Home Tin Tức Thời Sự “Nửa kín, nửa hở” về chuyện "đo" bức xúc của dân

“Nửa kín, nửa hở” về chuyện "đo" bức xúc của dân PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Ngọc Sơn (thực hiện)   
Thứ Sáu, 12 Tháng 12 Năm 2008 14:37

"Chúng tôi “quét” hết tất cả các thông tin về các vấn đề trong xã hội, có các phòng chức năng để nghiên cứu từng loại vấn đề: Người dân nghĩ gì? Nói sao? Ở đâu xảy ra chuyện gì? Tầng lớp nào bức xúc cái gì?..."

PGS.TS Vũ Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) trò chuyện về công việc của mình.

Dư luận, bức xúc, căng thẳng được "đo" thế nào?

- Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội đã ra đời khá lâu, nhưng có lẽ gần đây người ta mới biết nhiều thông tin về nó. Ông có thể nói qua vài nét về Viện?

 
                       PGS. TS Vũ Hào Quang
- PGS.TS Vũ Hào Quang: Viện này do Ban Bí thư cho phép thành lập, nhằm nghiên cứu những luồng dư luận trong các tầng lớp xã hội và được phép báo cáo thẳng lên cơ quan cao nhất của Đảng là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

Có hai loại báo cáo: Loại thứ nhất là báo cáo nhanh, mang “tính rộng” tới Chủ tịch nước, một số bộ trưởng hoặc một số thứ trưởng (không phải là tất cả).

Loại báo cáo thứ hai là dạng báo cáo mang “tính chất hẹp” dạng tuyệt mật, thì báo cáo trực tiếp lên đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư để đồng chí báo cáo lại với Bộ Chính trị.

Viện này ngang các Vụ, nhưng chỉ có Viện này mới được báo cáo Bộ Chính trị mà không nhất thiết phải qua Ban Tuyên giáo TƯ, mặc dù nó trực thuộc Ban Tuyên giáo TƯ.

 Nghiên cứu dư luận, nhưng cụ thể là nghiên cứu về cái gì, thưa ông?

- Chúng tôi “quét” hết tất cả các thông tin về các vấn đề trong xã hội. Viện có các phòng chức năng để nghiên cứu từng loại vấn đề: Người dân nghĩ gì? Nói sao? Ở đâu xảy ra chuyện gì? Tầng lớp nào bức xúc cái gì? Nguyên tắc của chúng tôi là trao đổi và thăm dò, nhưng không bao giờ nêu tên.

Chúng tôi tiếp nhận mọi luồng dư luận, kể cả từ thế lực phản động… và không hề có chuyện quy kết. Trên cơ sở những luồng ý kiến đó Viện sẽ tiến hành phân tích.

Chúng tôi muốn lắng nghe tất cả mọi ý kiến từ thượng vàng hạ cám: bức xúc về cắt điện, nước; giá cả leo thang làm đời sống nhân dân khó khăn… để phản ánh lên những lãnh đạo cao nhất của Đảng từ đó có những điều chỉnh kịp thời.

- Công việc hàng ngày của ông, với tư cách là một Phó Viện trưởng, là gì?

- Lãnh đạo Viện có 3 người. Riêng tôi phụ trách mảng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Công việc chủ yếu của tôi là tham gia vào công tác đào tạo cán bộ, tổ chức những cuộc khảo sát.

Năm nay chúng tôi có 13-14 cuộc khảo sát (bình quân mỗi tháng có hơn một cuộc). Thông tin về kết quả của các cuộc khảo sát này thường ở dạng mật, không công bố, mà chủ yếu là để báo cáo lãnh đạo, mà cao nhất là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

Tôi thường tham gia khảo sát ở từng địa bàn với anh em, với từng chủ đề cụ thể… rồi về viết báo cáo. 14 cán bộ của Viện làm việc không ngừng.

- 14 nhân viên mà khảo sát dư luận của cả xã hội, liệu có kham nổi không, thưa ông?

- Ngoài các báo cáo của chúng tôi, thì thường có các báo cáo của cộng tác viên. Chúng tôi có một đội ngũ đông đảo cộng tác viên, ở hầu hết các cơ quan chủ chốt. Một dạng là công khai, và một dạng là không công khai (người nào được giao thì chỉ người ấy biết – gọi là cộng tác viên đơn tuyến). Cộng tác viên của ai thì chỉ có người ấy mới được biết.

Những thông tin thu nhận được sẽ được trao đổi một cách thẳng thắn với lãnh đạo Viện, để báo cáo lên cấp trên. Chúng tôi không loại trừ bất cứ vấn đề nào, kể cả những bức xúc về kinh tế, chính trị, tôn giáo…

Chúng tôi muốn lắng nghe tất cả mọi ý kiến từ thượng vàng hạ cám: bức xúc về cắt điện, nước; giá cả leo thang làm đời sống nhân dân khó khăn… để phản ánh lên những lãnh đạo cao nhất của Đảng từ đó có những điều chỉnh kịp thời..."

