Chuyện tù |
Tác Giả: Lê Phan |
Thứ Tư, 09 Tháng 9 Năm 2009 04:15 |
Các cụ có câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Câu đó diễn tả một phần nào cái kinh hoàng của cảnh tù đầy. Nhưng nó không thể diễn tả cảm tưởng của những người đã bị tù đầy, đã bị mất tự do. Ấy vậy mà sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản Hà Nội đã bắt bỏ tù một số đông dân chúng miền Nam. Và ngày nay, hơn ba thập niên sau, chính quyền vẫn tiếp tục bỏ tù, giam cầm những người mà quốc gia cần nếu muốn thực sự phát triển, thực sự tiến bộ.
“Cả nước đi tù,” câu nói ở cửa miệng người dân miền Nam sau năm 1975 không phải là một câu nói ngoa. Khác với lập luận của một số thành phần gọi là cấp tiến trong đảng là chỉ có một số “lãnh đạo” trong chính quyền miền Nam bị đi “cải tạo”, nguyên số công chức và quân nhân cũng đã lên đến cả vài trăm ngàn người. Nhưng ngoài những người đó còn vô số dân thường, nạn nhân của chế độ. Xin đan cử thí dụ phòng giam mà chúng tôi đã ở. Phòng nữ khu ED của nhà tù Chí Hòa là phòng ít người nhất của nhà tù, lúc đông vỏn vẹn chỉ khoảng chưa đến 100 người. Vậy mà trong số đó, ngoại trừ một cựu đại úy của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, và một cựu bí thư huyện ủy của chính quyền, còn lại toàn là dân sự. Có hai chị em bà nọ, bị bắt về tội “thuê nhà của cách mạng.” Lần đầu tiên nghe vậy tôi cứ ngỡ là họ nói đùa. Nhưng quả thật là vậy. Căn nhà họ đã thuê để ở từ gần một chục năm vốn đã bị một ông tập kết nói là nhà của ông ta, thế là họ vào tù. Ngoài ra còn một số đông đảo mắc tội “vượt biên”. Cái tội đó nhiều người dân miền Nam “dính” lắm. Ngoài ra còn tội “tư sản mại bản” như cô con gái của ông Trần Thành. Ấy là chưa kể có một bà đã đi tù chỉ vì đến bán xôi ở nhà một người bị công an bắt vì thuộc thành phần “phản động.” Họ bắt luôn bà và thúng xôi. Và có lẽ chính vì không thể nghĩ là mình có thể bắt lầm người, họ bèn đưa bà luôn vào Chí Hòa. Và cũng vì vậy mà chợ Sài Gòn cho đến thập niên 1980 đã có nguyên một dãy những cửa hàng chuyên buôn bán hàng “thăm nuôi.” Vì cả nước ở tù nên cả nước cũng đi thăm nuôi. Sinh hoạt bất đắc dĩ này trở thành một phần của cuộc sống và một số bà, cũng là “vợ ngụy” đã có sáng kiến mở những cửa hàng vừa bán vừa mách bảo cho những người “đồng chí hướng” những thứ tối ưu cho những người đang bị tù. Sau này, vào thời đổi mới, khi mà “chúng ta ai cũng đã trở thành đồng chí,” trong một bữa nhậu, tôi có hỏi một ông cán bộ miền Nam, vậy tại sao chế độ lại bắt nhiều người đến như vậy sau năm 1975. Vốn đã bất mãn cùng mình vì thấy đám “Giải phóng miền Nam” của mình ngày càng mất thế, ông cán già giải thích “Bởi vì tụi nó sợ. Trước khi chiếm được miền Nam, tụi nó có nhận được báo cáo là ở miền Nam, nhất là ở thành phố, chỉ có khoảng 15 đến 16% dân chúng là ủng hộ Mặt Trận.” Nốc thêm một ly, ông mỉa mai “À đó là Mặt Trận, chứ biết là đám ngoài Bắc chắc sự ủng hộ còn thấp hơn nữa.” Cũng có thể ông cán già đó nói đúng. Quả thật là chế độ lúc đó thiếu tự tin. Chẳng thế mà họ đã lờ đi lời khuyên của những “đồng chí” Ðông Âu. Cũng chính