Home Tin Tức Bình Luận Tranh đấu Dân chủ và vai trò Người Việt Hải ngoại

Tranh đấu Dân chủ và vai trò Người Việt Hải ngoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn văn Trần   
Thứ Sáu, 29 Tháng 4 Năm 2011 20:31

          Hiện tượng Cộng sản nắm quyền cai trị ở Việt Nam, trên phân nửa nước rồi trên cả nước là một tai nạn lịch sử làm tắt nghẽn sự tiến hóa xã hội.

Người Việt trong và ngoài nước tranh đấu chấm dứt sự cai trị của Cộng sản là để khai thông những tắt nghẽn nhằm làm cho xã hội nảy nở và vươn lên với thời đại. Công cuộc tranh đấu ngày càng vững vàng, trong ngoài không nhứt thiết phải giống nhau nhưng đều nhằm cho một mục tiêu là Việt Nam phải có một chế độ dân chủ tự do thật sự.

         Mọi người đều thấy chế độ Cộng sản độc tài tồn tại đến ngày nay là đã quá đủ rồi!

         1/ Người Việt Hải ngoại và Việt kiều:

        Ngày nay, Người Việt Hải ngoại gồm vào khoảng 3 triệu người sanh sống trên 90 quốc gia tập trung đông đảo ở Bắc Mỹ, Âu châu và Úc Châu. Họ đến phần lớn từ sau biến cố 30/4/75. Khi chúng ta tính người Việt hải ngoại có 3 triệu người thì phải nhớ đã có hàng triệu người cũng ra đi cùng thời điểm ấy nhưng bất hạnh không đến được bờ tự do!

         Trong số 3 triệu Người Việt Hải ngoại có một thiểu số đang sanh sống ở hải ngoại nhưng không thể gọi chung họ là Người Việt Hải ngoại được, bởi vì sự có mặt của họ ở đây không cùng một lý do và một hoàn cảnh lịch sử giống như phần lớn những người kia. Rõ nhứt về lý lịch, họ là công dân của nhà cầm quyền Hà nội, hoặc chính họ tự xác nhận quan hệ của họ với Hà nội trên cùng quan điểm chánh trị xã hội chủ nghĩa nên thành phần nầy được nhận diện là Việt kiều.

         Sự phân biệt tách bạch giữa Người Việt Hải ngoại và Việt kiều chỉ cần căn cứ trên một điểm duy nhứt, đó là Người Việt Hải ngoại không chấp nhận chế độ cộng sản độc tài ở Việt Nam ngày nay!

         Về nguồn gốc, Người Việt Hải ngoại không cùng nguồn gốc với cộng sản Hà nội và Việt kiều, bởi khi cộng sản tới chúng ta liều thân bỏ nước ra đi. Từ giữa thế kỷ qua, chúng ta đã một lần bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, để thoát khỏi vùng bị cộng sản tạm chiếm. Năm 1954, chúng ta đã rời bỏ miền Bắc chạy vào Nam. Năm 1975, chúng ta bỏ cả đất nước để bảo vệ cái không chung nguồn gốc với người cộng sản một lần nữa. Đó là cái còn của chúng ta và hôm nay giữ được là nhờ sanh sống ở hải ngoại. Cái còn ấy là văn hóa chánh trị dân chủ tự do. Cái mầm văn hóa này được cấy lại trên mảnh đất tự do nay nó nảy nở giúp cho 3 triệu Người Việt Hải ngoại phát triển với những thành tựu vẻ vang về nhiều mặt. Hằng năm, Người Việt Hải ngoại gởi về Việt Nam giúp thân nhơn, đi về du lịch.. một số tiền lên đến hơn 4 tỉ mỹ kim/năm.

        Với một dân số 3 triệu người, với sự giàu có, sự hiểu biết, với nền văn hóa Việt Nam không mang chất xã hội chủ nghĩa, với thực tế sanh sống trên nhiều vùng đất, với cờ vàng làm biểu tượng của sắc tộc Việt Nam, chúng ta có thể tự xác định chúng ta là một Việt Nam Hải ngoại. Khi xác định như vậy, chúng ta đã long trọng tuyên bố một nước Việt Nam Hải ngoại của chúng ta. Như Đài loan đối với Trung cộng về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Hơn nữa, về mặt pháp lý quốc tế, chúng ta còn có quyền dân tộc tự quyết, được ghi rõ trong hai Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh và tái lập hoà bình cho Việt Nam, năm 1954 và năm 1973. Sự xác định nầy sẽ cho chúng ta, trong sự quan hệ với nhà cầm quyền ở Việt Nam ngày nay, một cách ứng xử tự chủ và tự trọng...

