Home Tin Tức Bình Luận Ðiện nguyên tử: Ngại, nhưng không thể bỏ

Ðiện nguyên tử: Ngại, nhưng không thể bỏ PDF Print E-mail
Tác Giả: HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt   
Thứ Tư, 18 Tháng 5 Năm 2011 20:55

Nhiệt lượng sinh ra qua phản ứng phá vỡ các nhân nguyên tử đã bắt đầu được ứng dụng cho các nhà máy phát điện từ thập niên 1960.

Hiện nay khoảng 13% điện lực trên thế giới do những nhà máy này sản xuất và Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản chiếm 50% trong số đó.

 
Nhà máy điện nguyên tử Susquehanna tại Pennsylvania có hai lò phản ứng hạt nhân với hệ thống phát điện cùng loại như nhà máy Fukushima ở Nhật Bản, vẫn hoạt động bình thường từ gần 30 năm nay. (Hình: Wikipedia)

 
Lò phản ứng phát điện đầu tiên được thử năm 1951 ở Idaho, Hoa Kỳ. Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên là ở Obninsk, Liên Xô, năm 1954.

Nhưng nhà máy phát điện nguyên tử có giá trị thương mại đầu tiên là Calder Hall ở Anh năm 1956.

 Hiện nay trên thế giới có 441 nhà máy điện đã hoạt động ở 30 quốc gia. Khoảng gần 20 quốc gia khác có kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử, trong số đó Việt Nam dự định lập 4 nhà máy.

Do tai nạn gây ra bởi trận động đất và sóng thần ở nhà máy điện Fukushima I vừa qua, người ta đã đặt lại vấn đề có nên tiếp tục dùng đến loại năng lượng này hay không. Nhưng những tranh cãi chưa dứt hay chẳng bao giờ dứt sẽ không thể nào đem đến một kết luận chắc chắn, vì vấn đề còn tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu và nhiều yếu tố thực tế khác mang tính cách quyết định.

Nhật Bản và Ðức là hai nước đã giới hạn hay tiết giảm dần dần sự lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

 Những quốc gia kỹ nghệ phát triển khác bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp chưa công khai đề ra một chính sách dứt khoát. Còn những quốc gia đang trên đường phát triển như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Mexico, Iran thì không thay đổi các dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử và còn có kế hoạch phát triển thêm những nhà máy mới.

Theo AP thì trong số khoảng 30 quốc gia có kế hoạch phát triển điện nguyên tử, hầu hết vẫn tiếp tục cổ vũ việc sử dụng nguồn năng lượng được coi là bền vững, rẻ tiền không gây ô nhiễm và tác động ảnh hưởng đến môi trường và khí hậu.

 Tranh luận về vấn đề sử dụng năng lượng nguyên tử đã từng lên tới cao điểm trong thập niên 1970-1980. Hai phía bênh và chống đều viện dẫn những yếu tố về an toàn, kinh tế, tác động trực tiếp và hậu quả lâu dài để biện minh cho lập trường của mình.

Theo giải thích của phía bênh vực, nguyên tử lực là một nguồn năng lượng lâu bền không tới lúc sẽ cạn kiệt như than đá, dầu lửa và không gây ô nhiễm không khí với khí thải carbonic.

Theo họ đây là loại năng lượng duy nhất giúp cho nhiều quốc gia Tây phương thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp phải tìm từ nước ngoài.

Với kỹ thuật tiến bộ áp dụng cho các lò phản ứng, hiểm họa xảy ra tai nạn chỉ rất nhỏ và tính theo xác suất các nhà máy điện nguyên tử còn an toàn hơn những nhà máy nhiệt điện hay thủy điện.

Những người chống đối cho rằng có nhiều nguy hiểm với dân chúng và tai hại cho môi trường. Những rủi ro bao gồm từ khai thác đến chế hóa nguyên liệu, chuyên chở, tàng trữ và xử lý chất thải; các lò phản ứng hạt nhân là những hệ thống phức tạp mà nhiều trục trặc và tai nạn bất ngờ có thể xảy ra, không thể nào bảo đảm an toàn dù cho tiến bộ về trình độ kỹ thuật sẽ tới mức nào.

Họ cũng lập luận rằng chưa chắc đã giảm thiểu được tổng số lượng khí carbonic sinh ra, nếu xét qua toàn bộ quy trình sử dụng năng lượng nguyên tử từ khai thác uranium đến khi chấm dứt hoạt động của một nhà máy điện và giải trừ hết tàn dư chất phóng xạ.

Tuy nhiên sau một số tai nạn, nặng nề nhất là vụ nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine năm 1986 và nhẹ hơn trước đó ở nhà máy điện Three Mile Island, Pennsylvania, năm 1979, nhiều quốc gia đã tạm ngưng việc xây dựng thêm các nhà máy điện nguyên tử.

Chỉ tới đầu thiên kỷ này, năng lượng nguyên tử mới được “hồi sinh” và được coi là một nguồn năng lượng thiết yếu để cân bằng nhu cầu và sự lệ thuộc vào những nguồn năng lượng khác.

Trung Quốc hiện nay có 13 lò phản ứng hạt nhân đã hoạt động, đang và sẽ xây dựng thêm ít nhất 25 lò phản ứng mới.

