Chiến lược mới của Obama |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 18 Tháng 9 Năm 2009 17:57 |
Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama đã chọn ngày xấu nhất trong năm, ngày 17/9 để báo cho phía Ba Lan rằng Hoa Kỳ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa đã hứa với trong động thái được cho là vì quan hệ mới với Nga. Mỹ bỏ kế hoạch đặt lá chắn tên lửa tại Đông Âu Cũng chính ngày 17/9 bảy thập niên trước, Liên Xô bất ngờ tấn công Ba Lan từ phía Đông, chỉ hơn hai tuần khi Đức Quốc xã đánh vào phía Tây. Bỏ sang một bên "nỗi lòng" của người Ba Lan, ta thấy thử xem quyết định chuyển hướng quân sự, an ninh quan trọng nhất từ khi lên cầm quyền của tổng thống Mỹ sẽ khiến cho ai đó nữa ở châu Á phải lo ngại? Trước hết, có phải Hoa Kỳ đã "hy sinh" quan hệ đặc biệt với các đồng minh Đông Âu? Theo Judy Dempsey trên tờ New York Times, khác với tổng thống Bush vốn muốn làm thân với các nước gốc cộng sản Đông Âu để "chia rẽ EU", ông Obama có cách nhìn khác. Trong chính trị Hoa Kỳ, các nhân vật có ảnh hưởng gốc châu Âu như Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger và Madeleine Albright đã dần dần về nghỉ. Trường phái lấy châu Âu làm trọng để phòng ngừa Nga mà họ cổ vũ không còn tác động đến chính giới Hoa Kỳ nữa. Trái lại, vẫn theo Judy Dempsey, các nhân vật trẻ ở Mỹ lớn lên vào giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh và tham gia chính trị thời Obama không còn nghĩ an ninh của châu Âu là quá quan trọng. Mặt khác, các nước Đông Âu nên hội nhập chặt chẽ hơn vào cơ chế Nato và EU để đảm bảo an ninh, thay vì tìm đến Hoa Kỳ. Trên thực tế, các quyết định của chính phủ Ba Lan và Czech ủng hộ dự án lá chắn tên lửa chưa bao giờ được sự ủng hộ rộng khắp của dân chúng nước họ. Quyết định mới nhất...dũng cảm, đúng đắn của Tổng thống Obama khiến Nga nghĩ tốt hơn và có nhiều hy vọng. Vì không còn hệ thống tên lửa tại Đông Âu, EU cũng sẽ cần phải bàn lại với Mỹ về một chiến lược an ninh chung. Với chính quyền Obama, ngoài châu Âu còn có các khu vực khác cần ưu tiên hơn. Sức ép lan rộng Theo báo Anh, tờ The Guardian, mối quan hệ mới với Nga sẽ giúp ông Obama gây sức ép mạnh hơn với Iran. Vì trước đó, chính Nga đã giúp Iran phát triển công nghệ nguyên tử nhưng nay, nếu cần, Moscow cũng sẽ "hy sinh" quan hệ năng lượng với Tehran vì lợi ích chiến lược với Hoa Kỳ. Hoặc như lời báo The Guardian, có thể phía Nga đã thuyết phục được Hoa Kỳ rằng việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tầm xa là không cần thiết vì Iran không có khả năng vươn xa như vậy. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga đang chuyển hướng Theo BBC News 18/9, ngay sau khi Hoa Kỳ mở ra hướng hợp tác mới với điện Kremlin, Tổng thư ký khối Nato, Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi có một "quan hệ đối tác chiến lược" với Nga. Tại Afghanistan, hiển nhiên Hoa Kỳ cũng cần sự trợ giúp của Nga. Nhưng xa hơn Iran, Iraq và Afghanistan thì nói như bình luận gia Simon Tisdall trên The Guardian, "tác động của quyết định về hỏa tiễn của ông Obama sẽ còn được cảm nhận xa hơn". Ngay tại Trung Đông, Israel cũng sẽ phải tính toán xem việc thay đổi kế hoạch của Mỹ tác động đến an ninh của họ trước mối nguy cơ Iran. Nhưng còn một quốc gia khác là Trung Quốc cũng sẽ không hài lòng trước quan hệ ấm lên giữa Mỹ và Nga. Ngay từ sau khi Liên Xô sụp đổ và khối Nato lan dần sang phía Đông, các nhà chiến lược đã chỉ ra rằng với Bắc Kinh, nguy cơ Nato áp sát biên giới là một cơn ác mộng. Việc Nga ngăn Nato không tiến xa hơn về phía Đông đem lại cho Trung Quốc một cảm giác an toàn. Nhưng nay, khi mà chính Nga hợp tác chặt chẽ với Nato thì cảm giác đó có thể sẽ không còn nữa. Dù quyền lợi thương mại Mỹ- Trung gắn liền, chính quyền Obama có vẻ như đang va chạm với Trung Quốc, từ thương mại đến quan điểm an ninh, quốc phòng. Đầu tuần này, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair nói chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là đe dọa và rằng nước này "ngày càng hung hăng" trong công nghệ mạng. Đáp lại, Trung Quốc đã gọi sự chỉ trích của Mỹ đối với chiến lược phát triển quân sự của nước này là vô trách nhiệm và vô căn cứ.
|