Home Tin Tức Thời Sự 200 công nhân Trung Quốc làm loạn, đánh dân Việt ở công trường Nghi Sơn

200 công nhân Trung Quốc làm loạn, đánh dân Việt ở công trường Nghi Sơn PDF Print E-mail
Tác Giả: NVonline   
Thứ Ba, 23 Tháng 6 Năm 2009 06:37

 

Nguyễn Văn Len, nạn nhân của vụ ẩu đả với công nhân Trung Quốc ngay tại nhà mình. (Hình: VNNet)

 

 

Vẫn có khá đông số lao động Trung Quốc tại công trình thi công nhà máy xi măng Nghi Sơn dây chuyền hai chưa có giấy phép lao động. (Hình: VNNet)

 

Quán lều tranh của Ðào thường xuyên là nơi tụ tập của công nhân Trung Quốc với một số phụ nữ Việt Nam. (Hình: VNNet)

 

 

Sang làm công nhân xây dựng nhà máy xi măng Nghi Sơn được 3 tháng, Li Xung Thao đã lấy chị Nguyệt hơn mình 3 tuổi làm vợ. (Hình: VNNet)

 

 

  Dù đã có vợ và 2 con nhưng Trang Lĩnh vẫn “cặp” với Ðào và đang định cuối năm về bỏ vợ. (Hình: VNNet)

 THANH HÓA- Khoảng 200 công nhân Trung Quốc võ trang bằng ống nước, gạch đá đã tấn công một số nhà dân ở khu vực công trường xây dựng nhà máy xi măng ở khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Họ đập phá, đánh nhiều người gây thương tích được quay video từ cảnh di chuyển cả đoàn người với gậy sắt, và các cuộc phỏng vấn nạn nhân, nhân chứng phổ biến trên báo điện tử VietnamNet ngày 22 Tháng Sáu 2009.

Người ta không biết đích xác vụ việc xảy ra ngày nào, công an có điều tra gì không và kết quả cuộc điều tra ra sao hay người Trung Quốc sang làm ở Việt Nam là những ông trời con bất khả xâm phạm, không thấy VietnamNet cho biết một tí chi tiết gì ngoài vụ việc loạn đả xảy ra của đám người công nhân Trung Quốc.

Dù đã được cho ở những khu riêng biệt, sự ra vào các khu này cũng được canh giữ chặt chẽ, nhưng VietnamNet nói các vụ công nhân Trung Quốc gây lộn xộn, đánh người địa phương đã xảy ra nhiều lần. Hậu quả gì, cũng chỉ người Việt địa phương thiệt mà không có hành động trừng phạt gì đối với những người Trung Quốc kia.

Hàng trăm công nhân Trung Quốc đập phá nhà dân địa phương

Theo tường thuật của VietnamNet, chuyện xảy ra tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Không nêu rõ con số, báo này nói nơi đây có khá nhiều công nhân Trung Quốc đang thi công nhà máy xi măng Nghi Sơn dây chuyền hai.

Tất cả 4 dãy nhà làm cư xá cho công nhân Trung Quốc đối diện với công trường và có tường bao quanh. Không thấy mấy bóng dáng công nhân người Việt mà hầu hết đều là công nhân Trung Quốc, theo sự nhận xét của phóng viên VietnamNet, họ “đi thành từng đoàn về phía công trường đang thi công.”

Họ không phải là chuyên viên mà “Công việc của họ cũng chỉ là những việc phổ thông như lái máy cẩu, máy xúc...” tức những loại việc làm, theo luật lao động CSVN, công nhân ngoại quốc bị cấm làm để dành việc cho người trong nước.

“Một điều dễ nhận thấy ở đây là khu làm việc và nơi ở của công nhân Trung Quốc được tách biệt với khu dân cư địa phương, người ra vào được bảo vệ kiểm tra khá nghiêm ngặt, do giữa người dân địa phương và lao động Trung Quốc ở đây từng xảy ra nhiều vụ xô xát, gây mất trật tự.” VietnamNet viết.

Tuy vậy, lộn xộn vẫn hay xảy ra.