Năng lực nguyên tử là thiết yếu cho nền kinh tế lớn mạnh cùng với mức tiêu thụ điện lực của dân chúng đang tăng nhanh, đồng thời để thay thế các nhà máy nhiệt điện dùng than đá gây ô nhiễm không khí và giảm bớt lệ thuộc vào nhập cảng dầu khí.

 Nhà chức trách Trung Quốc nói rằng đã nghiên cứu và rút kinh nghiệm về tai nạn xảy ra ở Nhật Bản để bảo đảm là những nhà máy điện nguyên tử của họ sẽ hết sức an toàn.

Một trong những quy định đã được ban hành là không một nhà máy nào có thể thiếu bức tường vững chắc bao bọc và hệ thống điện dự phòng, hai thiếu sót chính đã đưa đến sự trục trặc của hệ thống làm nguội gây nên vụ khủng hoảng ở nhà máy Fukushima Dai Ichi.

“Nhiều người cho rằng tai nạn ở Nhật Bản là không thể tránh. Nhưng nếu biết củng cố hệ thống an toàn và có những quy định chặt chẽ thì mọi chuyện đều có thể nằm trong tầm kiểm soát,” Ravi Krishnaswamy, chuyên gia năng lượng nguyên tử của hãng tư vấn Frost & Sullivan tại Singapore, nhận định như thế.

Theo ông, nhiều quốc gia bắt buộc phải tìm cách tránh sự lệ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng duy nhất.

Một ủy ban tư vấn về khí hậu cho chính phủ Anh cũng cho rằng cần tăng đầu tư, chứ không phải giảm, vào việc sử dụng năng lực nguyên tử, vì đây là nguồn năng lực có hiệu quả kinh tế nhất cho việc tiết giảm khí thải.

Bộ Trưởng Năng Lượng Pháp Eric Besson nói rằng nguyên tử lực vẫn là “một trong những nguồn năng lượng căn bản cho Âu Châu và thế giới thế kỷ 21.”

Lập luận mạnh mẽ bênh vực ấy không có gì đáng ngạc nhiên vì 70% điện lực của Pháp do các nhà máy nguyên tử sản xuất, tỷ lệ cao nhất thế giới, và Pháp còn có dư điện để bán cho nhiều nước Âu Châu.

Nhưng Ðức có một chủ trương ngược lại. Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên gặp tai nạn là Greifswald ở Ðông Ðức năm 1975 do lỗi lầm của nhân viên điều hành.

Tâm lý dân chúng Ðức thể hiện qua các thăm dò dư luận và những kỳ bầu cử cho thấy đa số không tán thành dùng nguyên tử lực.

Chính quyền Ðức đã có kế hoạch chấm dứt sản xuất điện bằng nguyên tử năng trong vòng 25 năm nữa và bây giờ có thể tìm cách đạt tới mục tiêu năm 2020. Thủ Tướng Angela Merkel trước đây là người ủng hộ sử dụng nguyên tử lực, nay nói rằng tai nạn Fukushima đã làm bà thay đổi quan điểm.

Các nhà máy nguyên tử đến nay cung cấp 30% điện lực cho Nhật Bản và không ai nghi ngờ là dân tộc này thiếu kỷ luật và không tuân hành chặt chẽ những quy định an toàn.

 Nhưng tai nạn khó có thể dự đoán đề phòng đủ mọi trường hợp bất ngờ đã khiến dân chúng mất sự tin tưởng và Thủ Tướng Nato Kan hôm 10 tháng 5 đã tuyên bố hủy bỏ kế hoạch nâng tỷ lệ điện lực sản xuất bằng nguyên tử năng lên 50% năm 2030.

Ðây sẽ là một khó khăn lớn cho Nhật, một nước không có nhiều tài nguyên dầu khí và như vậy trong tương lai chỉ có thể tìm cách phát triển sử dụng năng lực gió và ánh sáng mặt trời. Trước mắt, tình trạng ấy sẽ tạo nên áp lực trong việc cung ứng dầu khí cho Nhật cũng như toàn thế giới và tác động ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.

Chính quyền Obama trước đây đã coi việc sử dụng nhiều loại năng lượng khác nhau, là đường hướng để giải quyết sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào nguồn dầu lửa ngoại quốc.

Nữ phát ngôn viên bộ Năng Lượng Mueller tuyên bố chính sách “đa dạng hóa năng lượng” bao gồm nguyên tử lực, sức gió, năng lượng mặt trời vẫn là ưu tiên hiện nay. Các nhà máy nguyên tử sản xuất 20% điện lực tiêu thụ tại Hoa Kỳ.

Tai nạn Nhật Bản phần nào có tác động qua việc NRG Energy, một công ty ở New Jersey hủy bỏ dự án đầu tư $481 triệu xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử tại Texas.

Tuy nhiên kết quả thanh tra toàn bộ 104 nhà máy điện nguyên tử hiện hữu của Ủy Ban Giám Ðịnh Nguyên Tử Hoa Kỳ không cho thấy có thiếu sót gì đáng lo ngại. Ủy ban cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ và rút kinh nghiệm ở Nhật Bản nhưng đồng thời theo lời Chủ Tịch Gregory Jaczko vẫn cứu xét các hồ sơ mới nạp xin lập thêm 12 nhà máy điện nguyên tử.

Samuels và Granger Morgan, hai chuyên gia tại Ðại Học Carnegie Mellon, dự đoán là vụ khủng hoảng Fukushima có thể làm chậm lại chứ không làm ngưng hẳn sự phát triển sử dụng nguyên tử lực. (HC)