mấy ông cán bộ đã kể lại là trong nhiều cuộc họp sau năm 1975, các “đồng chí” Ðông Âu đã thường khuyên nhủ chính quyền là các ông may mắn lắm, thừa hưởng được miền Nam, đừng bỏ lỡ cơ hội. Ðừng phá hoại những gì miền Nam đã có, đừng bắt những chuyên viên nhất là những chuyên viên về kinh tế và tài chánh, đừng đụng đến các cơ sở kinh doanh và kỹ nghệ, để yên cho nông dân sản xuất, bởi tất cả những cái đó sẽ giúp cho các ông giàu mạnh. Nhưng không, Hà Nội cương quyết áp dụng xã hội chủ nghĩa lên miền Nam, đốn vườn cây ăn trái, đốn đồn điền cà phê, cao su để trồng khoai, trồng mì. Cố gắng đó đã dẫn đến ngõ kẹt của những năm của thập niên 1980 khi mà lần đầu tiên Ðồng Bằng Sông Cửu Long phải ăn độn vì gạo bị mất mùa. Cũng chẳng phải siêu việt gì đã khiến chính quyền chấp nhận “đổi mới”. Chẳng qua đói thì đầu gối phải bò. Sau khi Liên Xô sụp đổ, không ai giúp đỡ nữa, chế độ đành phải chấp nhận cởi mở kinh tế để sống còn. Cởi mở kinh tế nhưng cương quyết không cởi mở chính trị. Khi chế độ Liên Xô sụp đổ, đã có những thành phần trong đảng muốn cởi mở chính trị nhưng đảng cương quyết chống. Và vì một chế độ đã cởi trói kinh tế mà vẫn trói buộc chính trị thì sẽ có những căng thẳng nên chế độ lại tiếp tục bỏ tù dân chúng. Ai ngo ngoe là vào tù. Một nhà sư, một vị linh mục, một nhà văn, một nhà báo, và ngay cả một người dân bình thường, nếu không cúi đầu nghe theo nhà nước, đều vào tù. Phản đối vì chính quyền không dám xác nhận chủ quyền lãnh hải, phản đối vì muốn bảo vệ môi trường đất nước, phản đối vì bị cướp tài sản, tất cả đều có một phương thức giải quyết, bỏ tù người phản đối. Chẳng thế mà theo thông tấn xã AP, trích dẫn các nguồn tin của báo chí nhà nước, cho biết nội trong Tháng Tám vừa qua đã có 27 nhân vật trí thức bị bắt liên quan đến “an ninh quốc gia.” Trong số này có những nhà báo nổi tiếng và được đồng nghiệp kính nể, những bloggers bộc trực dám nói. Ðến người ngoài như tổ chức Reporter Sans Frontieres, tổ chức tranh đấu cho quyền của nhà báo, trong bản thông cáo mới nhất lên tiếng phản đối về vụ chính quyền tiếp tục đàn áp các nhà báo online liên quan đến Trung Quốc cũng đã viết “Tự do ngôn luận đã bị co lại trong các tháng gần đây, kết quả của thái độ hoang tưởng bệnh hoạn (paranoia) của chính quyền đối với mọi vấn đề liên quan đến liên hệ với Trung Quốc.” Chả trách trong nước nay đang loan truyền lời “đồng dao” “Người Buôn Gió” đã bị “Người Buôn Bauxite, Buôn Ðảo, Buôn Ðất” bắt, hay là “Osin Dân Chủ” đã bị “Osin Ba Ðình” bắt vì đám đụng đến “chú Chệt.” Ðối với một chính quyền như vậy có lẽ chỉ còn có một cách như đề nghị của Blog Sphinx “Những người vô gia cư, ăn mày, ăn xin, trẻ lang thang... nên nói thật nhiều về Hoàng Sa, Trường Sa, Bô-Xít, Tây Nguyên để có được căn phòng che mưa nắng, dù rất chật chội, nhưng còn hơn vất vưởng đầu đường xó chợ; lại còn có thể được gặp gỡ và tiếp xúc những người như Ðiếu Cày, Lê Thị Công Nhân, cha Nguyễn Văn Lý, và nhân vật nóng Người Buôn Gió nữa chứ...” Nói cách khác, tất cả nước hãy đồng lòng vào tù để cho chế độ chẳng còn người nữa mà cai trị. |