VietnamNet kể theo lời vợ chồng anh Nguyễn Văn Len và chị Lê Thị Nghị ở thôn Bắc Hải (Hải Thượng), “Ðúng vào đêm chung kết bóng đá AFF Cup, đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan, một lao động Trung Quốc say rượu vào quán nhà anh mua thuốc lá.

Do bất đồng ngôn ngữ nên người lao động Trung Quốc này đã đập bàn ghế, xé bao thuốc lá rồi quát tháo vợ anh. Vừa lúc đó anh Len về nhà, thấy thái độ ngang ngược của lao động Trung Quốc nên đã túm tay vị khách ngang ngược này đẩy ra khỏi quán. Bất ngờ anh Len bị vị khách này quay lại túm tóc đánh ngay tại quán của mình.

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi anh Len và người nhà chống trả lại thì vị khách này chạy về khu tập trung kéo thêm 40 lao động là người Trung Quốc đến. Sau đó, gần 200 lao động Trung Quốc tay cầm ống nước, gậy gộc đánh xe tải từ công trường ra lấy đèn rọi vào nhà anh Len đập phá, đánh bị thương nhiều người trong gia đình anh. Thậm chí hàng xóm qua can ngăn cũng bị rượt đánh.

Người bị đánh trọng thương nặng nhất là anh Nguyễn Văn Ðen, em trai của anh Len. Hôm đó, vừa đi xe ôm chở khách về, nghe tin nhà anh trai bị lao động Trung Quốc đập phá, anh Ðen đi xe máy đến thì bị 5 đến 6 lao động Trung Quốc xông tới đánh tới tấp, đập nát xe, mũ bảo hiểm, khiến anh bị gãy tay, chân và phải khâu 16 mũi trên trán, đầu”.

Trước đó, theo báo VietnamNet, người dân xã Hải Thượng còn bàn tán về việc công nhân Trung Quốc vào nhà hàng Ðồng Thúy, thôn Bắc Hải ôm tivi ngang nhiên bước ra trước sự bất lực của chủ quán. Ông Hoàng Văn Chung, trưởng công an xã Hải Thượng cho biết, “Chúng tôi chỉ nghe người dân kể lại sau khi ngồi uống cafe ở nhà hàng về, vì mất điện thoại, công nhân Trung Quốc quay lại quán tìm nhưng không thấy đâu nên đã ôm tivi của nhà hàng đi...”

Người Trung Quốc ngang ngược bắt giữ người, công an CSVN chịu thua

Vietnam Net kể tiếp, “Cũng vào Tháng Mười Một 2008, một đối tượng là dân địa phương trèo tường vào ăn trộm trong khu nhà ở của công nhân Trung Quốc thì bị bắt. Công nhân Trung Quốc không những không giao người cho công an địa phương mà còn tự ý trói đối tượng và treo lên qua đêm, sáng hôm sau mới chịu thả ra.

Vào ngày 24 Tháng Tư 2009, nhà thầu Trung Quốc bắt được 2 đối tượng là dân địa phương trộm cắp sắt. Khi công an xã Hải Thượng và công an đồn Nghi Sơn đến nhận người để điều tra thì họ không giao người mà đòi giữ lại xử lý riêng. Chưa hết, nhóm công nhân Trung Quốc còn tổ chức bao vây xe ô tô của đồn công an Nghi Sơn một tiếng đồng hồ rồi mới cho đi.

Mới đây nhất, vào ngày 26 Tháng Tư 2009, khoảng 30 công nhân Trung Quốc đã kéo đến ban điều hành nhà thầu Hà Nội đánh một công nhân của nhà thầu này và yêu cầu bồi thường do va chạm giữa 2 người với nhau trong quá trình thi công.

Việc công nhân Trung Quốc nhậu say, đập phá hàng quán ở khu dân cư sát nhà máy xi măng Nghi Sơn cũng không phải chuyện hiếm.

