Cách Mạng Libya Sẽ Đi Về Đâu? |
Tác Giả: Thiện Ý | |||||
Thứ Ba, 22 Tháng 3 Năm 2011 08:30 | |||||
Trên thực tế, cuộc cách mạng của nhân dân Libya thành công hay thất bại đang là một thách đố không chỉ giữa nhân dân với các nhà độc tài tại các nước vùng Trung Cận Đông , mà còn là thách đố giữa nhân dân với nhà cầm quyền các nước có chế độ độc tài các kiểu.
Sau cuộc cách mạng Hoa nhài thành công ở Tunisia, lật đổ được chế độ độc tài của Tổng Thống Ben Ali đã là nguồn cảm hứng cho nhân dân Ai Cập làm cách mạng thành công lật đổ được chế độ của nhà độc tài Hosein Mubarak.Sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ tại hai nước này đã gây được sự phấn khởi và tin tưởng của nhân dân các nước khác trong vùng Trung Cân Đông có chung số phận bị cai trị dưới ách các chế độ độc tài kéo dài nhiều thập niên, như Yemen, Jordan, Ai Cập, Algeria, Iran, Libya … Thế nhưng, niềm hy vọng như bị khựng lại và sự lo âu đang lớn dần trong lòng nhân dân Libya khi cuộc cách mạng đầy khí thế và triển vọng lúc đầu, nay tình hình thực tế đang diễn biến theo chiều hướng xấu, ngày càng bất lợi cho cuộc cách mạng của họ nhằm lật đổ chế độ của nhà độc tài Mumamar Ghaddafi áp đặt hơn 40 năm qua. Vì sao? Là vì, khác với hai cuộc cách mạng của nhân dân Tunisia và Ai Cập, sự thành công mau chóng nhờ áp lực bên trong cũng như bên ngoài có hiệu quả thực tiễn.Áp lực bên trong là từ các cuộc biểu tình quyết liệt của quần chúng lại được nội bộ của giai cấp cầm quyền cách này hay cách khác, gây áp lực buộc được Tổng Thống Mubarak phải từ chức. Nhất là quân đội Ai Cập, chỗ dựa của nhà cầm quyền độc tài Mubarak thì đứng trung lập, không quay súng bắn vào nhân dân, để bảo vệ chế độ. Trong khi, quân đội Libya thì khác, vẫn trung thành với Tổng Khaddafi, nên ngay từ đầu đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của nhân dân khiến hàng trăm người chết và bị thương và sau đó tiếp tục bằng mọi phương cách kể cả dùng máy bay ném bom, xe tăng và vũ khi các loại tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát các thành phố mà cuộc cách mạng của nhân dân đã giành được, khởi đi từ thành phố Benghazi đầu tiên, đã hoàn toàn lọt vào tay cách mạng vào ngày 21-2-2011 để một tuần sau ngày 27-2-2011 Hội đồng Quốc gia Libya được thành lập như một chính phủ lâm thời để lãnh đạo đất nước, và để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Về áp lực bên ngoài của quốc tế, cụ thể như tổ chức Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc cực trong nhóm G. 8, các quốc gia trong tổ chức Liên Âu, Liên Đoàn Ả Rập Thống Nhất…Tất cả chỉ mới đưa ra các lời thúc đẩy, đe doạ kèm các biện pháp có thể trừng phạt, nếu đã có hiệu quả khiến Tổng Thống Ai Cập Mubarak mau chóng từ chức, thì thực tế hiệu quả lại trái ngược đối với Tổng Thống Libya Khaddafi, không những không từ bỏ quyền hành mà còn hành động điên cuồng dùng bạo lực đàn áp cuộc cách mạng của nhân dân. Đứng trước thực tế trên, câu hỏi được đặt ra là, cuộc cách mạng của nhân dân Libya sẽ đi về đâu? Trên thực tế, đáp án cho câu hỏi trên tùy thuộc vào những gì được thực hiện theo cách mô tả của hai cụm từ tiếp theo sau trạng từ Nếu và Vì. Rằng cuộc cách mạng của nhân dân Libya sẽ đi đến thành công, NẾU các cuờng quốc cực đóng vai trò trung tâm quyền lực thế giới, thông qua các tổ chức quốc tế toàn cầu hay khu vực, như Liên Hiệp Quốc,Cộng đồng Châu Âu… mau chóng thống nhất quan điểm và thực hiện kịp thời biện pháp can thiệp hữu hiệu vào tình hình Libya, để giúp Hội Đồng Quốc Gia Libya và nhân