Home Tin Tức Thời Sự Nhận định thế nào về những tin tức liên quan tới Đức TGM Ngô Quang Kiệt?

Nhận định thế nào về những tin tức liên quan tới Đức TGM Ngô Quang Kiệt? PDF Print E-mail
Tác Giả: LM Trần Công Nghị   
Thứ Tư, 02 Tháng 9 Năm 2009 21:16

  
  

Vào ngày 10/8/2009 một bài viết trên một diễn đàn đưa tin với tựa đề “Đức Cha Ngô Quang Kiệt từ chức Tổng giám mục Hà Nội”.

Tiếp sau đó, chúng tôi đã nhận được rất nhiều emails hỏi về tính xác thực của bản tin trên. Sau khi liên lạc với một số vị hữu trách trong giáo phận Hà Nội, chúng tôi đã trả lời các bạn đọc như sau:

 

 Hình chụp mới nhất TGM Ngô quang Kiệt

“Tin liên quan tới ĐTGM Ngô Quang Kiệt đã được kiểm chứng như sau: Sau khi đi Roma về Đức TGM Hà nội đã đi nghỉ ngơi ở nhà dòng Châu Sơn ở Nho Quan, Ninh Bình từ ngày 24/7 đến 9/8/2009, vì trong chuyến viếng thăm Tòa Thánh, ngài bị mất ngủ nên khá mệt. Ngài muốn nghĩ ngơi để có sức khoẻ hoàn toàn tiếp tục công việc. Sau hai tuần nghỉ ngơi, Ngài đã trở về Tòa tổng giám mục Hà Nội ngày 9/8 và hôm sau 10/8 đã dâng lễ ở nhà thờ chính tòa Hà Nội mừng lễ quan thầy Đức cha phụ tá Laurensô Chu Văn Minh. Cuộc ‘gặp gỡ giữa Đức Tổng và Đức cha phụ tá Laurensô Minh với ĐTC Bênêdictô trong chuyến ad limina vừa qua diễn ra tất thân thiện, cởi mở và hiếu biết tốt đẹp. Tin Đức TGM đã từ chức là tin hoàn toàn sai sự thật”.

Tiếp sau đó vài ngày một người nhậy tin lại viết thông báo cho chúng tôi như sau:

“Một vị linh mục bên Pháp có tới Roma dịp các Giám mục VN triều yết ĐTC cho biết: Ở Roma, đức TGM Kiệt và đức cha phụ tá Laurensô Minh diện kiến ĐTC có một vị Hồng y Bộ trưởng ngồi bên, nói chuyện qua một vị thông ngôn, ĐHY nói đức TGM Kiệt nay còn giữ chức vị, nhưng hầu hết các công việc trao lại cho GM phụ tá Laurensô Minh. Thật 'tội nghiệp' cho Đức TGM Kiệt”.

Đọc xong tin này, chúng tôi thấy có gì không ổn, vì khi chúng tôi xem lại tấm hình ĐTC téếp kiến với 2 giám mục Hà nội thì không có thông dịch viên nào hết. Rõ ràng trong hình chụp ĐC phụ tá Laurenzô Minh và là Đức TGM Hà Nội nói truyện trực tiếp với Đức Thánh Cha Benêdictô XVI mà không có thông dịch nào cả (Đức TGM Hà nội nói khá thông thạo cả Pháp ngữ và Anh ngữ). Tin này lại càng làm dư luận hoang mang thêm nữa.

Đàng khác theo sự hiểu biết về giáo luật của Giáo hội Công giáo việc bổ nhiệm đều phải qua những thủ tục giấy tờ rất minh bạch và công khai. Muốn bổ nhiệm ai vào chức vụ nào, ngay cả một linh mục, hay cất quyền vị linh mục nào, cũng đòi hỏi đấng bản quyền phải chính thức ra văn bản. Đồng thờ phải nêu lý do chính đáng, chứ không thể ra lệnh bằng miệng hay ra lệnh ngầm là được! Phương chi đây là địa vị của một vị Tổng giám mục tại thủ đô của một quốc gia. Việc đó không những đòi hỏi giấy tờ đàng hoàng mà còn phải công khai nêu lý do và những khoản luật liên hệ đến việc từ nhiệm và lý do từ nhiệm chính đáng ra sao.