         Sanh sống ở hải ngoại nhưng chúng ta vẫn đặc biệt thường xuyên quan tâm đến đời sống của bà con, bạn bè tại Việt Nam đang sống dưới chế độ độc tài toàn trị, nên chúng ta từ ba mươi năm nay, không ngừng nỗ lực tranh đấu để Việt Nam có được một chế độ dân chủ tự do. Thành tựu hùng hồn nhứt, và gần đây hơn hết, là ở trên 90 thành phố và tiểu bang của Huê kỳ, cờ vàng của người Việt hải ngoại được chánh thức thừa nhận. Nhiều chánh quyền địa phương ở Úc và Canada cũng nhìn nhận cờ vàng của cộng đồng trong các dịp lễ lộc. Nhờ sự vận động của người Việt hải ngoại ở Huê kỳ, Quốc hội Huê kỳ thông qua nhiều dự luật về nhơn quyến để áp dụng đối với Việt Nam. Huê kỳ đã nhiều lần ghi Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần theo dõi”. Người Việt Hải ngoại luôn luôn theo đuổi những hoạt động tranh đấu về nhơn quyền để được sự yểm trợ của mọi người, để làm áp lực lên nhà cầm quyền Hà nội phải thay đổi chế độ.

         Bởi ở Việt Nam ngày nay, nhà cầm quyền cộng sản có nới lỏng trên một vài lãnh vực là nhờ sự tranh đấu của người Việt hải ngoại. Nếu không có áp lực của khối Người Việt Hải ngoại thì chắc chắn việt cộng đã không có những chánh sách Việt kiều hoa mỹ như “khúc ruột ngàn dặm” hay “Xóa bỏ hận thù, quên đi quá khứ” đối với chúng ta. Tức ý muốn nói “đã không giết được thì tha làm phước”.

         2/ Nhìn chung về tình hình chống đối ở Việt Nam:

        Sau chiến tranh lạnh chấm dứt, Việt Nam bị ảnh hưởng sức ép của Huê kỳ và Âu châu về Nhơn quyền. Nhờ gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Asean) và nhứt là mối quan hệ với Tàu, Việt Nam cực lực chống đỡ để duy trì chế độ độc tài, nên chỉ cải tổ kinh tế vừa đủ để làm diụ những căng thẳng xã hội.

         Tình trạng xã hội căng thẳng không phải ở ngày nay, mà ngay từ sau khi Việt Nam thống nhứt. Trong hàng ngũ đảng viên đã xuất hiện những bất mãn chống đối chánh sách của đảng cộng sản. Sự chống đối ngày càng lan rộng hơn và rõ nét hơn như ngày nay chúng ta đã nhận thấy. Những hiện tượng chống đối ở Việt Nam xuất phát ở một số cá nhơn bất mãn thừơng bị nhà cầm quyền dập tắt. Sự chống đối ôn hòa hay bày tỏ chánh kiến về đường lối cai trị của Chánh quyền vẫn không được luật pháp nhìn nhận. Nên chưa có thể cho rằng ở Việt Nam, ngày nay có đối lập.

         2.1/ Đặc tính chung của chống đối phản kháng ở Việt Nam:

        Nhìn chung những người chống đối ở Việt Nam cho tới nay chưa đông đảo nên chưa đủ để trở thành một lực lượng. Họ còn rời rạc. Về những yêu sách đưa ra, những phê phán chánh sách của Đảng cũng không thống nhứt. Có những người chống đối chế độ nhưng vẫn phải ca ngợi công lao của Đảng, nhứt là công lao của Đảng đã lãnh đạo thành công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua. Phải chăng họ phải ca ngợi công lao của đảng để đồng thời nhắc lại công lao của chính họ nữa? Không khác gì hơn, một cách khéo léo, họ giữ chỗ đứng của họ trong sự tồn tại của đảng cộng sản. Tên tuổi của họ được gắn liền với lịch sử đảng cộng sản.

