Đâu là...“ Sĩ Khí!” |
Tác Giả: Nhà Báo Nguyễn Thượng Long | ||||
Thứ Ba, 07 Tháng 2 Năm 2012 06:22 | ||||
“Thưa Tổng bí thư! Tôi xin nói thật lòng, nay tôi không thuyết phục nổi vợ con tôi về chủ nghĩa Mác – Lê nữa rồi!” (danlambao) - Nhưng những ngày này cũng đang tồn tại một thực tế không thể bác bỏ là vẫn còn quá nhiều trí thức Việt Nam vẫn chưa có được sự tự tin cần thiết để rũ bỏ cái tư chất thần dân thâm căn cố đế, sẵn sàng trùm chăn, sắn sàng quỳ gối, khoanh tay, vâng dạ, cúi đầu trước các “Vua Tập Thể”, rồi tung hô họ bằng những sáo ngữ “muôn năm” và “đời đời”. Trí thức kiểu này, chưa hội đủ tư chất và tâm thế để vươn lên, khẳng định tư cách công dân của mình trước cộng đồng, trước xã hội. Thế nên mới có chuyện, ông này thì khẳng định: “Chưa nhất thiết phải giải thể sự lãnh đạo của Đảng”, chỉ cần Đảng nới lỏng chút xíu sợi dây xích, thì lại có những trí thức khác tự tin khẳng định tư chất ĐÔC LẬP của mình. Những trí thức tự tin này khi bị sức mạnh bạo tàn của thể chế tròng vào cổ họ một vòng dây xích, nỗi đau trong họ là nỗi đau của nhân cách bị chà đạp chứ đâu có là nỗi đau thịt da để mà van vỉ xin ông chủ nới bớt cho chúng tôi vài vòng!... “Kẻ sĩ thời nay còn lâu mới vịn được vào vai các bậc sĩ phu thức giả đời trước” (DTH) Hơn 7 năm trước, tại Hội Nghị UBTƯMTTQ Việt Nam lần thứ 2 diễn ra trong các ngày 11,12,13-1-2005, trong tham luận của mình, Giáo Sư Trần Văn Hà đã viết: “… đến đây cho phép tôi mở một dấu ngoặc vì có liên quan đến một sự kiện lớn đã diễn ra vào đầu năm 1991. Khi Liên Xô vừa sụp đổ, ông Đỗ Mười nguyên tổng bí thư Đảng đã triệu tập hội nghị gồm 100 nhà khoa học, trí thức lớn tới để tham vấn. Ông Đỗ Mười hỏi: Liên Xô sụp đổ rồi, liệu Việt Nam thế nào? Tuyệt đại đa số ý kiến cho rằng, Việt Nam không thể sụp đổ và họ đã hiến nhiều kế sách liên quan đến những đổi mới đã diễn ra hơn 15 năm qua. Tôi ghi nhận 2 ý kiến chân thành khá độc đáo. Anh Đào Xuân Sâm giảng viên học viện chính trị cao cấp quốc gia HCM nói: “Thưa Tổng bí thư! Tôi xin báo cáo: Cái bục giảng về chủ nghĩa Mác – Lê không còn thiêng liêng nữa rồi!” Anh Minh cũng là giảng viên học viện chính trị quốc gia HCM thì nói: “Thưa Tổng bí thư! Tôi xin nói thật lòng, nay tôi không thuyết phục nổi vợ con tôi về chủ nghĩa Mác – Lê nữa rồi!” (hết trích). Anh Đào Xuân Sâm nay đã về nghỉ hưu. Trong lần anh Sâm về quê (Trinh Tiết – Đại Hưng – Mỹ Đức – Hà Nội) dự tang lễ người bác ruột tôi, gặp anh tôi hỏi: “Anh nghĩ gì mà lại nói với ông Đỗ Mười như thế?”. Trước câu hỏi của tôi, anh Sâm như có một thoáng buồn rồi vẫn nói: “Thì mình tin người ta mời mình đến là để nói thật, nên mình nghĩ sao thì nói vậy thôi…”. Tôi biết sau hội thảo đó, anh tôi bị thất sủng, báo chí lề đảng lập tức lảng tránh bài vở của anh, nhiều năm anh ngồi chơi sơi nước rồi nghỉ hưu. Sau này qua anh Bùi Minh Quốc, một người anh bên ngoại của tôi và gần đây qua lời của Đại Tá Công An Lê Hồng Hà, tôi được biết anh Sâm là bậc trưởng lão trong làng lý luận cao cấp, một bề tôi lương đống của đảng và chế độ. Theo Đại Tá Lê Hồng Hà và anh Bùi Minh Quốc thì trong làng lý luận cao cấp