Giáo Dục Việt Nam Thời Đổi Mới |
Tác Giả: Lâm Thanh Nhàn |
Chúa Nhật, 30 Tháng 8 Năm 2009 13:03 |
Có đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều mới thấy thương xứ mình. Chiến tranh kết thúc đã mấy chục năm rồi mà sao vẫn cứ mãi hoài nghèo khó. Cứ nghe mấy cái câu khẩu hiệu đại loại như ’’rừng vàng, biển bạc, đất nước phì nhiêu, tài nguyên phong phú" là tôi thấy tức anh ách ở trong lòng. Ừ, thì đúng là đất nước chúng ta có rừng, có biển, có đất, có tài nguyên nhưng chúng ta chưa biết cách khai thác, sử dụng và giữ gìn. Cái nghèo, cái khó vẫn cứ bám lấy dân mình. Thật đau lòng khi giữa thời buổi thanh bình, hiện đại và giàu có như thế này mà vẫn còn những đồng bào của chúng ta ở mũi Cà Mau, vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ chết vì … đói. Người ta ’’ăn trên, ngồi trước", ở nhà lầu, đi xe hơi, ăn nhà hàng, uống bia ôm nên đâu có thấy và thấu hiểu được những cái khó, cái khổ mà dân mình phải vật lộn mỗi ngày. Cứ lên án nạn mại dâm bùng phát hay cô dâu Việt lấy chồng ngoại nhưng sao chúng ta không thử phân tích tại sao và tìm giải pháp cho những vấn đề nhức nhối này. Tại sao chúng ta không cho họ một công việc để họ không đến bước đường cùng. Người Việt rất cần cù, chịu khó, siêng năng nhưng vẫn không đủ cái ăn, đặc biệt là ở miền quê, người ta không có việc để làm, không có tiền để đi học, tương lai thật mịt mờ, vô định. Ngay cả học phí cho cấp bậc tiểu học cũng đã là gánh nặng cho mỗi gia đình quê nghèo. Chúng ta hô vang những khẩu hiệu, vậy tại sao chưa có chế độ miễn phí trong giáo dục, cho dù là cấp thấp nhất -- cấp tiểu học. Chỉ có nâng cao, phát triển giáo dục thì mới mong xã hội thay đổi. Đó là giáo dục phổ thông. Còn cao hơn nữa, đại học, cao đẳng thì sao? Vẫn cứ rập khuôn lý thuyết; vẫn cứ thầy đọc, trò chép. Hai năm đại học đại cương là "nightmare" (cơn ác mộng) đối với hầu hết sinh viên. Công bằng mà nói, học sinh, sinh viên Việt Nam chẳng bằng một góc bạn bè trên thế giới về các hoạt động ngoại khóa. Chẳng có diễn đàn, thảo luận, đi thực tế, khiêu vũ, hội họa, âm nhạc. Hoạt động chính của sinh viên Việt Nam là đi làm kiếm tiền để trang trải những khoản chi phí và dùi đầu vào những trang triết học Mát - Lê Nin (Mark - Lenin), tư tưởng Hồ chí Minh, kinh tế chính trị, tiếng Việt thực hành v.v. và v.v… Trong khi đi vào thực tế, những môn này đâu có áp dụng được gì vào đời sống, công việc. Rồi lại bị bắt buộc với môn Thể Dục Quốc Phòng. Thay vì cho các em làm quen với cây cọ, cây đàn như các nước bạn thì Việt Nam lại cho các em làm quen với … cây súng. Để rồi khi ra đời, cuộc sống tinh thần của các em bị thu hẹp, làm cho các em tự ti, chẳng chút tự tin, sáng tạo. Sinh viên Việt Nam không tự tin như sinh viên thế giới bởi đơn giản các em không có cơ hội và cũng không có quyền để bày tỏ ý kiến. Ở