Các nguy cơ chính trị ở Việt Nam |
Tác Giả: BBC | |||
Thứ Năm, 02 Tháng 2 Năm 2012 16:08 | |||
Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không muốn xảy ra xung đột vũ trang trên biển Theo đánh giá của phóng viên Reuters, căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông vẫn là mối nguy hiểm lớn nhất cho chính trị ở Việt Nam. Ông John Ruwitch nhận định rằng Ấn Độ dường như nay cũng bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp này, khiến nguy cơ còn bị đẩy lên cao hơn nữa. Một nguy cơ khác đe dọa ổn định là tình trạng lạm phát cao - 18,58% trong năm 2011, khiến chính phủ sẽ phải cân nhắc xem bao giờ thì mới có thể nới lỏng kiểm soát tiền tệ để khỏi ảnh hưởng tăng trưởng. Nguy cơ từ Biển Đông Reuters cho rằng về vấn đề Biển Đông, nguy cơ leo thang dù không cố ý, thậm chí đến độ thù địch, nảy sinh từ khi Việt Nam và Trung Quốc đối đầu với các cáo buộc mới hồi tháng Năm năm ngoái. Tuy nhiên, dường như độ nóng nay có giảm bớt. Cuối tháng 12, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được trông đợi sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2013, đã kêu gọi cải thiện quan hệ với Việt Nam, rằng hai bên cần xử lý thích đáng các khác biệt và xây dựng niềm tin. Giữa tháng Mười 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết bất đồng trên biển, tuy sau đó, Việt Nam cũng lại thỏa thuận với Philippines về hợp tác phi quân sự cũng tại Biển Đông. Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không muốn xảy ra xung đột vũ trang trên biển, quan trọng về cả hai mặt ngư nghiệp và tài nguyên dầu khí. Bởi vậy mà giọng điệu hai bên đều đã giảm gay gắt, nhưng dù thế nào thì chủ đề này cũng phức tạp hóa quan hệ song phương. Reuters đề cập tới sự tham gia của Ấn Độ, cho rằng điều này làm tăng nguy cơ xung đột. Bài của ông Ruwitch nhắc lại vụ tàu Ấn Độ INS Airavat khi đang chạy trong hải phận Việt Nam bị tàu Trung Quốc cảnh báo vi phạm lãnh hải Trung Quốc. Tiếp theo vụ này, là dự án thăm dò dầu khí của tập đoàn quốc doanh Ấn Độ ONGC ở Việt Nam, khiến Bắc Kinh tức giận. Reuters nhận định rằng thách thức của chính phủ Việt Nam là làm sao giữ được quân bằng cho quan hệ vô cùng quan trọng nhưng cũng rất dễ bị thương tổn với trung Quốc trong bối cảnh dư luận người dân ngày càng nghi kỵ về nước láng giềng phương Bắc. Phóng viên hãng này cũng cho rằng cần theo dõi hành động của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông, vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thái độ của các nước trong khu vực. Lạm phát và chính sách kinh tế Chuyển sang nguy cơ chính trị đến từ lĩnh vực kinh tế, Reuters nhận định là quá trình hoạch định chính sách thiếu minh bạch của Việt Nam là mối quan ngại lớn của các kinh tế gia và nhà đầu tư. Sau khi để cho giá cả leo thang chóng mặt mà không có hành động cụ thể nào trong nhiều tháng, chính phủ Việt Nam bắt đầu đưa ra một số biện pháp từ tháng Hai năm ngoái, bắt đầu bằng việc phá giá tiền đồng. Giá cả tăng khiến người dân lo lắng Một loạt các giải pháp kiềm chế lạm phát được tung ra sau đó, đáng nói đến có việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra quyết định hành chính ngăn chặn việc sử dụng đồng đôla và bắt buộc các đơn vị cho vay phải tuân th̉u quy định ngân hàng. Chính phủ cũng siết chặt chính sách tiền tệ. Các biện pháp đưa ra đã có phần nào tác dụng, cho dù giới kinh tế gia nói lạm phát sẽ vẫn còn là vấn đề trong nhiều tháng nữa. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được nhu cầu cải cách lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu công. Tuy nhiên giới chỉ trích cho rằng việc biến nhận thức thành hành động có thể gặp nhiều khó khăn vì sức ỳ của nhiều thành phần. Thêm vào đó, việc quản lý đất đai cũng đang gặp chỉ trích, nhất là trong các chính sách mạnh tay của nhà chức trách, và đang gây ra sự bất bình âm ỉ ở nông thôn. Giá đất tăng khiến nhiều vụ thu hồi đất đai bị chống đối. Phóng viên Reuters khuyến cáo theo dõi các số liệu tăng trưởng. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hồi tháng 11 năm ngoái dự đoán GDP năm 2012 sẽ tăng khoảng từ 6%-6,5% trong khi lạm phát xuống dưới 10%. Tỷ lệ lạm phát cũng là một chỉ số cần được theo dõi kỹ. Bên cạnh đó, ông Ruwitch nói cần tiếp tục xem ngân hàng nhà nước sẽ có các biện pháp cải tổ hệ thống ngân hàng trong nước, dự tính bắt đầu quý 2 năm 2012, sẽ ra sao. Một lĩnh vực rất quan trọng là tranh chấp đất đai và phản ứng của người dân. Phóng viên Reuters cho rằng đây có thể là chủ đề rất đau đầu cho giới chức.
|