Quan hệ Úc-Việt trong góc hẹp an ninh |
Tác Giả: Lê Minh viết cho BBCVietnamese.com từ Sydney |
Chúa Nhật, 06 Tháng 9 Năm 2009 20:55 |
Theo một nguồn tin từ Hà Nội, thành phần của phái đoàn sang thăm Úc của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Bí thư Quân Ủy Trung Ương, sẽ không kèm đại diện của giới doanh nghiệp Việt Nam. Ông Mạnh sẽ thăm Úc từ 06/09-09/09 Một nguồn tin khác cho biết thậm chí nếu trong chuyến đi này có nêu vấn đề kinh tế thì đó cũng chỉ là lớp phấn son trát bên ngoài cuộc thương thuyết song phương nhạy cảm hơn - an ninh khu vực. Chuyện "súng ống" Chuyến đi của ông Mạnh tiếp theo sau một loạt những mở rộng trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam, Úc và Mỹ. Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng Tư Lệnh lực lượng vũ trang Úc, tướng David Hurley nhằm hoạch định những khu vực hợp tác Úc-Việt về quân sự trong tương lai, chủ đề năm nay bao gồm huấn luyện, quân y, chống khủng bố và bảo vệ biên giới. Người ta cũng thấy các phái đoàn thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã tấp nập dự hội thảo và hội chợ quốc phòng ở Singapore và thị sát các cơ sở hải quân ở Úc. Việc này diễn ra song song với những hợp đồng vũ khí Việt Nam đang tiến hành với Nga và nhiều nơi khác. "Chạy đua vũ trang ư? Không có đâu! Chúng tôi cập nhật vũ khí để có thể chống khủng bố hoặc cướp biển thôi mà," các bên thanh minh. Quan hệ của Hà Nội với Canberra từ năm 1974 đến nay, (hợp tác quân sự bắt đầu từ năm 1999,) có lẽ đủ để Việt Nam hiểu thế nào là chất người Úc thủy chung và nhất quán. Cũng không khó lắm khi đoán về chủ điểm của vòng đàm phán đó là gì. Hà Nội hết sức khó chịu về vấn đề “lưỡi bò” trong khi Úc lấn bấn phản ứng chuyện bắt giữ lãnh đạo của Rio Tinto tại Thượng Hải và những giận hờn từ Bắc Kinh về thái độ “không hữu nghị” của Úc khi đón nhà hoạt động nhân quyền Tân Cương Reibya Kadeer. Nặng nề hơn, người ta thấy một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của Úc. Chính sách quốc phòng do Thủ Tướng Kevin Rudd công bố gần đây bị Trung Quốc đánh giá là “nóng nẩy”, trong đó ông Rudd hàm ý phải tăng cường phòng thủ và tấn công trên biển, bảo vệ lãnh hải, phải tự cường, vì người Mỹ chưa chắc sẽ ứng cứu Úc, nếu nước này lâm trận. Cơ sở đóng tàu chiến ở Nam Úc nhận được thêm rất nhiều đầu tư và công ăn việc làm – sản phẩm mới của họ bao gồm loại tàu chiến hạng nặng có thể tác chiến cả trên biển lẫn trên không. Tầm cao mới Úc và Mỹ có nhiều khả năng nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên ngang mức quan hệ của họ với các thành viên thân thiết hơn của ASEAN như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Phải chăng khi ở Úc lần này, ông Mạnh sẽ chính thức ký và tuyên bố hoà ước: "Chúng tôi và các anh giờ đây là bạn! Cùng chiến tuyến"? Hơi hướng trở thành bạn bè cũng đang được xúc tiến, dẫu có lẽ ở mức thấp hơn, giữa Việt Nam và Mỹ. Hai nước đang chuẩn bị cho chuyến đi của Ngoại