- Xin hỏi thật ông, có bao giờ ông cảm nhận được cảm giác: liệu có người nghĩ rằng Viện này na ná một cơ quan mật vụ không?

- Nhiều người hiểu sai như vậy đấy. Chúng tôi khẳng định là Viện Nghiên cứu Dư luận là một cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu về dư luận, tìm hiểu một cách khoa học về thực tại của đời sống xã hội; tiếp nhận tất cả các ý kiến phản biện để giúp cho Đảng và Nhà nước nhìn thấy rõ hiện thực của các chính sách, chủ trương, nghị quyết… đã đi vào đời sống của người dân thế nào. Có gì chưa tốt để có thể tìm hướng khắc phục. Viện này rất gần với nhân dân.

Đừng ngại là chúng tôi thu thập thông tin của người nào đó, rồi về theo dõi họ. Hoàn toàn không có chuyện đó. Điều đó ngược với chức năng của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội.

Chúng tôi nghe mọi ý kiến để nắm bắt được tâm trạng và suy nghĩ của mọi tầng lớp nhân dân: vui, buồn hay khủng hoảng ra sao?! Đây là cơ quan nghiên cứu duy nhất của Đảng về dư luận. Đóng góp cho Đảng những ý kiến trung thực nhất để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn!

- Lại xin hỏi ông một câu… thật hơn: Từ cương vị Trưởng khoa Xã hội học của trường Đại học KHXH&NV HN, bỗng chuyển sang làm Viện phó của viện này, bạn bè có dè dặt khi nói chuyện với ông?

- Tôi được các giáo sư rất tin. Người ta biết tôi làm Viện này, và người ta không có cảm giác phải e ngại, hay sợ sệt tôi. Khi có một sự kiện gì lớn, vì dụ: việc bắt các nhà báo, hoặc các sự kiện về tôn giáo… thì họ gọi điện cho tôi để chia sẻ quan điểm và tâm tư. Tôi rất vui vì điều đó.

- Có khi nào đó sau khi điều tra thấy dư luận rất bức xúc về một vấn đề nào đó. Nhưng vì sợ nói thật quá với cấp trên, “không phải đầu cũng phải tai”, nên trong báo cáo các ông phải “giảm áp” cho tình hình?

- Có lẽ với bản lĩnh của chúng tôi thì chắc chắn không có chuyện đó. Chúng tôi là những người khá từng trải, và được các lãnh đạo tin tưởng.

Chúng tôi không sợ bị quy kết là chao đảo lập trường, vì trong chức năng của Viện, nó được quyền nói (kể cả những luồng thông tin ngược). Nhưng điều tất nhiên là các thông tin đều phải qua bộ lọc của chúng tôi.

Chúng tôi là những nhà khoa học, có kinh nghiệm, nên dứt khoát là phải lọc tin… Các lãnh đạo không thể đọc hết mọi tin tức được.

- Có khi nào, sau khi đọc bản báo cáo của ông xong, một lãnh đạo nào đó đã gặp sự phản ứng ngay không?

- Không. Những báo cáo mà tôi viết thì không thấy có phản ứng.

- Làm ở Viện này, có lúc nào đi “hỏi thăm” những bức xúc của người dân, mà để lại ấn tượng khó quên trong ông?

- Có thể nói kỷ niệm thì nhiều lắm. Khi tôi đi qua 42 Nhà Chung, thấy bà con công giáo nhốn nháo, tụ tập đông người… Tôi tự đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao lại có chuyện đó? Có phải thuần túy đó là vấn đề họ chống lại Đảng, Nhà nước không? Tôi luôn tự đặt cho mình những câu hỏi và tự phản biện với mình như vậy.

Tôn giáo là một trong những vấn đề rất phức tạp, nên đòi hỏi cần tiếp cận nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc, cẩn trọng. Những lần khảo sát thực tế như vậy, chúng tôi đã phân tích vấn đề dưới góc độ xã hội học và tâm lý học, và thấy được nguyên nhân của nó một cách khoa học, từ đó có thể đề đạt những cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.

Xin nói “nửa kín, nửa hở” với anh rằng, Viện đã có quan điểm đóng góp với các lãnh đạo về cách xử lý một số vấn đề căng thẳng. Tôi cho rằng các đóng góp đó đã góp phần rất lớn vào các thành công trong việc xử lý các va chạm. Hiện nay căng thẳng giảm đi rất nhiều.

…Và "biểu đồ bức xúc"

- Tự dưng tôi liên tưởng việc những người làm nghiên cứu dư luận là những người “mang” cái “máy đo” đi đo các bức xúc của xã hội; như thế liệu họ có chịu áp lực nào không?

- Người nghiên cứu xã hội học bao giờ cũng chú ý đến tính chất khách quan và tính chất thực chứng của sự kiện. Nên áp lực của nó đỡ hơn so với những người nghiên cứu tâm lý học.

Trong Viện chúng tôi có hai trường phái: Một trường phái là xã hội học, và một trường phái nữa là tâm lý học. Tôi luôn dặn anh em làm xã hội học khi nghiên cứu dư luận là không được vui quá, không buồn quá, không lạnh nhạt, không vô cảm trước mọi vấn đề… Phải nhìn sự vật thật tường tận.

- Về mặt khoa học, khi nghiên cứu tần suất của các bức xúc xã hội, ông nhận thấy nó đang diễn biến theo biểu đồ dạng nào?

- Có thể nói tần suất căng thẳng, hay trạng thái căng thẳng xã hội xuất hiện theo những vấn đề xã hội. Ví dụ như năm nay (đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay) bức xúc và căng thẳng tăng hơn năm ngoái nhiều, mặc dù năm ngoái chúng ta bị thiên tai ảnh hưởng khá nặng đến đời sống người dân.

Năm nay chúng ta phải chịu áp lực từ các vấn đề về kinh tế tài chính (có tính chất toàn cầu). Chúng ta bị ảnh hưởng tương đối trực tiếp từ việc gia nhập WTO, và xu hướng toàn cầu hóa. Giá xăng dầu tăng là một ví dụ điển hình, nó ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Căng thẳng xã hội bám sát với thị trường. Khi căng thẳng xã hội gia tăng, đời sống nhân dân giảm đi, thì có thể thấy được một điều khá rõ ràng là các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước sẽ nổi lên.

- Trong các bức xúc thì bó bức xúc nào là lớn nhất?

- Như tôi đã nói ở trên, bức xúc hàng đầu vẫn là kinh tế, giá cả hàng hóa… Người dân cần một biện pháp điều hành nhanh nhạy hơn, phù hợp hơn. Chúng tôi phản ánh chính cái đó…

- Sau bức xúc về kinh tế, thì xã hội bức xúc về chuyện gì, thưa ông?

- Xã hội có rất nhiều bức xúc, nhưng những bức xúc đó gắn chặt trước tiên với các nhu cầu kinh tế, sau đó mới là chuyện về văn hóa – tinh thần. Người dân khá bức xúc về việc một nhóm người giàu lên khá nhanh chóng bằng cách chụp giật, tham ô, bất chính. Bộ phận này chiếm tương đối. Các cán bộ hưu trí đặc biệt bức xúc về vấn đề này.

- Trong các nghiên cứu về căng thẳng xã hội, thì ông thấy căng thẳng nhất trong giới sinh viên hiện nay là gì?

- Nói thật, chúng tôi chưa có nhiều thông tin về sinh viên, có lẽ do đội ngũ cộng tác viên chưa đủ. Một trong những điều chúng tôi nắm được là việc sử dụng bằng cấp giả hiện nay.

Người học giỏi và học thật thì lo lắng ra trường không có việc, còn người học giả hoặc học dốt thì nghiễm nhiên có việc làm. Đó những bức xúc rất lớn trong sinh viên mà chúng tôi biết được.

Sinh viên hiện nay có 2 dạng rõ rệt nhất: một dạng là rất có hoài bão, sống có ước mơ lớn; còn một bộ phận chạy đua thành tích trong học tập, bằng cấp.

- Có bao giờ, về nhà thấy bà xã bức xúc về một vấn đề nào đó trong xã hội (chẳng hạn chuyện giá cả các mặt hàng tăng…), ông đã nghĩ đến một vấn đề bức xúc trong xã hội…?

- Có chứ. Từ đó mình phải biết cảm thông. Vợ kêu và tác động đến mình. Và chính vì điều đó đã thúc giục tôi tìm hiểu xem có bao nhiêu người khó khăn như gia đình mình, có bao nhiêu người không bị ảnh hưởng vì sự leo thang giá cả… Vì thực tế, có nhóm xã hội không bị ảnh hưởng khi giá cả tăng, nhưng nhóm khác lại bị ảnh hưởng rất nặng…

- Được biết ông đang có 2 người con đang đi học. Ông thấy dư luận thế nào trong gia đình mình (vợ, con…) về chuyện học phí nói riêng, và chất lượng nền giáo dục nói chung?

- Trong trường hợp học phí tăng, gia đình tôi lại thuộc nhóm xã hội không bị ảnh hưởng. Vì là đối tượng ưu tiên, tôi là thương binh, con tôi không phải đóng học phí; con tôi học trường ĐHKHXH&NV nên nhận được sự ưu tiên của nhà trường (nơi tôi đã và vẫn đang dạy).

Nhưng thông tin mà tôi biết, đại đa số xã hội rất không ủng hộ việc tăng học phí, dư luận phản đối kể cả chuyện thi gộp 2 kỳ thi trung học phổ thông và đại học làm một. Cái này chúng tôi cũng có ý kiến lên cấp trên.

- Cảm ơn ông đã trả lời phóng viên!