Từ Mossadegh đến Ahmadinejad: CIA và "phòng thí nghiệm" Iran |
Tác Giả: Hà Ninh (tổng hợp) |
Thứ Năm, 02 Tháng 7 Năm 2009 02:45 |
Làn sóng người biểu tình phản đối kết quả bầu cử ngày càng tăng. Hàng triệu tin nhắn SMS mang các nội dung trái ngược đã được CIA tung vào Iran trước và sau cuộc bầu cử, đẩy nước này vào tình trạng lộn xộn nhất kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo cho tới nay. Tháng 3/2000, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã thừa nhận rằng năm 1953 chính quyền Eisenhower đã tổ chức cuộc lật đổ chế độ tại Iran, và rằng sự kiện lịch sử này giải thích tại sao người Iran hiện nay luôn duy trì lòng thù địch đối với Mỹ. Mới đây, trong bài phát biểu hướng tới cộng đồng người Hồi giáo tại Cairo, Ai Cập, Tổng thống Barack Obama cũng đã chính thức thừa nhận rằng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ đã nhúng tay vào việc lật đổ một chính phủ dân chủ dân cử tại Iran. Vào thời kỳ đó, Iran đặt dưới sự kiểm soát của một chế độ bán quân chủ lập hiến do Vua Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu, vị vua cuối cùng trị vì Iran (1941-1979). Người này được chính quyền Anh thời đó đưa lên sau khi buộc cha của Mohammad Reza Pahlavi là Reza Pahlavi từ chức do có tư tưởng thân phát xít. Tuy nhiên, Mohammad Reza Pahlavi phải phối hợp với Thủ tướng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Mohammad Mossadegh (từ tháng 4/1951 đến tháng 7/1952) để điều hành đất nước. Người này, với sự giúp đỡ của đại giáo chủ Abou al-Qassem Kachani, đã tiến hành quốc hữu hóa các công ty khai thác dầu mỏ của Iran. Không bằng lòng trước hành động này, người Anh thuyết phục người Mỹ rằng cần phải ngăn chặn sự tuột dốc của Iran trước khi nước này ngả theo hướng chủ nghĩa Cộng sản. Thế là CIA bắt đầu thực hiện một chiến dịch mang tên Ajax nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Mossadegh với sự tiếp tay của Mohammad Reza Pahlavi và thay thế bằng tướng phát xít Fazlollah Zahedi vốn đang bị người Anh kiểm soát. Khi được đưa lên nắm quyền, Zahedi thiết lập một chế độ tàn bạo nhất vào thời kỳ đó tại Iran, còn Vua Mohammad Reza Pahlavi không đoái hoài gì tới công việc của chính phủ. Chiến dịch Ajax được đặt dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ học Donald Wilber, sử gia Kermit Roosevelt (cháu nội của Tổng thống Theodore Roosevelt) và tướng Norman Schwartzkopf Sr. (con trai của người này về sau chỉ huy chiến dịch Bão táp sa mạc tại Iraq năm 1991). Để lật đổ Thủ tướng Mossadegh, CIA tạo dựng một kịch bản, theo đó ông Mossadegh phải bước xuống khi làn sóng biểu tình trong dân chúng tăng cao nhưng thực chất đó là một chiến dịch bí mật được CIA dàn xếp. Cú đánh quyết định của chiến dịch này là một cuộc biểu tình của 8.000 người tại Tehran do CIA trả tiền để từ đó cung cấp những bức ảnh thuyết phục cho báo chí phương Tây. Liệu lịch sử có lặp lại mặc dù trước đó Washington tuyên bố từ bỏ tấn công quân sự đối với Iran và thuyết phục Israel cũng theo đường lối này? Theo Thierry Meyssan (nhà phân tích chính trị, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng mà cuốn gần đây nhất nói về việc tái cấu trúc Trung Đông và cuộc chiến của Israel chống lại Liban), thì để lật đổ chế độ Ahmadinejad, chính quyền Mỹ hiện nay thích chơi lá bài bí mật hơn, vừa ít nguy hiểm lại có kết quả cao. Sau khi kỳ bầu cử tổng thống Iran