Sắp đến lúc xe không còn chỗ lăn bánh! |
Tác Giả: Theo Bao Lao Động |
Thứ Tư, 09 Tháng 9 Năm 2009 13:53 |
TP.Hồ Chí Minh kẹt xe như cơm bữa. (13.09.2007)(LĐ) - Dự báo 5 năm tới, TPHCM phải đối mặt với tình trạng chưa chắc còn đủ đường để đậu xe thì làm sao có thể lưu thông? Ngày 8.9, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên diện rộng suốt nhiều giờ liền. Với tốc độ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của TP không theo kịp sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông như hiện nay, dự báo 5 năm tới, TP phải đối mặt với tình trạng chưa chắc còn đủ đường để đậu xe thì làm sao có thể lưu thông? Theo UBNDTP, số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố gia tăng nhanh chóng, vượt quá năng lực hiện có của hệ thống giao thông. Nếu cuối năm 2008, TPHCM quản lý khoảng 4 triệu phương tiện, thì đến cuối tháng 8.2009, con số đó đã tăng lên đến hơn 4,3 triệu (391.171 xe ôtô và 3.925.310 xe môtô) - chiếm khoảng 1/5 tổng số lượng phương tiện giao thông cả nước. Thống kê từ Phòng CSGT đường bộ-CATP cho thấy, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 xe ôtô và 1.000 xe gắn máy đăng ký mới. Hàng ngày còn có khoảng 1 triệu xe gắn máy 2 bánh, 60.000 xe ôtô mang biển số của các tỉnh, thành khác và khoảng 1 triệu xe đạp, 21.000 xe 3 bánh lưu thông trên địa bàn TP. Như vậy, tổng số phương tiện lưu hành trên địa bàn TP lên đến khoảng 6,4 triệu chiếc. Trong khi đó, thành phố hiện chỉ có 3.583 con đường, với tổng chiều dài 3.768km (tổng diện tích mặt đường 25,7 triệu mét vuông). Theo phân tích của tiến sĩ Phạm Xuân Mai (giảng viên ĐH Bách khoa), với tổng diện tích mặt đường của thành phố hiện không đủ để cho tất cả phương tiện cùng lưu thông. Bởi lẽ, diện tích chiếm đường đủ để đi lại của xe gắn máy cần 6-12m2/xe và chỉ tính riêng xe gắn máy 2 bánh do thành phố quản lý hiện đã chiếm đến 12-48 triệu mét vuông diện tích mặt đường. Với tốc độ phương tiện giao thông đăng ký mới (100 xe ôtô và 1.000 xe môtô mỗi ngày), nếu các cơ quan chức năng không có những giải pháp hữu hiệu hạn chế, 5 năm tới TPHCM tăng thêm khoảng 2 triệu xe môtô và gần 200.000 xe ôtô. Và với số xe này, TP cũng cần thêm khoảng 5 triệu mét vuông diện tích mặt đường (mỗi xe môtô 2 bánh cần 2m2, mỗi xe ôtô cần 5m2) mới đáp ứng đủ cho nhu cầu xe đậu. Đại biểu HĐND TPHCM Võ Văn Sen đã cảnh báo rằng, cứ đà gia tăng như thế này, tình hình giao thông tại TPHCM những năm tới cực kỳ xấu, diện tích mặt đường chưa chắc còn đủ để đậu xe, thì làm gì nói đến việc lưu thông.
Không có đường sắt đô thị, không tạo được đột phá Tại hội nghị chuyên đề về giao thông đô thị tổ chức tại TPHCM ngày 8.9, ông Trần Quang Phượng - GĐ Sở GTVT - cho rằng, thành phố cần tiếp tục xem xét đề xuất các chính sách về thu lệ phí (trước bạ, phí đăng ký, phí lưu hành...) đối với xe cá nhân. Đặc biệt, ông Trần Quang Phượng còn kiến nghị thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố thực hiện nghiên cứu quy hoạch, bố trí hệ thống thu phí giao thông trên địa bàn. Trong đó, đề xuất về tính khả thi và khả năng bố trí thí điểm hệ thống thu phí giao thông điện tử, theo hướng số tiền phải trả cho việc sử dụng một tuyến đường phụ thuộc vào mức độ ùn tắc giao thông trên tuyến, góp phần hạn chế sử dụng xe ôtô. Đồng thời, nghiên cứu quản lý các loại xe đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (mỗi người dân muốn sở hữu xe ôtô phải có giấy chứng nhận quyền mua xe), đề xuất Chính phủ cho thực hiện ở TPHCM. Những giải pháp của ông Trần Quang Phượng đều dựa vào mô hình đang áp dụng tại Singapore, với mục đích nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để áp dụng các giải pháp trên đem lại hiệu quả, Singapore đã đầu tư phát triển rất mạnh hệ thống vận tải hành khách công cộng, với 109km đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn, 29km đường sắt nhẹ, 325 tuyến xe buýt (khoảng 15.600 chiếc)... Trong khi đó, TPHCM dù diện tích lớn hơn so với Singapore gấp khoảng 3 lần và dân số đông gấp đôi, song đến nay vẫn chưa có đến 1km hệ thống đường sắt đô thị (tàu điện ngầm, xe điện mặt đất, xe điện trên cao); còn hệ thống xe buýt (chỉ khoảng 150 tuyến, với 3.225 xe) lại phát triển rất èo uột, chưa thật sự tiện lợi để người dân tự thay thế xe cá nhân bằng xe buýt. Hiện TPHCM đang triển khai xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (dài 19,7km), nhưng nhanh nhất phải đến năm 2014 mới đưa vào khai thác. Theo các chuyên gia giao thông, cho dù đến năm 2014, chỉ với mỗi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông tại TPHCM. Ông Trần Quang Phượng cũng thừa nhận rằng: "Khi nào chưa đưa vào sử dụng hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM, thì việc giải quyết ùn tắc giao thông sẽ không tạo ra đột phá được". |