Riêng với địa vị một vị Giám mục chính tòa, không ai có quyền cất chức bất cứ vì lý do nào, ngoại trừ vị đó vi phạm những vấn đề về tín lý (dậy dỗ những điều lạc đạo) hay có những hành động luân lý gây tác động tai hại nghiêm trọng – và việc này chỉ xẩy ra khi có một Ủy ban được Tòa Thánh chỉ định đã điều tra kỹ lưỡng, rồi đệ trình kết quả lên Tòa án Vatican xét xử. Tòa án đưa ra phán quyết, nhưng sau đó, vị Giám Mục liên hệ vẫn có quyền chống án. Sau tất cả tiến trình này, và sau thủ tục kháng án, mà tòa vẫn công nhận vị Giám Mục có sai phạm, thì lúc đó Đức Giáo Hoàng nhân danh ngôi vị đại diện ngôi tòa Giám mục Roma đưa ra phán quyết cuối cùng.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ là mỗi giám mục được truyền chức hợp lệ, đều có đồng quyền hành như các thánh “tông đồ” và bình đẳng ngang nhau, và về phương diện này thì quyền hành của giám mục tại mỗi giáo phận cũng ngang quyền với giám mục của thành Roma. Tuy nhiên có điểm đặc biệt là Đức Giáo Hoàng vì là giám mục của ngai tòa thánh Phêrô tông đồ ở thành Roma nên có quyền là dậy dỗ tối thượng (supreme magisterium) và là đầu của Giáo hội, là đại diện Chúa Kitô, quyền tối thượng của Giáo hoàng là để bảo đảm sự hiệp nhất trong Giáo hội.

Dù đã được cải chính, nhưng qua các diễn đàn trên internet, qua email và điện thoại di động, tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt bị áp lực từ chức (người ta nói đến áp lực từ Vatican để mau chóng có ngoại giao; hoặc là áp lực từ chính quyền Hà nội vì Đức TGM Hà Nội đã từng gây ra việc mất mặt cho chính quyền! hoặc áp lực từ phía một số các Giám mục Việt Nam cho rằng tiến trình giao hảo giữa đời và đạo theo con đường đối thoại có thể đưa đến kết quả tốt hơn là cách thức của TGM Hà Nội!). Do vậy tin tức về việc từ chức vẫn tiếp tục được phổ biến một cách nhanh chóng và rộng rãi, làm xao xuyến những người yêu mến TGM Ngô Quang Kiệt, tha thiết với việc đấu tranh cho công lý, và quan trọng nhất tạo nên hình ảnh một Giáo Hội Việt Nam hình như đang có nguy cơ rạn nứt về sự hiệp thông, ngay trong hàng ngũ chủ chăn cao cấp nhất. Đồng thời làm hả hê nhà cầm quyền Việt Nam và những người không đồng quan điểm và đường lối của vị TGM Hà Nội.

Một bài viết khác vào ngày 25/8/2009 với tựa đề "Xung quanh tin tức về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt làm đơn 'xin' từ chức" được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn internet lại càng làm tình thế xao động thêm. Tác giả cho biết các nguồn tin khả tín từ đâu ra và nêu rõ là: "Thực ra không phải Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã từ chức mà mới chỉ có sự kiện ngài làm đơn từ chức".

Tuy nhiên câu hỏi chính tác giả bài viết nêu trên đặt ta như sau: "Nguyên nhân làm đơn từ chức: Áp lực từ phía HĐGM VN và Vatican?".

Thế rồi tác giả đặt giả thuyết cho câu trả lời như sau: "Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc đệ đơn từ chức của ngài chỉ có thể bắt nguồn từ sự bất đồng quan điểm với các giám mục trong HĐGM Việt Nam, hoặc có sự đánh đổi nào đó đối với HĐGM Việt Nam và/ hoặc đối với Toà Thánh Vatican.

Sự đánh đổi này có thể xuất phát từ nhận thức của đa số các giám mục Việt Nam về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền Cộng sản Việt Nam."

Tiếp theo đó, bài viết còn đưa ra những tiên đoán những vị nào sẽ được Tòa thánh bổ nhiệm thay thế vào ngôi vị Tổng giám mục Hà Nội.