         Ngay như Hà Sĩ Phu, không phải đảng viên, có nhiều ý kiến phê phán Đảng và nhà nước rất gay gắt nhưng vẫn cho “Đảng là con thuyền chở dân tộc đến bờ”. Một số người chống đối bày tỏ mục đích là muốn làm cho Việt Nam phú cường và mang sức sống mới lại cho Đảng Cộng sản. Bao giờ người trí thức Việt Nam phần lớn cũng đều dính liền với chánh quyền. Muốn vươn lên họ phải giữ sự trung thành với chế độ. Họ không dám mạnh dạng cất lên tiếng nói rõ ràng những điều họ muốn như thay đổi chế độ độc tài hiện tại để trở thành một chế độ dân chủ tự do thật sự, nên họ đã không tạo được sức mạnh xã hội để thúc đẩy một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam nhanh chóng. Một số khác có xu hướng chờ đợi sự phát triển kinh tế đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến sự thay đổi về chánh trị bởi sự phát triển kinh tế sẽ tạo nên một từng lớp trung lưu, với những quan tâm, những khát vọng, khác với nhà cầm quyền nên sẽ gây một sức ép lên chánh trị. Nhưng nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy giới trung lưu ở Việt Nam ngày nay, thành hình không phải          bên ngoài Đảng cộng sản, mà bên trong Đảng cộng sản, nên họ phải bảo vệ Đảng.

        Chế độ dân chủ thường chủ trương những cuộc cải cách về điền địa để giảm bớt khoảng cách giữa địa chủ và nông dân không có đất cày nên địa chủ có xu hướng làm cản trở tiến trình dân chủ. Ở Việt Nam ngày nay, địa chủ lại là đảng viên, cán bộ. Họ đứng về phía chế độ để bảo vệ quyền lợi của họ, nay đã gắn liền với chế độ.

        Đâu đó nông dân nỗi dậy nhưng vẫn chưa đủ tạo thành lực lượng tranh đấu cho dân chủ vì thiếu tổ chức.

         Trong giới thợ thuyền ở các thành phố lớn có nghiệp đoàn công nhơn nhưng do Đảng tổ chức và lãnh đạo nên họ không có thực quyền tranh đấu cho chính quyền lợi công nhơn.

         Còn tư sản chỉ mới xuất hiện và lại phụ thuộc Nhà nước để có điều kiện và tư thế kinh doanh. Hiện tại ở Việt Nam không có tư sản độc lập và mạnh.

         Các thành phần xã hội khác như công nhơn, viên chức, làm việc ở các xí nghiệp, ngoại quốc. Lẽ ra họ phải được độc lập nhưng họ lại cũng phụ thuộc vào nhà cầm quyền để có việc làm và giữ việc làm giống như giới tư sản.

        Còn những người được dịp đi ra nước ngoài chỉ thấy sự khác biệt về giá cả hàng hóa nên cũng không đem về những thông tin có giá trị về các mặt của đời sống ở nước dân chủ. Trong lúc đó, nhà nước cộng sản không thật sự mạnh vì không được toàn dân ủng hộ, nhưng vẫn tồn tại nhờ ở công an và quân đội sẳn sàng bảo vệ bằng bạo lực (được gọi là cách mạng)

         Tuy nhiên, ngày nay, ở Việt Nam mới xuất hiện một ít trí thức dũng cảm như Ls Nguyễn văn Đài, Ls Lê thị Công Nhân, Ls Lê Công Định, Chủ xí nghiệpTrần Huỳnh duy Thức, Nguyễn Tiến Trung,…dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội. Họ hoàn toàn không lệ thuộc những điều kiện để bị trói buộc như những thành phần kia. Để dập tắt trước khi những thành phần ưu tú này có thể tác động xã hội thành phong trào lớn mạnh, nhà cầm quyền Hà Nội đã vội bắt bỏ tù những mầm non dân chủ này.

        2.2/ Chống đối từ phía những người cộng sản

        Những chống đối, phản kháng ở Việtnam xuất hiện không phải từ việc khẳng định các quyền lợi độc lập của các thành phần xã hội, mà từ xung đột bên trong bộ máy lãnh đạo và cầm quyền. Có thực hiện cải tổ chánh trị cũng chỉ liên quan đến việc đối phó với những xung đột bên trong nhà nước và đảng cộng sản, chớ không phải nhằm giải quyết sự xung đột giữa nhà nước và xã hội. Như một vài người chống đối đòi hỏi Quốc hội phải có nhiều quyền hơn, gồm nhiều chuyên viên hơn để đưa ra nhiều đề nghị cho đảng chọn lựa. Họ chưa đòi hỏi cơ bản như các cơ cấu chánh quyền phải độc lập với nhau và độc lập với đảng cộng sản.
      
        Tuy nhiên, có vài người đã đưa ra những phê phán và những đòi hỏi rõ ràng, quyết liệt. Cụ Hoàng    Minh Chính dứt khoát: “Cái gốc của bất hạnh Quốc gia là điều 4 Hiến pháp. Nó cho phép đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo. Như thế, đảng ở trên Quốc gia, trên dân tộc, trên hết”.

