viết trong mục “Chào buổi sáng” của tác giả Hoàng Ly với tựa đề “Loay Hoay” miêu tả những khó khăn của nhà cầm quyền khi kiểm soát thông tin về người mua thẻ SIM trả trước. Thẻ SIM trả trước do các công ty điện thoại di động làm ra, bán sỉ cho đại lý, rồi đại lý bán lẻ cho người dùng. Người ta mua thẻ SIM trả trước, thí dụ như thẻ trị giá 100 ngàn đồng, rồi gắn vào điện thoại di động. Lúc đó, điện thoại sẽ mang số di động của thẻ SIM đó. Người ta được nói chuyện hay nhắn tin cho tới lúc hết 100 ngàn đồng thì hoặc là mua SIM mới hoặc là bỏ thêm tiền vào SIM. Mua SIM mới tốn thêm tiền SIM, và bị mất số cũ. Bỏ thêm tiền đơn giản hơn, chỉ tốn tiền sử dụng không tốn tiền SIM, và giữ số cũ. Tất nhiên, ai muốn vất số cũ tìm số mới thì cứ mua SIM mới. Giá SIM, nếu tính riêng ra, cỡ xấp xỉ 3 đô la. Có khi còn rẻ hơn. Tại sao lại phải kiểm soát người dùng SIM? Ở nước khác, “văn minh như ở nước Nga,” “chậm tiến như ở nước Lào,” hay Cambodia, hay Indonesia, v.v. người ta dùng điện thoại thì kệ người ta. Mượn SIM qua lại cũng kệ người ta. Nhưng Việt Nam thì khác. Mượn SIM qua lại để làm gì thì được, nhưng để trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, kiểu BBC, hay RFA, hay thậm chí báo Người Việt, là không thể được. Phải kiểm soát. Báo Thanh Niên tiết lộ, “Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã có khá nhiều văn bản về quản lý thông tin đối với thuê bao trả trước.” Bộ Thông Tin và Truyền Thông thì không ai lạ. Còn được gọi là Bộ 4T, đây là nơi liên tục kỷ luật bất kỳ nhà báo nào dám hó hé “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.” Nói chính xác hơn, Bộ 4T là nơi kiểm soát tất cả những gì người Việt Nam nói, nghe, đọc, viết, thấy. Và, trong trường hợp này, cả nói chuyện riêng với nhau. Từ 4T đến “tư tưởng” không bao xa, nên Bộ 4T được xem là khá đáng sợ. Một khi Bộ 4T đã có “khá nhiều văn bản” về chuyện quản lý “thông tin” (tức tên, tuổi, số CMND, địa chỉ, v.v.) của người mua SIM trả trước, các hãng di động răm rắp vâng lời. Báo Thanh Niên cho biết “Các mạng di động cũng tốn nhiều tiền cho việc thiết lập hệ thống đăng ký thông tin, tập huấn cho các đại lý.” Trong đó, cũng theo Thanh Niên, mạng Viettel là mạng “chơi rắn” nhất khi các đại lý đưa tên tuổi của người thuê bao mà lại không phải là tên tuổi đúng. Kiểu như người ghi danh là đi thuê bao “giùm” cho người khác, hay người thuê bao ghi tên tuổi địa chỉ ma. Công ty Viettel, một cơ sở kinh tài của quân đội, “ra quyết định cắt hợp đồng, phạt tiền hàng loạt đại lý với tổng số tiền phạt lên tới gần 5 tỉ đồng.” Báo Thanh Niên đề nghị một giải pháp thế này: “Nếu mạng di động yêu cầu khách hàng khi đăng ký kích hoạt thuê bao trả trước cần khai báo thông tin kèm theo bản photo CMND thì sẽ giảm được phần lớn việc đại lý khai hộ hoặc khai sai thông tin.” Nước Việt Nam có 85 triệu dân. Lấy rẻ 8 triệu người đi mua SIM, bỗng đẻ ra 8 triệu bản photocopy giấy chứng minh nhân dân. Trong khi đó, có bao nhiêu người công khai suy nghĩ và phát biểu khác với lối suy nghĩ và phát biểu do sự áp đặt của Bộ Trưởng 4T Lê Doãn Hợp. Nếu đếm hết tất cả những người đã từng trả lời phỏng vấn BBC, RFA, Người Việt, Vietcatholic, v.v. có lẽ chỉ vài trăm. Cho tăng lên luôn vài ngàn. Chỉ vì muốn ngăn chặn tự do ngôn luận của vài ngàn người, mà muốn gây khó khăn cho hàng triệu người mua thẻ SIM, hàng chục ngàn đại lý bán SIM, có phải thông minh không? Hỏi tức là trả lời. |