Bài viết nêu trên còn trích lời một giám mục có tuyên bố rằng "Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã viết đơn từ chức gửi lên các giới chức thẩm quyền ở Vatican". Chúng tôi có trực tiếp hỏi vị giám mục này nhưng không được Ngài xác nhận và ngài chọn đường lối không muốn bình thêm gì cả.

Bài viết cũng đưa ra một số những “tiên đoán” và được kể như là sự kiện giật gân liên quan tới một số giám mục với những tình tiết như sau:

“Một số linh mục gặp gỡ Đức cha Nguyễn Văn Nhơn hồi năm 2008 còn cho biết, ngài Chủ tịch HĐGM Việt Nam, có vẻ đã sẵn sàng cho nhiệm vụ tổng giám mục Hà Nội, một khi được bổ nhiệm”.

“Linh mục Phan Xuân Thanh, Huế, đã nói với một số linh mục rằng: Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt sẽ “đi” khỏi Hà Nội và Ngài tổng giám mục Nguyễn Như Thể sẽ ra làm tổng giám mục Hà Nội và sẽ được vinh thăng Hồng y”.

“Trong khi đó, lại có những linh mục khác nói rằng: Nhà nước Việt Nam đã đề nghị giám mục Hoàng Văn Tiệm, hiện đang làm giám mục Bùi Chu, hoặc giám mục Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Đà Lạt làm tổng giám mục Hà Nội thay ngài Ngô Quang Kiệt, nhưng Giáo hội lại sắp xếp cho Giám mục Nguyễn Chí Linh, giáo phận Thanh Hoá, vào chức vụ này”.

Tính cách khả tín về những “tin mật ” và những “lời tiên đoán” như trên ở mức độ ra sao?

Nếu xét và phân tích theo những sự kiện gần đây và so sánh với hiện tình của Giáo hội Việt Nam thì những “tin mật” được nêu trên đây không phù hợp với đường lối và hoàn cảnh đặc thù của Giáo hội Việt Nam.

Những bổ nhiệm các Giám mục trong những năm gần đây cho thấy hầu như có chiều hướng cố gắng chọn lấy người địa phương để cai quản giáo hội địa phương tức là các giáo phận. Thí dụ đầu tiên là Đức cố giám mục Nguyễn Sơn Lâm được cử từ trong Nam ra Bắc làm giám mục Thanh hóa (vì là người nguyên gốc Thanh hóa). Việc này lúc đầu bị Giáo hội miền Bắc không muốn chấp nhận. Sau đó là việc Tòa Thánh muốn Đức Cha Nguyễn văn Hòa (gốc Hà nội) về làm Giám mục Hà nội và việc này hai ba lần vẫn không thành. Đức Cha Ngô quang Kiệt (người gốc Lạng Sơn) đầu tiên được cử làm giám mục Lạng Sơn, sau đó mới được cử làm Tổng giám mục Hà nội. Kế đến một số các Đức cha Nguyễn văn Thiên (gốc Hải phòng) làm giám mục Hải phòng; đức cha Hoàng văn Tiệm (gốc Bùi chu) làm giám mục Bùi Chu; đức cha Nguyễn chí Linh (người Thanh Hóa) về làm Giám mục Thanh Hóa; đức cha Hoàng văn Đạt người Bắc Ninh được bổ nhiệm làm giám mục Bắc Ninh, v.v… và gần đây nhất tân giám mục Nguyễn Năng (gốc Phát Diệm) được bổ nhiệm làm Giám mục Phát Diệm.

Xét về hoàn cảnh thực tiễn của Giáo hội Việt Nam thì vẫn còn những khác biệt sâu xa giữa 3 miền về tính cách lịch sử, văn hóa, nhân sự và lối sống. Do đó riêng 3 Tổng giáo phận Saigòn, Huế, Hà nội chắc chắn các vị được bổ nhiệm vào các chức tổng giám mục này – trong hoàn cảnh hiện nay – thì vẫn phải chọn những vị từ miền đó. Có nghĩa là bình thường và theo thói vẫn quen không thể đặt một vị Tổng giám mục gốc người Trung hay Nam làm Tổng giám mục Hà Nội được; cũng không đưa một giám mục người Bắc hay Nam vào vị thế làm tổng giám mục Huế. Cũng vậy tổng giám mục Saigòn sẽ dành cho một vị nào đó sinh ra tại miền Nam – và tuy dù có tin sang năm theo Giáo luật thì ĐHY Phạm Minh Mẫn sẽ phải viết đơn xin từ chức – tuy nhiên theo hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, chắc chắn Đức Hồng Y JB Phạm Minh Mẫn sẽ còn được mời tại chức một thời gian nữa.