        Hay Phan Đình Diệu nhận xét: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng lý thuyết cộng sản và chủ nghĩa xã hội dựa vào giai cấp đấu tranh, kinh tế chỉ huy và độc quyền lãnh đạo của đảng đã mang lại quá nhiều tai ương cho đất nước”.
       
        Ở trong miền Nam, tư tưởng chống đối, đòi thay đổi dứt khoát về dân chủ. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một trường hợp điển hình.
        
        Ở Việt Nam thiếu sự có mặt của thanh niên sinh viên, chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ, trong hàng ngũ chống đối như ở Nam Hàn hay Nam Dương, bởi sinh viên ở các thành phố chỉ mới chiếm 2% dân số. Ngoài ra, họ phần lớn còn là con em của chế độ, hoặc ít ra, thuộc thành phần được ưu đãi nên họ không dám dấn thân, sợ mất cơ hội tốt cho tương lai.

         3.- Người Việt hải ngoại có thể đóng góp

        Những phê phán, chống đối chế độ ở Việt Nam chưa được đông đảo dân chúng hưởng ứng, bởi những điều này vẫn chưa có giá trị đại biểu cho quyền lợi thiết thực của họ, nên những người chống đối, phản kháng còn bị cô lập ngay tại chỗ. Những lập luận của những người chống đối hay bất đồng chánh kiến công kích chế độ, phê phán chủ nghĩa Măc-lê, tư tưởng Hồ chí Minh, đối với dân chúng, không có gì khác hơn tiếng nói của Cơ quan Thông tin Văn hóa ra rả tuyên truyền về chế độ mà họ từ lâu đã thờ ơ. Về phía những người chống đối vẫn thiếu sáng kiến vận động xã hội mà lại còn thiếu sự liên lạc, sự phối họp giữa họ với nhau nữa.
        
        Họ phải được giúp tạo môi trường thảo luận ở trong nước và với ngoài nước, và những cuộc gặp gỡ nhau. Hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương lập “Hội nhơn dân ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng” là việc làm rất hay, nhưng đảng cộng sản thấy ngay hiểm họa ở đó nên đã dẹp bỏ và còn bắt người đề xuất. Thật ra, tổ chức này chỉ mới kết nạp những người gốc trong đảng, chớ chưa được bên ngoài xã hội tham gia.
        
        Hải ngoại cần phải chuyển tải về trong nước các lý thuyết chuyển đổi theo dân chủ, những kinh nghiệm thay đổi ở Đông Âu năm 89-90, ở các nước độc tài Á-rặp hồi đầu năm nay, ôn hòa, không bạo động mà thành công. Tìm cách giúp những người ở trong nước hiểu biết về xã hội dân sự, quyền lực của những người không có quyền lực, những bài học về những phong trào tranh đấu dân chủ trên thế giới, những khuôn mặt lãnh đạo gương mẫu để kích thích và động viên tinh thần những người ở Việt Nam.

         Vì thiếu thông tin, những người thức tỉnh cũng không dám quan hệ với những người công khai tranh đấu. Người Việt hải ngoại nên chuyển tải về nước thật nhiều thông tin về công               cuộc tranh đấu dân chủ, uy thế mạnh của dân chủ bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm của người dân, về xã hội công bình, khả năng yểm trợ và binh vực dân chủ của cả thế giới ngày nay.                                                 
        
        Những việc làm cụ thể và nhỏ nhưng tác động rất lớn đối với xã hội như trước đây có lần Nguyễn Khắc Toàn làm đơn giúp nạn nhơn của chế độ đi khiếu kiện, Phương Nam đứng chụp hình chung với dân chúng Quận Bình Thạnh đi ra Hà nội kiện thưa chánh phủ trung ương.
        
        Trong việc đấu tranh cho dân chủ ở Việtnam vần còn thiếu lý thuyết về dân chủ để thay thế thứ dân chủ xã hội chủ nghĩa, nên Phạm Vũ Bình dịch “Dân chủ là gì ?” của Huê kỳ làm Hànội sợ hãi, nên bị ở tù dài hạn hơn nhiều người khác..
        