Trưởng Phạm Gia Khiêm và Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh sang Mỹ, dự định trong năm nay. Tân tổng lãnh sự Lê Dũng chuẩn bị mở cơ sở của Việt Nam ở Houston, Texas. Mỹ được phép mở rộng tìm kiếm hài cốt ở thềm lục địa Biển Đông – một công đôi việc. Con bài "hài cốt" cho đến nay được các bên chơi rất hữu hiệu. Vừa lấy lòng dân trong các nước hữu quan, vừa tăng cường hợp tác Á Châu – Thái Bình Dương, vừa mang tính răn đe chút ítvới "người lạ". Thái độ của ông Rudd bị Trung Quốc cho là "nóng nẩy" Quan hệ Việt-Mỹ dĩ nhiên nằm trong khuôn khổ chiến lược Á Châu-Thái Bình Dương của ngài Barack Obama, người sẽ sang tham gia diễn đàn an ninh ở Singapore vào cuối năm nay. Trước chuyến thăm của Obama đã có những cuộc "vi hành" khá thành công của Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Thượng Nghị Si Jim Webb sang Đông Nam Á. Lời mời mới đây từ Úc và Mỹ mong Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận chung vừa là biện pháp tăng cường lòng tin, giảm căng thẳng, nhưng, có lẽ cũng mang mục đích nhằm “biết địch biết ta…” trong binh pháp. Khoáng sản Nước Úc có sở trườngvề kỹ thuật mỏ và khai khoáng, và khai khoáng là phần khá lớn trong quan hệ song phương với Việt Nam. Từ hồi đầu năm, trong khi có những xôn xao ở Việt Nam về vấn đề bauxite, thì Austrade, cơ quan xúc tiến thương mại của nhà nước Úc, đã tổ chức một loạt những hội thảo về mỏ và khai khoáng ở Á châu, nổi bật là Việt Nam, cho các “đại gia” công nghiệp mỏ của Úc; tiếp theo đó là chuyến thăm của nhiều trong số các công ty này sang các vùng mỏ và nhà sàng ở Việt Nam. Thậm chí ở các vùng mỏ tiềm năng ở Tây Nguyên, trong mấy năm nay người ta cũng thấy thấp thoáng bóng các chuyên viên và kỹ sư người Úc. Chí ít thì họ cũng góp một lời khuyên cho Việt Nam về các vấn đề thuần túy kỹ thuật. Mặt khác, đối với Việt Nam, phải chăng công tác khai khoáng thường vẫn song hành với vấn đề an ninh quốc gia? Quan hệ của Hà Nội với Canberra từ năm 1974 đến nay, (hợp tác quân sự bắt đầu từ năm 1999,) có lẽ đủ để Việt Nam hiểu thế nào là chất người Úc thủy chung và nhất quán. Nhớ lại trong những năm 80, giữa lúc Việt Nam chịu đựng cấm vận quốc tế thì nước Úc cùng Thụy Điển là nơi trung chuyển cho Việt Nam những những gói viện trợ nhân đạo, trong đó gồm những xuất học bổng tiếng Anh tu nghiệp tại Úc, để khai trí cho một loạt các nhà lãnh đạo tương lai, trong đó có Ngoại TrưởngPhạm Gia Khiêm. Một Việt Nam có đông bạn bè thủy chung, giàu và mạnh, trên trường quốc tế chắc chắn sẽ là cách tốt nhất để ổn định lòng người Việt trong và ngoài nước, giảm bớt những thị phi này nọ, và giúp mở miệng với láng giềng cho "có gang có thép". Tuy vậy đối với bạn Úc, lãnh đạo Việt Nam rồi sẽ phải cởi mở ra sao để đảm bảo lòng tin của bạn? Phải chăng khi ở Úc lần này, người ta sẽ hỏi Tổng Bí Thư Mạnh : "Bây giờ, chỗ thân tình rồi, ông làm ơn giải thích hộ vì sao lãnh đạo Hà Nội lại để Bắc Kinh lấn lưới như thế?" |