Xét như vậy và theo những người am hiểu tình hình giáo hội đều thấy rằng việc tiên đoán ĐC Nhơn và ĐC Thể “có thể” được đề cử làm Giám mục Hà Nội, trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội VN không thích hợp và không có lý do đứng vững và không thực tế.

Còn hai vị là ĐC Tiệm và ĐC Linh được nêu tên ra có lý do gì đằng sau không? Câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là: Vậy nguyên nhân dẫn đến việc nguồn tin đệ đơn từ chức của TGM Hà Nội và tiên đoán những vị sẽ được đề cử là vì sao?

Một số nhận định từ các vị có kinh nghiệm trong Giáo hội cho rằng biết đâu những nguồn tin nêu trên có thể là từ những vị không đồng quan điểm với Đức TGM Hà Nội, hoặc chính tin đó là do nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra nhằm gây chia rẽ giữa hàng Giám Mục với nhau,và gây nghi kỵ giữa giáo dân với hàng Giám Mục. Và chắc chắn những tin như vậy sẽ có tác dụng gây sự chia rẽ và làm khó dễ cho vai trò chủ chăn của Đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt. Người ta cũng có thể đặt giả thuyết là những nguồn tin cung cấp cho các tác giả viết bài báo với việc nêu danh tính đích danh nhằm vào thâm ý muốn ngăn chặn việc bổ nhiệm tương lai của chính các vị đó cũng nên chăng?

Cũng có thể tin đồn nói trên là của một người nào đó (hay một số người) vì quá nhiệt thành muốn Giáo hội phải lên tiếng trước những bất công, những nỗi gian nguy của dân tộc, hay những cảnh chèn ép giáo hội địa phương, Bauxite Tây Nguyên, Hoàng Sa, như Thái hà, Tòa Khâm Sứ, Tam Tòa, v.v… nên họ đã muốn cung cấp những nguồn tin "tiên đoán" để khi những tin này được tung ra là muốn làm áp lực thêm với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, kích động để các vị muốn bảo toàn danh dự phải lên tiếng, bằng không thì sẽ dẫn tới kế luận là Giáo hội Việt Nam khi chưa lên tiếng, là vì còn chia rẽ nội bộ và vì quyền lợi riêng cho giáo phận của mình.

Chiến thuật này là chiêu “khích tướng” đồng thời một cách vô tình cũng nhằm triệt hạ thanh danh một số người được nêu tên. Trong 4 vị được nêu tên thay thế TGM Hà Nội đều là những vị có địa vị cao và tài năng trổi vượt mà những người tranh đấu cho tự do công lý vì quá kì vọng nhiều vào các vị đó và mong muốn các vị này phải “lên tiếng” cách nào đó cho công lý và nhân quyền của những giáo dân bị bắt bớ và vài linh mục bị đánh đập, nói lên lập trường bênh vực những người cô thế trong xã hội và giáo hội. Họ cho rằng ĐC Nhơn với tư cách là Chủ tịch HĐGMVN không thể cứ im tiếng mãi, tuy dù Đức Cha Nhơn rất khôn ngoan và lại khéo léo nên sự phát triển riêng tại giáo phận của Ngài rất khả quan. Đức TGM Huế là người có nhiều kinh nghiệm và chín chắn, đã từng dẫn dắt địa phận Huế trải qua nhiêu thăng trầm, nhưng một số người mong mỏi Ngài lên tiếng một chút bênh vực Cha Lý và vụ Tam Tòa (trước thuộc Huế). Còn hai đức Cha ngoài Bắc được nhắc đến vì Đức Cha Tiệm thuộc Bùi Chu là người rất có tài kinh bang tế thế, những nhà thờ lớn được trùng tu, những công trình xây cất vĩ đại đang được thực hiện, hay tổ chức thành công những cuộc dâng hoa ca múa gồm cả từng ngàn người, hội trống hội kèn thổi rất là oai phong vĩ đại, thế mà nhiều người lại nghĩ ngài quá bận rộn nên đã quên đi và chưa từng một lần có sự đồng cảm ra thăm Thái Hà hay Tòa Khâm Sứ khi họ bị nạn. Riêng Đức Cha Linh của Thanh Hóa là phó Chủ tịch HĐGM nhưng Ngài thật âm thầm, kín đáo và rất tế nhị trong mọi biến cố.

Hoặc gỉa như những nguồn tin về thay đổi nhân sự vị thế TGM Hà Nội biết đâu cũng được tung ra từ phía cơ quan tuyên giáo CSVN nhằm mục đích đá trái bóng thử nghiệm phản ứng, hay với mục đích muốn phân hóa, gây hoang mang, và lũng đoạn Giáo hội Công giáo, gây sự chú ý của công luận về phía Giáo hội và triệt tiêu được sự chú ý của quần chúng để họ không màng đến các vấn đề sôi động khác như bauxite Tây nguyên hay việc dâng biển cúng đất cho Trung quốc mà chính quyền rất đang trong thế bị động?!

Đòn thâm độc thứ hai của tin đồn trên là nhắm đánh đổ vai trò của HĐGMVN và cho rằng các Giám mục Việt Nam không có viễn kiến, không đoàn kết, chỉ tư duy riêng, chỉ biết răm rắp theo ý kiến của Vatican, cho rằng các Giám mục VN sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ miễn là tạo cho mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền Cộng sản Việt Nam được chóng đi tới. Đây là điều rất sai lầm. Giáo hội Việt nam ý thức về vai trò của mình là luôn luôn bảo vệ những giá trị truyền thống và nền văn hóa dân tộc trong việc sống đạo của mình chứ không bao giờ vì tư lợi mà phải đánh đổi những giá trị bất biến như nhân quyền, tự do, công lý và bênh đỡ người nghèo khó và cô thế.

Thực ra trong những ngày qua, trước những tin tức dồn dập về vụ Đức TGM Ngô Quang Kiệt chúng tôi đã cố gắng trực tiếp liên lạc với Đức Tổng nhưng mọi đường giây điện thoại đều đã bị cắt đứt hết, rồi ngài cũng hay đi nghỉ khi thì ở Châu Sơn, khi thì ở Sapa… Liên lạc với các vị có thầm quyền tại Hà nội hay một số nơi khác thì tất cả đều không xác nhân được nguồn tin đó là đúng hay sai vì “không ai biết gì đích xác cả”. Đang khi đó một vị giám mục trẻ người khi được hỏi về sự kiện này đã lên tiếng ban lời dậy dỗ chúng tôi như sau: “những gì liên quan giữa Tòa Thánh và các Giám mục là việc qúi cha và giáo dân không nên bàn tới”.

Chúng tôi cũng đã liên lạc với những nguồn tin trực tiếp từ Roma mà chúng tôi sẵn có để kiểm chứng nhưng tựu chung tất cả các vị đó đều “chỉ nghe nhưng không biết thực hư ra sao” và lại còn hỏi lại chúng tôi các nguồn tin của chúng tôi như thế nào?

Sau nhiều tham khảo và tìm hiểu về sự kiện này, chúng tôi xin được mạn phép nêu ra một vài nhận định như sau:

1. Thông thường các giám mục giáo phận chỉ làm đơn từ chức về lý do sức khoẻ kém, về lý do cảm thấy không đủ khả năng lãnh đạo giáo phận nữa, hoặc thông thường là đã đến tuổi nghỉ hưu.