người có suy nghĩ như anh Sâm và anh Minh là rất nhiều, nhưng đáng buồn thay cho nhân cách kẻ sĩ, phần lớn họ chỉ nói sau lưng, người dám nói thật như anh Sâm và anh Minh ngay từ 1991, lại nói trước “Thiên Tử” là quá ít. Vì mưu sinh, vì thăng tiến, những người này họ nghĩ một đàng nhưng lại nói và viết một nẻo. Họ có tội với tổ quốc này, dân tộc này. Đất nước, dân tộc rồi không biết sẽ đi về đâu khi trí thức mà lại chọn cách sống như vậy! Sau Đông Âu tan vỡ, đến 1991 Liên Xô thành trì, phần cơ bản nhất của hệ thống XHCN cũng đã sụp đổ. Học thuyết Mác Lê được thực tế chứng minh là sai lầm, là nguyên nhân của biết bao thảm hoạ đã bị phần nhân loại văn minh thẳng tay vứt vào sọt rác. Vậy mà hôm đó, những lời nói thật của anh Sâm, anh Minh trước hàng trăm các bậc thức giả hàng đầu trong nước, lời cảnh báo sớm đó lại rơi vào thinh không, ông Đỗ Mười vẫn trở thành Thượng Hoàng, nhân dân Việt Nam, môi trường sinh thái của Việt Nam thực sự bị bóc lột đến tàn tệ bởi thứ tư bản còn rừng rú hơn cả thực dân Pháp và phát xít Nhật mà vẫn phải tiếp tục kiên định với cái đuôi định hướng XHCN, lại càng đáng buồn hơn khi nhân dân bị gán ghép cho là đã tự nguyện lựa chọn con đường khốn khổ này! Có thể nói, chính nhờ đám lý luận gia cao cấp mách nước mà Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, sau này là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... đã đưa ĐCS Việt Nam vững tâm ngã vào vòng tay Trung Quốc lúc tay họ vẫn còn tanh mùi máu chiến sĩ, đồng bào chúng ta đã vong thân trong chiến trận biên giới phía Bắc 1979, để nhận “16 chữ vàng” và “4 tốt” dỏm của Thiên Triều Bắc Quốc và một thời kỳ Bắc Thuộc mới đã bắt đầu.Việt Nam thêm một lần lỡ chuyến tầu cùng các dân tộc văn minh đi đến DÂN CHỦ, để lún sâu thêm vào mê lộ cùng với những bạo chúa tham nhũng, độc tài đủ loại hạng, kẻ thì đã tắt thở, kẻ đang cố giãy giụa ở Bắc Phi, Trung Đông và vài nơi khác trên thế giới. “Công lao” của các vị trí thức mặc áo “Chùng Thâm” trong vai những quân sư, mưu sĩ của Đảng trong biến cố này quả là không nhỏ. HAI MƯƠI NĂM SAU: Khi nỗi đau Vinashin chưa nguôi, lo âu về “đám mây độc”, “Quả bom bùn đỏ” mang tên “Bauxite”, cùng nhiều vạn người Tầu không biết là lính hay là thợ ngang nhiên lập làng Tầu, phố Tầu trên địa bàn Tây Nguyên, nóc nhà không chỉ của Việt Nam mà là nóc nhà của cả Đông Dương chưa tan thì 2011người Việt Nam quan tâm đến thời cuộc, người Việt Nam yêu nước lại vô cùng bất an trước một Biển Đông dậy sóng vì những tham vọng của Trung Quốc, lúc mà ban lãnh đạo Việt Nam lại chủ trương ứng xử nhũn nhặn ở dưới mức bình thường. Năm 2011 đã nổ ra giữa Sài Gòn – Hà Nội những cuộc xuống đường biểu tình của trí thức, nhân sĩ, sinh viên, học sinh yêu nước giáng trả một cách ôn hoà những tham vọng của Trung quốc, những phiên toà đầy ngang trái dành cho những người Dân Chủ…, những cuộc vây ráp, bắt bớ người biểu tình, cuộc đoạ đầy vi hiến, bất công và kỳ quặc dành cho Hoa Hậu – Nữ Tướng biểu tình Bùi Thị Minh Hằng, cờ Trung Quốc 6 sao ngang nhiên bay phấp phới giữa trời thu Hà Nội, đặc biệt vào cuối năm là biến cố Đoàn Văn Vươn và