        Trong những thông tin ấy đừng để thiếu báo động với đồng bào trong nước rằng Việtnam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Đây là một thực tế. Mất nước lần này không có nghĩa là mất chánh quyền, mà là mất hết tất cả: đất đai, sông núi và dân tộc. Việtnam sẽ trở thành một tỉnh lẻ của Tàu. Trước 30/4/75, chúng ta thấy mất nước vì đồng minh “tháo chạy”, Việt cộng tràn ngập từ cao nguyên xuống đồng bằng. Ngày nay, mất nước vì chế độ độc tài toàn trị Hànội đã thoả hiệp với kẻ cướp nước trong tinh thần “phe xã hội chủ nghĩa anh em” (lãnh đạo ở Hànội từng tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa: “thà giao cho Trung quốc anh em còn hơn để cho bọn ngụy Saigon chiếm giữ”), và, quan trọng vô cùng, toàn xã hội mất sức đề kháng vì bị hệ thống xã hội chủ nghĩa phá hoại từ 2/9/45.
        
        Chúng ta hãy nhìn lại tiền lệ: Mông Cổ, Tây Tạng và Đài Loan, và cũng đừng quên một trường hợp minh thị chủ quyền mới của Bắc triều trên lãnh thổ Việtnam khi Giang Trạch Dân qua Việt Nam tắm biển Hội An không cần thông báo Hànội, không cần hộ vệ an ninh.
        
        Dân chủ hoá chế độ là để thực hiện đoàn kết toàn dân, động viên sức đề kháng dân tộc trên toàn diện.
     
        Trong việc chuyển tãi thông tin về Việtnam, chúng ta đừng quên vai trò của người Việt Đông Âu bởi mối liên lạc của họ với Việtnam rất bén nhạy.
        
        Còn một việc làm cụ thể nữa để thâu phục nhơn tâm và giới hạn ảnh hưởng của Hànội. Ở một số quốc gia thuộc Đông Âu cũ, ngày nay là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, có đông đảo người Việt sanh sống. Họ đến từ miền Bắc và đại bộ phận trong tình trạng không hợp lệ. Hoặc họ đến theo đoàn du lịch và ở lại luôn hoặc họ mua giấy tờ ở công an Hànội, tới Mạc-tư-khoa, rồi bằng đường bộ, lẻn tới các nưóc Đông Âu cũ như Balan, Tiệpkhăc,… Các quốc gia này chưa có qui chế ngoại kiều cho những người Việt Nam đang sanh sống tại đây. Họ cứ sống như vậy và làm ăn vô cùng vất vả, nhưng lại được tự do, tuy tự do tạm. Họ không phải lo sợ chánh quyền sở tại mà lại lo sợ toà Đại sứ Hànội. Một thứ lo sợ kinh niên bám theo họ từ Việt Nam. Giải quyết nỗi lo sợ này, họ phải tỏ ra “biết điều”, tức nộp tiền hối lộ định kỳ cho nhơn viên toà Đại sứ. Nếu vận động các dân biểu, chánh giới ở đó ban hành được một qui chế tạm thời nhìn nhận sự có mặt của những người Việt này để họ yên tâm làm ăn, sanh sống thì phía tranh đấu dân chủ Vi        ệtnam sẽ có thêm một lực lượng quan trọng.

        Nếu đề nghị này chưa thực hiện được thì ít ra một vấn đề cũng đuợc nhìn thấy hoặc được nhắc lại!
       
        Tạm kết

        Tranh đấu dân chủ hoá Việtnam ngày nay không còn là những vận động chánh trị, được hiểu theo nghĩa giành chánh quyền hay thay đổi chánh phủ mà chánh là để “cứu quốc tồn chủng”.                               
        
        Có dân chủ tự do, Việtnam mới giải quyết được thực tế thảm hại: xã hội bị phân hoá thành những mảnh vụn xung đột lẫn nhau (trong đảng, ngoài đảng - địa phương, giàu nghèo – cai trị/bị trị, …) làm cho nhơn tâm ly tán, đạo lý suy đồi, văn hoá tụt hậu chưa từng thấy (giáo dục, y tế,…)
   
        Chúng ta phải hiểu và làm cho nhơn dân trong nước hiểu rõ rằng chủ thuyết cộng sản và tư tưởng Hồ chí Minh hoàn toàn không có khả năng mở ra tương lai. Ở Âu châu và Liên xô cũ, cộng sản đã sụp đổ như thật sự nó chưa bao giờ xuất hiện.

         Ở Việtnam, nếu Hànội tiếp tục bám theo chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng Hồ chí Minh, tức tư tưởng Staline và Mao trạch Đông, thì không gì khác hơn đưa Việtnam tiến lên “ngàn năm nô lệ Bắc triều”!.