Nói chung thì việc có những Giám mục xin được từ chức vì lý do sức khỏe do công việc quá căng thẳng và do hoàn cảnh sống tạo ra cũng là điều thường đã xẩy ra trong giáo hội. Có vị rất kinh nghiệm về vần đề này từ Roma đã tiết lộ cho chúng tôi rằng "Tôi đã thấy biết hằng chục vị Giám mục xin từ chức, và khi được từ chức xong thì người khỏe khoăn ra liền". Đan cử vài trường hợp như ĐHY Schwery, giám mục giáo phận Sion ở bên Thụy sĩ, xin và được từ chức năm 1995 lúc mới 63 tuổi, nhưng từ đó đến nay đã 14 năm mà sức khỏe lại tốt hơn lúc làm giám mục! Trường hợp cụ thể gần đây nhất là Đức cha Martino, 63 tuổi, Giám mục giáo phận Scranton, bang Pennsylvania mới từ chức hôm 31-8 vừa qua, Ngài đã tuyên bố "được ĐTC nhận đơn từ chức xong thì cảm thấy thoải mái vô cùng"... (CNS 31-8-2009)

2. Gỉa như có việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã ngỏ ý xin từ chức cách nào đó đi chăng nữa thì chắc chắn theo sự am hiều của chúng tôi lý do duy nhất là vì tình trạng sức sức khỏe. Vì nghe đâu trong 4 hay 5 tháng trời vừa qua Ngài bị bệnh mất ngủ nhiều và tình trạng sức khỏe cũng vì đó mà yếu thêm. Sau khi đi Roma về Ngài đã đi nghỉ 2 lần, một lần tại dòng Châu Sơn ở Ninh Bình, lần khác trên vùng Sapa.

3. Chúng ta đặt giả thuyết thêm (như nhiều người đã nêu ra) là nếu như thực sự Đức TGM Ngô quang Kiệt vì lý do sức khỏe mà đã làm đơn xin từ chức, tại sao Tòa Thánh lại chưa chấp thuận hay không muốn chấp thuận.

Lý do rất dễ hiểu là trong lúc này chắc chắn Tòa Thánh sẽ không muốn và sẽ không để Đức TGM Kiệt nghỉ hưu vì làm như vậy chẳng khác nào gây thêm khó khăn cho Tòa Thánh vì người ta sẽ loan tin ngay là "do áp lực của Nhà Nước CSVN mà Tòa Thánh phải cho Đức Tổng Kiệt nghỉ". Làm như vậy cũng sẽ làm mất mặt ngay cho Giáo hội Việt Nam là Giáo hội CGVN đã phải nhượng bộ CSVN và cũng gây ra sự chia rẻ trong hàng Giám mục cho rằng vì bất đồng về đường lối và chính kiến. Hơn thế còn tạo sự hiểu lầm giữa các thành phần dân Chúa, nhất là những người chống cộng tích cực sẽ kết án Giáo hội đã đầu hàng và bỏ rơi họ!

4. Những tin tức đã được tung ra "không đúng lúc đúng thời" có khi "không có sự thực trong đó" và những phỏng đoán hiện nay lại càng làm cho Đức TGM Hà Nội đã căng thẳng lại có thể căng thẳng thêm và làm cho những người hữu trách từ Tòa Thánh cho tới Hội Đồng GMVN và những nhân vật liên hệ, rất khó mà đưa ra một giải pháp cụ thể và thực tiễn trong lúc này. Vì giải pháp nào cũng sẽ bị quy kết trách nhiệm và những tội danh mà thực sự không phải là ý ngay lành hay động lực chân chính xuất phát từ những cá nhân liên hệ và những người có trách nhiệm quyết định trực tiếp.

5. Theo nhận định của riêng chúng tôi thì Giáo hội Việt Nam rất may là có hàng ngũ các vị lãnh đạo là các Giám mục rất kinh nghiệm, dám hy sinh, gan dạ và luôn chịu đựng dù phải trải qua biết bao nhiêu hiểu lầm và có khi bị kết án một cách bất công. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn là một khối đoàn kết và nhất trí; các vị đang khôn khéo lãnh đạo Giáo hội Việt nam với lòng nhiệt tâm và sự hy sinh cao cả, đang cố tìm con đường sống cho Giáo hội giữa muôn vàn chèn ép và áp lực từ mọi phía, đang khi đó lại thiếu phương tiện và nguồn lực; đồng thời cũng còn phải đương đầu với biết bao sóng gió, những tiếng kêu gào đòi đổi mới, đòi nhập cuộc, đòi chiến đấu, đòi hòa giải, đòi phải lên tiếng mạnh mẽ trước những thống khỏ và bất công... Có khi còn bị xỉ vả và cu cáo một cách hết sức bất công bất chấp sự thật nữa!

