Chia Sẻ Niềm Đau Tai Họa Với Người Dân Nhật |
Tác Giả: Nguyên Tâm (Nhật Bản) | |||
Thứ Tư, 30 Tháng 3 Năm 2011 07:43 | |||
Trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản vào ngày 11/3 vừa qua với những cơn sóng thần khủng khiếp đã tàn phá tan hoang cả một vùng duyên hải của miền Đông Bắc nước này và làm hơn 28.000 người thiệt mạng hay mất tích.
Đây là một thiên tai thê thảm với con số hy sinh nhân mạng cao như vậy và thiệt hại vật chất được ước tính là khoảng 250 tỷ Mỹ kim mà cần phải mất 5-10 năm mới có thể khôi phục được. Ngay sau đó, do những hư hỏng về thiết bị và hệ thống điện vận hành gây ra bởi trận động đất và sóng thần, tai nạn của nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 đã xảy ra làm phát nổ lần lượt 4 tòa nhà chứa lò nguyên tử của nhà máy và làm phát tán phóng xạ liên tục ra môi trường chung quanh. Trước nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, chính phủ Nhật Bản đã phải thông báo cho dân chúng rời khỏi khu vực bán kính 30 km bao quanh nhà máy điện nguyên tử này. Như vậy Nhật Bản đang phải gánh chịu hai tai họa kế tiếp nhau, tai họa động đất cùng sóng thấn và tai họa phóng xạ do nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Hai tai họa xảy ra cùng lúc này đã làm cho vô số gia đình còn sống sót trong vùng phải rời bỏ nhà cửa quê quán để đi tị nạn trong các cơ sở công cộng như trường học, vận động trường v.v… tại các vùng khác. Con số người dân Nhật đang phải đi sống tị nạn tại các vùng khác trong nước là khoảng 250.000 người. Hình ảnh những bệnh nhân được nhân viên cứu trợ cõng trên lưng, người tật nguyền, ông già bà lão phải bước khập khiễng ra đi tị nạn làm ai ai nhìn thấy cũng phải động lòng thương tâm. Trước những tai họa dồn dập đến với người dân Nhật như vậy, toàn thế giới, nhất là người bạn đồng minh Hoa Kỳ, hiện đang cực lực vận động những chương trình cứu trợ khẩn cấp. Nhưng có thể đây là lần đầu tiên những người dân Nhật phải rời bỏ quê quán đi tị nạn trong nước với một qui mô lớn như vậy, nhất là người dân từ vùng ô nhiễm phóng xạ không biết chắc chắn được ngày nào có thể trở về quê quán cũ. Chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm đau buồn của những tháng năm tị nạn cộng sản phải rời bỏ quê cha đất tổ vào những năm 1955 và 1975, nên cảm thông được với những buồn bực và khổ sở thiếu thốn hàng ngày của họ trong cuộc sống tị nạn hiện nay. Sau năm 1975, một số người Việt Nam chúng ta cũng đã đến tị nạn tại Nhật Bản và nhận được những sự giúp đỡ ân cần của người dân địa phương cùng các tổ chức từ thiện Nhật Bản. Từ những hỗ trợ căn bản này, một số người Việt tị nạn nay đã tạo ra được sự nghiệp để sinh sống tại đây. Tuy sau đó, vì những lý do kinh tế, chính phủ của Đảng Tự Do Dân Chủ Nhật Bản trước đây đã dành viện trợ ODA cao nhất cho Việt Nam qua hơn một thập niên, vô tình giúp cho Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) củng cố việc duy trì chế độ cộng sản độc tài chuyên chế và tạo môi trường cho các lãnh đạo và nhóm thân cận của ĐCSVN tận tình tham nhũng để tậu lấy sự giàu sang, nhưng chúng ta không lấy những điều đó để giảm bớt lòng cảm thương cho người dân Nhật trong cơn tai họa này. Hiện nay các tổ chức quốc tế hay địa phương trên khắp thế giớI đang thực hiện những chương trình cứu trợ nạn nhân của trận động đất kinh hoàng này. Nếu chúng ta có thể đóng góp phần nào tài chính hay vật chất vào các chương trình cứu trợ này thì đó là chuyện nên làm. Trường hợp không có khả năng thì chúng ta cũng nên dành một phút mặc niệm xâu xa cho những nạn nhân xấu số và cảm thông với nỗi đau thương của các gia đình lâm nạn. Chúng ta cầu mong cho tai họa đau thương này trôi qua nhanh, để các gia đình lâm nạn trong trận động đất vừa qua tại Nhật Bản sớm được có ngày cùng nhau êm ấm hạnh phúc.
|