kết thúc, nhiều đoàn người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Tehran, trong đó có cả phe ủng hộ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và đại giáo chủ Ali Khamenei lẫn phe của ứng cử viên thất cử Mir-Hossein Mousavi và của cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani. Các cuộc biểu tình này phản ánh sự chia rẽ cao độ trong xã hội Iran, giữa những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa với bên kia là tầng lớp thượng lưu, thất vọng trước việc Tổng thống Ahmadinejad giữ Iran ngoài luồng toàn cầu hóa kinh tế. Một lần nữa, Iran lại trở thành “phòng thí nghiệm” cho những biện pháp lật đổ mới của CIA. Năm 2009, CIA đã dựa trên một vũ khí hoàn toàn mới: đó là kiểm soát mạng lưới ĐTDĐ. Từ khi ĐTDĐ trở nên phổ biến, các cơ quan tình báo Mỹ đã gia tăng mọi biện pháp chặn cuộc gọi và nghe lén. Để nghe trộm điện thoại có dây cần thiết phải gắn thiết bị, nhưng để nghe trộm hội thoại qua ĐTDĐ thì các nhân viên CIA chỉ cần nhờ vào mạng lưới Échelon (hệ thống do thám thông tin Anh - Mỹ ở châu Âu). Tuy nhiên, hệ thống Échelon lại không bắt được các cuộc hội thoại qua Internet bằng phần mềm Skype, điều này lý giải tại sao phần mềm Skype lại được thịnh hành tại những vùng đang xảy ra xung đột. Do vậy, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) mới đây đã tiếp cận với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet để bắt được các hội thoại qua Skype và những ai chấp nhận hợp tác với CIA thì đều nhận được những khoản tiền khổng lồ. Tại Iraq, Afghanistan và Pakistan, CIA có thể bắt tín hiệu của tất cả các hội thoại qua điện thoại có dây và không dây. Mục đích không phải là ghi lại nội dung một cuộc hội thoại nào đó mà để xác định những “mạng lưới xã hội”. Nói khác đi, điện thoại giống như kẻ tố giác giúp người khác biết được người sử dụng có quan hệ với ai. Xuất phát từ đây, CIA xác định được các mạng lưới phản kháng tại Iran. Trong một khía cạnh khác, điện thoại lại giúp xác định được địa điểm của đối tượng và vô hiệu hóa đối tượng này. Chính vì thế, tháng 2/2008, những kẻ nổi dậy ở Afghanistan đã ra lệnh cho nhiều nhà cung cấp viễn thông tại đây ngưng hoạt động từ 17 giờ đến 3 giờ mỗi ngày, đây là cách để ngăn chặn các cơ quan tình báo phương Tây theo dõi hành tung của họ. Tất cả các trạm chuyển phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào không tuân theo đều bị phá hủy ngay lập tức. Trong chiến dịch tấn công Dải Gaza hồi cuối năm 2008 đầu năm 2009, ngoài việc đánh nhầm một trung tâm điện thoại, quân đội Israel đã rất cẩn thận để tránh bỏ bom vào các trạm chuyển phát sóng. Đây là một sự thay đổi chiến lược của phương Tây. Từ cuộc chiến Vùng Vịnh, “lý thuyết 5 vòng” của Đại tá John A. Warden đã được coi trọng: đánh bom các cơ sở thông tin được coi là ưu tiên chiến lược, vừa khiến dân chúng hoảng loạn, vừa cắt đứt mọi mối liên lạc giữa các trung tâm chỉ huy và binh lính. Tuy nhiên, chiến lược hiện nay của phương Tây là ngược lại, đó là cần tránh đánh sập các cơ sở truyền thông của đối phương. Trong các cuộc đánh bom ở Dải Gaza, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Jawwal (thương hiệu của Hãng PalTel, một công ty của nhà tỉ phú Palestine, Munib Al-Masri) cho biết không một trạm thu phát sóng nào của họ bị phá hủy trong khi nhiều cơ sở xung quanh đó trở thành bình địa bởi bom của không quân Israel. Ở