Qua vụ án TS Cù Huy Hà Vũ: Tín hiệu yêu nước |
Tác Giả: Nguyễn Văn Tuấn | ||||
Thứ Sáu, 08 Tháng 4 Năm 2011 06:13 | ||||
Tín hiệu của phiên tòa một lần nữa khẳng định rằng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người Việt yêu nước chân chính.
Đi công tác xa về thấy tin tức dồn dập về phiên tòa xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Không thể không quan tâm đến sự kiện quan trọng, có thể nói là mang tính lịch sử này. Tín hiệu của phiên tòa một lần nữa khẳng định rằng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người Việt yêu nước chân chính. Nguyễn Văn Tuấn
Tín hiệu từ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ rõ ràng là một người chính trực, tự tin bằng tri thức của mình, và nhất quán giữa lời nói và việc làm. Cách ông xuất hiện trước tòa và phía ngoài phiên tòa với trang phục nghiêm chỉnh, sắc diện sáng ngời, nhìn thẳng vào quan tòa, tất cả hành vi và thái độ khẳng định với công chúng rằng đây là một con người kiên định lập trường, một người hoàn toàn tin vào việc mình làm. Nhìn tấm hình ông bị điệu ra khỏi tòa án với hai nhân viên công an áp tải (cùng 5-6 người công an phía sau) tôi thấy ông thật hiên ngang, hai tay nắm đấm, dù trong tư thế bị còng; trong khi hai nhân viên công an lại có vẻ gượng ép, hờ hững với việc làm của mình, hình như sự có mặt của họ cũng là thừa [2]. Đó là một tấm ảnh rất đẹp. Đọc qua bản tự bào chữa 10 điểm của Tiến sĩ Hà Vũ, người đọc khó có thể bắt bẻ – chứ chưa nói đến chuyện bác bỏ – logic và lý luận của ông. Ông là người mà lời nói và việc làm đều nhất quán nhau và minh bạch. Trước cũng như trong phiên tòa, ông bày tỏ những quan điểm nhất quán. Một số người không “mặn mà” với cách nói và viết của ông (mà họ cho là “ngông”), nhưng hình như họ lẫn lộn (hay đánh tráo) giữa hình thức và nội dung. Theo tôi, những quan điểm và ý kiến của Tiến sĩ Hà Vũ thể hiện ông là người yêu nước, yêu dân sâu sắc. Làm sao có thể phản bác câu nói này của ông: “Hòa hợp, hòa giải dân tộc là biết tôn trọng và tốt hơn nữa, biết nhân nhượng những quan điểm chính trị khác biệt, kể cả đối lập để phụng sự Tổ quốc Việt Nam một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Nói cách khác, hòa hợp, hòa giải dân tộc là chấp nhận chung sống của các quan điểm chính trị khác biệt”. Làm sao có thể bác bỏ đề nghị “Ngày thống nhất đất nước” để diễn đạt ngày 30/4/1975? Do đó, Tiến sĩ Hà Vũ tuyên bố rằng ông chấp nhận bản án “trước dân tộc và trước nhân dân”, chứ không phải trước tòa án, là hoàn toàn nhất quán với những suy nghĩ của ông. Tín hiệu từ phiên tòa thì thật là buồn. Phía công tố viện (kiểm sát) không chứng minh được rằng bị cáo phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước”. Ngược với những phiên tòa mà chúng ta thường thấy, trong phiên tòa này, bên công tố viện và cả quan tòa không trình bày bằng chứng (rất quan trọng trong tòa). Những cái “bao cao su đã qua sử dụng” mất tiệt. Những tài liệu nhà chức trách nói là “phát hiện” có vẻ lạm dụng ngôn ngữ khoa học, bởi vì Tiến sĩ Hà Vũ công bố những bài viết đó từ rất lâu, có gì đâu mà phát hiện. Các Luật sư của bị cáo chỉ ra rằng việc không trưng bày bằng chứng là hành động vi phạm pháp luật. Tòa án mà vi phạm pháp luật thì làm sao công chúng có thể tin vào bản án! Thử đọc một đoạn tường thuật trong phiên tòa: “Hiệp ‘xét hỏi’ tiếp tục bế tắc. Một bác hội thẩm ngồi im không nói một câu. Bác hội thẩm nhuộm tóc liên tục nhắc bị cáo: Bình tĩnh. Luật sư: Bình tĩnh. Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính liên tục rung chuông, liên tục nhắc nhở các Luật sư và bị cáo ‘dừng lại’. Một nữ đồng nghiệp chép miệng rằng có khi bác Chính phải ‘dừng lại’ đến 4-500 lần chứ không ít. Mình cũng đếm có phút, ông đã hơn 10 lần rung chuông, nhắc ‘dừng lại’. Và đỉnh điểm là trong phần xét hỏi, ông đã yêu cầu lực lượng cảnh sát tư pháp ‘mời’ LS Trần Vũ Hải ra khỏi tòa khi bị nhắc nhở “dừng lại: tới 3 lần, mà ông Hải vẫn tiếp tục nói. Phiên tòa nát vụn, bế tắc và căng thẳng có lẽ bởi sự không chịu nhau giữa hai bên […]” Ấy thế mà chỉ sau 6 giờ quan tòa và hội đồng xét xử đã đi đến phán quyết! Và, chỉ cần không đầy 6 giờ, không trình bày bằng chứng, người ta có thể gửi một vị Tiến sĩ tài hoa vào ngồi tù 7 năm trời. Quá bất bình thường. Người nước ngoài chắc khó tin rằng một phiên tòa đã diễn ra một cách bất bình thường như thế! Phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ năm 2011 rất khác với phiên tòa xử Tống Văn Sơ (tức cụ Hồ) ở Hồng Kông 80 năm trước. Phiên tòa xử cụ Hồ kéo dài đến hơn 1 tháng trời, từ ngày 31/7/1931 đến ngày 12/9/1931, để cuối cùng thì Chánh án phải thú nhận rằng việc