Home Tin Tức Thời Sự Máy bay Su-30MK2V sẽ giúp Việt Nam bảo vệ Trường Sa?

Máy bay Su-30MK2V sẽ giúp Việt Nam bảo vệ Trường Sa? PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt   
Chúa Nhật, 06 Tháng 9 Năm 2009 16:18

Friday, September 04, 2009  
 
 
 
 
 Hôm 24 Tháng Tám, tại hội chợ triển lãm Hàng Không MAKS-2009 ở Moscow, phó giám đốc Alexander Mikheyev của tổ hợp xuất cảng vũ khí Nga Rosoboronexport

 xác nhận là theo hợp đồng đã ký kết hồi Tháng Giêng và với số tiền $500 triệu đang tiếp tục thanh toán, Việt Nam sẽ được giao 8 máy bay chiến đấu Su-30MK2 làm hai đợt, mỗi đợt 4 chiếc trong năm 2009-2010.

Một máy bay Su-30MK2 của Không Quân Nga đang cất cánh             Chiến đấu cơ Su-30MK2 nhìn trên lưng.

Su-30MK2, một kiểu cải tiến của Su-27 với 2 phi công, là loại chiến đấu cơ đa năng và đặc biệt được trang bị những phương tiện điện tử để phóng hỏa tiễn Không-Hải chống chiến hạm. Nếu so sánh với lực lượng Không Quân Trung Quốc có một số lượng máy bay nhiều gấp hàng chục lần thì việc Việt Nam tăng cường thêm 8 máy bay nữa cũng chưa thấm thía gì khi xảy ra chiến tranh toàn diện giữa hai bên. Tuy nhiên sự kiện này có một tác dụng rất đáng kể trong tình hình tranh chấp chủ quyền và lợi ích kinh tế của nhiều quốc gia trên biển Đông.

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có sức mạnh khống chế đối với hải quân của tất cả các nước Ðông Nam Á. Trong quá khứ, không cần phải dùng nhiều lực lượng, Trung Quốc đã có thể chiếm toàn bộ các đảo còn lại trong quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và còn dễ dàng hơn trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988 đánh chiếm hai bãi đá ngầm Xích Qua và Tây Môn trong dãy Johnson South Reef.

Cả hai trận chiến đó, phía Việt Nam đều không có khả năng hỗ trợ bằng Không Quân. Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, các máy bay F-5E của Việt Nam Cộng Hòa xuất phát từ Ðà Nẵng chỉ đủ nhiên liệu để hoạt động khoảng 5 phút trên không phận Hoàng Sa. Quần đảo Trường Sa còn xa đất liền hơn, nhưng không cách Sài Gòn quá 450 km trong khi cách Hải Nam trên 1,200 km và như thế máy bay Việt Nam dễ dàng can thiệp ở Trường Sa hơn máy bay Trung Quốc rất nhiều. Máy bay Su-30MK2 có tầm hoạt động 1,500km cách xa căn cứ rất thích ứng trong việc yểm trợ bảo vệ Trường Sa cũng như khu vực quyền lợi kinh tế và hải sản của Việt Nam trên biển Ðông.

Vũ khí của Liên Xô trước kia và Nga hiện nay thường được mang rất nhiều danh số khác nhau, dù đều xuất phát từ một loại và có thêm những cải biến theo thời gian hoặc nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ tư bao gồm Su-30, Su-33, Su-34, Su-35, Su-37 do công ty Sukhoi chế tạo đều là kiểu cải biến từ Su-27; danh số theo chữ Nga là Cy-27, và “Flanker” là danh hiệu do NATO đặt cho loại máy bay này.

Giữa thập niên 1970 khi Hoa Kỳ trang bị cho Không Quân loại F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon, Hải Quân loại F-14 Tomcat và F-18 Hornet, thì Không Lực Liên Xô rõ rệt thất thế với MiG-23 và Su-22. Ðến giữa thập niên 1980 Không Quân Liên Xô triển khai loại Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum thì cách biệt mới được coi là san bằng.

Su-27 bay thử nghiệm lần đầu tiên ngày 20 Tháng Năm, năm 1977 và được đưa vào sử dụng từ 1984. Ðây là một loại máy bay xuất sắc với nhiều đặc tính kỹ thuật ưu việt, đã từng lập 40 kỷ lục thế giới về cao độ bay và vận tốc cất cánh. Trong khi MiG-29 là loại chiến đấu cơ nhẹ, trọng lượng cất cánh tối đa 21,000 kg và nhiệm vụ chính là làm chủ không phận (air superiority) nghĩa là không chiến với máy bay địch, thì Su-27 là loại chiến đấu cơ lớn đa năng, bao gồm không chiến, tuần thám, yểm trợ trên không và tấn công xuống mặt đất hay mặt biển, có trọng lượng tối đa cất cánh trên 30,000 kg.