Bà Hiệp, một chủ quán ăn ở gần đó cho biết, “Thời gian này còn đỡ, chứ trước đây lao động Trung Quốc vào ăn nhậu say không trả tiền rồi đập phá dọa nạt chủ quán xảy ra thường xuyên. Thậm chí, tối đến con gái trong làng còn không dám ra đường vì sợ lao động Trung Quốc say xỉn đuổi bắt dọa nạt...”

Những “mối tình” ngang trái...

Kể trên là chuyện bất chấp pháp luật CSVN, tuy là những kẻ sang đây làm lậu nhưng người Trung Quốc vẫn tác oai tác quái trong sự làm ngơ của công an CSVN.

Công nhân Trung Quốc còn cặp bồ hay lấy gái địa phương làm vợ. VietnamNet kể, “Trong khu tập trung của lao động Trung Quốc tại xã Hải Thượng, ngoài những người đem theo vợ sang, nhiều cặp đôi giữa lao động Trung Quốc với các cô gái Việt Nam đã tự đến với nhau bằng nhiều cách.

Li Xung Thao (28 tuổi) ở Hồ Bắc, Trung Quốc mới sang Việt Nam làm công nhân được 3 tháng. Ngay khi sang đến nơi, Thao đã được một nữ phiên dịch người Việt Nam làm mối cho quen với chị Lộc Thị Nguyệt hơn mình 3 tuổi ở huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Mới đây, Thao và chị Nguyệt đã làm đám cưới ra mắt ở Việt Nam và hiện cả hai đang làm thủ tục để về Trung Quốc tổ chức.

Hiện tại, Thao đang nghỉ dưỡng thương chân sau một tai nạn lao động trong khi thi công. Thao cho biết, chỉ khoảng 10 ngày nữa sẽ đưa vợ về Trung Quốc làm đám cưới và nghỉ dưỡng thương, sau này có dịp sẽ đưa vợ quay lại Việt Nam.

Cũng như chị Nguyệt, Nguyễn Thị Tâm (23 tuổi, ở xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia) cũng đã làm đám cưới với A Dũng, một công nhân Trung Quốc đang làm thi công nhà máy xi măng Nghi Sơn. Tâm bảo, chồng Tâm sang đây cùng với bố mẹ và hiện cả ba người đang làm việc xây dựng nhà máy xi măng Nghi Sơn.

Hỏi về việc tại khu tập trung này có bao nhiêu người lấy chồng Trung Quốc như cô, Nguyệt chỉ thẹn thùng rồi bảo, “Xung quanh em cũng có nhiều người lấy chồng Trung Quốc lắm, ít nhất đã có 3 đến 4 đôi chuẩn bị làm đám cưới rồi”.

Ngay tại cổng ra vào khu tập trung của lao động Trung Quốc, đã mấy tháng nay một túp lều tranh tạm bợ được Phan Thị Ðào (23 tuổi, người xã Hải Thượng dựng lên làm quán bán thuốc nước, chủ yếu để phục vụ cho lao động Trung Quốc. Từ khi túp lều được dựng lên thì cũng là lúc người dân xung quanh nhà máy xi măng Nghi Sơn được chứng kiến chuyện “đi lại” giữa Ðào và Trang Lĩnh (39 tuổi), một lao động lái máy xây dựng tại nhà máy xi măng Nghi Sơn, đến từ tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc.

Tạt vào quán nước là một túp lều trống huếch, chúng tôi gặp Ðào và Trang Lĩnh đang trò chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc. Khi được hỏi về mối quan hệ của hai người, Ðào cầm tay Trang Lĩnh nói, “Ông này đang có ý định với em. Nhiều lúc thấy ông ấy chân tình với mình em cũng thấy thương, nhưng biết ông ấy đã có vợ và hai con gái ở Trung Quốc rồi nên em cũng ngại, gia đình em lại phản đối kịch liệt. Ông ấy bảo với em cuối năm nay ông ấy về bỏ vợ rồi sang bên này kết hôn với em”.

