Vết thương chưa lành sau 36 năm |
Tác Giả: Thanh Quang, phóng viên RFA | |||
Thứ Năm, 05 Tháng 5 Năm 2011 10:24 | |||
Sau 36 năm, sự chia rẽ Bắc Nam vẫn còn đó, dai dẳng, nặng nề”. Trong những ngày qua, có lẽ một trong những câu nói mà người Việt chúng ta, dù trong hay ngoài nước, thường thốt lên là “thấm thoát mà đã 36 năm rồi kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975”. "Hòa hợp hòa giải" AFP photo /Dinh độc lập chụp tháng 6/1975 Vâng, thời gian qua mau. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chuyện “bóng câu qua cửa”, mà – nói theo lời blogger Bùi Tín từ Paris – “36 năm đã qua kể từ ngày 30 tháng Tư 1975, ý nghĩa thật sự của ngày lịch sử này vẫn còn là vấn đề tranh luận… Sau 36 năm vẫn còn những suy nghĩ và tình cảm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau… Sau 36 năm, sự chia rẽ Bắc Nam vẫn còn đó, dai dẳng, nặng nề”. Và tác giả Xích Tử cũng khó tránh khỏi những tâm trạng và nỗi niềm như vậy khi thời điểm lịch sử này lại đến. Nhiều trang mạng nhật ký, kể cả Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN, phổ biến bài của Xích Tử tựa đề “Vui và Buồn ngày 30 tháng Tư”, mở đầu đề cập tới phía “hưởng hương hoa của cuộc chiến thắng” lại “cờ xí ngợp trời, khí thế chiến thắng hừng hực, nhạc chiến đấu giải phóng miền Nam được phát lên theo từng cuộc gọi trên những chiếc điện thoại di động được cài đặt miễn phí hoặc giá khuyến mãi cho ‘cuộc vui’ dân tộc”. "Trên các trang mạng và một vài tờ báo trong nước, người ta lại sử dụng cụm từ “hoà hợp hoà giải” để cố gắng cho một xúc cảm tập thể hoặc để chứng tỏ còn nhớ món nợ lịch sử và biết suy tư thời cuộc, quan tâm đến đại mệnh dân tộc sau cuộc tang thương. Vài năm gần đây, sau khi ông Võ Văn Kiệt qua đời, người ta lại hay dùng hình ảnh của ông để làm giá đỡ cho những phát biểu đầy suy tư và trách nhiệm đó. Câu nói có ý nghĩa dàn hòa về triệu người vui và triệu người buồn trở thành phù chú để vớt vát tính chất cần thiết, phổ quát, chính nghĩa và chính thống của hoà hợp hoà giải ở buổi muộn màng. Nhưng ai cũng biết rằng cuộc hoà hợp hoà giải đúng ra là không được muộn, không có chuyện muộn. Nếu đó là chuyện tất yếu xét về giải pháp lịch sử cũng như truyền thống dân tộc thì nó phải xảy ra tức thì, sau thời điểm kết thúc chiến tranh, với những bước đi nào đó phù hợp và có hứa hẹn cho sự hoàn tất triệt để, để không bao giờ muộn cả. Còn khi đã có chuyện muộn thì sẽ không bao giờ có hoà hợp hoà giải bình thường, trọn vẹn ngoài những phát ngôn tự lừa mị, những cảnh diễn trò, đóng kịch có thể che đậy cho những toan tính đầu cơ lịch sử vì những lợi ích tập thể hoặc lợi ích của từng cá nhân trong ván bài đổi mới đến hồi đục nước. Bắc - Nam chung số phận Quân giải phóng chiếm SG sau 30/4/1975 đang diễu hành trên phố. AFP photo Blogger Nguyễn Văn Tuấn xem chừng như cũng trĩu nặng tâm trạng chung “thấm thoát mà đã 36 năm” ấy, với nhận xét: "Ngày 30/4 thường được nhắc đến như là một “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng miền Nam”. Đứng trên quan điểm kẻ thắng người thua, thì chắc cũng có lí do để gọi đó là ngày chiến thắng. Nhưng thử hỏi với cả 4 triệu (?) người phải bỏ mạng trong cuộc chiến đó, cộng thêm hàng trăm ngàn bỏ mạng trên biển, và 3 triệu người lưu vong, thì chiến thắng đó có vẻ vang không? Chẳng lẽ ăn mừng chiến thắng trên xác người? Còn giải phóng thì có nghĩa là giải phóng từ nô lệ, gông cùm của bọn đế quốc, nhưng trong thực tế ngày xưa đâu có nô lệ, và bọn đế quốc Mĩ cũng đâu có gông cùm gì; chúng vẫn phát triển giáo dục tốt, hệ thống y tế tốt, kinh tế gia đình khá no ấm, học trò lễ phép, báo chí nói khá thoải mái (diễu cợt ông Thiệu, ông Kỳ liên miên). Do đó, hai chữ “giải phóng” e rằng không thích hợp với thực tế của những con số vừa trình bày. Hóa ra, thời trước 1975 cũng không đến nỗi tệ, nếu không muốn nói là có nhiều khía cạnh tốt hơn hẳn ngày nay." Qua bài tựa đề “Ngày 30 tháng Tư”, blogger Bùi Tín lưu ý rằng tuy có kẻ thắng người thua trong cuộc chiến VN vừa qua, nhưng “thật ra người thật sự thua, thật sự thất bại là nhân dân, là nhân dân cả 2 miền. Con em nhân dân 2 miền chết trận hàng mấy triệu trên chiến trường, nhân dân 2 miền chết vì bom đạn cũng hàng triệu khắp cả nước”. Blogger Bùi Tín cho biết tiếp: "Thất bại lớn nhất trong ngày 30-4-1975 là không thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc, vì đảng Cộng sản Việt Nam đã ‘ăn quỵt’ lời hứa danh dự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Thay vào đó đảng Cộng sản đã thực hiện trên thực tế chính sách chiếm đóng miền Nam, trả thù Việt nam Cộng hòa bằng tù đầy trong hàng trăm trại tù thảm khốc mang tên ‘trại cải tạo’. “...nhân dân cả 2 miền Bắc và Nam đều chung một số phận bị tước quyền tự do, bị mất quyền công dân, đều như bơ vơ trên đất nước mình, chung một đối tượng đấu tranh là ách thống trị của đảng Cộng sản, cụ thể là của Bộ Chính trị... / Blogger Bùi Tín Trong chiến tranh và sau chiến tranh, đảng Cộng sản đã thực hiện nền chuyên chính vô sản, thực tế là nền chuyên chính của đảng Cộng sản, nền chuyên chính của Bộ Chính trị áp đặt lên miền Bắc rồi lên toàn bộ đất nước sau ngày 30-4-1975. Điều ngày càng rõ ràng là nhân dân cả 2 miền Bắc và Nam đều chung một số phận bị tước quyền tự do, bị mất quyền công dân, đều như bơ vơ trên đất nước mình, ngày càng hiểu nhau, thương yêu đùm bọc nhau, chung một đối tượng đấu tranh là ách thống trị của đảng Cộng sản, cụ thể là của Bộ Chính trị (mà ông nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gọi là Vua tập thể 14 vị ), chung một đòi hỏi là thay đổi hệ thống cai trị sang đa nguyên đa đảng, sang nền pháp trị nghiêm minh, sang một xã hội công dân thật sự trong toàn quốc." Phe "thắng" - phe "thua" Vũ khí vứt đầy đường phố SG hôm 27/5/1975. AFP photo Tình trạng - như blogger Bùi Tín lưu ý rằng “đảng Cộng sản đã thực hiện trên thực tế chính sách chiếm đóng miền Nam, trả thù Việt nam Cộng hòa bằng tù đầy trong hàng trăm trại tù thảm khốc mang tên ‘trại cải tạo’ ” - khiến người ta liên tưởng đến một sự tương phản rõ rệt trong cách cư xử của phe thắng trận trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, qua đó, quân đội Miền Bắc do tướng Ulysses S. Grant lãnh đạo không hề trả thù quân đội chiến bại Miền Nam do tướng Robert Lee chỉ huy. Sau khi tướng Lee ký kết những điều kiện đầu hàng với tướng Grant vào ngày 9 tháng Tư năm 1865 tại Appamatox Court House ở tiểu bang Virginia sau 4 năm diễn ra cảnh “núi xương, sông máu”, người Mỹ đã nhanh chóng hoà giải thực sự, phe chiến thắng và phe chiến bại đều thực lòng tương kính, thực sự phục hồi tình tự dân tộc, hoàn toàn không có cảnh “đánh cho nguỵ nhào”. Về vấn đề này, blog Hoàng Quang có phổ biến bài so sánh “Tháng Tư , 1865 – Tháng Tư, 1975” của 2 tác giả Phan Quang Tuệ và Đỗ Thái Nhiên, với những đoạn như sau: "Sau 04/1865, quân Bắc Mỹ không hề trả thù quân Nam Mỹ. Tất cả hình thức ăn mừng chiến thắng đều bị ngăn cấm… Sau 04/1975, CSVN ra lệnh mang ra chợ xử bắn những quân cán chính nào của VNCH mà Hà Nội gán cho danh hiệu “ác ôn”. Mặt khác, tất cả thương bệnh binh của VNCH lập tức bị đuổi ra khỏi toàn bộ hệ thống quân y viện của Miền Nam Việt Nam. Đó là lý do giải thích tại sao những ngày đầu tháng 05/1975 vô số thương binh VNCH, kể cả những thương binh vết thương còn mới nguyên, lê lết khắp phố chợ làng quê… Không một người lính nào trong quân đội Nam Mỹ bị bắt giam như những tù binh. Ngược lại, tại Việt Nam 04/1975, CSVN bắt giam nhiều trăm ngàn quân nhân từ tướng đến binh của VNCH. Hành động bắt giam này được thực hiện bằng lời kêu gọi mang theo mười ngày lương thực nhằm tạo cho “nạn nhân” hiểu lầm là họ chỉ đi “học tập cải tạo” mười ngày. Trong thực tế 10 ngày có nghĩa là một hai thập niên tù khổ sai. Tháng 04/1865 quân Bắc Mỹ chỉ tịch thu vũ khí cộng đồng, họ cho phép quan, quân miền Nam giữ lấy ngựa và vũ khí cá nhân như những tài sản riêng. Tháng 04/1975 nhà cửa, xe cộ của sĩ quan cao cấp của VNCH bị tịch thu, vợ con của quân nhân các cấp bị mất việc làm, bị đuổi đi kinh tế mới…;đánh tư sản mại bản, đánh công thương kỹ nghệ gia, đánh tiểu thương, đánh văn nghệ sĩ, đánh tu sĩ các tôn giáo. Nói chung, tháng 04/1975 là ngày ghi dấu toàn bộ xã hội miền Nam Việt Nam biến thành địa ngục trần gian." Và bài viết nêu lên câu hỏi rằng tại sao cùng là con người mà người Mỹ đối xử với người Mỹ khác hẳn CSVN đối xử với người Việt Nam? Phải chăng văn hóa Mỹ khác với văn hóa Cộng Sản? Thực trạng và tương lai đất nước Nhiều trang mạng nhật ký, từ blog Bô-xit VN cho tới blog Hoàng Quang, cũng vừa phổ biến bài của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tựa đề “Thực trạng đất nước và những vấn đề nổi cộm trước mắt”, qua đó ông lưu ý: "Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã hơn 30 năm. Trong thời gian ấy các nước xung quanh ta phát triển rất mạnh và phồn vinh, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, v.v.…Cùng trong bối cảnh quốc tế ấy, nước ta vẫn tụt hậu xa so với các nước xung quanh. Không những thế, tình hình nước ta còn rất nhiều điều đáng lo ngại và bức xúc." Sau khi dẫn chứng những “điều lo ngại và bức xúc” ấy, từ tình trạng “thu hút đầu tư địa ốc quá nhiều,…nhiều khu đô thị quá nóng, mở hàng trăm sân gôn nên mất rất nhiều ruộng đất” dẫn tới “nguy cơ mất an ninh lương thực”; tình trạng “cho thuê hàng ngàn hecta rừng ven biên giới hàng 50 năm” rồi “lâm tặc và đầu nậu gỗ phá rừng vô tội vạ” khiến “tai hoạ sẽ còn thảm khốc” cho tới mối quan hệ Việt-Trung, qua đó, TQ “luôn nhắc ’16 chữ (vàng) và ‘4 tốt’ giả dối, nói trăm lời ‘hữu hảo, nhưng không ngừng lấn át, đe dọa và triển khai nhiều hoạt động thâm hiểm đối với ta”. Theo tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì “Tất cả tình hình trên đây cho thấy nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành một chư hầu hoặc thuộc địa kiểu mới của TQ, không chóng thì chày”. Và vị tướng có tâm huyết với đất nước này cũng không quên nhấn mạnh – nguyên văn – rằng “Các mặt tình hình trên đây, nói thẳng ra, là hậu quả của 10 năm lãnh đạo của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và 5 năm điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
|