cấp độ cao hơn, các cơ quan tình báo Anh, Mỹ và Israel đã phát triển các phương pháp chiến tranh tâm lý dựa trên việc sử dụng rộng rãi của điện thoại di động. Tháng 7/2008, sau khi trao đổi tù nhân giữa Israel và Hezbollah, tình báo Israel đã tung ra hàng chục nghìn cuộc gọi tới các máy ĐTDĐ của Liban với một giọng nói Arập cảnh cáo mọi sự tham gia vào phong trào kháng chiến và chê bai Hezbollah. Bộ trưởng Viễn thông Liban khi đó là Jibran Bassil lên tiếng chỉ trích Israel đã vi phạm chủ quyền của Liban trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cũng với cách này, hàng chục nghìn thuê bao điện thoại di động ở Liban và Syria đều nhận được một cuộc gọi tự động tháng 10-2008 đề nghị thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin về địa điểm nhốt tù binh Israel. Những ai quan tâm đều được chỉ dẫn gọi tới một số điện thoại ở... Anh. Phương pháp này vừa được sử dụng tại Iran để tung tin đồn nhảm gây bấn loạn dân chúng Iran và kích động họ tham gia biểu tình chống Tổng thống Ahmadinejad. Đầu tiên, trong lúc các thùng phiếu bầu cử bắt đầu được mở, hàng triệu thông tin qua tin nhắn SMS cho biết Hội đồng Vệ binh lập hiến của Iran (tương đương Tòa hiến pháp) đã thông báo cho ứng cử viên Mir-Hossein Mousavi rằng ông ta đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng sau đó, thông báo chính thức lại cho biết ứng cử viên Mahmoud Ahmadinejad đã tái cử với 65% số phiếu bầu. Điều này đã tạo tâm lý ngờ vực cho hàng triệu người nhận tin nhắn trước đó. Tuy nhiên, 3 ngày trước đó, chính bản thân ông Mousavi và bộ máy tranh cử của mình đã thừa nhận rằng ông Ahmadinejad gần như nắm chắc phần thắng trong tay. Các viện thăm dò ý kiến của Mỹ tại Iran trước đó cũng đã dự báo ông Ahmadinejad dẫn trước ứng cử viên Mousavi 20 điểm. Trong suốt chiến dịch tranh cử, chưa có lúc nào, chiến thắng của ông Mousavi được xem là có khả năng xảy ra. Bước tiếp theo, những người Iran, từng nhận được tin nhắn trước đó và tin rằng đã có sự gian lận trong bầu cử, tiếp tục nhận được các tin nhắn SMS, cả đúng và sai, về sự tiến triển của cuộc khủng hoảng chính trị tại Iran và diễn tiến các cuộc biểu tình đang diễn ra. Những thông tin về các vụ nổ súng vào đoàn người biểu tình và số người tử vong đã được phổ biến rộng rãi sau đó, mặc dù cho tới nay những thông tin này vẫn chưa được xác minh. Trong lúc đó, theo đúng lịch, mạng cộng đồng Twitter phải ngưng một đêm để bảo trì máy chủ, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Ban quản trị Twitter ngưng việc này lại để phục vụ chiến dịch. Theo New York Times (15/6/2009), đây là những chiến dịch gieo rắc sự ngờ vực trong dân chúng Iran về kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Cùng lúc đó, trong một cố gắng mới, CIA huy động hàng nghìn người biểu tình chống Iran tại Mỹ và Anh để phụ họa thêm vào sự bất ổn tại Iran. Khắp nơi trên thế giới, các cơ quan tình báo đều theo dõi sát sao mọi diễn biến tại Téhéran. Mỗi cơ quan đều muốn thử đánh giá tính hiệu quả của phương pháp đảo chính mới được CIA sử dụng tại Iran. Những gì diễn ra trong những ngày qua tại Iran cho thấy phương pháp gây rối loạn xã hộiIran của CIA đã hoạt động. Nhưng chưa có điều gì chắc chắn rằng CIA có thể hướng những người biểu tình Iran tự làm điều mà Lầu Năm Góc từ chối thực hiện, đó là lật đổ chế độ Tổng thống Ahmadinejad, kết thúc cuộc cách mạng Hồi giáo |