dân Libya chặn đứng, đẩy lùi các cuộc tấn công tàn bạo của quân đội Khaddafi tiến đến tiêu diệt hoàn toàn chế độ độc tài Khaddafi. Vì tương quan lực lượng không cân sức về trang bị vũ khí, kinh nghiệm chiến đấu giữa lực lượng quần chúng cách mạng ô hợp và quân đội nhà nghề, lính đánh thuê của Khaddafi, rất cần sự tiếp trợ từ quốc tế mới bảo vệ được thành quả của cách mạng và đưa cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân Libya đến thành công. Trên thực tế, cuộc cách mạng của nhân dân Libya thành công hay thất bại đang là một thách đố không chỉ giữa nhân dân với các nhà độc tài tại các nước vùng Trung Cận Đông , mà còn là thách đố giữa nhân dân với nhà cầm quyền các nước có chế độ độc tài các kiểu.Nghĩa là, nếu cách mạng Libya thành công, sẽ tạo tiền đề thành công cho các cuộc cách mạng của nhân dân trong vùng Trung Cân Đông và các nước có chế độ độc tài. Trái lại, nếu cách mạng Libya thất bại, cách mạng dân chủ của nhân dân vùng Trung Cận Đông sẽ bị khựng lại, phong trào cách mạng dân chủ trên toàn thế giới trong đó có cách mạng dân chủ tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì bè lũ các nhà độc tài sẽ ngoan cố và tự tin hơn trong các biện pháp dùng bạo lực để trấn áp các cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân. Có lẽ chính vì sự thách đố này, Thứ năm 17-3 tuần qua, với 10 phiếu thuận, 5 phiếu trắng và không có phiếu chống nào, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn đề nghị thiết lập một khu vực cấm bay trên không phận Libya để bảo vệ thường dân và phe nổi dậy, chống các cuộc không kích của nhà cầm quyền Khaddafi. Nghị quyết này cho phép các thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân, kể cả lệnh cấm tất cả các chuyến bay không được bay ngang qua Libya. Trên thực tế, chỉ một ngày sau, Nghị quyết này của Liên Hiệp Quốc đã và đang được Hoa Kỳ, Anh Pháp và các nước khác trong Liên Minh Châu Âu triển khai thực hiện trong mấy ngày qua, bằng các cuộc không kích và bắn hoả tiễn vào các mục tiêu quân sự của chính quyền Khaddafi, như trận đánh phủ đầu nhằm triệt hạ khả năng xuất phát các cuộc tân công vào các lực lượng quân dân cách mạng (chứ không chờ đợi khi máy bay của quân đội Khaddafi xuất hiện trong “Khu vực cấm bay” mới tấn công) . Và như thế đã có dấu hiệu khởi đầu của quốc tế cứu nguy cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân Libya, tạo thế và lực đưa cuộc cách mạn dân chủ này đến thành công. Tât nhiên, sự thành công hay thành công đến mức độ nào của cuộc cách mạng vẫn tuỳ thuộc vào khả năng lãnh đạo của Hội Đồng Quốc Gia Libya và nhân dân Libya.Mặc dầu đã được sự hổ trợ bằng sự can thiệp quân sự trực tiếp của liên quốc gia, song với sự kháng cự có tính liều mạng của nhà độc tài Khaddafi, công luận vẫn lo ngại một cuộc nội chiến sẽ kéo dài, Lybya có thể bị phân đôi, nếu lực lượng quân dân cách mạng Libya không đủ sức tiêu diệt được chính quyền Khaddafi. Ngay cả khi đã lật đổ được chính quyền này, sự bất ổn vẫn có thể kéo dài nếu như Ông Khaddafi còn sống và theo đuổi một cuộc chiến tranh du kích để quấy phá… Tuy nhiên tục ngữ có câu “hai đánh một không chột cũng què” chính quyền Khaddafi không chỉ một mà đang bị cả chục nước “Bề hội đồng” như thế thì dù Khaddafi có cứng đầu cách mấy cũng khó mà bảo vệ được ngai vàng và cả mạng sống nữa để mà tiếp tục “trường kỳ kháng chiến”. Do đó vẫn có hy vọng cuộc cách mạng của nhân dân Libya sẽ sớm thành công để tht lập chế độ tự do dân chủ cho đất nước. Houston, ngày 21 thánng 3 năm 2011.
|