Tưởng Giới Thạch muốn chiếm lại Hoa Lục |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 09 Tháng 9 Năm 2009 20:53 |
Ông Tưởng nuôi hy vọng lấy lại đại lục cho tới chết Hầu hết người Trung Quốc và Đài Loan nghĩ rằng họ biết điều gì xảy ra sau khi cuộc nội chiến đẫm máu giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Hoa chấm dứt vào năm 1949. Nhưng các tài liệu mới giải mật gần đây đã tiết lộ về một kế hoạch bí mật chưa được biết tới do cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch lập ra để chiếm lại Trung Hoa đại lục. Sau khi đưa tàn quân chạy sang Đài Loan vì thua phe Cộng sản, ông Tưởng Giới Thạch vẫn bị ám ảnh bởi ý tưởng lấy lại đất nước ông bị mất, bất chấp những trở ngại vô cùng lớn. Theo những tài liệu giải mật, vào khoảng những năm 1960, ông Tưởng nghĩ rằng thời gian đã chín muồi để mở cuộc phản công khi mà Trung Quốc đang rơi vào nạn đói do chính sách của Mao Trạch Đông gây ra và trước viễn cảnh Trung Quốc sẽ sớm có vũ khí hạt nhân. Khi đó Hoa Kỳ đang theo đuổi cuộc chiến Việt Nam và ông Tưởng biết ông cần có sự trợ giúp của Mỹ nếu muốn thành công. Chính vì lẽ này Tưởng Giới Thạch đã đề nghị giúp Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam để đổi lấy sự hậu thuẫn của Mỹ trong kế hoạch Washington đã bác kế hoạch của Tưởng nhưng vị thống chế vẫn chuẩn bị cho ngày trở về đại lục. Tối mật Các thông tin giải mật - qua những bản photocopy được trưng bày trước công chúng lần đầu tiên vào tháng Năm - cho thấy kế hoạch tấn công mang tên Quốc Quang bao gồm 26 chiến dịch trong đó có phần đổ bộ và các đợt tập kích đằng sau phòng tuyến kẻ thù. Tổng thống Tưởng cũng chỉ đạo cho con trai của ông, Tưởng Kinh Quốc, lập kế hoạch tấn công qua đường hàng không vào hai tỉnh miền Nam là Phúc Kiến và Quảng Đông. Tất cả những thông tin này khi đó là tối mật. Vào năm 1965, các kế hoạch đã sẵn sàng. Binh lính và sỹ quan đã viết di chúc trong khi nhóm tướng lĩnh cao cấp chọn ngày ra quân thích hợp nhất để triển khai quân, theo các tài liệu giải mật. Nhưng Bắc Kinh đã phát hiện ra kế hoạch này. Vào ngày 6 tháng Tám năm 1965, hai tàu hải quân đưa lính tham gia một chiến dịch do thám đã bị lực lượng Cộng sản đánh chìm. Khoảng 200 lính chết. Vào tháng Mười Một cùng năm, một tàu khác chở hàng tiếp tế cho lính đóng ở một đảo ngoài khơi Đài Loan bị trúng thủy lôi Cộng sản làm khoảng 90 lính thiệt mạng. Tổn thất lớn về nhân mạng đã làm Tưởng Giới Thạch ngạc nhiên. Ông cũng nhận ra rằng Trung Quốc đã cải thiện đáng kể khả năng của hải quân. Ông Tưởng buộc phải giảm quy mô chiến dịch và sau đó hủy kế hoạch tấn công. Nhưng theo Tướng Hoàng Chí Trung, khi đó là một đại tá có tham gia quá trình chuẩn bị, Tưởng Giới Thạch không bao giờ bỏ hẳn ý muốn phục quốc với miền đất tại Trung Quốc. ''Ngay cả khi ông chết, ông vẫn còn nuôi hy vọng tình hình quốc tế sẽ thay đổi và phe Cộng sản có ngày bị tiêu diệt.'' Thay đổi trọng tâm Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn. Tôi hy vọng nó sẽ phát triển hòa bình Đài Loan ''chuyển trọng tâm sang hiện đại hóa và bảo vệ Đài Loan thay vì chuẩn bị giành lại Trung quốc,'' theo ông Andrew Yang, một nhà phân tích chính trị chuyên về quan hệ Đài - Trung tại Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cao cấp. Con trai ông Tưởng, người kế nhiệm ông trong cương vị Tổng thống, đã tập trung vào giữ hòa bình trong quan hệ Đài Loan - Trung Quốc. Các chi tiết về chương này trong lịch sử đã được giữ kín trong 44 năm và chỉ được công bố khi Sở Du lịch ở Đào Nguyên thuyết phục Bộ Quốc phòng và Thư viện Quốc gia cho phép họ xem tài liệu lưu trữ. ''Có cả thảy 26 chiến dịch được lên kế hoạch nhưng Bộ Quốc phòng chỉ giữ chi tiết về 10 chiến dịch. Các tài liệu khác đã bị hủy,'' cô Hiếu Xương Linh, phát ngôn viên của Sở Du lịch Đào Nguyên nói. ''Tưởng Giới Thạch không muốn cho mọi người biết. Những gì chúng ta có ngày hôm nay chỉ là một số tài liệu thôi.'' Cho tới nay vẫn chưa rõ bao nhiêu người lính đã chết trong lúc chuẩn bị cho kế hoạch mà cuối cùng đã không diễn ra. Tưởng Giới Thạch thậm chí xây hầm trú ẩn bí mật phòng khi có chiến tranh Các tài liệu cũng cho thấy nơi từng là trung tâm chỉ huy bí mật tại vùng núi Đào Nguyên. Hàng trăm khách du lịch tới vùng này mỗi ngày, trong đó có cả người Trung Quốc. Tướng Hoàng, nay đã có tuổi, nói ông hy vọng người ta học được bài học lịch sử. ''Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn. Tôi hy vọng nó sẽ phát triển hòa bình,'' ông nói. ''Nay không cần phải có chiến tranh." |