bắt giam ông Tống Văn Sơ là bất hợp pháp, cách lấy cung không đúng thủ tục, và chính quyền Hồng Kông đã ngụy tạo hồ sơ hỏi cung (xem chungta.com). Ở đây, tôi không so sánh nội dung và bản chất giữa hai phiên tòa năm 2011 và 1931, nhưng chỉ muốn so sánh thủ tục xét xử để thấy rằng phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là không bình thường. Chẳng những tín hiệu của phiên tòa buồn bã, mà còn … nhiễu. Đọc tường thuật về những sóng điện thoại và sóng truyền hình bị nhiễu mà thấy buồn nôn. Những tin này làm tôi nhớ đến phiên tòa xử ông Trần Huỳnh Duy Thức ở TPHCM cũng có những “sự cố” kĩ thuật như thế. Hai phiên tòa cách nhau đến gần 2 năm, nhưng sự cố kĩ thuật xảy ra sao mà giống nhau đến khó tin. Ngay cả qui luật số lớn (law of large number) cũng không thể nào giải thích được đây là sự cố ngẫu nhiên. Không ngẫu nhiên có nghĩa là tín hiệu. Tín hiệu có nghĩa là mang tính hệ thống. Nên chăng phải hiểu rằng tín hiệu nhiễu từ phiên tòa thật ra là tín hiệu có hệ thống. Người ta phải dùng đến kĩ thuật gây nhiễu một cách có hệ thống thì đủ biết sự thiếu tự tin và tuyệt vọng như thế nào của bộ máy được trao quyền mang “phép nước lệnh vua” trước các đối tượng là “bị cáo”. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị tòa tuyên án phạt tù vì tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trước đây khoảng 2 năm, một trí thức và doanh nhân thành đạt tên là Trần Huỳnh Duy Thức cũng đi tù với tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cùng tội danh, nhưng mức phạt thì khác nhau. Một người chịu án 7 năm tù, một người 16 năm. Sự khác biệt về mức phạt có thể là tín hiệu hệ thống, nhưng cũng có thể là nhiễu. Ai cũng biết tòa án và luật pháp Việt Nam còn nhiều bất cập. Báo chí phản ảnh nhiều lần rằng rất nhiều quan tòa chưa bao giờ được đào tạo chính qui về luật pháp (hoàn toàn khác với ở nước ngoài tất cả quan tòa đều xuất thân luật sư với uy tín xã hội và kinh nghiệm lâu năm). Các chánh án ở Việt Nam được bổ nhiệm do cơ cấu của “tổ chức”, và nhiều khi hành xử theo lệnh từ “trên”. Với một hệ thống như thế, có lẽ không ai ngạc nhiên khi thấy các phán quyết của tòa án có nhiều yếu tố nhiễu. Trong vài năm gần đây, có nhiều người đi tù vì tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khái niệm “chống” có khi rất tương đối [3]. Không ít người nhập nhằng giữa Nhà nước và đất nước, và hiểu rằng chống Nhà nước đồng nghĩa với chống đất nước, chống dân tộc. Nhưng Nhà nước không phải là đất nước. Nhà nước chỉ tạm thời, đất nước và dân tộc là vĩnh viễn. Martin Luther King và hàng triệu người chống Nhà nước Mĩ, nhưng là người yêu nước Mĩ. Cũng như trước đây, nhà cầm quyền Việt Nam nói rất rõ rằng họ chống Nhà nước Mĩ, chứ không chống dân Mĩ. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có những ý kiến có thể rất khó nghe đối với Nhà nước, và ông đi tù vì những ý kiến đó, chứ không đi tù vì chống đất nước Việt Nam. Người ta có thể không đồng tình với cách thể hiện quan điểm và ngôn ngữ của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (có người còn thậm chí mỉa mai, dè bỉu ông), nhưng khó có ai có thể không thấy rằng ông là một người yêu nước. Nếu bất đồng chính kiến là hình thức yêu nước cao cả nhất (mượn cách nói của sử gia Howard Zinn: Dissent is the highest form of patriotism) thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng ông là một người yêu nước chân chính. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ xứng đáng được đặt tên Tiến sĩ Cù Huy Ái Quốc. N.V.T. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN Ghi thêm: [1] Có người không muốn gọi ông Cù Huy Hà Vũ bằng danh xưng “tiến sĩ” của ông. Lại có người gọi ông một cách xách mé. Nhưng tôi muốn kính cẩn gọi Cù Huy Hà Vũ là “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”, vì đó là học vị thật [không phải giả] của ông, và ông có quyền được gọi như thế. [2] Nếu không biết đây là tòa án Hà Nội, người ta có thể lầm tưởng rằng đây là tòa án ở Trung Quốc vì đồng phục công an Việt Nam sao mà giống y chang đồng phục công an Trung Quốc. [3] Diễn giải thế nào là “chống Nhà nước” chỉ mang tính tương đối, tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân, chứ có khi nào dựa vào những tiêu chuẩn có cân đo đong đếm. Tính tương đối còn tùy thuộc vào thời gian và không gian. Ông Nelson Mendela cũng từng bị đi tù vì chống nhà nước, nhưng ai cũng biết ông ấy là một người yêu nước. Có người trong thời kì bôn ba làm chính trị thì bị tố cáo là “khủng bố”, nhưng khi giành được chính quyền thì “chức danh” đó được nhường cho một chức danh khác (như tổng thống hay chủ tịch — chẳng hạn như trường hợp Arafat).
|