Như đã nói, Su-27 có nhiều biến thể, và đặc tính kỹ thuật của Su-30MK2 tóm tắt như sau: chiều dài 21.9 m; sải cánh 14.7 m; trọng lượng tối đa cất cánh 34,500 kg; 2 động cơ phản lực ghép cạnh nhau trong thân mỗi động cơ có sức đẩy 7,600 kgf hay 12,500 kgf khi thêm bộ phận hậu hỏa; vận tốc tối đa Mach 2.0 (2 lần tốc độ âm thanh = 2,120 km/giờ), bay xa 3,000 km (bán kính hoạt động 1,250 km), tầm cao 17,300 m, lên cao 230 m/giây.

Máy bay có 2 phi công và vũ khí trang bị tùy thuộc nhu cầu chiến đấu với trọng lượng tối đa 8 tấn gắn bên ngoài thân và cánh. Loại máy bay Nga sắp giao cho Việt Nam mang danh số Su-30MK2V được biết sẽ được trang bị kỹ thuật điện tử hiện đại và những loại hỏa tiễn chống chiến hạm mua từ Nga, Âu Châu hay Hoa Kỳ tùy theo tình thế diễn biến tương lai.

Loại Su-27 nói chung được sử dụng ở 20 nước và là loại chiến đấu cơ xuất cảng nhiều nhất trên thế giới, Trung Quốc đã mua 50 chiếc của Nga và sau đó ký kết hợp đồng tự sản xuất bằng kỹ thuật và linh kiện của Nga hoặc tự chế tạo, với điều kiện không xuất cảng. Danh số của Su-27 sản xuất tại Trung Quốc là J-11 “Thẩm Dương”, đã có khoảng 150 máy bay được triển khai trong kế hoạch dự trù 30 chiếc.

Lực lượng Không Quân Việt Nam hiện nay có khoảng 300 máy bay chiến đấu nhưng phần lớn thuộc loại cũ hay lỗi thời như MiG-21, Su-22, MiG-23 do Liên Xô hay Trung Quốc chế tạo. Trước đây Việt Nam đã có 36 chiếc Su-27 kiểu một phi công và 12 chiếc Su-30MK2 chiến đấu oanh tạc yểm trợ chiến trường.

Loại máy bay Su-27 (bao gồm Su-30MK2V) cũng nổi tiếng về khả năng linh hoạt dễ điều khiển và được dùng cho đội bay biểu diễn Russkye Vityazi (Hiệp Sĩ Nga). Tuy nhiên chính đội bay này đã gặp nhiều tai nạn. Ngày 12 Tháng Mười Hai, năm 1995 trên đường về sau cuộc biểu diễn ở Malaysia, khi ghé Cam Ranh để tiếp thêm nhiên liệu, 3 chiếc Su-27 đã đụng núi do lỗi lầm hướng dẫn trong thời tiết xấu. Ngày 16 Tháng Tám vừa qua trong khi diễn tập chuẩn bị tham dự Ðại Hội Hàng Không MAKS-2009, hai máy bay trên có 3 phi công đụng nhau làm phi đội trưởng tử nạn.

Những tai nạn khác trong khi Su-27 bay biểu diễn hay luyện tập cũng nhiều lần xảy ra: năm 1990 biểu diễn tại Ý, một chiếc rớt, 2 phi công và 1 người dưới đất chết. Tai nạn gây thương vong nặng nề nhất là ở Ðại Hội Không Quân năm 2002 tại Ukraine làm 85 khán giả thiệt mạng. Gần nhất, ngày 30 Tháng Tám vừa qua , một chiếc Su-27 của Belarus rớt trong khi bay biểu diễn tại Ba Lan làm 2 phi công tử nạn.

Từ khi ra đời, loại máy bay Su-27 thật ra chưa có nhiều cơ hội thử thách ở chiến trường. Năm 1995 trong cuộc chiến tranh biên giới, Ethiopia nói rằng máy bay Su-27 của họ đã bắn hạ 5 chiếc MiG-29 của Eritrea. Qua cuộc nội chiến Somalia, Ethiopia dùng Su-27 vào các phi vụ võ trang tuần thám và oanh tạc lực lượng loạn quân Hồi Giáo. Năm 2008, Nga sử dụng Su-27 giành quyền chủ động không phận ở cuộc chiến tranh với Georgia.

Hiệu quả của bất cứ loại vũ khí nào là do phương cách sử dụng và khả năng điều khiển, chỉ tương lai mới biết những máy bay Su-30MK2V của Việt Nam đóng góp được gì trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. (H.C)