Bất đồng xung quanh việc xây đập thủy điện trên sông Mê Kông |
Tác Giả: Minh Anh | |||
Thứ Năm, 21 Tháng 4 Năm 2011 08:22 | |||
Về vấn đề môi trường, hôm nay nhật báo Le Monde có bài viết « Bất đồng xảy ra quanh việc xây đập thủy điện trên sông Mê Kông ». Bài báo cho biết, việc Lào cho tiến hành xây đập Xayaburi trên sông Mê Kông, nằm trên vùng cao nguyên của Lào, đã gây căng thẳng giữa bốn nước trong khu vực Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Lào. Chính phủ Việt Nam quan ngại cho hệ quả của việc xây đập sẽ có những tác động nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản trên sông Mê Kông. Các trang trại cá phải đối mặt với khả năng lượng nước đổ về đồng bằng sẽ bị giảm xuống. Đó là chưa nói đến hiện tượng nhiễm mặn trên các diên tích trồng trọt. Hai cậu bé đánh cá trên dòng sông Xe Bang Fai River (Lào). Các chuyên gia môi trường nhận định rằng, xây đập giữ nước có nguy cơ gây ra tăng sinh các loài thực tảo và tạo trầm tích bùn ngay tại hồ trữ nước ; ngăn cản các loài cá lội ngược dòng trong mùa sinh sản. Nhất là, họ e ngại sự biến mất loài cá tra khổng lồ trên sông Mê Kông. Việt Nam kêu gọi tạm hoãn việc thi công trong thời hạn ít nhất 10 năm để xem xét kỹ các hệ quả của nó. Trên nguyên tắc, việc xây đập phải có ý kiến thông qua của 4 nước thành viên trong Ủy Ban sông Mê Kông – MRC (được thành lập năm 1995). Tuy nhiên, về phía Chính phủ Lào, họ vẫn cương quyết giữ vững lập trường, cho rằng Lào có đủ quyền quyết định thời điểm xây đập. Họ cũng khẳng định rằng, công trình này hoàn toàn tôn trọng việc bảo vệ môi trường, và việc xây dựng sẽ không có tác động đáng kể nào. Theo Le Monde, tổng số vốn đầu tư cho công trình này là 3,8 tỷ đô-la (tương đương với 2,6 tỷ euro), Lào hy vọng sẽ thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Điều trớ trêu là, mặc dù Thái Lan cũng tỏ ra lo ngại các tác động của việc xây đập đến môi trường, nhưng họ sẽ tài trợ một phần vào dự án này bằng cách mua lại 95% lượng điện sản xuất ra. Trong bối cảnh phát triển chung của Đông Nam Á, lượng tiêu thụ điện sẽ gia tăng từ 6% đến 7%/ năm từ đây đến 2025, trong đó, Thái Lan và Việt Nam, hai nước mạnh nhất về kinh tế trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bất chấp thảm họa hạt nhân Fukushima, Thái Lan và Việt Nam vẫn tuyên bố chương trình xây dựng các trung tâm hạt nhân của mình. Riêng về phần Lào, một đất nước nằm lọt thỏm giữa các vùng miền núi với khoảng 6 triệu dân, bằng dự án đập thủy điện Xayaburi với công suất ước tính khoảng 1.260 MGW, Lào mơ ước trở thành « bộ pin điện » cho cả khu vực, và thoát khỏi đói nghèo khi ước đoán sự tăng trưởng 8% mỗi năm, nhờ vào nguồn thu từ thủy điện. Đối với Lào, thủy điện là một nguồn năng lượng xanh 100%, một loại năng lượng thay thế cho các lò nhiệt điện ô nhiễm. Cuối cùng, Le Monde trích dẫn một nhận định trong bản báo cáo của MRC, đánh giá hiệu quả của việc xây đập : « trong điều kiện hiện tại, thì bể chứa nước sẽ mất đi 60% các khả năng của nó trong vòng 30 năm nữa, do đất tích đọng lại ».
|