Tại sao người Anh cuồng nhiệt với đám cưới hoàng gia? |
Tác Giả: Lê Hải / RFI | |||
Thứ Bảy, 30 Tháng 4 Năm 2011 20:18 | |||
Tại vì đó là cơ hội để họ bộc lộ bản sắc Anh. Hàng chục ngàn người cắm trại qua đêm dọc con đường hoàng gia không chỉ để xem váy cưới cô dâu mà còn chào đón gia đình hoàng gia với rừng cờ Union Jack. Hàng trăm ngàn người đổ về Hyde Park không chỉ để mở tiệc ngoài trời mà còn bùng nổ trong không khí lễ hội quốc gia. Nhiều gia đình và địa phương treo cờ và hàng ngàn điểm vui chơi tập thể được tổ chức như buổi picnic trong sân trường đại học St Andrew nơi đôi tình nhân xứng đôi vừa lứa đã gặp và yêu nhau. Công chúng chào mừng cặp vợ chồng mới cưới, xuất hiện trên ban công lâu đài Buckingham, 29/4/2011. Không chỉ trên 500 phóng viên và 100 máy quay của đài truyền hình Anh BBC tường thuật trực tiếp miễn phí cho khán giả toàn thế giới xem sự kiện này, mà ngay cả các đài Mỹ như CNN cũng cử đến 400 nhà báo và chuyên viên kỹ thuật tham gia đội quân truyền thông cắm trại ngay trước cửa cung điện Buckingham để liên tục bình luận đủ mọi góc cạnh. Cầu nối truyền thông Từ đám cưới hoàng gia năm 1923, người ta đã thấy máy quay phim ghi lại những gì diễn ra bên trong cung điện cho dân chúng bên ngoài có thể ngắm nhìn trên màn ảnh rạp chiếu phim. Đám cưới công nương Dinana năm 1981 thực sự là cơn bùng nổ của truyền thông toàn cầu và đám cưới Kate-William lần này là sự kiện thế kỷ cho ngành truyền thông toàn cầu với 2 tỷ người xem truyền hình trực tiếp, không chỉ qua hệ thống TV toàn cầu mà cả Internet và các phương tiện multimedia khác, đặc biệt là Youtube và mạng xã hội Twitter. Hoàng gia Anh có thể nói là chuyên gia hàng đầu thế giới về kỹ năng PR để thu hút dân chúng. Hoàng tử William và Catherine đã dành cho công chúng Anh cùng truyền hình thêm một bất ngờ, khi vào buổi chiều họ rời cung điện Buckingham để về nhà Clarence House trên chiếc xe mui trần Aston Marlin treo đầy bong bóng, chàng chở nàng chầm chậm vẫy tay, trên đầu là trực thăng tuần tra biển của chàng dẫn đường. Đám cưới cũng là cuộc diễu hành của những chiếc Roll Royce từ lâu đã thành biểu tượng của nước Anh. Và truyền thông cũng rất cần đến sự kiện đám cưới hoàng gia để giữ chân khán giả. Câu chuyện một cô gái bình thường cưới một chàng hoàng tử đủ để làm xiêu lòng bất kỳ khán giả truyền hình khó tính nào. Huống hồ chi đây không phải là một bộ phim dàn dựng, mà là một câu chuyện thực, một live-show đang từng phút từng giờ diễn ra ở London, tâm điểm của thế giới một thời. Các đài truyền hình Anh, đặc biệt là BBC, thì tận dụng cơ hội này để nối kết người dân Anh không chỉ từ khắp mọi vùng miền mà còn cả các nơi trên thế giới, không chỉ các vùng đất có liên kết lâu đời như nước Úc, mà cả Việt Nam nữa, như bức hình hai người Anh ở Đà Nẵng mặc áo chẽn cờ Anh chạy xe Wave mừng đám cưới hoàng gia. Câu chuyện lịch sử này sẽ còn tiếp tục được các đài truyền hình, các tờ báo, các trang mạng bàn tán thêm hàng chục năm nữa. Biểu tượng dân tộc Khi cánh cửa ban công cung điện Buckingham mở ra, công nương Catherine vô cùng bất ngờ khi thấy có đến cả ngàn người tràn ngập phía trước, với biểu ngữ chúc mừng đám cưới và cờ Vương quốc Anh. Phu quân của cô, hoàng tử William là nhân vật số 2 sau thái tử Charles lên kế vị ngai vàng của nữ hoàng. Khi nói đến bản sắc dân tộc thì người ta luôn coi hoàng gia là biểu tượng kết nối mạnh nhất của dân Anh. Con số thường dân đổ về dự lễ hội một lần nữa chứng minh cho điều đó. Đám cưới hoàng gia là một nghi lễ - rites de passage, nối kết không chỉ dân tộc Anh mà còn để khẳng định vị trí của nước Anh trên trường quốc tế, như giới elite vẫn luôn nghĩ. Từng tượng đài, cột điện dọc con đường lễ hội được lau chùi dọn dẹp sạch sẽ suốt nhiều tháng qua. Những chiếc xe hoàng gia không một tỳ vết, như là kỷ luật hàng hải từng làm nên đế quốc Anh, mà có một thời mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ. Cây xanh được đem vào bên trong nhà thờ cũng phần nào thể hiện cá tính thích làm vườn của người Anh. Và những bài thánh ca có lẽ là đỉnh cao của sự lựa chọn. Cô dâu bước vào thánh đường trong tâm trạng hạnh phúc như trong bài nhạc nền "I was Glad" của Parry. Tiếp theo là hành khúc xứ Wales "Guide me", "O Thou Great Redeemer". Và trong giây phút đôi vợ chồng mới cưới cầu nguyện trước Chúa và thánh thần thì họ đã chọn bài nhạc vừa mới nghe trình diễn lần đầu tiên trong buổi lễ truyền thống khi về trường cũ. Et ex corde diligamus nos sincero – Đôi ta hãy yêu nhau bằng con tim chân thật. Lời bài nhạc cũng nói lên ý nguyện của William muốn và đang tiếp tục con đường làm việc thiện nguyện của mẹ - công nương Diana. Ubi caritas et amor, Deus ibi est – Nơi nào có tình thương và tình yêu, nơi đó Chúa hiện hữu. Ngày kết hôn cũng là ngày lễ thánh Caterina xứ Sienna, vị nữ thánh có công thống nhất các thị quốc nước Ý và đưa giáo hoàng về lại Roma. Hôn lễ hoàng gia không đơn giản là một đám cưới giữa đôi trai tài gái sắc, mà còn là nghi lễ và biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc cho người Anh. Và bản thánh ca Jerusalem tức cũng là hành khúc xứ England đã được dùng thể hiện niềm hân hoan của đôi vợ chồng trẻ. Không chỉ dàn đồng ca, mà tất cả 2.000 người có mặt trong thánh đường đều cùng hòa lời ca hướng về tương lai. Như lời giám mục Luân Đôn nói với Catherine và William, ngày đám cưới cũng là ngày của hi vọng, chung sống tạo tương lai. Ubi caritas. Xin chúc hoàng tử William và công nương Catherine hạnh phúc trong tình thương yêu của người dân Anh và fan hâm mộ trên toàn thế giới.
|