6. Biết đâu có thể vì sự khôn ngoan và dè dặt nên nhiều khi tiếng nói của các Giám mục Việt Nam đã không được hiểu và đón nhận đúng mức. Và do vậy việc nọ lại "lấn sân" sang việc kia, nên vấn đề cứ thêm rối như bó tơ tằm. Giả như nếu trước đây có những tiếng nói minh bạch và những hướng dẫn rõ ràng cho đoàn chiên trước những bất công và nhân quyền, thì ngay việc đơn giản (giả như có thật) về việc xin từ chức của bất cứ vị giám mục nào với lý do chính đáng sẽ không bị quy kết hay bị so đo và được phóng đại soi chiếu từ lăng kính chính trị mà làm cho sự kiện đơn giản này trở nên phức tạp đến nỗi không có lối thoát nào khả thi.

Trước các vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia và Giáo Hội, HĐGM VN cũng đã từng lên tiếng, tuy nhiên nếu có thì cũng lên tiếng cách kín đáo bằng cách chỉ gửi thư riêng cho các nhà lãnh đạo cộng sản mà không công bố ra bên ngoài.

Thời thế và hoàn cảnh hôm nay đã khác thời điểm 1980, hàng linh mục và giáo dân Việt Nam mong mỏi các vị chủ chăn của họ không chỉ nêu lên quan điểm “đồng hành với dân tộc” mà còn phải chỉ rõ ra những cái sai trái, những vi phạm nhân quyền, những cách hành xử thiếu công lý, và những xung đột xẩy ra do việc lạm dụng quyền hành từ phía chính quyền hay việc bắt bớ các giáo dân và giáo sĩ một cách tùy tiện do bàn tay của công an hay chính quyền địa phương.

Xét về thời điểm và hoàn cảnh ngày hôm nay, đại đa số linh mục giáo dân đều mong muốn các chủ chăn của mình thức thời và nhậy cảm trước những bất công của xã hội, trước những vi phạm về nhân quyền, trước những biến cố có tác động thiệt hại cho giáo hội hoạc về nhân sự, tài sản hay những quyền căn bản. Họ muốn các giám mục của họ phải lên tiếng hướng dẫn.

Về sự in lặng của các Giám Mục Việt Nam trong vụ Tam Tòa, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh có nêu vấn đề qua câu nói: “Trong một vụ dầu sôi lửa bỏng như vụ Tam Toà, ta đã thấy biết bao nhiêu tín hữu xa gần đều lên tiếng hiệp thông, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, vậy mà ở trong nước trong số hơn 30 vị Giám Mục, không có bất cứ một vị nào lên tiếng, thì đây quả là chuyện không bình thường".

Trong bối cảnh sâu xa về vận mệnh dân tộc quốc gia, về sự sinh tồn của Giáo hội, thì việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt nếu vì lý do sức khoẻ mà muốn từ chức thì cũng là việc đương nhiên -- dĩ nhiên sẽ gây những tiếng vang sâu xa và sự nuối tiếc khôn nguôi từ nhiều thành phần trong giáo hội và ngay cả xã hội Việt nam và trên bình diện quốc tế nữa -- tuy nhiên vấn đề chính của Giáo hội Việt Nam là làm thế nào những vị mục tử gây được niềm xác tín và tin tưởng hoàn toàn của mọi thành phần dân Chúa, đề cùng nhau vững tin đi tới vì ích lợi của Giáo hội và đóng góp tích cực cùng mọi thành phần dân tộc trong việc xây dựng nên một thể chế chính phủ dân sự chính danh, hợp lý và dân chủ thực sự, bảo đảm mọi nhân quyền đã được Liên Hiệp Quốc đề cao.

Như vậy, vấn đề về bảo toàn lãnh thổ, về nhân quyền, về quyền tự do tôn giáo bị xâm phạm tại Việt Nam nếu không được làm sáng tỏ và với một tiếng nói minh bạch và đường hướng rõ ràng, thì uy tín Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và ai cũng biết phần trách nhiệm đó thuộc về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.