gia đình bị đám cường hào mới ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng, được đám chức dịch ở Hải Phòng ngầm đỡ lưng dồn họ đến chân tường nên đã liều thân vùng dậy đòi quyền sở hữu thành quả lao động khó nhọc của mình, đã chọn biện pháp không được luật pháp quy định, để giáng trả những hành động cũng không được luật pháp cho phép. Kết quả bên này là cảnh tù tội, vợ, con bị còng tay dong đường, bị đánh đập, nhà cửa bị dật đổ, cá, tôm, hoa lợi…bị cướp phá sạch sẽ. Bên kia tuy cố tỏ ra mình vẫn ở thế thượng phong, nhưng cũng ê chề trước con mắt của người dân trong nước, ngoài nước. Biến cố này đã làm phát lộ những bất công, những thiệt thòi to lớn mà người nông dân Việt Nam nhiều thập kỷ nay phải cắn răng chấp nhận. Đó là hiện trạng: Trong lúc giới công nghệ, giới thương gia, giới quan chức tham nhũng, đại gia, tư bản đỏ…đã được công nhận quyền tư hữu, quyền sở hữu đất đai, đồn điền, trang trại, nhà xưởng, máy móc của mình, họ đang sống như vua như chúa, thì người nông dân Việt Nam, một tỉ lệ không hề nhỏ trong cơ cấu lao động cả nước sau nhiều thập kỷ đi theo đảng lại chưa hề được hưởng quyền này. Tư liệu sản xuất duy nhất của họ là đất canh tác, vẫn bị coi là “Công Thổ Quốc Gia”, là “Sở Hữu Của Toàn Dân”. Luật đất đai hiện nay vẫn coi nông dân chỉ là những đối tượng để giao đất, cho mượn đất, cho thuê đất…mà đất đó là của chính tổ tiên gia tộc họ để lại, hay của chính họ đã từng khai khẩn, ngăn sông, lấn biển, cải tạo mà hình thành. Có thể nói, đây là sự phản bội tồi tệ nhất dành cho những người một nắng hai sương làm ra hạt thóc nuôi sống cả xã hội. Hãy xem người đời, người có học và cả ít học, thậm chí vô học đã bỏ những lá phiếu nào? Đã phản biện những gì trước sự cố gia đình Đoàn Văn Vươn!. Người quan tâm tới sự kiện này, thói thường có thể sắp được thưởng thức những clip, những trích đoạn video chuyển tải lời nhận tội, lời cầu xin được hưởng lượng khoan hồng của những người đang bị lao lý sau vụ Tiên Lãng, thì đã xuất hiện rất sớm những lời nói lấy được, bất kể đúng sai, rất thiếu trách nhiệm của các “Đầy Tớ” của nhân Dân như: - Giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nói: “Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây đã rất đồng tình”, “Đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim” (!?)… Sic - Phó chủ tịch TP Hải Phòng ngày17/1 nói “Nhân dân Tiên Lãng bất bình phá nhà ông Vươn” (!?) đến 31/1 lại đổi giọng: “Không biết ai đã phá nhà ông Vươn (!?), đang tìm hiểu và sẽ xử lí nghiêm”…Sic - Trần Đình Long phó chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp Luật Quốc Hội 13 nói: “Tôi không theo dõi vụ việc này…” (!?). Tức là ông quan đại biểu của dân nói : Đây “Không thèm nghe - Không thèm thấy - Không thèm biết” (!?) …cùng với những tiếng lao xao của đám nói leo ăn theo, đám giang hồ xã hội đen, đám bồi bút giá áo túi cơm của lề phải, rằng: Đoàn Văn Vươn chẳng làm gì có lợi cho cộng đồng, ngoài việc tư lợi cho mình (!?)”, thậm chí có kẻ còn xếp bừa Đoàn Văn Vươn vào danh sách “Giang Hồ Đất Cảng”, có số có má và vụ cưỡng chế vừa qua là một trận đánh đẹp !