“Ban quản lý” CSVN “không nắm được lao động Trung Quốc”

Chị Lê Thị Nhung, một người từng làm phiên dịch trong khu tập trung lao động Trung Quốc, nay vừa ra ngoài mở dịch vụ điện thoại phục vụ cho lao động Trung Quốc cho biết, hiện tại số lao động Trung Quốc có mặt tại công trình xây dựng nhà máy xi măng Nghi Sơn vào khoảng 600 đến 700 người, trong đó có người đem theo cả vợ sang.

Tuy nhiên khi trao đổi với VietnamNet, ông Lê Tuân, trưởng phòng quản lý doanh nghiệp và lao động, ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn lại đưa ra con số chỉ 326 người. Trong đó, 98 lao động được cấp giấy phép, số gia hạn giấy phép lao động là 135, còn lại 93 lao động chưa được cấp giấy phép.

Nhưng ông Tuân cũng thừa nhận đây chỉ là con số nhà thầu xây dựng báo với nhà máy xi măng Nghi Sơn rồi nhà máy báo lên. “Còn thực tế, có người sang đi du lịch rồi ở lại tìm việc hay không thì ban quản lý không thể nắm được”, ông Tuân chống chế. VietnamNet viết tường thuật.

Còn công an CSVN nói gì về tình trạng công nhân Trung Quốc làm lậu ở địa phương? Ông Trần Như Nhân , phó phòng An Ninh Kinh Tế của tỉnh Thanh Hóa thì đổ tội cho nhà thầu chứ cơ quan của ông chẳng có trách nhiệm gì cả về vấn đề an ninh trật tự cũng như tình trạng ở lậu, làm lậu của công nhân Trung Quốc.

Khi được hỏi “Những sự việc xảy ra tại khu kinh tế Nghi Sơn cho thấy một số lao động Trung Quốc chưa tôn trọng luật pháp Việt Nam. Ðể đảm bảo an ninh trật tự tại khu kinh tế có người lao động nước ngoài đến làm việc, theo ông phải có biện pháp gì?” Ông Nhân nói như người ở trên mây, “Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế và xử lý mọi công dân nước ngoài nếu như vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Ðối với những hành vi vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam. Khi có những hành vi nghiêm trọng thì chúng tôi sẵn sàng phải có biện pháp mạnh, huy động lực lượng mạnh để ngăn chặn”.

Khi bị hỏi là “...vẫn có những lao động phổ thông Trung Quốc đang làm việc tại Hải Thượng (Tĩnh Gia- Thanh Hóa) lại chưa nắm được luật gây nên tình trạng mất an ninh trật tự. Thiếu sót này, theo ông, thuộc về cơ quan nào?” Ông này nói “Trách nhiệm chính vẫn là bên đối tác nước ngoài, vì khi họ đưa lao động sang thì phải am hiểu về pháp luật Việt Nam. Chưa am hiểu về pháp luật Việt Nam đó là thiếu sót của nhà thầu!”

Ðược biết, trong một bản tin khác “ngày 17 Tháng Tư, bộ trưởng, Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Thông Báo số 129/TB-VPCP thông báo ý kiến của thủ tướng về một số tình hình đầu tư và người lao động nước ngoài tại Việt Nam” trong đó đòi hỏi “Bộ LÐ-TB&XH tổng kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng lao động nước ngoài và công tác quản lý lao động nước ngoài tại một số địa phương, địa bàn hiện có nhiều lao động nước người nước ngoài làm việc, xử lý các vi phạm về pháp luật lao động theo đúng quy định, báo cáo thủ tướng trước 31 Tháng Năm tới.”

Tới nay, người ta vẫn không thấy có báo cáo gì. Khi ra Quốc Hội ngày 25 Tháng Năm 09, bà Lê Thị Kim Ngân, bộ trưởng Lao Ðộng nói rằng, “vẫn còn chờ báo cáo để nắm được con số”.

Theo Nghị định 34/2008/NÐ-CP của CSVN về người lao động nước ngoài được phép làm ở Việt Nam thì họ phải là “nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý”.

Cuối Tháng Ba vừa qua, Hiệp Hội Xây Dựng tổ chức một cuộc họp thảo tố cáo rằng hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc đang làm ở Việt Nam mà quá nửa là người lao động bất hợp pháp.