Home Tin Tức Thời Sự Việt -Trung "Xây Dựng Lòng Tin"

Việt -Trung "Xây Dựng Lòng Tin" PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 26 Tháng 8 Năm 2009 21:37

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay cuộc hội thảo với chủ đề 'Tăng cường lòng tin trong quan hệ Việt Nam -Trung Quốc: Nhìn từ góc độ các địa phương hai bên biên giới' vừa được tổ chức ở Hà Nội hôm 24/08 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu của cả hai bên.

Phía Trung Quốc có 14 đại biểu, chủ yếu là giới học giả. Thành phần phía Việt Nam đa dạng hơn, gồm cả đại biểu các địa phương có biên giới với Trung Quốc và đại diện các ngành như hải quân, biên phòng, thủy sản, quản lý thị trường và hải quan.

Website của Bộ Ngoại giao nói cuộc hội thảo đã diễn ra trong không khí "hữu nghị và cầu thị".

"Các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi quan điểm về những thành tựu và các vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa hai nước từ thực tiễn các địa phương chung biên giới; giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai nước."

'Xây dựng lòng tin' được cho là tiêu chí then chốt trong quan hệ hai nước.

Bài trên website mofa.gov.vn viết : "Thực tiễn chứng tỏ rằng 'tăng cường lòng tin' vừa là điều kiện, vừa là nguyên tắc hành động trong quan hệ quốc tế đương đại. Không tăng cường lòng tin, khó có thể thúc đẩy hợp tác thực chất".

Tiến sỹ Ian Storey, chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại ( Contemporary Southeast Asia) thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, nhận xét: "Sự tin tưởng giữa Việt Nam và Trung Quốc rất giới hạn và xem ra thời gian gần đây còn trở nên ít hơn khi Trung Quốc có thái độ ngày càng mạnh bạo tại Biển Đông".

Tiến sỹ Storey nói với BBC rằng tiến trình gây dựng lòng tin thực tế đã diễn ra nhiều năm nay, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991. Song song với quá trình này, là sự cải thiện trông thấy trong quan hệ song phương.

"Tuy nhiên, trong khoảng 18 tháng nay, quan hệ có chiều hướng xấu đi so với những năm đầu thế kỷ."

Lý do lịch sử
Sự thiếu tin tưởng, theo ông Storey, một phần là do nguyên nhân lịch sử, với nhiều lần quan hệ Việt-Trung căng thẳng.

"Trung Quốc không có sự tin tưởng dành cho Việt Nam như lòng tin dành cho Thái Lan."

"Có ba chướng ngại vật trên con đường kiến tạo lòng tin, là bất đồng về biên giới trên bộ, vấn đề Vịnh Bắc bộ và vấn đề Biển Đông."

"Biên giới trên bộ giữa hai bên nay cơ bản đã giải quyết xong, cho dù mất 10 năm và có nhiều cáo buộc trong giới người Việt ở hải ngoại rằng Việt Nam đã nhượng bộ quá nhiều."

Trung Quốc, như bất cứ nước lớn nào khác, muốn giải quyết mọi xung đột với các nước thông qua kênh song phương chứ không muốn quốc tế hóa chúng.
Tiến sỹ Ian Storey
"Việt Nam và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận cơ bản về Vịnh Bắc bộ tuy còn nhiều việc phải làm."

"Riêng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là không giải quyết được."

Tiến sỹ Storey cho rằng vấn đề Biển Đông là chủ đề nan giải.

"Đơn cử tranh chấp xung quanh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Hiện Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này, và Bắc Kinh thậm chí còn không chấp nhận đề cập tới chủ quyền của bất cứ nước nào khác tại đây."

"Nhưng Việt Nam cũng không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại Hoàng Sa. Vấn đề Hoàng Sa, theo tôi, sẽ mãi mãi không bao giờ giải quyết nổi."

Chủ đề Biển Đông còn nóng thêm lên khi Bắc Kinh trong hai năm nay đang có những động thái ngày càng mạnh bạo trong việc khẳng định chủ quyền tại đây vì các lý do, mà theo ông Storey, bao gồm nguồn lợi dầu khí cũng như năng lực hải quân đang được phát triển nhanh chóng của Trung Quố"Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc luôn luôn là quan hệ khó khăn và nhạy cảm."

Cơ chế đối thoại
Tiến sỹ Ian Storey cho rằng những cuộc gặp để bàn về cải thiện quan hệ song phương là dấu hiệu tốt. Hơn bất cứ nước nào khác trong khu vực, Việt Nam đã tích cực trong đối thoại với Trung Quốc.

"Các cuộc trao đổi, gặp gỡ thường xuyên cho thấy, hai bên đều không muốn căng thẳng vượt qua giới hạn kiểm soát."

Ông cũng nhận xét rằng trong những năm gần đây, Hà Nội tỏ ra thẳng thắn và công khai hơn trong bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề song phương và quốc tế, trong đó có quan hệ với Trung Quốc.

"Điều này chứng tỏ một sự tự tin ngày càng lớn của lãnh đạo Việt Nam."

Ông cảnh báo: "Trung Quốc, như bất cứ nước lớn nào khác, muốn giải quyết mọi xung đột với các nước thông qua kênh song phương chứ không muốn quốc tế hóa chúng."

Theo ông Storey, các nhà lãnh đạo ở Ba Đình hiểu họ không thể dựa vào một quốc gia nào khác, ngoài bản thân mình, trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

"Không thể dựa vào Mỹ, không thể dựa vào Nga, và lại càng không thể dựa vào khối ASEAN. Lịch sử đã cho thấy điều đó."

"Vấn đề tranh chấp Biển Đông đã tồn tại nhiều năm nay và khó có thể giải quyết được. Căng thẳng có lúc dâng cao như lúc này, nhưng có lúc lại giảm nóng."

"Việt Nam sẽ có lợi khi tìm được cơ chế giữ tình trạng quân bình.