…Sic Đối trọng với những xuất ngôn lạc lõng này là những tiếng nói dõng dạc của các Luật Sư, Nhà Văn, Nhà Báo, Lão Thành Cách Mạng, trong và ngoài nước… điển hình là tiếng nói cũng rất sớm của: Nhà Văn Quân Đội Phạm Đình Trọng: “Nếu quyết định của chủ tịch Tiên Lãng không bị coi là sai, hơn 500 chủ tịch huyện trên cả nước có thể noi gương thu hồi đất đáo hạn của nông dân để giao…thì không biết điều gì đã xẩy ra?” Lê Đức Anh, Đại Tướng, nguyên CT nước: “Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Chính quyền Huyện – Xã đều sai”. (Theo tôi ông này mới nói được ½ cái nguyên nhân thôi – NTL) Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị to lớn”. Ông Luân, nguyên sĩ quan biên phòng, một chủ đầm là hàng xóm nhà ông Vươn: “Tôi sẽ chiến đấu đến cùng nếu Huyện đưa người đến cưỡng chế, cướp đất nhà tôi”. Ông Đỗ Xuân Cang, Việt kiều đang biểu tình một mình chống tiêu cực trước sứ quán Việt Nam ở Praha: “Ông Đoàn Văn Vươn và gia đình hoàn toàn vô tội”. Luật Sư Lê Đức Tiết – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của MTTQVN nói: “Phân tích đúng sai trong vụ việc của ông Vươn là không khó!” và “Đẩy dân đến bước đường cùng để họ phải dùng vũ lực chống lại chính quyền là một thất bại của công tác dân vận”. Giáo Sư Nguyễn Quang A đặt 11 câu hỏi xung quanh sự kiện Đoàn Văn Vươn gửi lãnh đạo đảng và nhà nước….. Luật Gia Lê Hiếu Đằng phẫn nộ: Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền. Người dân sẽ đánh giá chính quyền đó là như thế nào ? Đó là biện pháp mà gần như trước đây chính quyền thực dân phong kiến dùng để đàn áp nhân dân. Do đó có thể nói hiện nay nhân dân cả nước rất phẫn uất về việc này. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều vụ việc như ông Vươn nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết êm đẹp. Ngày 19/1/2012 tức là chỉ ít ngày sau lời kêu gọi trên Blog Nguyễn Xuân Diện đã có 278.585.271 VNĐ của người dân trong và ngoài nước đóng góp, trợ giúp gia đình Đoàn Văn Vươn đang trong cơn hoạn nạn. Một kêu gọi tương tự cũng đã xuất hiện trên Blog của Nguyễn Quang Vinh. Tôi nghĩ, nếu gia đình Đoàn Văn Vươn không phản ứng mạnh mẽ, lại ngoan ngoãn và “thuần tính” như giám đốc Công An Hải Phòng Đỗ Hữu Ca mong muốn, thì chắc chắn gia đình Đoàn Văn Vươn cũng sẽ lại gia nhập cộng đồng những người lang thang ngày đêm mỏi mòn chờ công lý ở VƯỜN HOA DÂN OAN MAI XUÂN THƯỞNG hay sẽ phải sống kiếp vật vờ ở văn phòng tiếp dân Cầu Giấy mà thôi và biết đâu Đoàn Văn Vươn và đại gia đình ông sẽ làm dài thêm danh sách những dân oan phải tìm đến cái chết tức tưởi để đánh động lương tri của đồng loại cũng nên. Không biết các nhà Trí Thức hàng đầu, những quý vị mặc áo “Chùng Thâm” trong làng lý luận cao cấp, những quân sư mưu sĩ của ĐCS đã từng và cả chưa từng vây quanh ông Đỗ Mười ngày LBCHXHCNXV (CCCP) sụp đổ, nay đang xúm xít xung quanh ông Nguyễn Phú Trọng để rối rít lập công, tranh nhau thưa thốt … quý vị nghĩ gì về những diễn biến kể trên? Quý vị sẽ phản biện, sẽ bỏ lá phiếu nào xung quanh sự kiện này? *** Thật bất ngờ, ngày 20 tháng 1 – 2012, trả lời phỏng vấn đăng trên tuoitre.vn: “Bạn Trẻ Vẫn Đầy Niềm Tin Tương Lai”, Giáo Sư Toán Học Ngô Bảo Châu, một giáo sư rất trẻ, một Trí Thức lớn đã từng ký tên mình trong Kiến Nghị Bauxite, đã từng lớn tiếng bênh vực Cù Huy Hà Vũ bằng khẩu khí của người đã từng coi Hector, Turnus, Kinh Kha … như mấy thằng bạn thời đánh đinh đánh đáo, sau khi nhận đủ quà của Đảng (thực ra là tiền thuế của nhân dân), của các đại gia gồm căn hộ cao cấp 17 tỉ giữa Hà Nội, tổ hợp nhà nghỉ 3 triệu USD ở Tuần Châu và 650 tỉ VND để chi dùng cho viện toán mà chẳng cần biết ông sẽ chi dùng thế nào (!?)…nay Giáo Sư đã nói những lời hình như không hoàn toàn của ông: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “Trí Thức”, đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “Trí Thức”? Đối với tôi trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. (NBC) Thật là “Nhất Tự Cách Trùng”! Không biết những trí thức trùm chăn lâu nay hay những người đã từng bầy tỏ ý kiến phản biện trong sự vụ Đoàn Văn Vươn, người nào sẽ sung sướng đến phát điên lên và những ai sẽ rơi vào tâm trạng như bị dậy bảo! như bị dội một gáo nước lạnh buốt khi đọc được những dòng chữ cao đạo này? Là người quá thông tuệ, dường như thấy mình “Nổ” hơi quá, Giáo Sư Châu vội thòng những lời cũng quá là mâu thuẫn, chẳng khác gì “Quả Bóng”được đá với đã lăn đi theo một quỹ đạo vu vơ: “Mặt khác cần trân trọng những người trí thức hoặc không trí thức tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.” (NBC) Trong cơn bão táp các Comments của cư dân mạng xung quanh phát biểu của Giáo Sư Châu, tôi tâm đắc nhất là những lời của Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, đồng lãnh đạo và chủ trì trang mạng phản biện Bauxite.vn rất nổi tiếng của trí thức trong nước đã nói với BBC 1603 - Thứ Hai – 23 – 1 - 2012: “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết.”(NHC) và: “ Giáo Sư Ngô Bảo Châu cũng đã nói đến cái phần sau là, nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm về cái chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào ai?” (NHC) Thật may cho các cụ Chu Văn An, Đồ Chiểu... không phải sống ở thập kỷ này, nếu các cụ là người cùng thời với chúng ta, có lẽ cụ Chu Văn An phải thu hồi lại Thất Trảm Sớ, còn cụ Đồ Chiểu chắc phải rút lại câu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Vì theo Giáo Sư Châu, chuyên môn của các cụ là dậy học thì ngày ngày các cụ chỉ cần chí thú vào việc gõ đầu trẻ mà thôi. Gần như cùng thời điểm với những xuất ngôn về “TRÍ THỨC VÀ PHẢN BIÊN” của giáo Sư Ngô Bảo Châu, đầu tháng 1-2012, Giáo Sư Chu Hảo khi trả lời phỏng vấn của BBC về “TRÍ THỨC và VAI TRÒ CỦA ĐẢNG VỚI NGƯỜI TRÍ THỨC”, Giáo sư Chu Hảo cũng đã làm nóng diễn đàn cư dân mạng vì những suy nghĩ của ông. Giáo sư Chu Hảo nói tới 3 vấn đề rất hệ trọng: 1 / Theo Giáo Sư Chu Hảo, người trí thức đích thực là người có: “Khả năng độc lập tư duy, khả năng bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội”. Cũng theo Giáo Sư Chu Hảo: “Tầng lớp trí thức theo định nghĩa mà tôi (Giáo Sư) hiểu chưa hình thành ở Việt Nam từ sau 1954 và sau 1975 ở miền Nam”. 