nhà thì thụ động vâng theo lời bố mẹ, ở trường thì thụ động vâng theo thầy cô, ra đường thì phải tuân thủ các chính sách của đảng và nhà nước. Dần dà, tất cả những điều đó đã hình thành nên một thói quen "chết người ", đó là … cam chịu. Người ta cam chịu với sự bóc lột, bất công, cam chịu với những nội quy, chính sách khắc nghiệt, cam chịu với những cái mà các dân tộc khác không bao giờ chấp nhận được. Còn việc dạy và học ngoại ngữ thì sao. Ngày xưa chúng tôi bị bắt buộc học tiếng Nga, để rồi đến khi Liên Bang Nga tan rã, tiếng Nga thoái trào. Biết bao tương lai của các thế hệ sinh viên, học sinh trước tôi đã lỡ làng. Thế giới hướng đến tiếng Anh, ngôn ngữ toàn cầu, thì Việt Nam mình bắt học tiếng Nga. Cũng may Liên Bang Nga tan rã. Hú hồn! Nhưng bây giờ thì sao. Cha chú tôi thời trước, chẳng hiểu trường lớp dạy cái gì, học hành ra làm sao, mà sao ai nấy đều tự tin, tiếng Anh, tiếng Pháp gì cũng biết, chí ít thì cũng giao tiếp được. Còn chúng tôi bây giờ, 6 năm học ngoại ngữ ở cấp bậc phổ thông, đến khi ra trường, một tiếng "Good morning, Hello" cũng ngại ngùng, không dám nói. Ví như tôi đây, gặp người nước ngoài, cũng "chảnh" đến bắt chuyện. Thật ra tôi muốn được thực hành tiếng Anh đó mà. Đến khi người ta hỏi, bạn học Tiếng Anh từ khi nào. Tôi xấu hổ làm sao dám nói thật, 6 năm phổ thông, 4 năm đại học, vị chi mười năm học một thứ tiếng nước ngoài, đầu chẳng ra đầu, đuôi chẳng ra đuôi, thôi đành nói láo, cười trả lời mới mấy tháng nay. Đọc báo Việt vài năm trước nghe tin chính phủ chi mười mấy tỷ cho bộ trưởng bộ giáo dục ra ngoài học hỏi để về đổi mới nền giáo dục Việt Nam. Tưởng gì hay ho, vì cả nước đều chờ đợi để xem cái gì sẽ đổi, cái gì sẽ mới? À, đây rồi. Bảng chữ cái đổi chữ e lên đầu tiên, thay vì chữ a như từ bao đời nay. Chắc người ta muốn Việt Nam làm một cuộc cách mạng trong giáo dục; chắc người ta muốn nền giáo dục Việt Nam thật sự … không giống ai. Thật tội nghiệp, dự án chẳng thể thành hiện thực. Mà làm sao dự án tiền tỷ ấy thành hiện thực được khi mà chúng ta muốn thay đổi cái tự nhiên. Từ khi sinh ra, dù chưa biết đọc, biết viết, nhưng chữ đầu tiên mà chúng ta biết phát âm là ah, ah, ah, vậy mà Việt Nam mình muốn chữ đầu tiên mà con nít của mình biết đến sẽ là chữ e. Chán! Ôi, thương quá giáo dục Việt Nam! Những điều "thú vị" tương tự thật nhiều không kể hết. Tôi cứ ước gì được lên làm bộ trưởng bộ giáo dục hay chí ít ước gì có ai đó trong bộ máy chính quyền biết lắng nghe tôi nói thì giáo dục Việt Nam đã hoặc sẽ khác đi bởi muốn thay đổi xã hội, muốn hòa nhập với cộng đồng thế giới, muốn nâng cao chất lượng cuộc sống thì không có cách gì khác hơn là phải bắt đầu từ … GIÁO DỤC. Lâm Thanh Nhàn Aix-en-Provence, 23/1/2009 [Hiện đang du học Cao học ở Pháp (trường đại học Aix-Marseille II, ngành du lịch), France] |