2 / Theo Giáo Sư Chu Hảo: “Tính chính đáng của ĐCS Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong lòng dân. Lịch sử đã để lại những dấu ấn rõ ràng và được toàn dân thừa nhận về vai trò của đảng cộng sản đưa Việt Nam từ một nước không ai biết đến trở thành một nước độc lập. Đưa Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước”. 3 / Theo Giáo Sư Chu Hảo: “Nếu như đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ và thực sự tôn trọng tự do học thuật, thực sự tạo ra những cơ chế dân chủ để thực sự phát huy sự năng động, sáng tạo tư duy, để có thể bảo vệ được những người có những ý kiến thiểu số, nhưng chưa hẳn đã là sai trong thời điểm hiện tại” thì “Chưa nhất thiết phải giải thể sự lãnh đạo của đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”. Trong khi đó, cũng về đề tài này, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự lại bầy tỏ: “Hiện nay tôi là một người cầm bút tự do, tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào. Tôi nhìn nhận, đánh giá mọi việc theo tư duy, trí tuệ và lương tâm của mình. Tôi viết, dù là chính luận hay sáng tác văn học đều hướng về chân – thiện – mỹ, những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại mà tôi có thể thu nhận qua tri thức đông tây kim cổ. Tôi không cần một lý thuyết hay sự chỉ đường của bất cứ ai.”.(TDBC) Tiêu Dao Bảo Cự làm rõ một hiện thực mà Giáo Sư Chu Hảo không nhận thấy hay là có nhận thấy mà ông cố né tránh: “Trên lý thuyết, sự lãnh đạo của Đảng đề cập những vấn đề thiết yếu của đời sống nhưng vì nó chưa xứng tầm với đất nước và thời đại, cố gò vào những lý thuyết giáo điều và tư tưởng đã lỗi thời, mục đích là giữ vững độc quyền lãnh đạo, nên đã làm trì trệ thay vì phát triển đất nước, phục vụ xã hội. Trong tình hình đó, nhiều kẻ bám vào để mưu lợi hoặc theo đuổi những mục đích cá nhân là điều tất yếu.” Đầu tháng 1 – 2012, Giáo Sư Huệ Chi trả lời phỏng vấn của BBC về việc nên gửi kiến nghị cho Đảng hay cho Chính Phủ hoặc cho Quốc Hội? Giáo Sư Huệ chi cũng đã thẳng thừng, không có vòng vo tam quốc: “Trước mắt chúng tôi chỉ có Chính phủ chứ không có Đảng. Đảng đối với chúng tôi không là cái gì cả, Đảng có phải là Chính Phủ đâu? Mà tất cả những việc này là chính quyền nhà nước làm, thành ra chúng tôi chỉ gửi cho những người ở trong chính quyền nhà nước. Từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi làm việc gì mà gửi cho Đảng cả. Đối với tôi Đảng không là cái gì, vì có ở bất kỳ nước nào là nước dân chủ mà đảng tham gia nắm chính quyền không? Đảng đứng đằng sau chứ, một đảng thắng, người ra làm chính quyền thì người đó đảm nhận cương vị với tư cách một người nhà nước, một người nắm luật pháp chứ đâu phải đảng đó đâu. Ông Obama không là người của đảng Dân Chủ mà ông ấy là đại diện cho cả nước Mỹ và ông ấy nắm đất nước Mỹ. Vậy tôi không quan niệm rằng Đảng ở đây có vai trò gì hết cả. Mặc dù Đảng là quyền lực tối cao nhất nhưng chúng tôi không bao giờ quan niệm là gửi cho Đảng.” (NHC) Trong một lần trả lời báo chí gần đây, Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH, người đã từng nhiều lần làm nóng hội trường Quốc Hội vì những phản biện hết sức chính xác và sắc sảo, đã bầy tỏ quan niệm của ông về “Trí Thức và Phản Biện” cũng hết sức ấn tượng: “Tôi đồng tình với GS Châu rằng “trí thức là những người hoạt động trí óc”, nhưng nói thế cô đọng quá. Tôi hiểu trí thức là những người lao động trí óc chuyên nghiệp mà sản phẩm của họ mang tính sáng tạo cao. Trí thức là người có nhận thức sâu sắc, có tư duy độc lập, sáng tạo nên thường rất nhạy cảm trước các vấn đề. Hiếm có trường hợp nào mà trong lúc xã hội, nhân dân đòi hỏi có sự phản biện, xây dựng mà trí thức không nhận ra. Trí thức càng lớn thì càng quan tâm đến các vấn đề của xã hội, càng đưa ra những ý kiến sâu sắc, xác đáng, có tác dụng thức tỉnh xã hội.” (NMT) Những gì đã diễn ra từ cuộc tham vấn của ông Đỗ Mười với 100 nhà trí thức lớn của đất nước 20 năm về trước đến những gì đang diễn ra trong những ngày này cho chúng ta thấy một thực tế không thể bác bỏ rằng, số trí thức trong nước cũng như ngoài nước dám nói thẳng, nói thật về hiện tình đất nước đã tăng lên, họ không đến nỗi cô đơn như ngày nào chỉ có Giáo Sư Sâm và Giáo Sư Minh đơn độc đưa ra những phản biện trái chiều trước các lãnh tụ cộng sản Việt Nam vốn nổi tiếng là giáo điều. Nhưng những ngày này cũng đang tồn tại một thực tế không thể bác bỏ là vẫn còn quá nhiều trí thức Việt Nam vẫn chưa có được sự tự tin cần thiết để rũ bỏ cái tư chất thần dân thâm căn cố đế, sẵn sàng trùm chăn, sắn sàng quỳ gối, khoanh tay, vâng dạ, cúi đầu trước các “Vua Tập Thể”, rồi tung hô họ bằng những sáo ngữ “muôn năm” và “đời đời”. Trí thức kiểu này, chưa hội đủ tư chất và tâm thế để vươn lên, khẳng định tư cách công dân của mình trước cộng đồng, trước xã hội. Thế nên mới có chuyện, ông này thì khẳng định: “Chưa nhất thiết phải giải thể sự lãnh đạo của Đảng”, chỉ cần Đảng nới lỏng chút xíu sợi dây xích, thì lại có những trí thức khác tự tin khẳng định tư chất ĐÔC LẬP của mình. Những trí thức tự tin này khi bị sức mạnh bạo tàn của thể chế tròng vào cổ họ một vòng dây xích, nỗi đau trong họ là nỗi đau của nhân cách bị chà đạp chứ đâu có là nỗi đau thịt da để mà van vỉ xin ông chủ nới bớt cho chúng tôi vài vòng! Để khép lại cái NỖI BUỒN MANG TÊN TRÍ THỨC này, xin được nhắc lại vài sự kiện liên quan đến thân phận và SĨ KHÍ của tầng lớp TRÍ THỨC của cả tây và ta. Đầu thế kỷ XIX không biết trí thức Nga đã trình diễn vụng dại đến thế nào mà trong thư gửi M.Goocky, Lênin lại nổi đoá lên rồi mạ lỵ họ bằng những từ ngữ hạ cấp đến thế! Cũng giai đoạn đó… trí thức Tầu có điều gì không ổn mà đến nỗi Mao phải rủa họ là “Không bằng cục phân!”. Không biết trí thức Việt Nam phạm tội tổ tông gì mà ông Trần Phú TBT đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam lại đòi phải lôi thằng “TRÍ” ra xử bắn trước khi bắn đến bọn “PHÚ – ĐỊA – HÀO” !...và hỡi ôi! Đến nay câu mai mỉa kẻ sĩ An Nam ngày nào: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo / Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi” vẫn được mọi người truyền tụng. Điều này hư thực thế nào? Câu hỏi này xin dành cho tất cả mọi người. Xuân Nhâm Thìn 2012 Nhà Báo Nguyễn Thượng Long danlambaovn.blogspot.com
|